Đối với người Việt Nam, được gặp Bác Hồ một lần trong đời là niềm ao ước, là một vinh dự và hạnh phúc lớn lao, nhưng ông Nguyễn Thanh Toàn lại vinh dự có đến 3 lần được vinh dự gặp Bác, trong đó có 2 lần gặp với kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên được.
Nguyễn Thanh Toàn quê làng Kim Đâu thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, ông sinh năm 1929, tham gia quân đội năm 1946. Năm 1958, ông được phong quân hàm đại úy. Đến khi nghỉ hưu ông đã từng kinh qua các chức vụ: Trưởng ban Quân báo Bộ Tư lệnh quân khu 4, Phó trưởng phòng Quân lực Quân khu 4, Trưởng ban Quân lực Bộ Tư lệnh 565 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (C). Cấp bậc trước khi nghỉ hưu là đại tá. Hiện ông đang ở số nhà 102 Phan Văn Trường, phường Vĩ Dạ, TP. Huế.
Đại tá Nguyễn Thanh Toàn
Lần đầu tiên vinh dự gặp Bác được ông nhớ như in, đó là vào lúc 1 rưỡi chiều ngày mồng 7/3/1953 khi ông được cử ra học Trường Du kích chiến tranh do Bộ Quốc phòng mở ở Chiến khu Việt Bắc. Tham gia khóa học này, đoàn Bình Trị Thiên có khoảng hai chục người, hầu hết là cán bộ đại đội cấp trưởng được tỉnh lựa chọn. Ông Nguyễn Thanh Toàn được anh em đoàn Bình Trị Thiên bầu làm đại diện để nếu cần thay mặt anh em phát biểu khi cấp trên cần. Sau hai hôm trường làm lễ truy điệu Xít-Ta-Lin, mặc dù cán bộ, chiến sĩ của trường được thông báo trước về việc ăn mặc chỉnh tề để tiếp cấp trên, nhưng không ai ngờ rằng đó là Bác Hồ kính yêu.
Đối với Nguyễn Thanh Toàn giấc mơ gặp Bác, nỗi mong chờ từ lâu đã thành sự thật. Khi Bác bước vào, cả hội trường mừng vui, reo to “Bác đến, Bác đến”, “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”. Mọi người im phăng phắc khi Bác nói chuyện và sau đó Bác để dành 1 giờ để ai muốn hỏi gì thì hỏi. Là người đầu tiên trong mấy trăm người hôm đó được Bác cho phép hỏi và được Bác trả lời là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc của ông Nguyễn Thanh Toàn. Ông nhớ lại: “Lúc hỏi tôi quá hồi hộp do xúc động, nhưng rồi cũng lấy lại được can đảm:
- Thưa Bác! Cháu xin được hỏi Bác ba vấn đề ạ. Thứ nhất, đồng chí Xít-Ta-Lin vừa mất đi tình hình Đảng Cộng sản Liên Xô và phong trào Cộng sản Quốc tế rồi sẽ ra sao ạ? Thứ 2, (tôi nhìn thấy hàm răng của Bác bị mất 4 cái nên nảy ra câu hỏi này) Bác cho biết sức khỏe của Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng? Thứ 3, xin Bác cho biết Đảng và Chính phủ có những phương cách gì để hạn chế bớt những khó khăn của Nhân dân Bình Trị Thiên đang hàng ngày bị địch càn quét không ạ?
Bác trả lời những câu hỏi đó một cách rành rẽ và một cử chỉ mà ông Toàn và mọi người không bao giờ quên được. Bác vừa nói vừa chỉ tay vào ngực: “Cháu cứ xem Bác đây thì rõ. Sức khỏe của Bác và các đồng chí Trung ương đều tốt không ai sây sất gì. Cảm ơn cháu”.
Lần thứ hai được vinh dự gặp Bác của ông Nguyễn Thanh Toàn là chuyến cùng một số cán bộ của Quân khu 4 tháp tùng Bác vào thăm đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Bình và thăm Sư đoàn 325 đóng quân tại thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) vào ngày 16/6/1957. Chỉ 21 giờ lưu lại ở thị xã Đồng Hới, Bác đã để lại trong lòng Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quảng Bình bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ. Bác tắm biển và nghỉ lại một đêm tại nhà an dưỡng của Quân khu bên bờ biển Nhật Lệ. Bác nằm trên võng, mái tóc bạc phơ, chòm râu trắng hiện lên dưới ánh trăng thanh như một nhà hiền triết, như ông tiên trong chuyện cổ tích. Đã 60 năm đi qua nhưng ông Nguyễn Thanh Toàn vẫn nhớ như in bữa cơm của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam trên đất Quảng Bình hôm đó (có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng ngồi ăn) với những món dân dã: cá kho, mắm cà, dưa chua…
Lần thứ 3, ông Nguyễn Thanh Toàn vinh dự được gặp Bác là sau khi kết thúc khóa học 6 tháng lớp bổ túc quân sự trung, cao cấp ở Tam Dương, Vĩnh Phú năm 1969, ông về Hà Nội và nhận được giấy mời chiều 30/4 đến Hội trường Ba Đình tiếp Bác. Đó là một vinh dự quá sự mong chờ với ông vì thành phần được gặp Bác hôm đó chủ yếu là cán bộ cao cấp chủ chốt ở chiến trường về, riêng chiến trường C (chiến trường Lào) Ban tổ chức mở rộng đến cán bộ cấp tá nên ông mới có may mắn được gặp Bác.
Đúng 7 giờ tối, mọi người có mặt đông đủ tại hội trường và sau đó vài phút thì Bác xuất hiện trong tiếng vỗ tay như pháo nổ. Ông Toàn kể lại: “Nhìn Bác thấy thương quá đi thôi. Bác gầy và yếu đi rất nhiều so với những lần trước được gặp. Bác bận áo sơ mi trắng bó gọn gàng trong quần kaki màu xám nhạt, đầu đội mũ cát két kiểu thông dụng. Giọng Bác ấm áp và khúc chiết nhưng hơi yếu và đôi lúc dứt hơi. Và tôi có ngờ đâu đây là lần cuối cùng tôi được gần Bác”.
Phần lớn thời gian trong cuộc đời binh nghiệp của ông Nguyễn Thanh Toàn ở chiến trường C. Đến nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn minh mẫn và coi những lần được vinh dự gặp Bác Hồ như những báu vật tinh thần trong cuộc đời mình. Ông ghi chép, nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm hiếm hoi ấy và đã làm hàng chục bài thơ nhớ Bác, kỷ niệm gặp Bác và tâm nguyện một lòng theo Đảng, theo tấm gương đạo đức của Bác. Ba lần được gặp Bác Hồ vừa là may mắn vừa là vinh dự lớn lao của cựu chiến binh - đại tá Nguyễn Thanh Toàn./.
Thường Sơn
Theo http://baothuathienhue.vn
Thu Hiền (st)