Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh Bác Hồ kính yêu, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ thức cuộc họp mặt với các đồng chí trước đây được trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác. Tôi là một trong số 36 đồng chí được mời tham dự tọa đàm. Ban Tuyên huấn Trung ương và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đề nghị chúng tôi có trách nhiệm viết hồi ký, kể lại những mẩu chuyện về tác phong, đạo đức của Bác trong quá trình công tác chúng tôi ghi được để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc thêm cuộc sống, hoạt động cách mạng vĩ đại của Người.

Những câu chuyện của chúng tôi rất nhỏ so với hàng trăm công trình nghiên cứu, hàng vạn trang sách đã viết về cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Đó chỉ là những chuyện về cuộc sống bình thường, giản dị, nhưng vô  cùng cao quý của Bác mà với trách nhiệm của người cảnh vệ, tôi được mắt thấy tai nghe.

Cuộc sống của Bác rất bình dị, trong chiến tranh cũng như hòa bình, ở trong nước hay khi đến thăm các nước anh em bè bạn trên thế giới, Bác vẫn giữ nếp sống thanh bạch cao quý đó.

Khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương bố trí Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà cao tầng với kiểu kiến trúc hiện đại uy nghiêm, lộng lẫy trong một khu vườn mênh mông bốn mùa rợp bóng cây xanh vốn là nơi của Toàn quyền Đông Dương đã được sửa sang lại để đón Bác. Chúng tôi được theo Người vào chốn thâm nghiêm đó, bất giác tôi nhớ lại chỉ cách đó không lâu người dân Hà Nội mấy ai đã được đến gần và mỗi lần đi ngang đâu dám nhìn thẳng. Còn bây giờ nó đã là tài sản của nhân dân, là Chủ tịch phủ. Tôi nhìn ra ngoài đường, trước cổng xanh hai chiến sĩ quân phục chỉnh tề bồng súng đứng gác, bên hàng rào trồng bằng cây được cắt tỉa gọn ghẽ, thấp thoáng một tốp em nhỏ cắp sách đến trường đang dừng lại ngắm nhìn ngôi nhà cao đẹp. Bác chỉ dạo quanh ngôi nhà một lượt rồi Người nói với chúng tôi:

- Ngôi nhà này đẹp đấy, nhưng Bác thấy có mùi thực dân. Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa chữa để làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi, còn Bác sẽ tìm nơi ở chỗ khác.

Sau khi đã xem khắp lượt, Bác chọn nơi ở trước đây là nơi ở của người thợ điện phục vụ trong phủ toàn quyền. Căn phòng này hẹp, trần thấp nên mùa Hè rất nóng. Chúng tôi thấy Bác ở như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Người nên rất băn khoăn nhưng chưa biết cách gì hơn. Các đồng chí ở Bộ Ngoại giao trong một dịp công tác ra nước ngoài đã mua biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ do một nước tư bản sản xuất. Nhân một hôm Bác đi công tác, anh em phục vụ đã lắp máy điều hòa vào phòng của Bác. Chỉ sau ít phút chạy thử, nhiệt độ trong phòng giảm dần, ngoài trời nhiệt độ mùa Hè oi bức mà căn phòng tựa một khoảng trời thu. Lúc đó ở Hà Nội máy điều hòa còn hiếm, anh em chúng tôi nhiều người mới biết lần đầu nên có đồng chí cứ tấm tắc khen và phấn khởi vì Bác đỡ phải nóng bức như trước.

Tuy vậy chúng tôi vẫn hội hộp chờ ý kiến của Bác. Về đến nhà bước vào phòng, chợt Bác dừng lại hỏi tôi:

- Chú ơi, hôm nay nhà có mùi gì khó chịu quá.

