Năm 1982, tại Áo, Đại hội thế giới về tuổi già có trên 3.000 đại biểu tham dự, trong đó có Giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Đại hội đã thông qua chương trình hành động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi.
Đến năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hằng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi, bắt đầu từ năm 1991. Và cũng thật ngẫu nhiên, trước đó ba mươi năm, đúng ngày 1/10/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” trong đó có đoạn: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ(1).
Bác đã phân tích, chứng minh vai trò quan trọng cũng như những đóng góp to lớn của lớp người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và trong cuối bài viết này, Bác Hồ đã tặng những người cao tuổi 4 câu thơ sau:
Càng già, càng dẻo lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,
Vuốt râu mừng xã hội tương lai (2)
Người cao tuổi là lớp người không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ con cháu nên người hữu ích cho xã hội mà còn là một nguồn lực, là vốn quí của đất nước. Rất nhiều bậc lão thành cách mạng khi đã nghỉ hưu vẫn có những đóng góp to lớn cho thế hệ kế thừa những kinh nghiệm quí báu trong vai trò cố vấn, tham gia ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Lớp người cao tuổi đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc giữ gìn và phát triển những giá trị về thuần phong mỹ tục. Trong những năm gần đây, lớp người cao tuổi nước ta đã là lực lượng không thể thiếu trong các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tiếng nói các cụ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi cuộc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.
Trong lần nói chuyện với cán bộ cách mạng lão thành vào ngày 9/12/1961, Bác Hồ đã xác định vai trò và trách nhiệm của lớp người đi trước đối vối những thế hệ nối tiếp rằng: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa (3).
Đến với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, Bác Hồ còn chỉ ra và phân tích thêm về ưu khuyết điểm của đội ngũ cán bộ già: “Cán bộ già là vốn quí của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới (4).
Bác đã nhận ra ở nơi này, nơi khác, lúc này lúc khác trong hoạt động cách mạng cũng đã có căn bệnh công thần, làm nảy sinh tình trạng thiếu lành mạnh cần phải chấn chỉnh trong quan hệ giữa đội ngũ cán bộ già và trẻ. Bác đã nhắc nhở những cán bộ đảng viên lâu năm rằng:
“Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt, nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đưa mình lên. Cái đó không nên. Đó là mắc bệnh công thần. Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi. Đảng không đưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên. Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được (5).
Và cũng trong buổi gặp gỡ với những cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng :
“Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v,v” (6).
Bác Hồ cũng đã nghiêm khắc phê phán thái độ tự ti của những cán bộ lớn tuổi, cho rằng mình không còn khả năng tiến bộ nữa, không thể học hành và cống hiến nữa. Đến với lớp huấn luyện đảng viên mới vào ngày 14/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
“Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng" (7).
Lời dạy thiêng liêng này đã trở thành tâm nguyện của bao lớp người cao tuổi, của hầu hết cán bộ lão thành cách mạng, hiểu rõ trách nhiệm của mình nên vẫn tận trung với Đảng, hiếu với dân, lấy việc tiếp tục cống hiến khả năng, kinh nghiệm của mình cho đời làm hạnh phúc… Cái nhìn của một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh đã được thể hiện ngay từ những năm nước ta chưa giành được độc lập. Bác đã thấy rõ vai trò của người cao tuổi và đề cập ngay trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/6/1941: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc…”(8)
Cũng từ bài kêu gọi cứu nước đó, ngày 26/5/2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký quyết định lấy ngày 6 tháng 6 hằng năm làm ngày truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam nhằm để tạo điều kiện chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy vai trò của những người cao tuổi; đồng thời thể hiện tình cảm và trách nhiệm của toàn xã hội đối với lớp người cao tuổi, đúng với truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta là “kính lão đắc thọ”.
Việc quan tâm đến người cao tuổi cũng đã được Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong việc thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế về người cao tuổi, đã ban hành Pháp lệnh người cao tuổi (28/4/2000), tiến hành thành lập Hội.
Đại hội X của Đảng cũng đã khẳng định trong báo cáo chính trị: “Đối với người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hóa, được thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, cháu con hiếu thảo…”. Giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa vượt qua khó khăn trong cuộc sống…”(9). Và, người cao tuổi Việt Nam luôn lấy đó làm niềm hạnh phúc tự hào, không ngừng nỗ lực phấn đấu sống xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã trao tặng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”./.
Tư liệu tham khảo
• (1)+(2) - Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn (1/10/1960) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t 10, tr 213-214
• (3)+(5)+(6) - Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm (ngày 9/12/1961) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t10, tr 462-470
• (4) - Bài nói tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t12, tr.208-216
• (7) - Bài nói ở Lớp huấn luyện đảng viên mới (14/5/1966) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t 12, tr.107-110
• (8) - Hồ Chí Minh. Toàn tập, t3, tr 197- 198
• (9) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. NXB CTQG.HN. 2006. Tr.121.
M.B.M
Khúc Thị Lan Hương (st)