Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa và kết tinh những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại.
I. TỪ RẤT SỚM, HỒ CHÍ MINH ĐÃ TIẾP CẬN, AM HIỂU VÀ SỬ DỤNG KHÁI NIỆM QUYỀN CON NGƯỜI
Năm 1923, chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kể lại với nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái"(1). Trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử tập 1, cũng xác định lại điều đó một cách cụ thể hơn về thời gian và không gian là: Vào khoảng tháng 9-1905 tại trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, "Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái"(2).
Trong thời kỳ bôn ba hải ngoại, chậm nhất là vào những năm đầu thập kỷ 1920, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu kỹ và nắm vững nội dung một văn kiện rất quan trọng về quyền con người là "Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền" của Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Vì thế mà trong năm 1924, Hồ Chí Minh đã viết 2 bài báo(3) tố cáo 2 viên đại diện chế độ thực dân Pháp ở 2 thuộc địa của Pháp là Việt Nam và Marốc đã trắng trợn vi phạm và chà đạp quyền con người. Thuật ngữ: "Quyền con người" trong hai bài báo này đã được Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần với sự am hiểu sâu sắc về nội dung tư tưởng để lên án sự giả nhân giả nghĩa, "một tội đại bất kính", "trơ trẽn tuyệt vời" đối với "bản văn thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp" là Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền.
Cũng vào năm này, Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng quyền con người với một ý nghĩa phổ quát: "Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: Tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức"(4). Từ đó, Người đã động viên, kêu gọi những người dân nô lệ ở các xứ thuộc địa: "Để xứng đáng với quyền Con người và quyền Công dân, họ còn phải làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân nữa, nghĩa là phải tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó..."(5).
II. XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUYỀN CON NGƯỜI LÀ LÒNG YÊU NƯỚC THƯƠNG QUÝ TRỌNG CON NGƯỜI, QUAN TÂM ĐẾN VIỆC GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI, TẤT CẢ DO CON NGƯỜI VÀ VÌ CON NGƯỜI
Hồ Chí Minh đã từng viết trong bản Di chúc lịch sử: "Đầu tiên là công việc đối với con người"(6). Sở dĩ như vậy vì con người có vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội, như có lần Hồ Chí Minh đã khẳng định: "... Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả"(7). Chữ Người ở đây, theo Hồ Chí Minh, bao hàm cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng: "Nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỉ mà ta phảl kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quí, kính trọng, giúp đỡ... Phải thực hành chữ Bác ái"(8). Ở đây quan điểm của Hồ Chí Minh rất rõ ràng: Người coi bọn bán nước và bọn phát xít thực dân cướp nước không phải là người mà là "những ác quỉ" phải kiên quyết đánh đổ, còn "tất cả những người khác" đều là con người, là người, thì phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, thực hành chữ "Bác ái" là cái cốt lõi của đạo làm người. Như vậy, khái niệm NGƯỜI, CON NGƯỜI ở Hồ Chí Minh không chung chung trừu tượng mà vừa mang tính dân tộc và nhân loại, vừa mang tính giai cấp và cách mạng. Với quan niệm đó, con người có nghĩa là dân, là nhân dân.
Theo quan niệm truyền thống của dân tộc ta, Hồ Chí Minh thường nêu lên 3 yếu tố trong hoạt động xã hội là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà. Theo Người, ba yếu tố đó đều quan trọng cả, nhưng quan trọng nhất là nhân hoà, nghĩa là mọi người đồng tâm nhất trí. Nói đến nhân hoà là nói đến con người, nói đến nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định một tư tưởng có tính triết lý sâu xa: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân"(9). và Người đã từng khái quát về một quan niệm nhân sinh: "Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức"(10).
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh chính là một tấm gương cao đẹp nhất thể hiện lý tưởng vì hạnh phúc của nhân dân, vì con người và quyền con người. Giáo sư Trần Văn Giàu tôn vinh Hồ Chí Minh là một bậc hiền triết vì ông cho rằng: "Tầm cỡ của một hiền triết... chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó"(11).