Chúng tôi nhìn nhau, chưa ai trả lời câu hỏi của Bác. Bây giờ mọi người mới nhớ ra trong chiếc máy điều hòa có một bình nước hoa tự động. Khi máy vận hành, van mở nước hoa tỏa ra không khí nên trong phòng lúc nào cũng phảng phất mùi thơm. Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ phải trình bày kỹ lý do về chiếc máy điều hòa. Bác nghe nhưng không tỏ thái độ gì. Chúng tôi nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chỉ đến buổi chiều, Bác cho gọi đồng chí phục vụ đến, Người nói:

- Các chú hãy đem chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm các chú ấy ở còn nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần. Các đồng chí Trung ương khác còn chưa có, sao Bác lại được dùng.

Các đồng chí phục vụ hết lời đề nghị nhưng Bác vẫn không thay đổi. Thế là ngay chiều hôm ấy chúng tôi phải chuyển máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác.

Bác ăn mặc rất giản dị. Người chỉ có hai bộ quần áo kaki dùng khi tiếp khách, ở nhà làm việc Bác thường mặc bộ bà ba nâu. Nhiều lần anh em phục vụ đề nghị Bác cho may thêm quần áo mới nhưng Bác không đồng ý. Có lần Bác đi thăm các nước, nhân dân quý trọng Người, họ tung hoa, áo quần Bác bị ố, giặt là không kịp. Các đồng chí phục vụ liền nảy ra sáng kiến may một bộ quần áo mới cũng bằng loại vải và màu sắc Bác đang dùng rồi giặt lại nhiều lần cho cũ trước khi đưa lên Bác. Nhưng chỉ lần đầu đã bị Bác phát hiện. Người phê bình ngay:

- Ai cho mấy chú may thêm. Bác đã có hai bộ rồi. Nhân dân còn đang thiếu vải mặc. Bác dùng như vậy là đủ.

Anh em phục vụ xin lỗi Bác rồi trình bày rõ lý do.

Nghe xong Bác bảo:

- Thế thì các chú phải nói cho Bác biết chớ không được may trộm.

Chúng tôi bảo nhau lần sau phải xin ý kiến Bác. Thế rồi dịp ấy, trời đã vào hè, nóng nực mà khi tiếp khách Bác vẫn mặc áo bằng vải kaki. Anh em phục vụ liền trao đổi và đề nghị Bác cho may hai chiếc áo sơmi dài tay và ngắn tay bằng vải mỏng để Bác thay đổi cho đỡ nóng. Chúng tôi nghĩ rằng lần này xin phép trước thế nào Bác cũng đồng ý, nhưng khi nghe đồng chí phục vực trình bày xong, Bác giải thích:

- Tiếp khách mà mặc áo đại cán là tôn trọng khách rồi. Bác không dùng áo sơ mi nữa.

Quả thật Bác không có áo sơ mi. Ngoài những bộ bình thường, Người còn mặc một bộ bằng len do chính phủ Tiệp Khắc tặng. Bác thường dùng khi đến thăm các nước xứ lạnh mà chúng ta vẫn thấy trong phim tài liệu.

Tôi còn nhớ khi về tiếp quản Thủ đô, tới dự phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, hầu hết đại biểu ăn mặc khá tươm tất, hầu hết các vị đều mặc comlê thắt cà vạt. Bác vẫn dùng bộ đại cán cũ bằng vải kaki. Người không cài nút cổ vì tiết trời tuy đã sang thu nhưng còn hơi nóng. Thấy Bác đến, một cán bộ cao cấp ra cửa đón. Bác sờ vào cà vạt của đồng chí cán bộ đó và nói:

- Hôm nay là ngày gì mà chú ăn mặc trịnh trọng thế?

Đồng chí cán bộ lễ phép:

- Thưa Bác hôm nay là buổi họp đầu tiên của Chính phủ ở Thủ đô nên mọi người muốn ăn mặc cho lịch sự.

Cụ Phan Kế Toại cũng ra chào Bác. Bác thấy cụ ăn mặc bộ đại cán. Người nói vui:

- Cụ Phan mặc thế này trông khỏe và đẹp trai lắm.

