Trong những ngày cuối tháng 8 năm 1945, sau Tổng khởi nghĩa -  Cách mạng Tháng Tám thành công, Biên niên sử Hồ Chí Minh (tới năm 1945) ghi các sự kiện lớn như sau:

- Ngày 22 tháng 8: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Người chưa khỏi bệnh, còn mệt nhiều, có lúc phải nằm cáng.

- Ngày 26 tháng 8: Buổi sáng, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập.

Lich trinh Bac Ho ve HN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

- Ngày 27 tháng 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

- Ngày 28 và ngày 29 tháng 8: Từ nơi ở là ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày tới làm việc tại ngôi nhà số 12 phố Ngô Quyền - trụ sở của Chính phủ lâm thời. Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. (Báo cáo viên năm 2005, Ban TT- VH, trang 230).

Ngày 2/9/1945 diễn ra cuộc mít tinh vô cùng trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội): Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc Bản Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời…

Ông Nguyễn Thu Cờ, một cán bộ ngành Công an Hà Nội đã chứng kiến và ghi chép thêm những sự kiện lớn về Bác Hồ trong những ngày từ Tân Trào tới Hà Nội với một lịch trình chi tiết như sau:

- Buổi tối ngày 24/8/1945, Bác Hồ đến nghỉ tại nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) ở làng Gạ (nay là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm) ngoại thành Hà Nội, là một cơ sở cách mạng tin cậy.

- Sáng ngày 25 tháng 8: Tại làng Ga, Bác Hồ nghe ông Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội. Đến buổi chiều, Người đi ô tô vào Hà Nội. Ông Trường Chinh đón Bác cùng đi đến số nhà 48 Hàng Ngang (nhà của vợ chồng ông Trịnh Văn Bô là một thương gia đã tham gia phong trào Việt Minh ở Hà Nội).

- Ngày 27 tháng 8: Ngay tại số nhà 48 Hàng Ngang, sau khi soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn độc lập” Bác Hồ có tâm sự với ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục là Người cảm thấy xúc động và phấn khởi. Trong những giờ phút ấy, Người đã trải qua ốm nặng nhưng hơn bao giờ hết Người thấy sảng khoái, minh mẫn, khỏe mạnh khi Người nghĩ rằng Người sẽ được tuyên bố với đồng bào mình và trên thế giới rằng “sau bao nhiêu năm gian khổ hy sinh, nhân dân Việt Nam cuối cùng cũng đã đạt được mục đích thiêng liêng”.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ủy ban Dân tộc giải phóng để quyết định cải tổ mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ để cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó cho. Ngày 28 tháng 8, khi đưa ra Bản Tuyên ngôn độc lập để góp ý, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra hiệu cho ông Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đọc lên Bản Tuyên ngôn đồng thời phát cho mỗi Bộ trưởng một bản sao đánh máy để các vị ghi ý kiến đóng góp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa đổi vài ba ý kiến nhỏ, xong mọi người tán thành, rồi ký tên. Sau đó có chụp ảnh lại.

- Chiều ngày 28 tháng 8, Ban Tổ chức Thành bộ Hà Nội mở cuộc họp đưa ra việc cần kíp xây dựng một Lễ đài Độc lập uy nghi xứng đáng một Lễ đài Độc Lập.

- Ngày 29 tháng 8 bản thông báo được đăng trên các báo với nội dung: “Ngày 02/9/1945 Chính phủ lâm thời cách mạng sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên bố độc lập tại vườn hoa Ba Đình, đồng bào nào có nhiệt tâm góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ hết sức trọng đại này. Vậy đồng bào nào có thể đảm nhiệm được trọng trách này. Ngay sau đó có họa sĩ Lê Văn Đệ xin dựng Lễ đài, tiếp theo sau đó có kiến trúc sư Ngô Đình Quỳnh vẽ bản thiết kế lễ dài, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng. Ban tổ chức giao cho hai anh Ngô Đình Quỳnh và Lê Văn Đệ thiết kế, thi công và trang trí.”

- Đúng 5 giờ sáng ngày 02/9/1945, Ban Tổ chức nghiệm thu công trình. Sau 48 giờ, Lễ đài Độc lập hoàn thành tại Quảng trường Ba Đình, đã được ghi vào lịch sử của dân tộc.

- Từ 10 giờ sáng ngày 02/9/1945, các đoàn thể các giới bao gồm công nhân, viên chức ở các công sở, các nhà máy đóng tại Hà Nội, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ cứu quốc ở các khu phố, nữ tiểu thương ở các chợ, anh chị em nông dân ở ngoại ô tỉnh Hà Nội, học sinh Trường Bưởi, Trường nữ sinh Đồng Khánh, Trường tư thục Gia Long, Trường Thăng Long, các đoàn thể hướng đạo sinh, anh em Cảnh sát cứu quốc. Ngoài ra, còn có hai chi đội quân giải phóng từ chiến khu Việt Bắc trở về phối hợp với anh em Công an cách mạng đầu tiên ở Bắc Bộ và Hà Nội làm nhiệm vụ trật tự và bảo vệ.      

- Đúng 14 giờ chiều ngày 02/9/1945, Thành bộ Hà Nội tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Ba Đình trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội. Trên lễ đài cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nam Châu Á.

Tiếp đó, toàn thể các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời làm Lễ Tuyên thệ trước quốc kỳ “cờ đỏ sao vàng” cùng với toàn thể đồng bào đứng nghiêm chỉnh ở Quảng trường Ba Đình giơ tay hô lớn “Xin thề”. Sau Lễ Tuyên thệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày về tình hình đánh thắng Pháp ở hai trận Phay Khắt và Nà Ngần ở tỉnh Cao Bằng và phá tan 500 quân Nhật đánh vào Tân Trào, Hồng Thái. Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo với đồng bào về việc đoàn đại biều của Chính phủ lâm thời đi Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại và chiếc “quốc ấn”, “quốc kiếm”. Như vậy, ách đô hộ của thực dân Pháp bị lật đổ (1858- 1945) và chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã cáo chung (1802- 1945).

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra Lễ đài lần nữa, hô hào nhân dân cả nước quyết hy sinh giữ vững nền độc lập mới giành được và ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà mới thành lập.

Theo Vương Liêm/Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: