Đúng 130 năm trước, vào tháng Hai năm 1886, các nghĩa sĩ phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, đứng đầu là Đinh Công Tráng, Phạm Bành… đã lựa chọn và xây dựng một căn cứ quân sự lợi hại trên đất đai ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê, thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ba ngôi làng Việt cổ truyền này, nổi trên đất vùng đồng chiêm trũng Nga Sơn, có ba ngôi đình, vị thế kiến trúc rất đặc biệt: Đứng ở đình làng này, đều trông thấy hai ngôi đình làng kia! Và, mỗi ngôi đình đều được xây dựng thành một đồn đóng quân: Đồn Thượng ở đình Thượng Thọ, đồn Trung ở đình Mậu Thịnh, đồn Hạ ở đình Mỹ Khê. Toàn khu căn cứ, vì thế được gọi là căn cứ Ba Đình. Và từ đấy, ra đời tên gọi danh giá: Khởi nghĩa Ba Đình.

ba-dinh
Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Ảnh: Khánh Linh.

Ngày 18-12-1886, quân khởi nghĩa Ba Đình đánh bại cuộc tấn công quy mô đầu tiên của thực dân Pháp vào căn cứ Ba Đình từ hai hướng: Hướng Tây Nam do tên Trung tá Mét-din-ghê (Metzinger) chỉ huy, hướng Đông Bắc do tên Trung tá Đốt (Dodds) chỉ huy, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Thất bại đau đớn, từ ngày 31-12-1886, giặc bắt đầu tổ chức bao vây căn cứ và nghĩa quân Ba Đình. Đầu tháng 1-1887, thực dân Pháp cử tên Đại tá Brít-sô (Brissaud) từng tham gia trận công phá thành Puebla ở Mê-hi-cô năm 1863, sang đảm nhiệm trận chiến đối phó với Ba Đình. Từ ngày 6-1-1887, Brít-sô huy động 78 sĩ quan và 3.530 lính tổ chức trận tấn công lớn thứ hai vào Ba Đình. Nghĩa quân Ba Đình gan dạ, bình tĩnh, dựa vào hệ thống công sự lợi hại, anh dũng chống trả, buộc địch phải rút lui, bỏ lại nhiều xác chết. Đêm 20-1-1887, sau hơn một tháng giữ vững Ba Đình, gây thanh thế vang dội, nghĩa quân chủ động mở cuộc phản công lớn, phá vỡ vòng vây của địch, rút lên căn cứ dự phòng Mã Cao (trên huyện Yên Định-Thanh Hóa). Ngày 21-1-1887, giặc tiến vào căn cứ Ba Đình đã bị bỏ trống, nồng nặc xú uế vì những xác giặc nằm lại từ những trận thất bại trước đó. Chúng điên cuồng triệt hạ Ba Đình, và còn ra lệnh cho Triều đình Huế xóa sổ ba tên làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê.

Nhưng Ba Đình vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và lịch sử như một biểu tượng của tinh thần yêu nước và đánh giặc giữ nước chói ngời.

Cho đến tháng 7-1945.

Thời gian này, phát xít Nhật, sau đêm 9-3-1945 tổ chức đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm toàn Đông Dương, đã ra sức mị dân, tìm mọi cách, lập được chính phủ (bù nhìn) Trần Trọng Kim ở Việt Nam, và lễ “phục hồi chủ quyền” (đã bị vua Đồng Khánh “nhường” cho Pháp từ năm 1888) đối với ba thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng và đứng đầu là Hà Nội, với chức Thị trưởng (đốc lý) là Trần Văn Lai.

Bác sĩ Trần Văn Lai chỉ có thời gian nhậm chức đứng đầu bộ máy hành chính (bù nhìn) ở Hà Nội khoảng một tháng, trước ngày bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhưng ông đã kịp làm được một việc lớn-đúng với tinh thần “dân tộc-khoa học-đại chúng” đã nêu trong “Đề cương Văn hóa” năm 1943 của Đảng, là: Đổi những đường, phố, vườn hoa, vòng xuyến (vòng xoay)…, cho đến lúc này vẫn đang còn mang “tên Tây” thành “tên ta”! Và, trong khi đổi tên đường phố như thế, đã đồng thời sáng tạo một phương thức đặt tên đường phố mang tinh thần “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến”, đồng thời rất “khoa học lịch sử”, là: Theo cụm và cùng chủ đề. Chẳng hạn, trong khi đổi Boulevard Gambetta thành Đại lộ Trần Hưng Đạo, thì những đường (phố) “xương cá” đều có tên gọi liên quan: Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản… Còn những vườn hoa, ngõ xóm… cũng thế. Chỗ đầu phố: Vườn hoa Bình Than (nơi họp “Hội nghị quân sự” thời nhà Trần năm 1282); ngõ ngang cuối phố: Ngõ Tức Mặc (đất phát tích nhà Trần)! Hay như: Ở quanh hồ Hoàn Kiếm (nơi có truyền thuyết “Trả gươm cho Thần Rùa”) thì cùng với Lê Thái Tổ, là tên các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn: Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Lê Thạch, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Nguyễn Xí…

Cách đặt tên đường phố theo cụm và cùng chủ đề như thế này, cũng đã được đem áp dụng vào khu vực phía Tây tòa Thành cổ Hà Nội, đặc biệt là vùng đất ở giữa, một bên là con đường chạy dọc và ven phía tây trục chính tâm của tòa thành và một bên là con đường nằm dọc ngay trên chân (nền) bức tường thành phía tây của Thành cổ Hà Nội đã bị phá hủy và san bằng.

Thực dân Pháp từ lâu đã rất chú ý đến vùng đất này. Ngay từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong khi đã quyết định xây dựng trung tâm hành chính-chính trị ở Hà Nội, quanh hồ Hoàn Kiếm, giữa các Đại lộ Francis Garnier (ngày nay là phố Đinh Tiên Hoàng), phố Paul Bert (Tràng Tiền) và Đại lộ Henri Rivière (Ngô Quyền) thì, theo quy hoạch của kiến trúc sư Ô-guýt-xtơ Hen-ri Vin-đi-ơ (Auguste Henri Vildieu), được Toàn quyền Pôn Đu-me (Paul Doumer) tích cực cổ vũ, tòa Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) đồ sộ, nguy nga mang phong cách châu Âu cổ điển thời Phục hưng đã được xây dựng trong vòng 5 năm, từ 1901 đến 1906 mới xong trên đất hai làng Hữu Tiệp và Khán Xuân, cả đề lên ngôi Miếu Hội Đồng nữa, ở phía tây bắc và sát ngay bức tường phía tây vừa bị phá hủy của Thành cổ Hà Nội.

Đến những năm từ 1920 đến 1945, thì theo quy hoạch của kiến trúc sư E-nét Ê-bra (Ernest Hébrard), được các Toàn quyền Mô-rít Lông (Maurice Long), An-be Xa-rôn (Albert Sarraut)… hết sức ủng hộ, việc di dời trung tâm hành chính-chính trị từ quanh hồ Hoàn Kiếm đến mạn tây Thành cổ Hà Nội đã được chính thức hóa và thực hiện.

Cái “Không gian kiến trúc” dành cho khu vực Trung tâm hành chính-chính trị những năm 1920-1945 của thực dân Pháp này, vậy là nằm trong giới hạn của hai con đường chạy dọc theo hướng bắc-nam, của phần phía mạn tây tòa Thành cổ Hà Nội. Con đường thứ nhất, men sát phía tây Trục chính tâm của tòa thành đã được thực dân Pháp đặt tên là Pi-e Pát-xki-ê (Pierre Pasquier) - viên Toàn quyền vừa tử nạn máy bay năm 1934. Còn con đường thứ hai, mở và chạy trên nền bức tường phía tây của Thành cổ Hà Nội thì “tên Tây” cũng đã được đặt, là Brière de l’Isle-viên tướng chỉ huy “Quân khu miền Tây” của thực dân Pháp, từng đóng Sở chỉ huy ở chỗ này.

Vậy là tất cả những tên đường phố, vòng xoay… như thế, không những đều là “tên Tây” mà còn đều là "tên thực dân đầu sỏ”!

Vì thế, "hệ thống đặt tên đường phố Trần Văn Lai, tháng 7-1945”, tất phải coi đây là một trọng điểm đổi thay. Kết quả là, đường Hùng Vương-Quốc tổ thời dựng nước và giữ nước đầu tiên, đã thay thế cho tên "Brière de l’Isle”; và đường Hoàng Diệu-người anh hùng của trận đánh giữa Thành cổ Hà Nội năm 1882, đã được đặt vào chỗ cũ của Pi-e Pát-xki-ê!

Tất cả sự thay đổi đó đều toát lên tinh thần độc lập tự chủ, anh dũng chống xâm lược!

Trong một bối cảnh như thế, Ba Đình - căn cứ, nghĩa quân và cuộc Khởi nghĩa Ba Đình, biểu tượng của tinh thần oanh liệt đánh giặc cứu nước những năm 1886-1887, đã thật đúng lúc và đúng chỗ mà thay thế cho Rông-poăng Puy-gi-ni-ê (Rond-Point Puginier)! Và, vì đã có một bồn cỏ hoa ở chỗ vòng xuyến ấy, nên tên gọi Ba Đình từ cuối tháng 7-1945 này đã được kèm với từ chỉ định tính cách là: Vườn hoa, thành ra là Vườn hoa Ba Đình!

Chưa đầy hai tháng sau, khi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công chấn động, cần thiết lắm việc tổ chức ngay một ngày “Thề Độc lập” chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Ban Tổ chức đã quyết định chọn địa điểm Vườn hoa Ba Đình ấy làm lễ trường, với lễ đài trung tâm-thiết kế và xây dựng xong, chỉ trong vòng một ngày một đêm, trước ngày lịch sử 2-9-1945 mà về sau được trọng thể gọi là “Ngày Quốc khánh”-ở chính ngay trên bồn cỏ hoa, giữa cái vòng xuyến mà chưa đầy hai tháng trước, vẫn còn có tên là Rông-poăng Puy-gi-ni-ê.

Thế là từ đây, với việc Vườn hoa Ba Đình trở thành lễ trường của sự kiện trọng đại: Ngày “Thề Độc lập” - Quốc khánh đầu tiên, dấu hiệu và tiền đề của sự nghiệp xây dựng Khu trung tâm chính trị Ba Đình đã xuất hiện, ở ngay tại khu vực mà từ mười thế kỷ trước, đã là Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực của nước Đại Việt, và nửa thế kỷ trước cũng đã là nơi người Pháp chọn xây trung tâm hành chính - chính trị của chế độ thực dân - thuộc địa.

Nhưng vẫn còn phải qua một quá trình 10 năm thay đổi tên gọi nữa - từ tháng 12-1945: Ủy ban nhân dân Hà Nội, để ghi nhớ sự kiện vĩ đại “Thề Độc lập -Quốc khánh mồng 2-9” đầu tiên, đã ra quyết định đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Độc Lập; rồi Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín của Hà Nội thời tạm chiến vừa né tránh hai chữ Độc Lập, vừa nhân đã sẵn có đường Hùng Vương ở đấy đổi gọi Vườn hoa Độc Lập thành Vườn hoa Hồng Bàng; đến sau ngày giải phóng Thủ đô, 10-10-1954, Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lại ra quyết định đổi tên Vườn hoa Hồng Bàng trở lại là Vườn hoa Ba Đình. Đặc biệt vào ngày 1-1-1955, lễ đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô sau thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, lại được tổ chức tưng bừng trọng thể, một lần nữa, ở đúng tại Vườn hoa Ba Đình thì từ đây, danh tiếng, ý tưởng, và thực tiễn lịch sử về một Khu trung tâm chính trị Ba Đình, mới chính thức và rõ rệt hình thành.

Cũng lại cần phải có một thời gian và tiến trình hơn nửa thế kỷ tiếp theo nữa với việc dần dà chuyển đổi Vườn hoa Ba Đình thành Quảng trường Ba Đình, mở rộng ra và quanh quảng trường ấy: Khu phố Ba Đình (1961), rồi quận Ba Đình (1981), đặc biệt là việc xây dựng Hội trường Ba Đình, Lễ đài Ba Đình rồi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở trên và quanh Quảng trường Ba Đình…, rồi Trụ sở Chính phủ, Trụ sở Trung ương Đảng, và cuối cùng là Nhà Quốc hội - thì tiến trình trọng đại, vẻ vang: “Từ Căn cứ Ba Đình đến Trung tâm chính trị Ba Đình” mới hoàn thành và ngày càng hoàn thiện./.

Giáo sư LÊ VĂN LAN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (St)

Bài viết khác: