Vào những ngày này của 67 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hưởng ứng Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào của Tổng bộ Việt Minh (ngày 14-8-1945) và Đại hội quốc dân Tân Trào (ngày 16-8-1945), cả dân tộc ta bất kể đàn ông, đàn bà, tôn giáo trên mọi miền của Tổ quốc đã đoàn kết một lòng, nhất tề vùng lên "đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, với sức mạnh "dời non, lấp biển”, nhân dân ta đã làm cho chính quyền của địch hoàn toàn sụp đổ và xây dựng chính thể mới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đúng nửa tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 17/9/1945, Hồ Chủ tịch có "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Trong thư có đoạn: "Chúng ta đã lập nên một chính thể dân chủ cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta... Vì sao có cuộc thắng lợi đó?
Một phần là vì tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.
Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(1).
Bài học lớn rút ra từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám là: Với đường lối đúng đắn của Đảng lãnh đạo, nắm vững và giương cao ngọn cờ dân tộc độc lập, biết khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc thì khó khăn mấy, cách mạng cũng vượt qua và giành thắng lợi.
Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới ngày nay.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhờ có đổi mới mà đất nước đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị được củng cố, ngày càng vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên nhiều lần, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu đó vừa là kết quả, vừa là tiền đề, là điều kiện thuận lợi để tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
25 năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới công tác vận động quần chúng, về cải cách bộ máy hành chính, về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất v.v... được ban hành và được thể chế hóa trong Hiến pháp (sửa đổi), các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định v.v... đã và đang đi vào cuộc sống, tiếp tục thu được những kết quả tốt đẹp. Khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng. Sự đồng thuận xã hội ngày càng tăng, trở thành một nhân tố cơ bản đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với những tiến bộ đã đạt được, chúng ta cũng cần thấy rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho sự nghiệp đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Đó là:
a. Trong quá trình phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang làm xuất hiện ngày càng nhiều những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Mâu thuẫn nội bộ có chiều hướng gia tăng nhanh và tỷ lệ thuận với mức độ phân hóa giàu nghèo.
b. Cùng với sự gia tăng về mức độ phân hóa giàu nghèo thì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội vẫn đang là những đòi hỏi bức bách của một bộ phận nhân dân, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.
c. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thái độ cửa quyền, hách dịch, vòi vĩnh, gây phiền hà để nhận hối lộ của một số cán bộ, nhân viên đã trở thành nỗi đau, sự nhức nhối của toàn xã hội, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến uy tín của Đảng, của Nhà nước và mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân cũng như việc củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Để góp phần đưa cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa, trước mắt phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương phát huy mạnh mẽ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với những định hướng lớn sau:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
- Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành đều vì lợi ích của nhân dân.
- Cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; rèn luyện phấn đấu để thực sự là công bộc của nhân dân như Hồ Chủ tịch từng căn dặn.
- Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân; phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với phát huy dân chủ, Đại hội chủ trương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào một mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội.
Để đoàn kết được rộng rãi, lâu dài và bền vững, trong điều kiện hiện nay phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành phần trong xã hội và đoàn kết trong Đảng phải được xem như hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đoàn kết trong Đảng được chặt chẽ, cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng đang tiến hành ở các ngành các cấp hiện nay. Tổng kết lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chân lý:
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
Thực hiện chân lý đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, toàn dân đoàn kết, nhân dân ta nhất định thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, nhất định vượt qua mọi khó khăn, xây dựng thành công "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Di chúc của Hồ Chủ tịch để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Nguyễn Túc
(1) "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” ngày 17-9-1945 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 17 - 18
Theo daidoanket.vn
Kim Yến (st)