Từ năm 1989 đến nay, ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã 7 lần tặng tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ kính yêu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tháng 8/2016, ông tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đợt tư liệu tổng hợp mới nhất và phong phú nhất từ trước tới nay với  hơn 1.000 trang tư liệu, một số cuốn sách về Bác Hồ kính yêu mà ông dày công sưu tầm tại Đức.

ong Quyen a
Ông Trần Ngọc Quyên trao tặng các tư liệu, hiện vật quý về
Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

Từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm và tiếp nhận 1.153 ảnh, tài liệu, phim tư liệu, tác phẩm nghệ thuật, ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ các cá nhân, tập thể trong, ngoài nước và một số quyển sổ ghi chép các tặng phẩm lưu niệm liên quan đến Người và Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Trong đợt trao tặng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm nay, đáng chú ý là 123 đầu hiện vật, sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Đức, trong đó có bản sao 50 ảnh; 92 trang tư liệu; 5 cuốn sách bằng tiếng Đức và Bulgaria do ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức trao tặng.

Chia sẻ với Tạp chí Tuyên giáo, ông Trần Ngọc Quyên cho biết, ông đã sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đức với 4 mảng: Tư liệu viết, tư liệu ảnh, phim tài liệu, phát thanh, các tư liệu hiện vật. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Cộng hòa dân chủ Đức năm 1957 đã được ông thu thập gồm trên 300 trang tư liệu sao chụp từ bản gốc tại Bộ Ngoại giao của Đức, có đóng dấu xác nhận của Bộ Ngoại giao Đức. Đây là những hiện vật quý bởi chỉ sau khi hết thời hạn bảo mật, chúng ta mới được phép tiếp cận.

Một mảng tư liệu khác đáng chú ý được ông Trần Ngọc Quyên thu thập là toàn bộ các văn thư trao đổi (điện, công hàm, thư từ…) giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam với Cộng hòa dân chủ Đức từ năm 1950-1969. Các nội dung  được sưu tầm đặc biệt tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích của Hồ Chí Minh tại nơi Người đến thăm.

Ông Trần Ngọc Quyên kể lại, sau khi nghỉ hưu, ông đã quay trở lại Đức 4 lần, tiếp tục sưu tầm 90 bài báo tiếng Đức ở Trung ương và địa phương của nước sở tại khi viết về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 20 đầu sách tiếng Đức viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những cuốn sách quý như “ Cuộc khởi nghĩa vũ trang” do Quốc tế Cộng sản xuất bản lần đầu năm 1928 (tái bản năm 1971), có một chương do Nguyễn Ái Quốc viết như Công tác nông vận.

ong Quyen b
Ông Trần Ngọc Quyên

Ông cho biết: “Sách do các tác giả Đức viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh phần lớn là viết về tiểu sử, tiêu biểu nhất là cuốn sách “Hồ Chí Minh - một cuộc đời vì Việt Nam” của tác giả Manfred Stuhlmann  xuất bản năm 1960. Cuốn sách “Hồ Chí Minh - một biên niên sử” của tác giả Hellmut Kafenberger gần đây nhất cũng được dịch ra tiếng Việt”.  Ông cũng đã sưu tầm được bản thảo cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một cuộc đời vì cách mạng”, dự kiến xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, nhưng do những biến cố chính trị ở Đức nên không xuất bản nữa. Đây cũng là một trường hợp hy hữu và làm một tác phẩm đáng chú ý. Bên cạnh đó, hai tiểu luận “Hồ Chí Minh và nước Đức” do GS.TS Lulci và Th.S Friedrich viết “Hồ Chí Minh với nước Đức” cũng được ông trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tra cứu online, ông Trần Ngọc Quyên cũng đã  tìm được 39/205 tranh cổ động về chủ đề Việt Nam đã được số hóa, trong đó có 8 tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cộng hòa dân chủ Đức đã phát hành 9 bộ tem đoàn kết với Việt Nam, trong đó có bộ tem đặc biệt tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh một năm sau khi Người qua đời, phát hành 2/9/1970.

Về tư liệu phim tài liệu, ảnh và chương trình phát thanh truyền hình, ông chia sẻ: “Tại trung tâm ảnh của Thông tấn xã AND của Cộng hòa dân chủ Đức, tôi đã chọn được hàng trăm bức ảnh tiêu biểu về Việt Nam, trong đó là toàn bộ ảnh lưu hành chính thức về cuộc đi  thăm Cộng hòa dân chủ Đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957. Phóng viên Lehmann của nhật báo Sachsische Zeitung tỉnh Dresden đã cung cấp thêm cho tôi nhiều ảnh bổ sung về chuyến đi thăm tỉnh này của Bác. Những bức ảnh này không có trong bộ ảnh của Thông tấn xã AND”.

Theo tìm hiểu của ông, ít nhất tại 3 thành phố của cộng hòa dân chủ Đức trước đây có đường Hồ Chí Minh, có 6 trường học mang tên Hồ Chí Minh tại 4 thành phố. Tại các địa phương, có nhiều đội sản xuất và một đơn vị quân đội là Trung đoàn huấn luyện của Bộ đội biên phòng ở Berlin cũng từng mang tên Hồ Chí Minh. Ông đã kịp quay phim, chụp ảnh đường Hồ Chí Minh ở Berlin trước khi họ đổi lại tên cũ, sưu tầm được một số ảnh Lễ đặt tên đường Hồ Chí Minh ở Berlin, Dresden…, sưu tầm bản đồ, chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ khác của cơ quan công quyền trước khi thống nhất nước Đức năm 1990 in tên đường hoặc ghi địa chỉ là đường Hồ Chí Minh.