III. QUYỀN CON NGƯỜI Ở MỖI CÁ NHÂN GẮN LIỀN VỚI QUYỀN THIÊNG LIÊNG CỦA CẢ DÂN TỘC
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và một câu trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của cách mạng Pháp nói về quyền con người của mỗi cá nhân. Người khẳng định: "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng không dừng lại ở đó, mà từ quyền cá nhân của mỗi con người, mỗi công dân, Hồ Chí Minh đã mở rộng và nâng cao hơn, Người long trọng tuyên bố: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(12).
Thật vậy, khi mất nước thì mỗi người dân cũng không có quyền con người mà chỉ là "vong quốc nô". Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần đau buồn thốt lên điều đó: "Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô"(13). "Chúng tôi chẳng có quyền gì cả, trừ quyền đóng thuế cho "mẫu quốc" Pháp... Chúng tôi là những người bị đô hộ. Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa..."(14). Đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ và lên án đanh thép với những bằng chứng cụ thể những tội ác tày trời chà đạp quyền con người của thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân nói chung trên mọi lĩnh vực ở Việt Nam và các thuộc địa khác của chúng. Do đó, chỉ khi giành được độc lập dân tộc thì quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng mới được thực hiện, mỗi dân tộc và mỗi con người mới được hưởng tự do và những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, đấu tranh giành độc lập dân tộc là cơ sở và điều kiện tiên quyết bảo đảm quyền con người cho nhân dân, cho từng cá nhân.
Ngay từ những năm 1919 trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm do Nguyễn Ái Quốc ký tên và gửi đến các nước Đồng minh thắng trận tại Hội nghị Vécxây (Pháp) đã thể hiện một khát vọng lớn bao trùm là: "Nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự".
Gắn quyền độc lập dân tộc thiêng liêng với tự do và quyền cơ bản của mỗi con người là một quan điểm đúng đắn, sáng tạo và là một cống hiến lớn của Hồ Chí Minh vào sự phát triển tư tưởng lý luận quyền con người.
IV. QUYỀN CON NGƯỜI ĐƯỢC BẢO ĐẢM VÀ THỰC THI BỞI NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN TIẾN BỘ
Ở Việt Nam, tư tưởng một Nhà nước pháp quyền vì con người đã được bắt đầu từ Hồ Chí Minh. Người đã sớm nhận thức được vai trò của pháp luật trong việc điều hành, quản lý xã hội cũng như trong việc ghi nhận và bảo đảm thực thi quyền con người.
Từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điều đã có tới 4 điều liên quan đến pháp luật, đặc biệt là điều 7: "Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Bản Yêu sách này sau đó đã được Hồ Chí Minh chuyển thể thành bài Việt Nam yêu cầu ca dưới dạng văn vần để cho mọi người Việt Nam lúc bấy giờ dễ học, dễ nhớ, dễ tuyên truyền. Và Yêu sách thứ bảy nói trên đã được mở rộng hơn, khái quát hơn diễn đạt thành 2 câu ca:
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"
Như vậy là từ hơn 80 năm trước đây khi nước ta còn là một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã am hiểu sâu sắc về nhà nước và pháp luật, và rất quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Năm 1926, khi vẫn còn đang bôn ba hải ngoại, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, nếu được độc lập, Việt Nam sẽ xếp đặt một hiến pháp lý tưởng về dân quyền, chú trọng bảo hộ quyền lợi của thợ thuyền. Tháng 8-1945, tình hình cách mạng rất khẩn trương, Hồ Chí Minh đã triệu tập Đại hội quốc dân Tân Trào. Dưới sự chỉ đạo của Người, Đại hội đã thông qua một nghị quyết có ý nghĩa lịch sử, trong đó "Ban bố những quyền của dân cho dân" bao gồm các lĩnh vực cơ bản:
- "Nhân quyền;
- Tài quyền (quyền sở hữu);
- Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền".
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập một ngày, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đầu tháng 11-1946, mặc dù khi thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng Hiến pháp mới - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước ta cũng đã được ra đời. Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa và nhận xét khái quát về bản hiến pháp này: "Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bình của các giai cấp.
Chính phủ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: Dân sinh, dân quyền và dân tộc".
Hiến pháp 1946 đã trang trọng ghi nhận 13 điều về quyền con người, quyền công dân, xác lập địa vị pháp lý của công dân gắn với dân tộc độc lập, khẳng định quyền và nghĩa vụ công dân trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong tình hình mới, Hồ Chí Minh cũng đã chủ trì soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi năm 1959. Hiến pháp 1959 có 21 điều nói về quyền con người, quyền công dân theo xu hướng ngày càng mở rộng quyền với một số quyền mới của công dân so với Hiến pháp 1946 (như quyền nhà ở, quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi, quyền học tập và tự do nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hoá, quyền khiếu nại tố cáo...).
Ngoài 2 bản Hiến pháp nói trên, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng bước xây dưng hệ thống pháp luật, công bố 16 đạo luật và gần 1.300 văn bản dưới luật khác nhằm bảo đảm thực thi ngày càng có hiệu quả quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội.
V. ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI TỰ DO HẠNN PHÚC CỦA NHÂN DÂN, GẮN VỚI DÂN CHỦ VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐÓ LÀ TƯ TƯỞNG TIẾN BỘ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ CỦA THỜI ĐẠI MỚI
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh đã nói trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng: "Nếu nước có độc lâp mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Chính vì vậy, "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" là sự "ham muốn tột bậc" của Hồ Chí Minh.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người thì không thể không nói đến tư tưởng dân chủ của Người. Dân chủ chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức độ cao nhất. Ở đây, con người đã vượt lên trên cái quyền tồn tại, vươn tới sự chủ động sáng tạo, thực hiện "quyền làm người" của mình. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ'; "Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân". Và cũng chính vì thế mà Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ của dân"; "Đảng ta là Đảng cầm quyền phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"; các cơ quan Đảng và Nhà nước là những "công bộc" của dân. "Đầy tớ", "công bộc" là những người phải biết và chỉ biết trung thành, tận tụy, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Tư tưởng dân chủ ở Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa những giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc ta kết hợp với sự tiếp nhận những tư tưởng nhân văn, tự do, bình đẳng, bác ái của văn hoá phương Tây. Tư tưởng dân chủ chính là cái cốt lõi nhất, bản chất nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, về con người, về quyền con người, quyền công dân.
Những tư tưởng về nhân quyền và dân quyền, "quyền lực là của nhân dân", "Nhà nước là của dân, do dân, vì dân", "Chính phủ là do nhân dân lập nên và có thể bị nhân dân phế bỏ" là những tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản thời kỳ đang lên, đang đóng vai trò là giai cấp cách mạng. Tư tưởng đó là sự tiến bộ vượt bậc so với tư tưởng quân chủ dưới chế độ phong kiến. Tuy nhiên, sau khi giai cấp tư sản giành được chính quyền, thiết lập được chế độ tư bản chủ nghĩa thì nhà nước tư sản ấy đã vi phạm một cách trắng trợn quyền con người, quyền công dân đã được tuyên bố trịnh trọng trong những bản tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng. Chính vì vậy mà từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh Hồ Chí Minh đã kết luận: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mạng tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân tộc, kì thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa".
Từ đó Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, để khỏi hy sinh nhiều lần, để giao quyền cho dân chúng số nhiều, để bảo đảm cho dân chúng được hạnh phúc. Cách mạng "làm cho đến nơi" chính là cách mạng vô sản, cách mạng XHCN - con đường duy nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bảo đảm thực hiện quyền con người.
Như vậy, ở Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, dân chủ, giải phóng con người gắn liền với CNXH. CNXH, chủ nghĩa cộng sản là nền tảng bảo đảm chắc chắn các quyền cơ bản của con người đã được Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định và khẳng định từ rất sớm: "Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc".
1. Hồ Chí Minh toàn tập, t.1. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.477.
2. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: "Hồ Chí minh - Biên niên tiểu sử", t.1, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 33.
3. Đó là 2 bài: "Ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn nhân quyền" và bài "Thống chế Liôtây và bản Tuyên ngôn nhân quyền". Xem Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, các trang 238 - 240 và 328 - 340.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, tr. 240.
5. Như trên, t.1, tr. 330.
6. Như trên, t.12, tr. 503.
7, 8. Như trên, t.5, tr. 241, 644.
9. Như trên, t.8, tr. 276.
10. Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr. 174.
11. Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.287.
12. Hồ Chí Minh, sách đã dãn, t.3, tr. 555.
13, 14. Như trên, t.1, tr. 477, 482.
Tạp chí Thông tin lý luận, số 7/2000
TS. Vũ Hùng
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người,
Học viện CTQG HCM
Huyền Anh (st)