Mặc dù hơn 60 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về 3 lần được gặp Bác Hồ vẫn không phai nhòa trong trái tim người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

bac luon o trong tim
Cụ Thành thường xuyên kể về những lần được gặp Bác cho con cháu. Ảnh: Danh Trung
.

Đến giờ, mỗi khi nhắc đến chuyện được gặp Bác Hồ, cụ Đồng Văn Thành (88 tuổi) ở khu dân cư La Tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ lại xúc động, bồi hồi.

Những chuyến thăm bất ngờ

Năm 1950, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đồng Văn Thành nhập ngũ vào Trung đoàn 42 của Quân khu 3, sau đó được chuyển đến Đại đoàn công pháo 351. Cuối năm 1953, anh được cử sang Trung Quốc tham dự Lớp huấn luyện sử dụng pháo hỏa tiễn 6 nòng. Học xong, đơn vị đóng quân ở Tuần Giáo vào thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ đang đi đến hồi kết.

Sáng 2-5-1954, đơn vị tập trung chuẩn bị để đưa pháo hỏa tiễn H6 vào phục vụ Chiến dịch, bỗng từ xa có mấy đồng chí cán bộ tiến lại. Đi đầu là một ông cụ đầu đội mũ dạ, chân bước thoăn thoắt, theo sau có 5 người. Khi Đoàn đến gần, mọi người nhận ngay ra Bác Hồ và ùa đến. Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe, điều kiện sinh hoạt ở chiến trường của cán bộ, chiến sĩ. Bác động viên các chiến sĩ phải tuyệt đối giữ bí mật, quyết tâm đánh cho địch tan rã hoàn toàn để bác Đồng nói to ở Geneva (thời gian này đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn nước ta chuẩn bị tham gia đàm phán Hiệp định Geneva ở Thụy Sỹ). Nói chuyện ít phút, Bác lại tiếp tục lên đường. “Bác đi rồi mà tất cả anh em chúng tôi vẫn còn cảm giác bâng khuâng. Ai cũng xúc động, sung sướng và tự hứa sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ đánh thắng địch để có cơ hội gặp Bác lần nữa”, cụ Thành nói.

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 1-1-1955, đất nước ta tổ chức Lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước Lễ duyệt binh vài ngày, trong lúc đơn vị của cụ Thành đang miệt mài luyện tập chuẩn bị cho ngày Lễ trọng đại của đất nước thì bất ngờ được Bác ghé thăm. Cũng như lần trước, Bác đến không báo trước. Cả đội hình đang tập luyện sững sờ thấy Bác cùng 3 đồng chí nữa đi cùng. Toàn bộ đơn vị được tập trung về ga Hàng Cỏ cách đó không xa để nghe Bác nói chuyện. Bác trò chuyện khoảng 5 phút với đơn vị. Đến nay, cụ Thành vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác. Với giọng trầm ấm, Bác bảo các cháu cố gắng tập luyện. Cuộc duyệt binh lần này không chỉ cho đồng bào mình xem mà cả thế giới, nhất là các nước đế quốc biết, do đó động tác phải đều, phải khỏe. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp cho đơn vị hát bài ca “Kết đoàn”.

Sang năm 1955, đơn vị của cụ Thành chuyển về đóng quân ở sân bay Bạch Mai (thành phố Hà Nội). Sáng sớm 2-9, khi đơn vị đang tưng bừng chào mừng ngày Quốc khánh thì được Bác Hồ đến thăm. Bác đến rất đột ngột. Bác không vào thẳng phòng chỉ huy mà vào ngay nhà bếp kiểm tra, sau đó mới đi thăm các bộ phận khác. Bác đến và đi rất nhanh nên cụ Thành cũng như anh em khác chỉ kịp ngắm nhìn. Bác lên xe đi rồi, ai cũng như luyến tiếc điều gì đó.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Năm 1958, cụ Thành phục viên trở về quê sinh sống. Với những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cụ Thành được Bác Hồ gửi tặng 1 chiếc áo len. Cụ Thành nhớ lại: “Về địa phương ít tháng, một hôm tôi được lãnh đạo huyện mời lên làm việc. Vừa đi, tôi vừa băn khoăn không biết có chuyện gì mà mời lên đột xuất thế này? Sau ít phút trò chuyện, lãnh đạo huyện thông báo, tôi được Bác gửi tặng áo len. Quá bất ngờ, tôi lặng đi vì xúc động và biết ơn Bác bởi Người bận muôn nghìn việc nước mà luôn nhớ đến những người chiến sĩ. Tôi mặc chiếc áo này nhiều năm, mỗi khi rách, sờn lại nhờ con cháu đan lại theo đúng kiểu dáng ban đầu. Mấy năm trước, tôi đã tặng chiếc áo này cho Bảo tàng tỉnh”.

Trở về quê hương, phát huy phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, 40 năm ròng cụ Thành gắn bó với các công việc ở địa phương, hăng hái lao động, sản xuất. Cụ tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công tác thương binh, xã hội, đoàn thể... và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tính tình thẳng thắn, nhiệt tình, trách nhiệm, cụ Thành được nhân dân quý trọng, tin tưởng. Khi ngoài 70 tuổi cụ Thành muốn xin thôi công tác đoàn thể nhưng nhiều người vẫn động viên cụ tiếp tục công tác. Do đó, gần 80 tuổi cụ mới dứt được công việc để nghỉ ngơi.

Thời gian qua, cụ Thành thường xuyên kể chuyện về quãng thời gian hào hùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động, tấm gương đạo đức của Bác Hồ để con cháu noi theo. Thấm nhuần lời dạy và từ tấm gương của cụ Thành, con cháu cụ đều là những người tốt, tuân thủ pháp luật, sống nghĩa tình./.

Theo http://baohaiduong.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: