Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng của Người.
Coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, điều đặc biệt là trong những năm đầu khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Chính vì thế, từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô, về sống và làm việc tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, Người đã viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng”
ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ.
Với nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.
Như vậy, trong Tuần lễ Vàng, các nhà công thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.
Về vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”.
Bác Hồ thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955. Tại đây, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam.
Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp; đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, nói, thư… gửi giới công - thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Nội dung các bài viết, nói, thư… ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Trong bài Hoan nghênh Hội nghị Cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân Dân ngày 9/11/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân.
Đối với người lao động trong xí nghiệp, doanh nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cần phải học nhiều thứ như chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ. Nhưng ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo,... có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày, đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những nhân tố và đơn vị tiên tiến.
Bác thăm công nhân dệt.
Theo Hồ Chí Minh, người tiên tiến cũng là những người lao động bình thường, nhưng trong tư tưởng, trong phương pháp làm việc của họ, có những điểm tốt có thể giúp cho sản xuất và công tác tiến nhanh, tiến mạnh. Chúng ta phải vì lợi ích chung mà dốc lòng học tập những điểm tốt ấy để cải tiến công tác một cách thường xuyên... Như vậy là làm cho sáng kiến, kinh nghiệm chung ngày càng dồi dào, trình độ tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật chung ngày càng nâng cao. Do đó, sản xuất phát triển ngày càng nhanh và vững.
Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam cách đây 71 năm không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công - thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh.
Bác Hồ thăm xưởng cơ khí
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập ngày nay, tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong bức thư Bác gọi giới công thương là “các Ngài”. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”. Nội dung thư ngắn gọn, lời lẽ chân thành, giản dị nhưng là định hướng sâu sắc cho sự phát triển của ngành công thương suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ khi giành độc lập tới nay.
Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...
Thái Bình
Theo Báo Nghệ An
Kim Chi (st)