Mọi người ra đón Bác cũng cười vui vẻ nhưng sau đó không ai bảo ai tự mình đều bỏ cà vạt. Từ đó về sau trừ những khi đi công tác ở nước ngoài hay phải tiếp đoàn khách quốc tế, còn ở trong nước các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều theo gương Bác ăn mặc giản dị, ít người dùng com lê cà vạt.

Lần Bác đi thăm Miến Điện, tôi được theo bảo vệ Bác. Thấy tôi ăn mặc khác ngày thường.

- Chú Ninh hôm nay cũng com lê cà vạt à?

Tôi lúng túng chưa biết trả lời Bác thế nào thì Thủ tướng lúc đó đang đứng bên Bác đỡ lời:

- Thưa Bác, lần này Bác đi thăm các nước tư bản, Bác cho phép anh em ăn mặc như thế cho lịch sự theo nghi thức ngoại giao.

Bác khoác tay Thủ tướng vừa đi vừa nói, tôi đi sau nên nghe được lời Bác nói với Thủ tướng:

- Không phải mình không muốn cho các chú ăn mặc đẹp. Mình rất muốn cho dân tộc Việt Nam ta ăn mặc đẹp. Nhưng chú biết đấy, Liên Xô sau khi chiến thắng phátxít Đức, thanh niên ba năm không thắt cà vạt, phụ nữ ba năm không thắt nơ, tình nguyện tiết kiệm để xây dựng đất nước. Còn ta nếu ai muốn cà vạt thì cần phải sơ mi, phải áo vét, mà như vậy thì tiền lương sao đủ, vậy thì chỉ còn cách bớt xén của công v.v...

Thật vô cùng xúc động và thấm thía những lời dạy ân cần của Bác đối với cán bộ trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, chúng ta đang phải hàn gắn vết thương chiến tranh và cần kiệm dựng xây đất nước...

*   *

*

Các thứ tiện nghi Trung ương dành cho Bác thứ nào thật cần thiết Bác mới dùng, cái gì chưa cần thiết, Bác đều cho trả lại cơ quan. Một lần Bác đi công tác xa, anh Trần Quốc Hoàn đem biếu Bác một cái két sắt để Bác đựng tài liệu, khi Bác về anh em phục vụ báo cáo với Bác, Bác cười rồi nói:

- Có cái gì quý thì các chú cũng đem biếu thì phòng Bác chứa sao hết. Ở ngoài đã có các chú cảnh vệ canh gác, ngay bên Bác cũng có cảnh vệ, nếu phải dùng đến két sắt thì hóa ra Bác không tin các chú à?

Sau đó Bác bảo chúng tôi chuyển két sắt trả lại cho anh Hoàn. Chiếc xe Pêvêda của chính phủ Liên Xô tặng, Bác dùng từ ngày đầu về tiếp quản Thủ đô. Sau này khi chiếc xe đã cũ, anh em phục vụ có ý định đổi cho Bác chiếc xe khác mới và tốt hơn. Thấy vậy, Bác hỏi:

- Xe đã hỏng chưa?

Đồng chí lái xe phải báo cáo thật với Bác rằng xe chưa hỏng nhưng muốn đổi cho Bác xe khác tốt và mới hơn để đi nhanh cho Bác đỡ mệt. Bác cười rồi nói:

- Thế thì chưa đổi, ai cần đi nhanh thì dùng xe khác, ai thích sang thì lấy xe mới, còn Bác thì dùng xe này vì nó chưa hỏng.

Một hôm đồng chí lái xe đánh xe ra đưa Bác đi công tác thì xe trục trặc chưa phát máy được, đồng chí lái xe trình bày với Bác vì xe quá cũ rồi nên máy không nhạy, và định xin Bác cho đổi xe nhưng khi thấy xe ra chậm hơn mọi ngày và nghe đồng chí lái xe báo cáo, Bác rất độ lượng, giọng Người ấm áp:

- Lần sau chú hãy sửa chữa cho cẩn thận kẻo nhỡ việc của Bác.

Thế là đồng chí lái xe không còn lý do đề nghị đổi xe nữa. Chiếc Pêvêda ấy Bác dùng cho đến ngày Người đi xa.

