Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam số 90, tháng 4 năm 2001 có đăng bức ảnh với chú thích: “Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 3/11/1946)”. Đến tháng 8 năm 2002, số 121, Tạp chí này đăng lại bức ảnh này với những dòng chú thích dài và cụ thể hơn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Lâm thời (ngày 2/9/1945) - Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ảnh chụp tại cửa chính Bắc Bộ Phủ. Trong ảnh gồm có các vị (từ trái qua phải) Hàng thứ nhất: Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố; Hàng thứ 2: Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Tích Trí, Vũ Trọng Khánh, Dương Đức Hiền; Hàng thứ 3: Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Cù Huy Cận.

Chúng tôi xin được bàn thêm về bức ảnh này như sau:

Theo sử sách, chiều 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà đầy đủ là Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt với 15 thành viên. 12 nhân vật có mặt trong bức ảnh được đặt tên là “Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 3/11/1946)” hay “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời (ngày 2/9/1945) - Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” có hai vị chưa phải là Bộ trưởng thời điểm bấy giờ: Hoàng Tích Trí (ngày 3/11/1946 mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế) và Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1947 đến tháng 4 năm 1954); nhưng lại vắng mặt tới 5 Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời lúc bấy giờ: Đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến và Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Xuân. Như vậy, nếu chú thích đúng phải là “Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số thành viên Chính phủ...”.

lịch trinh
Ảnh tư liệu gia đình cố luật gia Vũ Đình Hòe cung cấp.

Cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn kể rằng:

“Vào những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, có một người học trò cũ của tôi làm việc ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự ghé thăm tôi ở nhà riêng 27, Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Anh ấy đem cho tôi bức ảnh này và dặn:

- Thầy cất đi! Em thấy cái ảnh này nằm trong trong đống tài liệu. Thấy có thầy, em giữ lại để thầy làm kỷ niệm.

Do anh Vũ Thế Khôi (Trưởng nam của cụ Vũ Đình Hòe - SK&NC) công khai, sau đó ít lâu bức ảnh này được một vài tờ báo và tạp chí trong nước đăng tải với những chú thích khác nhau. Rồi Thông tấn xã Việt Nam có giấy giới thiệu cử người đến gặp tôi xin chụp lại để làm tài liệu lưu trữ. Sau ngày thống nhất nước nhà, bức ảnh cũng đã được đăng ở vài tờ báo khác nữa, mỗi tờ chú thích khác nhau”.

- Thưa cụ, cụ còn nhớ ai chụp bức ảnh này không ạ? - Tôi hỏi.

- Tôi không nhớ ai chụp đâu. Vì tới gần 20 năm sau tôi mới có được bức ảnh quý giá này. Có thể là của anh Nguyễn Bá Khoản.

Cùng ngồi “hầu chuyện” cụ hôm đó còn có người thầy dạy tiếng Nga cho tôi thời sinh viên là Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi. Thầy Khôi nửa đùa nửa thật hỏi:

- Sao cụ nhanh chân thế! Đứng ngay bên phải Cụ Hồ?

Cụ Hòe nghiêm sắc mặt lại rồi nói tiếp:

- Từng vị trí trong ảnh này là do Bác Hồ sắp xếp. Người đầu tiên là anh Trần Huy Liệu, bên trái. Rồi đến tôi - bên phải. Bác xếp theo kiểu tả tướng quân, hữu tướng quốc.

Tôi hỏi tiếp:

- Thưa cụ, cụ nhớ bức ảnh này được chụp ở đâu không ạ?

Cụ đáp:

- Bức ảnh được chụp ở bậc tam cấp chánh tòa Đông Dương đối diện với nhà Thủy Tạ bên Hồ Gươm. (Tòa này sau đó bị phá đi, thay bằng nhà vệ sinh công cộng và sân tập bóng rổ, đến những năm đầu thập niên 1990, dự án khách sạn Hà Nội Vàng cao 15 tầng không thành và được thay bằng tòa nhà của Bảo Việt hiện nay)

Có nghĩa là những dòng chú thích về bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời (ngày 2/9/1945), Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” hay “Chính Phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3/11/1946)” chụp tại Bắc Bộ Phủ đều chưa chính xác.

Cố luật gia, cố Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên sau đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1946-1961) của chế độ Dân chủ cộng hòa Vũ Đình Hòe hiện đã qua đời nhưng câu chuyện cụ kể cho chúng tôi về bức ảnh như là một lời nhắc nhở rằng, trong bất kỳ sự kiện nào người chụp ảnh báo chí, biên tập ảnh báo chí cần bảo đảm tính thông tin chính xác về bức ảnh được đăng tải.

Theo NSNA Trần Định/ Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: