pham chat

Ảnh internet

Từ xưa đến nay, trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Các bà, các mẹ, các chị, các em không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn là một lực lượng cách mạng quan trọng, “đội quân tóc dài” kiên trung ấy đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của biết bao kẻ thù trong các cuộc trường chinh của dân tộc, lập nên nhiều chiến công hiển hách, sống mãi trong lòng dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam trẻ cũng như già tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo bốn phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Để hiểu hơn về những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với phụ nữ Việt Nam, chúng ta cùng đọc lại một số bài nói, bài viết của Người về phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ qua những bước thăng trầm của lịch sử:

“Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?.

Ông Lê-nin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công.

Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1.854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước.

...An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ quốc tế chỉ bảo”.

Phụ nữ quốc tế,
Hồ Chí Minh Toàn tập,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2009, tập 2, trang 288 -289

“Bà Trưng Trắc người nước ta sinh ra thế kỷ đầu hết 1 là năm 23 ở huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên, xứ Bắc Kỳ. Năm thứ 40 bà vừa 17 tuổi. Lúc ấy nước ta bị quân Tàu cai trị, chính sách rất bạo ngược như Pháp cai trị bây giờ. Bà thấy cảnh nước suy vi, đồng bào khốn khổ, bèn quên thân bồ liễu phận hèn, liền ra cứu nước, cứu dân. Lúc bấy giờ cùng với em là Trưng Nh khởi binh lên đánh giặc. Dân Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều ảnh hưởng nổi lên cả. Chẳng bao lâu đánh đuổi ngay Tô Định, lấy được 65 thành, dựng lên cờ độc lập. Đến năm 44, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh, đánh đã nhiều trận, quân hai Bà vẫn không thua. Đến trận ở Cấm Khê, tỉnh Vĩnh Yên, thế quân ít quá, phải thua, hai Bà đều gieo mình xuống sông Đáy tự tận. Can đảm thay! Phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3, 4 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc mất vía.

Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết km2. Huống chi bây giờ hai chữ "nữ quyền" đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!

Bà Trưng Trắc,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2009, tập 2, trang 457

“Ngày Phụ nữ quốc tế năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt: Trên thế giới thì lực lượng hoà bình phát triển ngày càng mạnh. Trong nước thì phong trào thi đua xây dựng ngày càng lên cao.

Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cho nên trong cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, cũng như trong công việc xây dựng từ ngày hòa bình trở lại, phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng.

Phụ nữ ta có nhiều thành tích to, nhưng phụ vận ta còn có thiếu sót: Ít chú ý vận động gia đình các cán bộ và các nhà thủ công nghiệp, gia đình các nhà công thương và các chị em nội trợ. Kinh nghiệm của phụ vận Trung Quốc chứng tỏ rằng: Khéo vận động, tổ chức và hướng dẫn, thì những chị em phụ nữ ấy có tác dụng lớn đối với xã hội. Cách làm của phụ vận Trung Quốc giản đơn, thiết thực và kết quả to, gọi là 5 tốt:

            - Gia đình và xóm giềng đoàn kết và giúp đỡ nhau tốt,

            - Sinh hoạt và công việc trong nhà sắp đặt tốt,

            - Giáo dục con em tốt,

            - Khuyến khích chồng con, anh em sản xuất, công tác và học tập tốt,

            - Tự mình học tập tốt.

Phụ vận ta nên cố gắng thực hiện kinh nghiệm ấy”.

Để kỷ niệm ngày 8-3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên:

Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.

Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm trọn nhiệm vụ của mình.

Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.

Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc.

Mọi chị em, mọi giới phụ nữ đều thi đua góp sức hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1956, đều hăng hái tham gia công cuộc củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời, phụ nữ ta cần đoàn kết với chị em các nước bạn và phụ nữ dân chủ các nước khác để giữ gìn hoà bình thế giới và xây dựng hạnh phúc cho cả loài người. Đó là trách nhiệm rất vẻ vang của phụ nữ Việt Nam ta!”.

Chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3,

Hồ Chí Minh Toàn tập,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 1996, tập 8, trang 132 -133

“Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”.

            Phải thật sự đảm bảo quyền lợi của phụ nữ,

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 661 - 662

“Nhân dịp này, Bác muốn nhắc lại rằng: Phụ nữ các dân tộc miền núi đã có công ủng hộ cách mạng và đóng góp cho kháng chiến rất nhiều. Hôm nay, Bác muốn dặn dò chị em miền núi mấy điều sau đây:

1. Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định đàn bà cũng có mọi quyền lợi như đàn ông. Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu.

[...]

2. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

3. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: Ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v... còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.

4. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi. Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em, chị em trong một nhà, cùng nhau ra sức xây dựng miền Bắc giàu mạnh và ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Việt gian.

Một việc rất quan trọng nữa là: Toàn thể đồng bào miền núi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích, ngăn chặn bọn phản cách mạng âm mưu phá hoại.

5. Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thày giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân, v.v.. Tất cả phụ nữ trong huyện Đà Bắc ở tỉnh Hoà Bình đã xoá xong nạn mù chữ. Đó là những gương mẫu có quyết tâm thì thành công. Bác chờ để khen thưởng những chị em có thành tích xuất sắc nhất.

6. Đảng uỷ các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”.

Bài nói tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi,

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 215 - 216

“Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách  mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Di chúc

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 510

“8-3 là Ngày phụ nữ Quốc tế. Để chúc mừng ngày vẻ vang ấy, đoàn thể phụ nữ ta cần:

- Động viên toàn thể phụ nữ hăng hái góp phần vào cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

- Động viên toàn thể phụ nữ nhiệt liệt ủng hộ các chính sách của Đảng và của Chính phủ, ra sức góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà. Muốn đạt mục đích ấy thì phụ nữ các tầng lớp phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng học tập, nâng cao giác ngộ chính trị, yêu chuộng lao động, quý trọng của công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Ngoài những việc đó, phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia vận động giảm tô và cải cách ruộng đất.

- Động viên toàn thể phụ nữ tham gia các công tác văn hoá xã hội, như bình dân học vụ, phòng đói, cứu đói, phổ biến vệ sinh, bảo vệ nhi đồng, v.v...

- Động viên toàn thể phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào lấy chữ ký chống bom nguyên tử, chống đế quốc Mỹ can thiệp vào nước ta và âm mưu gây chiến.

Đó là cách rất thiết thực để chúc mừng ngày vẻ vang của phụ nữ quốc tế”.

8 tháng 3.

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.489

“1. Vấn đề đoàn kết - Phụ nữ ta cần phải đoàn kết chặt chẽ chị em các dân tộc, lao động chân tay và lao động trí óc, phụ nữ miền Bắc và miền Nam. Cần đoàn kết với phụ nữ các nước phe ta và phụ nữ tiến bộ thế giới, để đấu tranh cho mục đích chung là hoà bình thế giới và chủ nghĩa xã hội.

2. Trách nhiệm làm chủ - Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.

3. Vấn đề chăm nom các cháu bé - Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội Phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt.

Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thế hệ cộng sản mai sau của chúng ta. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.

4. Về Luật Hôn nhân và gia đình - Hiện nay vẫn còn nhiều người và nhiều nơi làm trái luật ấy. Vài ví dụ:

- Nhiều người còn ngược đãi vợ và ép uổng duyên con.

- Những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại quyền hôn nhân tự do.

Gặp những vụ phá hoại pháp luật như vậy, chính quyền, chi bộ và Đoàn thanh niên đã đối phó thế nào? Trước hết là đoàn thể phụ nữ đã đối phó thế nào?

Từ nay, đối với nhân dân, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng khắp và bền bỉ giáo dục; đồng thời đối với những kẻ phạm pháp thì phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.

5. Về cán bộ lãnh đạo - Cán bộ đã cố gắng còn phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết nội bộ chặt chẽ hơn nữa, chịu khó học tập hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa trong các ngành sản xuất, thông cảm sâu sắc hơn nữa với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc, những khó khăn, phải làm gương mẫu.

Anh em cán bộ các cấp, các ngành thì cần hết lòng giúp đỡ chị em tiến bộ về mọi mặt.

Các đồng chí làm được như vậy, thì phong trào phụ nữ nhất định không ngừng lên cao.

Phụ nữ ta sẵn có truyền thống cần cù và anh dũng, quyết tâm học thì nhất định học thành công.

[...] Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.

Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, ngày 9-3-1961

Báo Nhân Dân, số 2546, ngày 10-3-1961, Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 296 - 297

“Vài lời phê bình thanh niên: Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên. Chẳng hạn như trong tổ chức còn phân ra nam nữ, không giúp đỡ cho các chị em nữ thanh niên phát triển, số phụ nữ cũng phải ngang bằng số đàn ông, vậy mà gạt các chị em ra ngoài, tổ chức thanh niên có khác gì đi có một chân”.

Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên cứu quốc toàn xứ, ngày 25-11-1945

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 106

“Nghe nói các cháu ở đây có nhiều cháu thường hay bắt chước cái xấu hơn là cái tốt, ra đường thì huênh hoang làm bậy, không nghe lời cha mẹ, không có kỷ luật phép tắc, như thế là không tốt, không xứng đáng là cháu Bác Hồ. Đó là khuyết điểm của các cháu một phần, có thể nói là một phần nhỏ, nhưng khuyết điểm là ở các cô, các chú, tất cả của người lớn, của xã hội là chính, bởi vì tổ chức của nhi đồng Đảng đã giao cho thanh niên, phụ nữ mà thanh niên, phụ nữ không làm tròn nhiệm vụ của mình, rồi đến khuyết điểm của thầy giáo, trường học và khuyết điểm của bố mẹ không biết làm gương mẫu giáo dục các cháu. Không biết rằng các cháu là người chủ tương lai của xã hội, bây giờ các cháu tốt thì sau này nó cũng tốt, bây giờ xấu thì sau này cũng xấu.

Muốn cho các cháu tốt thì phải giáo dục, tổ chức các cháu. Muốn làm được như thế thì thanh niên, phụ nữ, thầy giáo, gia đình phải liên lạc chặt chẽ với nhau, tìm cách giáo dục, sửa chữa cho các cháu thì nhất định các cháu tốt. Đây là một điểm các cô, các chú cần phải lưu ý”.

Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu Mỏ, ngày 4-10-1957

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 516

“Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”.

Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 1-8-1960.

Báo Nhân Dân, số 2327, ngày 2-8-1960,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 184 - 185

“Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: Ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không?

Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa”.

Bài nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 208

PHỤ NỮ

Việt Nam phụ nữ đời đời,

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.

Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.

Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,

Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.

Mấy năm cách mệnh khẩn trương,

Chị em phụ nữ thường thường tham gia.

Mấy phen tranh đấu xông pha,

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?

Kìa như chị Nguyễn Minh Khai,

Bị làm án tử đến hai ba lần.

Bây giờ cơ hội đã gần,

Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.

Chị em cả trẻ đến già,

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh,

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên,

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

Báo Việt Nam Độc lập, số 104, ngày 1-9-1941, Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 3, trang 202

Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây "Đời sống mới"

Việc thành là bởi

Chúng ta siêng mần

Vậy nên chữ cần

Ta thực hành trước

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Thấy của bất nghĩa

Ta chớ tham tàn

Thế tức là liêm

Đã liêm thì khiết

Giữ mình làm việc            

Quảng đại công bình

Vì nước quên mình

Thế tức là chính

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống "Đời sống mới".

Thư gửi phụ nữ Việt Nam Nhân dịp Xuân Bính Tuất (1946)

Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 1946, 

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 390 - 391

“Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ "mua rẻ, bán đắt", tệ "mặc cả, nói thách". Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khoẻ của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Lời căn dặn chị em phụ nữ Thủ đô, nói tại Hội nghị Phụ nữ lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội ngày 18-10-1958.

Báo Nhân Dân, số 1680, ngày 19-10-1958,

Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 238

“Thân ái gửi chị em trong nước và chị em kiều bào ở ngoài nước,

Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ...

[...] Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng.

Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.

Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình.

Nói chung là phụ nữ ở vùng tạm bị chiếm, nói riêng là các nữ du kích, không quản khó nhọc nguy hiểm, ra sức giúp đỡ chiến sĩ và cán bộ, hăng hái đấu tranh chống quân thù.

Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương.

Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông.

Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học.

Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần.

Tôi rất vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá.

Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.

Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa.

Nhiệm vụ chính của phụ nữ ta ngày nay là:

- Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới.

- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

- Hăng hái tham gia chính quyền.

- Giúp đỡ bộ đội.

- Bảo vệ nhi đồng.

Phụ nữ trong vùng tạm bị chiếm thì ra sức chống địch bắt chồng con, anh em đi lính, phá mưu mô địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

- Chị em kiều bào ở nước ngoài thì ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước về mọi mặt.

Chúc toàn thể phụ nữ tiến bộ và thành công nhiều”.

Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày quốc tế phụ nữ.

Báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952, Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 431

“Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì, mình làm nấy thân thiết như người nhà, thì có thành tích. Cô nào không hòa lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động không thành công”.

Bài nói tại Hội nghị cán bộ liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân, 3-1953

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 57

“Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc đã có hai phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa. Ở các nước bạn ta như Liên Xô, Trung Quốc thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộc về công nghiệp nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Cố học thêm thì làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chưa làm được đâu. Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn,việc nhỏ đều cần cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng. Khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.

[...]Có cất nhắc cán bộ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”.

Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định,ngày 24/4/2957,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 336, 340

... “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ. Đảng, Chính phủ, Đoàn thanh niên sẵn sàng giúp đỡ nữ thanh niên tiến bộ, nhưng bản thân các cháu phải tiến bộ trước”.

Lời căn dặn của Bác tại Hội nghị Nữ thanh niên tích cực thành phố Hà Nội, ngày 11-10-1958.

Báo Thủ đô ngày 12-10-1958

“Từ ngày thành lập, Quốc tế phụ nữ là một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh cho công cuộc giữ gìn hoà bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.

Từ ngày hoà bình trở lại, nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Chị em miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống ách thống trị dã man của Mỹ - Diệm. Ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chị em phụ nữ đều phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, công tác và học tập đều tiến bộ khá.

Dưới sự lãnh đạo ân cần của Đảng, phụ nữ ta cần phải:

- Cố gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật.

- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

- Hăng hái thi đua thực hiện "cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình".

- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới.

Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy”.

Thư gửi Phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (1960), Báo Nhân Dân, số 2181, ngày 8-3-1960,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 85 - 86

“Có so sánh hoàn cảnh phụ nữ ta bây giờ và hoàn cảnh phụ nữ ta trước khi giải phóng, chúng ta mới thấy rõ, từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều. Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì được tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan trung ương đã có trên 5.000 người, ởhuyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ.

Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay phụ nữ đã có người gánh vác những trách nhiệm nặng như làm thẩm phán, chánh án, giám đốc, v.v.. Số cháu gái trước kia đi học ít, nay ở các trường trung học, đại học và các cháu đi học ở nước ngoài ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất xem trọng vai trò phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của nhân dân ta. Tuy vậy cũng có một số người chưa thấy rõ vai trò của phụ nữ hiện nay cũng như sau này, nên còn tư tưởng xem thường khả năng của phụ nữ. Công tác chúng ta ngày càng tiến lên càng đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật khoa học văn hoá, nhưng trình độ phụ nữ ta còn kém. Đó là một nhược điểm. Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”.

Nói chuyện tại Hội nghị các Đại biểu Phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.184 - 185

“Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ.

Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước.

Mấy việc trên đây, chứng tỏ rằng phụ nữ ta rất giỏi.

Bây giờ, Bác xin phép nêu vài ý kiến về phong trào thi đua "năm tốt".

Điều thứ một trong phong trào là "đoàn kết, sản xuất và tiết kiệm tốt". Điều đó rất đúng. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết tốt thì việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng làm được.

Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc.

Điều thứ năm trong phong trào "Năm tốt" là "xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt". Điều này cũng đúng, nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

"Gia" là nhà. "Đình" là sân. Theo nghĩa thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.

Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát:

                                                Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa:

                                                Lọ là thân thích ruột rà,

                                    Công nông thế giới đều là anh em.

Đã là đại gia đình, thì sự săn sóc dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe. Về việc này chúng ta có những người gương mẫu như cụ Lê Thị Hoan. Cụ Hoan đã có công giáo dục mấy chục cháu xấu trở thành những cháu tốt. Nếu tất cả chị em phụ nữ ta đều cố gắng làm được như cụ Hoan thì chắc rằng con cháu chúng ta sẽ đều ngoan và tốt.

Sau đây là mấy điều cần chú ý:

1. Phong trào "Năm tốt" phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, với ba cuộc vận động lớn là cuộc vận động "3 xây, 3 chống", cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp" và cuộc vận động "đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hóa miền núi".

2. Phong trào "Năm tốt" phải tùy điều kiện từng nơi, từng vùng mà áp dụng cho thiết thực. Ở thành thị có khác với ở nông thôn, ởmiền xuôi không giống hệt miền núi. Cần phải giúp đỡ chị em miền núi phấn khởi tham gia phong trào này.

3. Đến nay, có độ năm vạn chị em được bầu là phụ nữ "Năm tốt", năm vạn người trong cả miền Bắc, như thế là chưa nhiều, cần phải cố gắng đẩy mạnh phong trào hơn nữa. Muốn phong trào lên mạnh thì cán bộ phụ nữ phải làm gương mẫu. Nhưng nghe nói cán bộ của phụ nữ và phụ nữ của cán bộ còn ít tham gia phong trào. Hiện tượng ấy cần phải được sửa đổi.

4. Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào "Năm tốt" sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng.

5. Đảng bộ và chính quyền của các địa phương cần thiết thực giúp đỡ cho phong trào "Năm tốt" không ngừng tiến lên, để phụ nữ đóng góp phần xứng đáng vào việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước.

Trên đây là mấy ý kiến tóm tắt để các cô tham khảo.

Chúc Đại hội thành công”.

Bài nói  tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “năm tốt”, ngày 30-4-1964

Báo Nhân Dân, số 3685, ngày 1-5-1964,

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 260 - 261

“Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển.

Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ cách mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn. Gương anh dũng của đồng chí Minh Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập.

Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sĩ đã khuyến khích con cháu mình vào bộ đội đánh giặc, cứu nước, còn ân cần nuôi nấng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ và chiến sĩ khác như con cháu mình...

Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy.

Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là "đội quân tóc dài". Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.

Phong trào "Năm tốt" của phụ nữ miền Nam, phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân.

[...] Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ đảng, v.v.

Trong phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu...

Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên và nhi đồng gái cũng rất ngoan.

[...] Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng.

Hiện nay, giặc Mỹ đang thua to. Càng thua to, chúng càng liều lĩnh mở rộng chiến tranh ở miền Nam, càng điên cuồng bắn phá ở miền Bắc. Bác mong phụ nữ ta ra sức phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và toàn dân ta bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn...

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 19-10-1966, Băng ghi âm lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 148-150

 
   

 

  1. Thế kỷ I sau Công nguyên.
  2. Cách mệnh.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: