Tuy năm nay đã bước sang cái tuổi “bát thập cổ lai hi”, “xưa nay hiếm”, đôi tay đã run, đôi mắt nhìn không còn rõ nhưng đến những ngày lễ như Quốc khánh mùng 2/9, ngày 30 tháng 4, Ngày sinh Bác Hồ (19 tháng 5) và ngày Bác mất, ông nội tôi vẫn không quên việc lau chùi bức di ảnh Bác Hồ và thành kính thắp nén nhang dâng lên Người...
Bức ảnh Bác Hồ đã phai mờ theo thời gian nhưng với ông tôi đó là kỉ niệm, kỉ vật không bao giờ quên trong cuộc đời. Mỗi lần cầm bức ảnh là đôi mắt ông rưng rưng lệ, trầm ngâm nhớ lại một thời “vào sinh ra tử” khó quên. Những câu chuyện kể về ngày cầm súng nơi chiến trường, lần được gặp, được bắt tay Bác Hồ của ông luôn xúc động như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.
Bức ảnh Bác Hồ cũ kỹ này là kỉ vật của một người bạn cùng đơn vị khi ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Trước lúc hi sinh, người bạn trao lại cho ông với lời nhắn nhủ: “Hãy gìn giữ cẩn thận!”.
Ông tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chiến tranh chống Mỹ. Bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng mang tấm ảnh Bác Hồ theo bên mình. Hòa bình, ông tôi về quê hương tham gia thành lập nông trường. Và ông treo bức ảnh Bác Hồ ở vị trí cao nhất của gian thờ trong căn nhà tranh đơn sơ. Nhiều người hỏi ông: “Sao lại làm thế? Vị trí đó là của tổ tiên mà?”. Ông chỉ cười và nói: “Không có Bác làm sao có ngày nay!”. Ông lại đặt thêm trong gia đình một lệ mới: Cứ ngày lễ lớn của đất nước là ông lại bày mâm cỗ cúng Bác. Nói là mâm cỗ, nhưng ông cũng chỉ có nải chuối, miếng trầu hay trái cây trong vườn cùng nén hương và lòng thành kính biết ơn Người.
Trong mỗi lần trò chuyện, ông tôi luôn nhắc nhở con cháu trong nhà dù “sa cơ lỡ vận”, rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được quên Tổ quốc, quên công ơn Hồ Chủ tịch. Ông hay nói với tôi mỗi lần nâng niu, lau chùi bức ảnh: “Mai này tao chết đi… đến ngày lễ, Tết tụi bay phải nhớ làm việc tao đang làm hôm nay, có thế tao mới an lòng xuống suối vàng!”.
Câu nói của ông làm con cháu trong nhà ai cũng rưng rưng nước mắt. Đi gần hết cuộc đời, trải qua nhiều gian nan, và hôm nay khi những căn bệnh của tuổi già đã lấy đi gần hết sức khỏe, ông tôi vẫn còn nỗi lòng canh cánh bên mình. Ông sợ con cháu sẽ quên đi công lao của ông cha đổi lấy độc lập hòa bình, quên đi những truyền thống tốt đẹp, sợ mai này mình đi xa không ai lau chùi và thắp nén nhang thành kính lên Bác Hồ thay mình...
Nhìn ông nội với mái tóc bạc trắng nâng niu bức ảnh Bác Hồ trên đôi tay run, mắt tôi bỗng ướt đẫm lệ, ôm chầm lấy ông. Tôi thầm hứa: Ông hãy an lòng, cháu sẽ không bao giờ quên những lời ông căn dặn hôm nay...
NGUYỄN VĂN THÀNH
Lớp Báo chí K29 - Trường ĐHKH Huế
Kim Yến(st)