Trước kia khi còn ở quân đội chúng tôi đã từng được nghe kể chuyện về món "muối Việc Minh" và những bữa ăn thanh đạm của Bác. Sau này về làm công tác cảnh vệ, đất nước đã hòa bình, tôi nghĩ chắc Bác không còn vất vả như xưa. Nhưng khi được vinh dự trực tiếp bảo vệ Bác, tôi thật không tưởng tượng được bữa ăn của Chủ tịch Nước lại đạm bạc đến thế. Bữa cơm của Người thường chỉ có ít món: Dưa giá muối xổi hoặc cà muối, một bát canh nhỏ, vài lát ớt thái mỏng trong chén nước mắm với một miếng thịt lợn hoặc khúc cá kho khô, nhưng nếu bữa nào có thịt thì Bác không dùng cá và ngược lại. Các đồng chí phục vụ thấy Bác ăn uống như vậy sợ không đảm bảo sức khỏe nên đề nghị Bác cho tăng thêm món ăn nhưng Bác đều từ chối. Bác chỉ cho thay đổi món rau dưa tùy theo mùa mà thôi. Khi nào có khách Bác mới cho giết gà. Nếu muốn bồi dưỡng cho Bác thì các đồng chí phục vụ phải nói rằng giết một con gà nhưng đã chia làm bốn, ba phần đã gửi đi biếu các đồng chí khác trong Bộ Chính trị, còn một phần nấu phục vụ Bác, có vậy Bác mới đồng ý. Thế nhưng nếu có món ăn ngon Bác không chịu ăn một mình bao giờ, Người thường cho mời anh Tô, anh Văn... hoặc các anh em khác. Anh Cần nhiều năm phục vụ nấu ăn cho Bác kể lại, thời kỳ ở Việt Bắc thỉnh thoảng anh em săn bắn được thịt rừng đem về nấu, Bác cháu cùng ăn, Người thường khen ngon. Sau này ở Hà Nội tôi thường đi bắn các loại chim, có hôm bắn được sâm cầm về phục vụ Bác... Bữa nào biết có món ăn tự tay chúng tôi đi săn về và chế biến Bác rất vui lòng. Bác ăn uống rất điều độ, không chỉ ở nhà mà cả khi đi dự liên hoan, chiêu đãi. Một lần Bác đến thăm sứ quán Liên Xô, đồng chí đại sứ chiêu đãi Bác bữa tiệc rất sang. Các đồng chí Liên Xô luôn tiếp thức ăn cho Bác, nể bạn Bác không nỡ từ chối, Người ghé tai tôi nói nhỏ: "Chú hãy giúp Bác" rồi Bác gắp thức ăn cho tôi.

Nếu đi thăm địa phương trong một ngày, Bác không dùng cơm ở tỉnh. Trước hôm đi Bác dặn chúng tôi nấu xôi từ chiều hoặc sáng sớm từ 3 giờ sáng. Bác bảo:

- Các chú lái xe, bảo vệ thì ăn xôi và thịt, còn Bác đem theo cơm nắm, dọc đường chỗ nào sơn thủy hữu tình Bác cháu ta nghỉ lại ăn cơm...

 Nhiều lần địa phương mời Bác dùng cơm, nhưng Bác đều từ chối. Bác nói vui với chúng tôi:

- Nếu nể tình chiêu đãi thì họ cho Bác cháu mình một bữa nhưng sẽ hết cả một con bò. Như vậy Bác đến thăm bốn tỉnh thì kinh tế sẽ lạm phát.

*   *

*

Bác tập luyện và làm việc rất khoa học, nhất là tác phong giờ nào việc ấy. Những năm tháng được sống gần Bác tôi đã thấy rõ điều đó. Hàng ngày, Bác thường dậy lúc 5 giờ, Bác tự làm lấy việc vệ sinh của mình. Người không để cho ai làm thay. Bác nói: "Việc gì có thể làm được thì mình phải tự làm lấy". Bác múc nước ao pha với nước tiểu rồi tưới cho hai cây dừa trồng trước Nhà sàn. Bác chăm chút vun tưới cho cây tưới nhiều hay ít, độ đậm thế nào Bác đều tính đến sự phát triển của mỗi cây. Chính nhờ Bác chăm bón mà có lúc cây dừa bị sâu bệnh sắp chết đã trở lại xanh tươi.