“Đặc biệt, năm 2014, khi đến tham quan bảo tàng quốc gia Đức ở thành phố Numberg, tôi tình cờ phát hiện ra tên đường Hồ Chí Minh trên bức tranh tường dạng phù điêu cực lớn (khoảng 5 x 10m) ngay trên bức tường chính diện của sảnh bảo tàng. Tôi rất xúc động và tự hào vì tin rằng, tên đường Hồ Chí Minh sẽ được khắc ghi và tồn tại mãi mãi tại một bảo tàng lớn cấp quốc gia của Đức”.

Một hình thức tôn vinh đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và tồn tại lâu dài khác ở Đức đó là Bia kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm các cháu học sinh Việt Nam tại Moritizburg. Đó là một biển đồng có kích thước khoảng 50 x 60 cm, trên đó có ghi: “Tháng 7-1957, tại đây, các em thiếu nhi Việt Nam đang học tập và sinh sống tại trường Kathe-Kollwitz-Helm đã chào đón Vị Chủ tịch của mình”. Năm 2014, ông Trần Ngọc Quyên cùng với một số anh chị em Việt kiều đã về Morizburg để làm ký sự về Bia kỷ niệm và đã hai lần gặp gỡ Ban Lãnh đạo của tổ chức Diakonie để thương thảo về dự án tôn tạo, mở rộng và bàn các biện pháp bảo vệ lâu dài Bia tưởng niệm.

Ông Trần Ngọc Quyên tâm sự: “Thực ra, việc tôi sưu tầm tư liệu, trước hết là ảnh và báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu ngay từ năm 1969 khi Người qua đời. Khi đó, lưu học sinh chúng tôi tại trường Đại học TU Dresden đã lập bàn thờ Bác để sinh viên và nhân dân địa phương đến viếng. Tiếp đó, Đảng ủy và Ban giám hiệu trường Đại học TU Dresden đã tổ chức lễ tưởng niệm  Bác. Ảnh chụp hai sự kiện này chính là những tư liệu ảnh đầu tiên của tôi về Bác. Tôi đã mua tất cả những tờ báo trung ương và địa phương của Đức những ngày đó, cũng như việc chụp ảnh nói trên lúc đầu chỉ với ý niệm lưu giữ làm kỷ niệm của cá nhân. Nhưng điều đó lại là cơ duyên đưa tôi đến việc miệt mài sưu tầm các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hệ thống và ngày càng phong phú hơn”.

Không chỉ sưu tầm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông còn mở rộng sưu tầm các tư liệu về quan hệ giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Đức, về phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ Đức nói riêng và nước Đức nói chung. Để có được những tư liệu đó, ông Trần Ngọc Quyên đã không tiếc thời gian, công sức, tìm đến các cơ quan  lưu trữ chính thức, các tổ chức đoàn kết với Việt Nam,  bạn bè của Việt Nam, nhất là những người đã từng công tác tại Việt Nam và có dịp gặp gỡ Bác Hồ.

Từ năm 1989 đến nay, ông Trần Ngọc Quyên đã 7 lần tặng tư liệu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tiếp theo đợt trao tặng tháng 8/2015, ngày 11/8/2016, ông đã vui mừng được tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh đợt tư liệu tổng hợp mới nhất và phong phú nhất từ trước tới nay với  hơn 1.000 trang tư liệu, một số cuốn sách về Bác Hồ kính yêu. Đây là những tư liệu quý nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã âm thầm lưu giữ tại Đức trong gần 50 năm qua, trải dài trong khoảng thời gian từ 1924 đến nay.

Ông cho biết, dù cho đây là đợt tặng tư liệu tổng hợp mới nhất và phong phú nhất về Bác Hồ, nhưng không có nghĩa là ông ngừng sưu tập tư liệu hiện vật về Bác. Sắp tới, ông sẽ hợp tác với Bảo tàng Hồ Chí Minh, khai thác những câu chuyện sinh động, lý thú qua từng tư liệu, hiện vật về Bác, ví dụ những bản tin mà Bác viết trên Thông tin Quốc tế cho Quốc tế Cộng sản 1924, tố cáo những tội ác của thực dân… Điều mà ông cho là khó khăn nhất khi sưu tầm những tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông có quá ít thời gian để tới các cơ quan lưu trữ tổng hợp tư liệu về Bác một cách đầy đủ và hệ thống.

Bên cạnh việc tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng  Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Quyên cũng đã tặng tư liệu, hiện vật cho bảo tàng cách mạng Việt Nam (nay là bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam), Bộ Ngoại giao, bảo tàng Phụ nữ, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), khu lưu niệm Nguyễn Du (Hà Tĩnh).

Qua những lần sưu tầm tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ, tình cảm thiêng liêng dành cho vị Cha già của dân tộc luôn đau đáu trong con người ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được nhân dân, dân tộc Việt Nam yêu quý và kính trọng, mà nhân dân, bạn bè Quốc tế cũng luôn kính trọng Người.

“Chuyến thăm của Bác tới Cộng hòa dân chủ Đức được Bạn dự thảo chương trình tới hơn 10 lần. Điều đó, chứng tỏ Bạn rất coi trọng, kính trọng Bác cũng như đất nước, dân tộc Việt Nam. Trong lịch trình dày đặc các hoạt động đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề nghị phải có những lần gặp gỡ, tiếp xúc với những người công nhân, nông dân, trí thức và đặc biệt là các em thiếu nhi ở nước sở tại. Đó là minh chứng sinh động nhất thể hiện sự gần dân, yêu dân của Bác Hồ”.

Hiện nay, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chắc chắn, những câu chuyện qua những tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là những minh chứng sinh động để việc học và làm theo Bác ngày thường xuyên và hiệu quả./.

Thu Hằng

Theo http://www.tuyengiao.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: