Năm 1961, từ làng quê Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ), chàng thanh niên Trần Viết Hoàn thi đỗ vào Trường Trung cấp Ngoại ngữ, Khoa Nga văn. Không ai ngờ duyên phận đã đưa cuộc đời ông theo một hướng khác, từ một chiến sĩ cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ đến Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
19 tháng 5 - Ngày sinh của Bác, muôn triệu tấm lòng con dân đất Việt hướng về Ba Ðình tưởng nhớ vị Cha già dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Dưới đường xoài rợp bóng mát nơi từng in dấu những bước chân đi về của Bác năm xưa, người cán bộ ở tuổi "xưa nay hiếm" mái đầu đã bạc trắng nở nụ cười và mở đầu câu chuyện: Cả cuộc đời tôi gắn bó với nơi này, được trực tiếp bảo vệ và lưu giữ những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự may mắn và hạnh phúc của đời tôi. Năm 1963, theo yêu cầu của Ðảng, Nhà nước, Bộ Công an mở lớp cảnh vệ đặc biệt và tuyển học viên, chàng sinh viên Trần Viết Hoàn đã trúng tuyển khi sắp hoàn thành chương trình đào tạo Nga văn tại Trường Trung cấp Ngoại ngữ. Sau thời gian huấn luyện và học nghiệp vụ tại Trường Công an nhân dân Trung ương, Trần Viết Hoàn và gần 60 học viên của lớp C221 (lớp đầu tiên của Cục Cảnh vệ) được nhận các nhiệm vụ khác nhau. Tháng 8/1964, theo phân công của trên, ông về Ðội 1 Cục Cảnh vệ, đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ bảo vệ gián tiếp. Năm 1965, Cục Cảnh vệ chính thức giao nhiệm vụ cho Trần Viết Hoàn vào Tổ bảo vệ nhà sàn, đây là lực lượng cảnh vệ bảo vệ trực tiếp nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch. Bảo vệ lãnh tụ là nhiệm vụ rất thiêng liêng, vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề với người chiến sĩ trẻ. Với nỗ lực, cố gắng của mình, ông và đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng Trần Viết Hoàn còn có hai người con quê lúa được trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ Bác, đó là ông Hoàng Hữu Kháng (người được Bác đặt tên), Cục trưởng Cục Cảnh vệ (quê Kiến Xương) và ông Nguyễn Kim Ðỉnh, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ nhà sàn (quê Tiền Hải). Các thành viên Tổ Bảo vệ nhà sàn chưa một ngày khoác lên mình bộ quân phục, giữ bí mật tuyệt đối về nhiệm vụ, ngày đêm lặng thầm bên Bác, các anh thấy mình lớn thêm lên, được Bác chở che, giáo dục.
Trong ký ức của ông Trần Viết Hoàn Bác như vẫn đâu đây trên những con đường quen thuộc, bên ao cá, vườn rau mỗi buổi chiều, tiếng máy chữ lách cách vang theo mỗi ngón tay Người hay ánh mắt xa xăm và vầng trán suy tư mỗi khi Người lo vận nước… Với mỗi người được may mắn sống và làm việc bên Bác, dường như không có một khoảng cách nào giữa vị lãnh tụ với dân thường, Bác hiền từ, nhân hậu như một người cha, hết mực quan tâm chăm lo cho mọi người. Bác thường xuyên kiểm tra việc tập luyện và sinh hoạt của chiến sĩ, mỗi lần đi công tác nước ngoài về, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đều được Bác chia quà, quả táo, điếu thuốc lá hay cái kẹo, trong ông dấy lên niềm hạnh phúc, xúc động, "vật tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng nhân ái bao la Bác dành cho những người lính cảnh vệ chúng tôi". Ông không bao giờ quên những lần được xem phim với Bác vào tối thứ bảy hàng tuần tại Nhà khách Phủ Chủ tịch; ngày Tết Nguyên đán lực lượng cảnh vệ và phục vụ được Bác mời bữa cơm tất niên bằng tiền tiết kiệm và tiền nhuận bút của Người và chụp ảnh với Bác làm kỷ niệm. Một chi tiết rất thú vị, hai sản phẩm của quê lúa Thái Bình là gạo và chiếu cói được Bác thường xuyên sử dụng thời gian Người làm trong Phủ Chủ tịch. Năm 1967, ông Trần Viết Hoàn trực tiếp về Thái Thụy lấy gạo, chiếu cói mang lên phục vụ Bác.
Ông Hoàn kể: Vào mỗi dịp sinh nhật, để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém, Bác thường tìm cách đi công tác nhưng vẫn giao nhiệm vụ cho anh em cảnh vệ ở nhà xuống ao đánh cá để biếu các cụ già, cho các cháu bé và cán bộ, số còn lại chia cho cảnh vệ và bộ phận phục vụ. Năm 1968, theo nếp cũ, vào dịp sinh nhật, Bác cho bắt cá dưới ao, anh em cảnh vệ bắt được con cá trắm cỏ rất to đưa lên bờ nhưng không cân được. Mọi người đang phân vân, Bác liền bảo ông Nguyễn Kim Ðỉnh, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ nhà sàn ôm con cá ngồi lên cân, sau đó trừ trọng lượng của người sẽ ra trọng lượng cá. Khi biết con cá nặng 24kg, Bác nói: "Phải bắt nó lên để cá lớn không nuốt cá bé". Câu nói bên ao cá của Người luôn được ông Trần Viết Hoàn kể lại khi tiếp khách quốc tế, nhiều vị nguyên thủ quốc gia thường lặng đi khi nghe câu nói này bởi lời Người năm xưa không dừng lại trong một ao cá nhỏ mà đó còn là vấn đề thời sự về chủ quyền, lãnh thổ của một quốc gia.
Sau khi Bác mất, ngày 3/9/1969, nén nỗi đau thương, người chiến sĩ cảnh vệ Trần Viết Hoàn nhận nhiệm vụ mới đó là giữ gìn nơi ở và làm việc của Người trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và chăm lo đào tạo cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh. "Khi Người đi xa, tôi tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ di sản của Người" - ông Hoàn tâm sự. Với quãng thời gian được sống và trực tiếp bảo vệ Bác cùng những kiến thức chuyên ngành bảo tồn bảo tàng tại Khoa Lịch sử Trường Ðại học tổng hợp, người con quê lúa đã có nhiều đóng góp quan trọng để giữ gìn nguyên trạng những di sản của Bác trong Khu di tích. Giai đoạn 1988 - 2004, trên cương vị Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Trần Viết Hoàn đã vinh dự được đón hàng trăm nguyên thủ quốc gia cùng hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới cùng đồng bào trong nước đến tham quan nơi ở và làm việc của Người. Những câu chuyện về Bác Hồ được ông kể trong sự tôn kính, trân trọng, tự hào. Ông luôn cố gắng làm sao để họ hiểu được hết con người giản dị, chí nhân, chí mỹ của Bác. Có lẽ, chính những tình cảm chân thành đó của ông đã gây ấn tượng mạnh đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tới thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2001. Ðích thân Tổng thống Vladimir Putin đã mời ông Trần Viết Hoàn sang thăm nước Nga sau khi biết ông là cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, đó là điều mà ông Hoàn thấy rất vinh dự và tự hào.
Những tác phẩm "Ðạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời", "Giữ gìn và phát huy giá trị những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Bác Hồ chúc tết"… là tình cảm sâu nặng ông dành cho Bác Hồ - Người mà ông đã vinh dự được ở gần suốt 5 năm. Những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của ông là tài sản có giá trị to lớn góp phần để mỗi chúng ta hiểu hơn về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Ghi nhận những đóng góp của ông trong việc gìn giữ những di sản của Bác, Ðảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng với ông, việc được sống và tham gia bảo vệ Bác và 38 năm làm việc ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là niềm vinh hạnh và phần thưởng lớn lao của cuộc đời./.
Trịnh Cường
Theo http://www.baothaibinh.com.vn
Thu Hiền (st)