Bác tập thể dục đều đặn bất kể thời tiết thế nào. Ngày nắng Bác tập ở ngoài trời, ngày mưa Bác tập trong hành lang Nhà sàn. Bác thường tập bài Thái cực quyền và luyện thể lực bằng cách kéo lò xo. Có lần Bác bị yếu một bên chân và tay, Người đã kiên trì luyện tập để chữa bệnh. Bác cầm quả bóng quần vợt ném vào cái rổ do đồng chí cảnh vệ cầm ở cự ly khác nhau, lúc đầu từ 20-30cm dần dần Bác ném cách xa bốn năm mét. Sau một thời gian cánh tay cử động bình thường, Bác lại viết và đánh máy chữ. Với bên chân bị yếu Bác cũng tập tương tự phương pháp trên bằng cách đá vào quả bóng được buộc dây treo ở khoảng cách khác nhau... Cứ như vậy sau một thời gian chân Bác cũng đi lại được bình thường.

Buổi sáng, Bác làm việc từ 7 giờ 30. Ngoài các bữa ăn và nghỉ buổi trưa, Bác làm việc đến 23 giờ mới nghỉ. Trừ những lúc ốm đau, mười mấy năm trời tôi vẫn thấy Bác giữ nguyên tác phong làm việc như vậy, tuyệt không thay đổi.

Bác làm việc rất sâu sát, gần gũi thực tế. Người thường nhắc chúng tôi:

- Các chú phải biết giữ bí mật, một mặt phòng ngừa kẻ địch, mặt khác để Bác biết sự thật giáo dục cán bộ, nhân dân.

Bác đến nhà hát lớn dự mít tinh, hội nghị nhiều lần nhưng ít ai biết Bác đến bằng đường nào. Cả đến chúng tôi cũng không chủ động được. Có lần xe đang hướng về cửa chính thì Bác bảo chúng tôi: "Nay ta đi cửa sau nhé". Cuối buổi nói chuyện, Bác thường bắt nhịp bài hát "Kết đoàn". Anh em cảnh vệ rất quen từng tình tiết này, bởi vì bài hát mang đầy tính chiến đấu ấy khi đã cất lên lập tức mọi người hưởng ứng và lời ca bắt đầu thì tiếng vỗ nhịp cũng vang theo. Có ai hát mà không khỏi vỗ tay và lúc hai bàn tay vỗ nhịp thì người ta không cầm cái gì khác. Chính lúc ấy mọi người say sưa theo bài hát thì Bác đã ra về hết sức nhanh nhẹn. Bác đến thăm các địa phương thường ít khi cho chúng tôi biết trước vì có những lần bố trí bảo vệ không khéo đã để lộ bí mật. Tôi còn nhớ có lần Bác dự định đến thăm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Bác cho tôi tôi đến dặn:

- Chú đến trường nắm tình hình rồi về báo cho Bác biết.

Tôi đến trường làm theo lời Bác dặn. Tôi báo cáo tình hình của trường cho Bác. Thấy Người không nói gì tôi đến hỏi:

- Thưa Bác, bao giờ Bác đến thăm trường?

Bác trả lời:

- Khi nào đi thì Bác nói.

Chúng tôi đã chuẩn bị phương tiện và lực lượng sẵn sàng nhưng những ngày sau đó Bác vẫn làm việc bình thường. Bỗng một hôm Bác bảo chúng tôi đi công tác. Mãi đến khi lên xe Bác mới cho biết Người đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc. Vì đã có sự chuẩn bị trước nên tổ cơ động có 12 đồng chí lập tức đến trường làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Bác đến thăm bất ngờ nên mọi hoạt động của trường vẫn bình thường. Nơi đầu tiên Bác đến là bếp ăn tập thể, lúc ấy trước giờ nghỉ, thức ăn đã được bày sẵn. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt nhiều người là ở đây rất nhiều ruồi, Bác không hài lòng, Người lấy tay xua ruồi rồi nói với cán bộ nhà trường:

- Trường Đảng lấy tên của Bác mà để học viên ăn uống mất vệ sinh thế này à?

Đến một nơi khác, thấy cơm thừa vương vãi nhiều xung quanh nơi rửa bát và rãnh nước, Bác liền phê bình:

- Mang tiếng là trường chính trị cao nhất của Đảng, nếu biết các chú làm thế này thì nhân dân không bằng lòng đâu.

Các đồng chí trong Ban giám hiệu nhà trường xin nhận lỗi với Bác và hứa sẽ cố gắng sửa chữa khuyết điểm. Tuy vậy trên đường về tôi thấy Bác không vui. Nhân đó Bác nói với chúng tôi:

- Nếu các chú biết trước thì làm sao Bác thấy được thực tế nhà trường.

Cách một tuần sau hôm Bác đến thăm, trường Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo lên Phủ Chủ tịch, nội dung đại ý: Thực hiện lời Bác dạy, trường đã tổ chức một đợt tổng vệ sinh, diệt được nhiều ruồi, tiếp tục diệt đến khi không còn một con và sẽ nuôi mười con lợn không để lãng phí lương thực.

Sau khi nghe đồng chí thư ký báo cáo, Bác nói:

- Các chú ấy biết nói chính trị mà chưa biết chăm lo đời sống cho học viên.

Dừng lại một chút, Bác nói tiếp:

- Ngày xưa ở nước Nga có nhà vua Butskin bị quan lại che mắt không thấy được đời sống nhân dân. Các chú giúp việc cho Bác phải để Bác thấy được sự thực, đừng nên bắt chước những người giúp việc Butskin.

Bác không chỉ quan tâm đến đời sống của nhân dân mà đối với các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Bác cũng muốn biết hoàn cảnh và đời sống thực tế của các đồng chí đó. Bác dặn tôi:

- Bác giao cho chú phải biết nhà của các đồng chí Trung ương, Bộ trưởng... để khi nào rỗi, Bác đến thăm gia đình...

Bác đã đến thăm gia đình của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương, Bộ trưởng, nhân sĩ trí thức... Bác đến thăm nhà ai thường không báo trước, cả đến chúng tôi khi đã lên xe Bác mới cho biết nơi đến. Bác nói:

- Mình đến người ta chưa chuẩn bị càng tốt.

Những cuộc đến thăm của Bác đều đem đến cho gia đình các đồng chí không khí vui tươi, tình cảm thân thiết và cảm động. Qua việc đến thăm, Bác muốn thấy đời sống, sinh hoạt thực tế của cán bộ lãnh đạo khi Đảng đã cầm quyền. Tuy vậy, vì công việc bận nhiều mà Bác chưa đến thăm hết dược gia đình các đồng chí mà Người mong muốn.

Bác rất quan tâm dấn đời sống của nhân dân. Một lần Bác nghe nói tại một cửa hàng ăn uống ở phố Tràng Tiền chỉ bán bánh bao cho khách ăn tại chỗ, không được đem về nhà khiến dư luận nhân dân bất bình, Bác nói:

- Như vậy là thiếu ý thức phục vụ nhân dân, cần phải sửa đổi cách bán hàng ngay.

Vì muốn biết đời sống và sinh hoạt của nhân dân nên Tết năm 1963, Bác đi thăm chợ Đồng Xuân.

Bác rất hài lòng vì buổi thăm chợ được giữ bí mật và Bác đã thấy được một phần thực tế đời sống của nhân dân thông qua phiên chợ thủ đô vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Bác đã đi thăm hầu hết các địa phương ở các tỉnh miền Bắc. Bác đi thăm để động viên nhân dân và kiểm tra tình hình lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở địa phương.

Có lần Bác nói với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí lãnh đạo khác:

- Một điều đáng mừng là Đảng đã cầm quyền nhưng cũng đáng lo là cán bộ dễ lộng quyền không quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Có địa phương khi Bác đến thăm, cả xã chỉ có bốn cái giếng, trong đó chỉ có một giếng tốt, còn lại đều vẩn đục. Bác gọi Bí thư, Chủ tịch xã đến phê bình:

- Tại sao các chú phụ trách trước dân mà để cho cả xã chỉ có bốn cái giếng, các chú có biết vì không giữ vệ sinh mà chín mươi phần trăm dân ta đau mắt hột không. Các chú có biết rằng các cháu là tương lai của đất nước, các cháu sau này sẽ là Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, bác sĩ, kỹ sư. Vì vậy các chú không được để các cháu đau mắt hột.

Đến thăm các nơi, ở đâu Bác cũng sâu sát giáo dục cán bộ và luôn quan tâm đến đời sống nhân dân. Bác phải lo nhiều việc lớn của đất nước nhưng những việc nhỏ Bác đều rất quan tâm, nhất là thực hành tiết kiệm. Nhiều câu chuyện và tấm gương của Bác về cần kiệm đã được viết thành sách để mọi người học tập. Tôi chỉ kể thêm một vài chuyện nhỏ.

Một hôm thấy trời đã sáng nhưng khu vực các đồng chí công an vũ trang ở còn nhiều đèn điện ở ngoài đường chưa tắt. Bác bảo tôi:

- Chú đến nhắc các chú ấy phải tiết kiệm khi dùng điện.

Thấy một số anh em cảnh vệ khi rửa tay, rửa mặt cứ để vòi nước chảy liên tục, không đóng lại, Bác nhắc nhở:

- Nếu các chú dùng chậu hứng nước thì chỉ một chậu có thể đủ dùng. Các chú để nước chảy như vậy thì tốn gấp chục lần. Nếu ở Hà Nội đâu cũng dùng như vậy thì thật lãng phí.

Trong khu vực Phủ Chủ tịch có nhiều bồn hoa, chị em ở Công ty công viên thường đến trồng hoặc chăm bón hoa các loại. Vườn hoa bốn mùa lúc nào cũng rực rỡ, làm tăng thêm vẻ đẹp nơi Bác ở và làm việc. Mỗi lần công nhân đến trồng hoặc chăm bón hoa chúng tôi thường cử anh em cảnh vệ bảo vệ, kiểm tra khu vực công nhân làm việc. Thấy vậy, Bác nói:

- Công các chú đứng canh người ta làm thì các chú tự tay làm lấy có hơn không.

Bác luôn quan tâm theo dõi tình hình. Hàng ngày, Bác dành thời gian để đọc sách báo phát hành ở Thủ đô và các địa phương. Một lần Bác đọc báo Thái Nguyên thấy đăng tin một thanh niên đánh vợ rất dã man. Bác gạch rất đậm tin này và chuyển sang anh Tô đề nghị xác minh và có biện pháp xử lý ngay hành vi ngược đãi vợ của anh thanh niên nọ.

Lần khác báo Thanh Hóa đăng tin có địa phương bắt được con trăn to bằng vành xe đạp. Bác phê "vô lý" và đề nghị xác minh. Qua xác minh được biết con trăn ấy rất dài, nếu đem cuộn lại thì to bằng vành xe đạp...

*   *

*

Được vinh dự phục vụ bảo vệ Bác là phần thưởng vô cùng cao quý cho mỗi chúng tôi. Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, những lời dạy bảo ân cần của Người luôn ở trong trái tim chúng tôi. Trong từng suy nghĩ, trong mỗi việc làm tôi luôn nguyện làm tốt, làm tốt hơn nữa để xứng đáng với tấm lòng độ lượng và tình thương bao la của Bác./.

Đại tá Phạm Lê Ninh

Nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ - Bộ Công an

Theo http://hochiminh.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: