Cao Bằng là một trong những địa phương có phong trào cách mạng rất sớm. Từ những năm 1930, nhiều thanh niên yêu nước đã tiến đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc mong bắt được liên lạc với lực lượng cách mạng ở hải ngoại. Các đồng chí hoạt động ở nước ngoài cũng tìm đường về Tổ quốc qua mảnh đất tiền tiêu. Sống trong phong trào cách mạng sục sôi lúc đó, lớp thanh niên hăng hái trong dân tộc ít người chúng tôi nhanh chóng trưởng thành, nhiều người trong đó có tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 Năm 1940, liên lạc của Trung ương đã đến Hà Quảng, Hòa An, hai huyện giáp biên giới Việt - Trung. Cuối năm đó có một đoàn cán bộ được Trung ương cử sang Quế Lâm (Trung Quốc) công tác. Tôi và anh Hoàng Sâm được tỉnh ủy Cao Bằng cử đi với Đoàn. Lên đường vào những ngày cuối đông giá rét, vượt mọi khó khăn, chúng tôi đã đến Quế Lâm an toàn.

 Gặp lại một số đồng chí đã từng hoạt động bí mật với nhau trong nước, ai nấy tay bắt mặt mừng, hết sức phấn khởi và thật bất ngờ chúng tôi được các đồng chí cho biết lần này sẽ được gặp phái viên Quốc tế Cộng sản. Niềm vui ấy khiến chúng tôi quên nỗi vất vả dọc đường. Đang lúc chờ đợi bỗng có một ông già xuất hiện, ông cụ nhanh nhẹn vui vẻ chào hỏi chúng tôi. Tôi để ý thấy cụ dáng cao đặc biệt có vầng trán rộng và đôi mắt rất sáng. Tuy chưa gặp cụ lần nào nhưng chỉ qua tiếp xúc ban đầu chúng tôi thấy cụ dễ gần và thân mật. Khi biết ông cụ chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản, ai nấy đều vui mừng xúc động. Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt, đây là sự thật mà tôi còn như ngỡ trong mơ, chúng tôi không thể ngờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc bình dị và gần gũi đến thế. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe anh em trong đoàn và đời sống nhân dân trong nước. Bác dặn anh Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) bố trí cho chúng tôi nghỉ lại và học tập một thời gian. Bác tuy bận nhiều việc nhưng Người thỉnh thoảng đến thăm chúng tôi. Bác trực tiếp giảng một số bài về nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lênin và phương pháp cách mạng. Bác nói ngắn gọn, dễ hiểu. Người đã mở rộng tầm nhìn cho chúng tôi hướng tới chân trời của chủ nghĩa xã hội. Gần Tết Nguyên đán lớp học kết thúc, Bác cho phép chúng tôi chuẩn bị  về nước.

 Gần đến biên giới đoàn chúng tôi nghỉ lại ít ngày để nắm tình hình chuẩn bị cho cuộc hành trình sắp tới. Bỗng một hôm vào lúc nửa đêm có người đến tìm tôi. Tôi nhận ra đó là anh Cáp tôi đã gặp chỗ Bác, bên Quế Lâm. Anh Cáp bảo theo yêu cầu ở trên, đồng chí chuẩn bị đi công tác gấp. Tôi vội theo anh Cáp lên đường. Trong bụng phân vân chưa biết có chuyện gì nhưng đã quen nguyên tắc hoạt động bí mật của Đảng, tôi không hỏi gì thêm.

 Về đến chợ Mới, anh Cáp dẫn tôi đến một căn nhà nhỏ, ánh sáng bếp lửa bập bùng trong đêm giá rét soi rõ một cụ già đang ngồi trên thường có vẻ như đang chờ đợi. Tôi nhận ngay ra Bác. Trong bộ y phục của người dân tộc địa phương, trông Bác thật bình dị, chẳng khác gì già làng ở các bản quê tôi. Mải nghĩ tôi chưa kịp chào. Bác đã vui vẻ nói:

 - Chào các đồng chí!

 Chúng tôi đứng nghiêm chào Bác, Bác đưa tay khoát nhẹ:

 - Các đồng chí đi xa chắc mệt, hãy ngồi nghỉ, uống nước, hút thuốc rồi ta làm việc.

 Sự ân cần quan tâm củaa Bác khiến chúng tôi quên sự vất vả dọc đường. Sau này tôi được biết. khi đoàn chúng tôi lên đường thì Bác và một số cán bộ cũng về nước. Thế mà suốt thời gian chúng tôi ở Quế Lâm, được Bác hỏi chuyện nhiều nhưng chưa có biểu hiện nào Người sẽ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Biết tôi là người Cao Bằng nên Bác cho tìm để hỏi thêm về tình hình địa phương. Tôi báo cáo với Bác về tình hình cách mạng và đời sống, tâm tư của đồng bào. Bác chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi một vài vấn đề. Tôi trình bày những hiểu biết của mình theo yêu cầu của Bác.

 Sau đó Bác bảo tôi về trước chuẩn bị địa điểm, anh Hoàng Sâm ở lại cùng đi với Bác. Tôi hẹn với anh Hoàng Sâm sẽ liên lạc với nhau vào giờ các phiên chợ. Tôi về khoảng một tháng thì chuẩn bị xong cơ sở và hẹn ngày đón Bác về. Cùng đi với Bác còn có một số anh: Anh Tô, anh Văn, anh Vũ Anh, anh Phùng Chí Kiên... Đến Nậm Quảng, chúng tôi bố trí Bác ở một nhà người xã trưởng là cơ sở của ta. Bác cho tôi và anh Hoàng Sâm được ở cùng nhà với Bác, các anh khác ở các gia đình quần chúng tết trong bản. Chủ nhà dành cho Bác một gian phòng đủ kê hai chiếc giường. Bác nghỉ một giường, tôi và anh Hoàng Sâm nghỉ giường bên cạnh. Được mấy ngày Bác cử anh Hoàng Sâm đi công tác. Vì nguyên tắc giữ bí mật nên tôi không hỏi anh Hoàng Sâm đi đâu và làm việc gì. Mãi đến sau này chúng tôi mới biết ngay lúc đó Bác đã giao cho anh Hoàng Sâm tìm chọn một địa điểm dự bị ở phía Lạng Sơn để phòng khi bất trắc. Ngay từ ngày đầu chúng tôi đã được dạy bài học thực tế về công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng.

 Anh Hoàng Sâm đi rồi, còn mình tôi có lúc phải đi liên lạc với Tỉnh ủy. Có khi lên xuống cơ sở Bác ở một mình không tiện, vì vậy tôi xin phép Bác cho chọn một đồng chí khác đến thay chỗ anh Hoàng Sâm đi vắng, Bác đồng ý. Tỉnh ủy cử đồng chí Thế An, một thanh niên khỏe mạnh. luôn tỏ ra hăng hái, vững vàng cùng tôi giúp Bác một số việc cần thiết. Tôi và đồng chí Thế An thường thay nhau ở nhà để khi Bác cần gì chúng tôi sẵn sàng phục vụ.

 Trong thời gian Bác về, Tỉnh ủy Cao Bằng được củng cố và ổn định về mặt tổ chức. Tôi cũng được chỉ định vào Ban chấp hành lâm thời. Tự thấy mình chưa đủ khả năng ở cương vị mới, tôi có ý thanh minh với Bác. Người ôn tồn giải thích:

 - Chú hãy cố gắng, lúc này ta đang cần người khỏe và dám làm.

  Được Bác động viên khích lệ, tôi thấy phấn khởi yên tâm công tác.

 Mỗi buổi chiều sau bữa cơm tôi thường theo Bác đi dạo quanh bản. Bác cháu vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Một hôm Bác hỏi:

 - Chú xem vùng này ta nên về chỗ nào cho an toàn?

 Tôi nói:

 - Thưa Bác, đất khu này rộng ta có thể ở nhiều nơi, nhưng Nậm Sắn thì xa đường cái liên lạc với các nơi khác, không tiện. Ta nên về Pác Bó vì nơi đó có địa thế thuận lợi và quần chúng tốt.

*    *

*

 Pác Bó thuộc xã Trường Hà huyện Hà Quảng, nơi đây là một vùng núi rừng lánh khuất, khép kín, có địa thế thuận lợi phòng chống địch. Dân bản Pác Bó tốt, một số gia đình đã được chúng tôi chọn làm cơ sở mỗi khi về vùng này hoạt động. Được Bác đồng ý chọn Pác Bó làm nơi ở và làm việc, chúng tôi tiến cử đồng chí Thế An đi trước nắm tình hình chọn địa điểm.

 Trước ngày mùng Tết Nguyên đán, đồng chí Thế An trở về báo cáo. Cách Pác Bó 10km có một đồn địch đóng, nhưng với địa thế núi rừng và cơ sở cách mạng ở vùng đó, mỗi khi địch càn quét ta đã có kế hoạch phòng ngừa. Nhân dân cho biết vùng này cây rừng dày kín nên có thú dữ như hổ báo và các loại rắn độc có thể cắn chết người. Trong thời gian chuẩn bị đón Bác. Tỉnh ủy đã cử hai đồng chí Đức An và Quốc Vân phát triển thêm cơ sở mới, đường vào Pác Bó bố trí đồng chí Đức Thanh (tức đồng chí Minh Viễn) nắm chắc diễn biến tình hình.

 Nghe xong, suy nghĩ một lát. Bác nói:

 - Vậy các chú chuẩn bị ngày mai ta lên đường.

 Kế hoạch đảm bảo bí mật được chúng tôi nhanh chóng trao đổi, anh Phùng Chí Kiên hỏi:

 - Ta có phải đi qua những chỗ đông người vui chơi Tết không?

 Thế An trả lời:

 - Có qua bản và những nơi hội Tết đấy.

 Anh Kiên dặn:

 - Vậy khi gặp người quen họ hỏi đi đâu thì nhớ trả lời "đi thăm mẹ vợ".

Vốn là người hoạt động ở vùng này nhiều năm nên anh Phùng Chí Kiên am hiểu phong tục của đồng bào miền núi. Những ngày Tết cổ truyền đi thăm gia đình bên vợ là việc tốt đẹp, là nếp sống quen thuộc, vốn có trong đời sống tinh thần đồng bào nơi đây. Anh Kiên đã chọn cho chúng tôi câu chuyện ngụy trang thích hợp. Tôi nói thêm:

- Từ Nậm Quảng trở đi, yêu cầu mọi người nói với nhau bằng tiếng Quảng Đông, tôi sẽ đi trước chuẩn bị sẵn những câu trả lời phòng khi có người hỏi.

 Tôi biết những cán bộ cùng đi với Bác có một số người không biết tiếng Tày, Nùng, nếu trao đổi bằng tiếng Kinh, e những người gặp dọc đường sinh nghi, tốt nhất nên nói tiếng Quảng Đông, thứ tiếng vùng này vẫn thường dùng mà trong đoàn ai cũng có thể biết ít nhiều.

 Bác dặn tôi tìm mượn mấy bộ quần áo của đồng bào cho Bác và các đồng chí dùng, không nên mượn một nơi mà hãy tìm những cơ sở tốt mượn mỗi người một thứ.

 Đúng vào ngày đầu Xuân chúng tôi hòa vào dòng người ngược xuôi đi chơi Tết. Bác là người lớn tuổi nhất, trong bộ quần áo chàm, Bác như một ông già làng trong bản dẫn con cháu đi chúc Tết họ hàng. Đi độ 6-7km chúng tôi nghỉ chân tại một gia đình cơ sở, gia đình mời Bác và tôi cũng ăn bánh tét. Hương vị đậm đà của ngày Tết cổ truyền gợi cho chúng tôi cảnh gia đình sum họp êm ấm.

 Buổi chiều chúng tôi đưa Bác đến nhà ông Máy Lìn, một cơ sở tốt chúng tôi đã từng chọn là nơi đi lại, hội họp. Căn nhà ông kín đáo, có thể quan sát những người lạ từ xa và có đường vào núi khi động tĩnh. Ông Máy Lìn có vợ và một con gái nhỏ. Thấy chúng tôi đến, ông tiếp đón niềm nở, chân tình như đón người thân ở xa mới về. Chúng tôi có ý định mời Bác và một số anh em nghỉ ở nhà này. Bác vui vẻ thăm hỏi gia đình, độ nửa giờ sau Bác ra hiệu cho chúng tôi xuống dưới nhà. Người nói:

 - Nếu ở đây thì vừa không tiện cho ta vừa không tiện cho gia đình. vậy ta nên sáu sán thôi (sáu sán tức là vào núi).

 Nói chuyện với ông Máy Lìn, Bác nói:

 - Ở đây có chỗ nào mưa hắt không tới?

 Hiểu ý Bác, ông Máy Lìn trả lời:

 - Thưa cụ, ở gần nhà có một cái hang, hang của nhà kín đáo lắm, tôi định lúc nào cần mới dùng, tôi sẽ đưa cụ và các anh đến xem.

 Chúng tôi cùng Bác và ông Máy Lìn xuống thăm hang đá. Hang cách nhà ông độ 100m, cửa hang thấp, người cao khi vào phải cúi. Lòng hang hẹp, chỉ đủ chỗ cho một vài người, không khí trong hang ẩm và lạnh. Xem xong Bác đồng ý ở ngay hang này. Chúng tôi mượn ông Máy Lìn tấm ván bìa bằng gỗ nghiền ông vẫn dùng kê đồ đạc để làm sàn. Vì các tấm gỗ ngắn nên phải ghép thêm hai miếng khác ở hai đầu. Sàn gỗ chỉ đủ chỗ cho bốn, năm người. Mỗi lần có thêm cán bộ đến làm việc với Bác chúng tôi chuyển hết lên ở nhờ nhà ông Máy Lìn. Bà con trong bản Pác Bó cho chúng tôi mượn xoong nồi và giúp đỡ lương thực. Trong hang đá lạnh lẽo ăn uống thiếu thốn nhưng Bác vẫn làm việc ngày đêm. Thương Bác già yếu lại phải làm việc nhiều nên mỗi khi có thức ăn tươi đồng bào gửi biếu hay chúng tôi câu được cá đều muốn dành bồi dưỡng cho Bác nhưng Bác đều từ chối, hoặc có khi nể quá phải nhận thì Bác bảo nấu lên chia đều cho mọi người. Bác dặn chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác giữ bí mật, không để thức ăn vương vãi trên bờ suối, địch có thể phát hiện. Tuy điều kiện sống thật khó khăn, thiếu thốn nhưng Bác vẫn lạc quan. Buổi tối sau bữa cơm Bác cháu quây quần chuyện trò vui vẻ như người ông với các con cháu trong một gia đình. Bác luôn luôn quan tâm đến mọi người. Anh Phùng Chí Kiên bị thương sức yếu, Bác bảo để anh nằm giữa cho đỡ lạnh. Tôi khỏe và thông thạo địa hình nên Bác bảo cho nằm ngoài cửa hang phòng khi có động tĩnh. Có những đêm giá lạnh, thấy chúng tôi dậy thay nhau canh gác. Bác đề nghị để Bác được canh gác cùng. Nghe Bác nói ai cũng xúc động, Bác là phái viên Quốc tế Cộng sản, là lãnh tụ cao nhất của Đảng mà bất cứ lúc nào Người cũng chan hòa, muốn được chia sẻ sướng khổ, buồn vui với mọi người.

 Bác rất yêu thiên nhiên, sáng tinh sương Người đã dậy ra bờ suối tập thể dục và hít thở không khí trong lành. Phong cảnh nơi đây như một bức tranh ngoạn mục. Ngọn núi sừng sững uy nghiêm, Bác đặt tên là núi Các Mác. Con suối hiền hòa, nước trong xanh mát, róc rách ngày đêm, Bác gọi là suối Lênin. Cảnh vật thiên nhiên hòa với niềm tin lạc quan tất thắng của người cách mạng là nguồn cám xúc tạo nên những vần thơ tuyệt vời của Bác mà ngày nay người người đều biết đến.

Sáng ta bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

 Bác thích đi bộ và leo núi, thỉnh thoảng những ngày đẹp trời, sau giờ làm việc tôi theo Bác đi xem phong cảnh. Bác đi bộ và leo núi rất khỏe, chẳng kém gì người dân địa phương, có đoạn tôi khá vất vả mới theo kịp Bác. Một hôm đi đến một vùng đất khá bằng phẳng bên dòng suối rậm rợp bóng cây xanh Bác đừng lại bảo tôi:

 - Chỗ này kín đáo, lại gần suối, ta có thể về đây ở được

 Nghe Bác nói vậy tôi rất mừng bởi vì ở trong hang đá lạnh lẽo, ẩm thấp ánh hưởng đến sức khỏe của Bác. Chúng tôi đã bàn tìm cho Bác chỗ ở tốt hơn nhưng chưa chọn được, nay thấy Bác chỉ nơi ở mới, tôi thầm nghĩ: Ông cụ chọn nơi thật khéo léo đúng như các già làng thường Bảo, nơi ở phải thiên thời địa lợi. Bác chỉ chỗ và bảo chúng tôi dựng một cái lán, làm sàn cao để tránh ẩm thấp và phòng các loại rắn...

 Chúng tôi vào bản Pác Bó nhờ quần chúng tốt phần lớn là thanh niên cùng xây dựng lán. Ngày đầu phát cây đốn gỗ, đào hố chôn cột, các cô gái đi cắt cỏ tranh. Ngày hôm sau dựng kèo, đánh tranh lợp lán. Thanh niên hăng hái được tham gia công tác cách mạng đều phấn khởi vừa làm việc vừa chuyện trò vui vẻ, công việc chạy bằng băng. Bà con dân bản người giúp cây người cho tấm ván, chúng tôi ghép lại làm sàn, sàn không cao lắm nhưng rất tiện lợi, vừa tránh ẩm ướt vừa tránh rắn rết và khi có động thì xuống tìm nơi ẩn náu ngay được. Ghép ván xong chúng tôi lấy lá đan lại như tấm thảm để trải cho Bác nằm đỡ lạnh, xung quanh lán cũng được che kín bằng những chiếc rèm tết bằng lá đao. Buổi chiều Bác đến thăm thấy dưới gốc cây hoàng anh có một căn nhà sàn nhỏ đã được dựng xong, trước lán có một cây mai vàng tươi, Người tỏ ý hài lòng. Bác nói chuyện thân mật với cán bộ và các thanh niên. Dân bản Pác Bó rất quý trọng Bác, không biết rõ Người là ai nhưng chỉ một vài lần tiếp xúc ai cũng cảm thấy ông cụ dễ gần và đáng mến. Qua cử chỉ ánh mắt, chúng tôi biết Bác đã được bà con coi như người cùng dòng họ. Một lần ông Máy Lìn hỏi tên Bác. Bác cười rồi nói: "Cứ gọi tôi là sáu sán". Thế là từ đấy cả dân bản và chúng tôi đều thưa với Bác bằng cái tên thân mật "ông Ké" hay "già Thu".

 Bác rời hang đá chuyển xuống làm việc ngay lán, ở đây có phần thoáng đãng nên sức khỏe Bác đã tốt hơn. Bấy giờ vào khoảng tháng 3, những đợt gió mùa đem theo mưa phùn rải lên núi rừng màn sương trắng đục. Ở trong căn lán ấm áp chúng tôi bảo nhau: Ông cụ thật tài tình, chưa ở rừng núi lâu mà sao kinh nghiệm làm nhà giỏi thế, nhà thoáng đãng lại cao ráo và kín đáo. Ít ngày sau Bác bảo chúng tôi làm thêm một lán nữa để chuẩn bị đón anh em sắp đến. Chúng tôi lại vào bản nhờ bà con, thanh niên dựng lán, làm sàn. Lán này rộng và dài hơn lán trước. Chúng tôi say sưa làm việc mà không ai có thể biết trước được là tại căn lán nhỏ đơn sơ này chỉ ít ngày sau đó từ ngày 10 đến ngày 19.5.1941 đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Tại đây Bác và Trung ương đã bàn những vấn đề thiêng liêng nhất thuộc về vận mệnh của Tổ quốc, định ra những việc có tầm quan trọng, quyết định bước ngoặc lịch sử nước nhà mấy năm sau đó.

 Cuối năm 1942, Bác cử tôi đi công tác vùng Hà Quảng, vừa về đến cơ quan Bác đã cho gọi tôi đến gặp Bác. Thấy Bác vẫn khỏe tôi rất mừng.

 Nghe tôi báo cáo một số tình hình, Bác bảo:

 - Chú chuẩn bị hành lý cho Bác ra nước ngoài công tác.

 Tôi sững người, cố giấu xúc động. Thế là Bác lại sắp phải ra đi, bất giác tôi tưởng tượng quãng đường trùng điệp nơi biên giới, thương Bác tuổi cao sức yếu lại phải lặn lội nơi đất khách quê người với muôn vàn khó khăn gian khổ. Chuẩn bị những thứ cần thiết cho Bác mà ruột gan tôi bồn chồn, lo lắng. Hành trang của Bác ngoài mấy bộ áo chàm và vài thứ đồ dùng cần thiết thì không thấy có gì khác. Nghĩ đến những nơi canh phòng của giặc nơi biên ải, tôi liền mạnh dạn hỏi Bác:

 - Thưa Bác, Bác có cần giấy tờ gì qua biên giới không?

 Bác nhìn tôi âu yếm:

 - Bác đã có giấy tờ rồi.

Tôi chợt nhớ khi chuẩn bị hành lý cho Bác tôi thấy trong chiếc ví bỏ ngỏ của Người có tấm card phóng viên "Tân Văn ký giả" mang tên Hồ Chí Minh. Lúc đó tôi cũng chưa thể biết được, bốn năm sau đó chính là tên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Quảng trường Ba Đình đã vang xa khắp năm châu bốn biển.

 Tôi rất muốn được đi theo Bác, suy nghĩ mãi tôi mạnh dạn hỏi:

 - Thưa Bác, Bác cho cháu được đi theo Bác.

 Bác nhìn tôi cái nhìn cảm thông độ lượng:

 - Lúc này phong trào đang cần cán bộ, cháu hãy ở lại công tác tốt, các chú khác đi với Bác được rồi.

 Hiểu ý Bác tôi thấy mình đỡ băn khoăn. Bác nhờ ông Máy Lìn giúp hành trang cho Bác đóng giả là thầy cúng. Bác hóa trang rất khéo léo, chính chúng tôi không thể ngờ trước mặt mình một ông thầy mo trong bộ quần áo thâm lem luốc tai nặng, hàm răng cải mả, dáng đi khập khễnh miệng luôn ú ớ lại chính là ông Ké hàng ngày vui vẻ lạ thường. Duy chỉ có đôi mắt, đôi mắt Bác luôn rực sáng.

 Bác lên Hòa An giữa ban ngày, các anh Hoàng Sâm, Thế An người đóng vai con, người giá vai nhà có người ốm đến nhờ thầy cúng ma. Hôm ấy phiên chợ Na Giang, Bác cháu lẫn vào dòng người ngược xuôi đi chợ, ngược lên biên giới.

 Tôi đứng lặng nhìn theo bóng Bác xa dần, bỗng thấy hai mắt nhòe di. Chợt nhớ lời Bác dặn, tôi trở lại với vị trí công tác của mình, đem theo hình ảnh và tình thương dạt dào của Bác./.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba

Nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân khu Việt Bắc

Theo http://hochiminh.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: