Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, thể hiện sâu sắc tầm vóc, trí tuệ của Người - vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta. Dưới đây xin đề cập và làm rõ thêm một trong những phong cách tiêu biểu của Hồ Chủ tịch - phong cách quần chúng.

phong cach quan chung 1
Bữa cơm thường nhật tại căn cứ cách mạng của Hồ Chủ tịch. (Ảnh: tư liệu)

Phong cách của một con người được biểu hiện sinh động trong cuộc sống thường nhật, công tác. Ở Hồ Chí Minh cũng vậy, chỉ có điều đó là phong cách của một vị lãnh tụ kính yêu của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng đã có nhiều tư liệu nghiên cứu và bài viết về phong cách của Người, như: Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, phong cách quần chúng Hồ Chí Minh. Đề cập về phong cách quần chúng của Người là việc vừa khó lại vừa dễ. Dễ vì phong cách quần chúng Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ ràng thông qua hình ảnh, cử chỉ, giọng nói của Người khi tiếp xúc với quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Nhưng, khó bởi lẽ nó hết sức phong phú, sinh động và không thể khái quát hết được nội hàm, có chăng chỉ đề cập được những nội dung tiêu biểu mang tính đặc trưng của phong cách quần chúng Hồ Chí Minh.

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Quốc khánh, mọi người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ về hình ảnh và giọng nói giản dị, gần gũi của Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đó thực sự là giờ phút thiêng liêng mãi mãi khắc ghi vào lịch sử và trong lòng người dân nước Việt. Đặc biệt, với những người trực tiếp tham dự sự kiện ngày 02-9-1945 thì càng không thể quên phong cách quần chúng của Bác khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ - “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Câu nói giản dị ấy, thân thương ấy của vị lãnh tụ kính yêu truyền cảm xúc vô cùng lớn, làm lay động lòng người. Chúng ta biết, trong thời điểm Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định nước ta được độc lập, tự do, ở Quảng trường Ba Đình không chỉ có nhân dân Việt Nam, mà còn có cả khách nước ngoài; nhưng câu nói không nằm trong bản Tuyên ngôn lại hướng tới người dân Việt Nam, vì hai tiếng “đồng bào”. Người Việt Nam, ai cũng hiểu “đồng bào” có nghĩa là cùng một bọc trong truyền thuyết Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ - thủy tổ của các dân tộc Việt, và từ “đồng bào” được nhân dân ta sử dụng khi muốn thể hiện sự sẻ chia, đoàn kết, thống nhất cao trong hành động. Do vậy, sự quan tâm đến mọi người và phong cách quần chúng giản dị rất Việt Nam của Bác đã chạm đến hàng triệu trái tim đồng bào khi đó. Từ đây, Hồ Chủ tịch luôn luôn được các thế hệ người Việt gọi bằng Bác Hồ hoặc Cụ Hồ một cách thân thương, kính trọng. Buổi đầu tiên ra mắt trước quốc dân đồng bào của Bác, đã góp phần quan trọng để nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam; không quản ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đi theo cách mạng, xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

phong cach quan chung 2
Những ngày ở Việt Bắc, Hồ Chủ tịch tự chẻ củi, nấu ăn. (Ảnh: tư liệu)

Câu nói ngắn, nhưng hàm chứa trọn vẹn phong cách quần chúng đặc trưng của Hồ Chủ tịch. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo cách mạng, Bác luôn chú trọng công tác vận động quần chúng và tự mình thực hiện, nhằm làm cho nhân dân trong nước cũng như kiều bào nước ngoài tích cực tham gia và ủng hộ cách mạng. Vì vậy, từ lời nói đến việc làm, phong cách sống, sinh hoạt của Bác không hề xa dân, trái lại luôn gần gũi, thân thiết với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người lao động. Bác ra đi tìm đường cứu nước xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân phải sống trong cảnh áp bức, lầm than; tình thương bao la của Bác được nhà thơ Tố Hữu thể hiện bằng những câu thơ đầy cảm xúc: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Chính tình cảm cao thượng đó của Người tỏa ra một cách tự nhiên mỗi khi giao tiếp với nhân dân, nên mọi người có thể cảm nhận được và dễ dàng tin theo; cũng như sự gần gũi, giản dị, thấu hiểu nhân tình, thế thái của Bác đã làm cho mỗi người thấy Bác như mình, thân thiết với mình và có thể tự tìm thấy phần nào hình ảnh bản thân trong con người Bác, đúng như Chế Lan Viên đã viết: “Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào/Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc” và thậm chí “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người”. Đó gọi là “sức hút” kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, bình dị, tự nhiên. Nhà báo người Ôxtrâylia - Wilfred Burchett, từng nhiều lần phỏng vấn Hồ Chủ tịch đã nhận xét: "Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng…”. Như vậy, phong cách quần chúng Hồ Chí Minh xuất phát từ tình cảm thực sự đối với nhân dân, nghĩa là: Đau với cái đau của nhân dân, cùng lo toan, trăn trở, mưu cầu hạnh phúc với nhân dân và không bị nhiễm bệnh chủ quan, quan liêu, đại khái, hình thức,... Điều này, đã được chính Hồ Chủ tịch đúc kết, Người viết: “…muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư.”1, hoặc “Muốn dân chúng tin mình, phục mình, yêu mình, thì mình phải kính trọng, thương yêu dân chúng”2 và phân tích rõ sự khéo léo khi tiếp xúc với nhân dân: “Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”3; đồng thời: “Tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì mọi người dân mới nghe”4, không được “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.”5.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã sử dụng rất nhiều ngôn ngữ, thể loại báo chí, văn học để truyền bá tư tưởng cách mạng và đấu tranh chống đế quốc, thực dân phong kiến. Tuy nhiên, tùy đối tượng, thể loại Bác đều có cách viết và nói phù hợp: Đanh thép, lý luận thâm thúy, giản dị, phổ thông,... Khi viết, nói chuyện với quần chúng nhân dân, Bác luôn sử dụng từ ngữ thông dụng và lời nói mộc mạc, trung thực, gần gũi, dễ hiểu, đặt đúng nơi, đúng chỗ nên có sức thuyết phục cao, đi vào lòng người. Từ kinh nghiệm của bản thân, Bác đã nhiều lần truyền đạt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình vận động quần chúng. Bác căn dặn các đội viên tuyên truyền xung phong: “Chú ý đến cách phô diễn ý tưởng. Hết sức phổ thông. Cố vào sâu trong dân chúng. Lấy những thí dụ tầm thường trông thấy trước mắt mà nói. Tránh những danh từ khó hiểu. Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ.”, “Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần... Về đức tính này, phải học theo những người đi truyền giáo.”6, hoặc trong Thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam, Thư gửi Đại hội báo giới,… Bác cũng góp ý rất nhiều về sử dụng tiếng ta và từ ngữ dễ hiểu, v.v.

phong cach quan chung 3
Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ. (Ảnh: tư liệu)

Như vậy, chỉ với một câu hỏi Hồ Chủ tịch quan tâm đến quần chúng nhân dân trong thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc, đã hiện ra cho chúng ta thấy phong cách quần chúng điển hình của Người. Mặc dù đã đi xa, nhưng mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện liên quan đến Bác, chúng ta như thấy Người đang ở rất gần đâu đây, dẫn đường chỉ lối cho nhân dân Việt Nam vững bước tiến tới tương lai. Phong cách quần chúng đậm chất giản dị, gần gũi của Người vẫn rất mới trong giai đoạn hiện nay và còn nguyên giá trị đối với mai sau. Có thể dẫn ra đây nhiều câu nói có giá trị xuyên thời gian của Người. Ngay từ năm 1950, nói về bệnh quan liêu Bác đã nêu ngắn gọn, khái quát nhưng lại rất cụ thể, rõ ràng, đó là: “Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng...”, đến biểu hiện căn bệnh: “chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.”, “ Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.”, “Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình,…” và cách chữa: “ Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân...”.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ dẫn chứng tiêu biểu ở trên, chúng ta thấy để học tập, làm theo phong cách của Bác, trước hết cần phải học tập và làm theo phong cách quần chúng của Người. Đó cũng là hành động thiết thực nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM

_______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 52.

2 - Sđd, Tập 5, tr.394

3 - Sđd, Tập 7, tr.270

4 - Sđd , Tập 6, tr.279

5 - Sđd, Tập 5, tr126

6 - Sđd, Tập 4, tr. 72.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: