Đó là tâm sự của ông Trương Văn Mão, 79 tuổi, đảng viên Chi bộ thôn Thượng, xã Tây Lương (Tiền Hải) - tác giả của 3 tập thơ viết về Bác Hồ, trong đó có cuốn “Hồ Chí Minh - tiểu sử bằng thơ” xuất bản năm 2015, gồm 7 chương với 5.068 câu thơ lục bát khái quát đầy đủ thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Chính tình yêu, lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc là động lực mạnh mẽ thôi thúc người đảng viên cao tuổi ngày đêm sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu, từ đó chắp bút tạc cuộc đời Bác bằng thơ.
Ông Mão chăm sóc cây cảnh.
Một tâm hồn thi sĩ...
Ngôi nhà của ông Mão nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở thôn Thượng gây ấn tượng mạnh đối với bất kỳ ai đến thăm bởi không gian xanh thơ mộng với hàng trăm giò phong lan và các chậu cây cảnh được cắt tỉa công phu và nghệ thuật. Ông Mão tiếp chúng tôi trong căn chòi lá được dựng giữa vườn, đây cũng là nơi ông thường ngồi để viết nên những vần thơ về Bác. Trước khi về gặp ông, tôi vẫn nghĩ ông là một nhà giáo về hưu hoặc đã từng công tác ở lĩnh vực nào đó liên quan đến nghệ thuật nên mới có thể chuyển toàn bộ tiểu sử cuộc đời Bác Hồ sang thơ. Nhưng những tâm sự đầu tiên của ông khiến tôi ngỡ ngàng. Ông là cán bộ ngân hàng về hưu với 36 năm công tác trong ngành. Ông cũng từng có 3 năm trong quân ngũ. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về tiếp tục công tác trong ngành Ngân hàng, đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Ngày ngày gắn bó với những con số song tâm hồn ông không vì thế mà khô khan theo những phép tính. Sở thích làm thơ từ ngày còn nhỏ vẫn được ông duy trì cho đến khi đã bước sang tuổi xế chiều. Gia tài thơ hiện nay của ông gồm 11 tập khác nhau với đủ các đề tài từ chuyện đời, chuyện người đến tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước… nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả vẫn là 3 tập thơ ông viết về Bác Hồ.
...mang nặng tấm lòng với Bác
Cả 3 tập thơ viết về Bác đều được ông Mão sáng tác khi đã về hưu song ý tưởng lại được ông ấp ủ từ rất lâu khi ông vẫn còn đang công tác trong ngành Ngân hàng. Ông tâm sự: "Ngay từ bé, hình ảnh Bác Hồ trong tôi luôn có một vị trí đặc biệt. Năm 1958, tôi có cơ hội được nhìn thấy Bác khi Người về thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tại sân vận động thị xã. Tuy chỉ được nhìn Bác từ xa song những cảm xúc ngày ấy đã nhen nhóm trong tôi ý tưởng làm thơ về Bác. Tuy nhiên, việc sưu tầm các tư liệu viết về Bác ngày ấy còn khó khăn nên ý tưởng của tôi vẫn chưa thể thực hiện được. Sau khi về hưu, ông Mão tiếp tục tìm đọc sách báo, tư liệu về Bác. Đến năm 2010, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức giờ học toàn tỉnh có mời GS, TS Hoàng Chí Bảo về truyền đạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sau khi lĩnh hội toàn bộ bài giảng qua tivi cùng với tài liệu sưu tầm được, trong vòng 10 ngày, ông Mão đã cho ra đời trường ca "Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác" gồm 3 chương, với 240 câu thơ, mỗi câu đều chan chứa tình yêu, lòng biết ơn đối với Bác: "Xa Bác bốn chục năm rồi/Làm sao viết hết cuộc đời Bác đây" hay "Bác là ông Ké, ông Tiên/Rau măng cháo bẹ dựng lên cơ đồ/Đánh thắng hai đế quốc to/Người dân áo ấm, cơm no, học hành"… Nói như GS, TS Hoàng Chí Bảo: "Bản trường ca là tiếng nói tự đáy lòng của tác giả, hồn nhiên, giản dị mà sâu lắng, toát lên tình cảm thương yêu, kính trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Hồ, lòng mong muốn thiết tha học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác… Tôi bày tỏ sự trân trọng, quý mến đối với tác giả về việc làm ý nghĩa này. Có thể nói, đây là một tấm gương tốt, người thật, việc thật về một đồng chí đảng viên cao tuổi đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xứng đáng để mỗi người chúng ta noi theo. Sự ghi nhận, ủng hộ của GS, TS Hoàng Chí Bảo cùng sự nhiệt tình đón đọc của nhân dân là động lực để ông Mão cho ra đời các tác phẩm tiếp theo với quy mô và sự đầu tư ngày càng lớn. Nếu như tập thơ "Di chúc của Bác Hồ con tạc thành thơ" (sáng tác năm 2012) có 3 chương với 750 câu thơ thì đến tập "Hồ Chí Minh - tiểu sử bằng thơ", quy mô tác phẩm lên đến 7 chương với 5.068 câu thơ. Tác phẩm được ông sáng tác trong vòng 3 năm (từ 2013 - 2015). Đây là tác phẩm ông đặt rất nhiều tâm huyết, chuyển tải đầy đủ các nội dung liên quan đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Nguyện vọng của ông là muốn chuyển toàn bộ tiểu sử cuộc đời Bác thành thơ lục bát cho gần gũi, dễ đọc, để: "Đời của Bác cho nhiều người đọc/ Cả dân tộc trẻ già đều học/Đạo đức của Người để được làm người" - như chính những câu ông ghi trong lời tựa. Hiện tác phẩm đã được xuất bản và phát hành rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Đối với ông Mão, đưa cuộc đời của Bác vào thơ cũng là cơ hội để ông soi mình vào đó để học tập và làm theo tấm gương của Người, bởi "Gần Bác sáng dạ, sáng đầu/Như tấm gương lớn để mau sửa mình" (trường ca Bảy mươi chín mùa Xuân của Bác). Nói về người đảng viên đặc biệt của Đảng bộ, đồng chí Ngô Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Tây Lương cho biết: Là một đảng viên, cán bộ về hưu, ông Mão cùng gia đình luôn chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Ngoài ra, ông còn nhiệt tình tham gia hoạt động trong các đoàn thể; tích cực đóng góp, ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo; thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ những người gặp khó khăn ở địa phương, nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những tập thơ về Bác Hồ mà ông sáng tác đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng bộ và nhân dân. Năm 2015, ông là một trong những cá nhân tiêu biểu được Huyện ủy Tiền Hải khen thưởng trong học tập và làm theo gương Bác.
Rời ngôi nhà vườn xinh xắn trong ngõ nhỏ, chia tay người thi sĩ với tâm hồn thơ đặc biệt, những vần thơ của ông vẫn in đậm trong tâm trí tôi không chỉ bởi sự gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc của thể thơ lục bát mà tiếng thơ của ông cũng chính là tiếng lòng của hàng triệu người con đất Việt luôn hướng về Bác kính yêu: "Bác ơi nay Bác đi xa/Nhưng tình Bác vẫn chan hòa núi sông/Việt Nam con Lạc cháu Hồng/ Dân giàu nước mạnh thỏa lòng Bác mơ".
Đào Quyên
Theo Báo Thái Bình
Khúc Lan Hương (st)