Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh kết tinh thành hệ giá trị bền vững, ổn định, có khả năng lan tỏa và phát sáng sâu rộng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (01/2016), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tinh thần này xuyên suốt tất cả các văn kiện Đại hội, từ Diễn văn khai mạc, Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến Diễn văn bế mạc. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thiết thực, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp sau:
1. Nhóm giải pháp về nhận thức
Nhận thức phải bắt đầu từ phía tổ chức và mỗi cá nhân. Điều này đòi hỏi phải suy nghĩ đúng, theo lương tâm và lẽ phải, ít nhất là hai điều căn bản:
- Nhận thức đúng các giá trị mang tính bền vững của di sản tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Những giá trị này được thể hiện qua các tác phẩm, bài nói, bài viết và nhất là qua quan hệ, việc làm, ứng xử của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặc dầu thời gian qua, bằng nhiều con đường khác nhau, mỗi đảng viên, cán bộ, ít hay nhiều đã được biết đến các giá trị của di sản Hồ Chí Minh. Nhưng, những hiểu biết này chưa mang tính hệ thống và quan trọng nhất là chưa lý giải đến ngọn ngành chiều sâu khoa học của từng giá trị nền móng hàm chứa trong di sản tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Giáo dục mới dừng lại ở việc truyền đạt máy móc các tài liệu. Người đi tuyên truyền cũng chưa thật sự thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc những gì viết ra để biến thành đam mê, khát vọng, tình cảm, máu thịt. Vì thế, quá ít báo cáo viên tạo được sự rung động thật sự của khối óc và con tim của người nghe. Để khắc phục hạn chế nói trên, cần nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh một cách căn bản, có hệ thống, theo cả chiều rộng và chiều sâu, đạt yêu cầu của một chuyên ngành khoa học. Trong đó, công việc đầu tiên là xây dựng một hệ thống tư liệu đầy đủ nhất, theo khả năng hiện có, về di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Nhận thức sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Điều kiện thực tế hiện tại và thực trạng đáng báo động về đạo đức trong Đảng và đạo đức xã hội đặt ra nhu cầu giáo dục di sản đạo đức Hồ Chí Minh nhằm trang bị cho mỗi người cái căn cốt, gốc rễ, nền móng để hình thành bản lĩnh, đủ sức đề kháng, chống trả lại sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế và sự lan truyền có hại của suy thoái, tha hóa đạo đức trong đời sống hiện nay.
2. Nhóm giải pháp về chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện
Trên cơ sở nhận thức đúng, thống nhất, các tổ chức đảng lãnh đạo xây dựng Chương trình hành động, với các bước đi, lộ trình xác thực, cụ thể. Quan trọng nhất là chỉ đạo hình thành các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức, phong cách cho đơn vị, cá nhân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng công tác đang đảm nhiệm. Tập trung vào các chuẩn mực đạo đức nền móng, đó là:
- Thứ nhất, thực hiện tư tưởng “Trung với nước, hiếu với dân”
Trung với nước, hiếu với dân là phải luôn có ý thức giữ gìn đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước mọi mưu đồ của các thế lực thù địch, cơ hội hòng chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng với nhân dân. Đoàn kết là yêu nước, chia rẽ là làm hại cho đất nước. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính.
Trung với nước, hiếu với dân là phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng; quyết tâm phấn đấu để thành đạt và cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho dân tộc; quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Phải có tinh thần ham học hỏi, phát huy truyền thống hiếu học và quý trọng nhân tài của ông cha ta; biết vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong sản xuất, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mọi sự bảo thủ, trì trệ, lười học tập, ngại lao động, đòi hỏi hưởng thụ vượt quá khả năng và kết quả cống hiến là trái truyền thống đạo lý dân tộc và trái với tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung với nước, hiếu với dân yêu cầu mỗi chúng ta phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội; quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước là sẵn sàng phấn đấu hy sinh cho lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tập thể thì quyết chí làm, việc gì có hại thì quyết không làm. Làm việc gì trước hết phải vì tập thể, vì đất nước, vì nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, không tham lam, vụ lợi, vun vén cá nhân…
- Thứ hai, thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thực hiện chí công, vô tư là kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải loại bỏ thói chạy theo danh vọng, địa vị, giành giật lợi ích cho mình, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt của công, thu vén cho gia đình, cá nhân…, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Phải thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; chân thành, khiêm tốn; không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che, giấu giếm khuyết điểm…
Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân, tư lợi, việc gì có lợi cho mình thì “hăng hái”, tranh thủ kiếm lợi, việc gì không “kiếm chác” được cho riêng mình thì thờ ơ, lãnh đạm. Không làm dối, làm ẩu, bòn rút của công, ăn bớt vật tư, tiền của của Nhà nước và của nhân dân. Phải có thái độ rõ rệt lên án và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội.
- Thứ ba, đề cao dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao dân chủ và kỷ luật và chính Người là một mẫu mực về tinh thần dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, luôn luôn quan tâm đến mọi người, gắn bó với nhân dân. Người luôn phê phán “óc lãnh tụ”, phê phán thói “quan cách mạng”, phê phán những biểu hiện quan liêu, coi thường quần chúng, coi thường tập thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là những căn bệnh khác nhau của chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỉ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng…, làm cho nhân dân bất bình, cần phải lên án và loại bỏ. Học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh tất cả vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo đói. Không chỉ chia sẻ và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh phải rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người dạy cán bộ, đảng viên và mọi người chúng ta: Không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình, mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sẽ dẫn đến khuyết điểm ngày càng to và hư hỏng. Tự phê bình phải được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “phải nghiêm khắc với chính mình”. Phê bình phải có mục đích là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, xây dựng đời sống tình cảm và quan hệ đồng chí, quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng, có lý, có tình. Phải khắc phục bệnh chuộng hình thức, thích nghe lời khen (thậm chí xu nịnh), tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi mà “đấu đá”, nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ, làm rối nội bộ.
- Thứ tư, phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Từ chủ nghĩa quốc tế cao cả, Người đã xây dựng nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và phong trào cách mạng thế giới.
Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, việc mở rộng tình đoàn kết quốc tế, hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Đoàn kết quốc tế trong sáng là thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới, phấn đấu vì độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác, mở rộng hợp tác cùng có lợi, phấn đấu vì hòa bình, phát triển, chống chiến tranh, đói nghèo, bất công, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế. khép lại những vấn đề của quá khứ, lịch sử, xóa bỏ mặc cảm, hận thù, nhìn về tương lai, xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cần nâng cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, kiên quyết đấu tranh chống tâm lý tự ty, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; phê phán các biểu hiện vong bản, vọng ngoại, ảo tưởng trước chủ nghĩa tư bản.
3. Nhóm giải pháp về kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực tiễn
Như Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tổ chức học tập, làm theo mà thiếu khâu kiểm tra, đánh giá thì coi như không tổ chức học tập. Trước hết, việc kiểm tra học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ trong tổ chức đảng: Thường xuyên, có hệ thống, từ trên xuống, từ dưới lên; tổ chức đảng giám sát, kiểm tra đảng viên; đảng viên kiểm tra, giám sát lẫn nhau; đảng viên thường giám sát đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Điều mấu chốt là hình thành được đội ngũ những người đi kiểm tra có phẩm chất, năng lực, hiểu biết công việc và trên thực tế, họ đã là những con người thực hành tốt tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.
Mặt khác, phải đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dưới sự giám sát của nhân dân. Tin dân, nghe dân và xử lý những điều dân góp ý đúng sẽ giúp cán bộ, đảng viên chú trọng thực hành tư tưởng, phương pháp, nói ít làm nhiều, làm hay hơn nói, trở thành tấm gương sáng trước mặt quần chúng.
Trong từng thời kỳ, mỗi đơn vị, cá nhân phải có sự tổng kết, rút kinh nghiệm làm căn cứ cho việc đánh giá xếp loại, nêu ra được những việc làm hay, cách làm tốt, có hiệu quả; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, hình thức; biểu dương những gương điển hình, tiên tiến phải gắn với việc phê bình, kỷ luật những cá nhân làm chưa tốt. Khen thưởng, kỷ luật chính xác, công tâm, khách quan, có tình có lý cũng là động lực quan trọng để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, thực tế.
Cần xây dựng, xuất bản thường xuyên bộ sách về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như Bác Hồ đã chỉ đạo làm sách “Người tốt, việc tốt” trước đây.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Hơn lúc nào hết, hiện nay, vấn đề tư tưởng, phương pháp, phong cách, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý tư tưởng, nhận thức, thế giới quan, phương pháp luận trong Đảng và trong nhân dân trở thành nhu cầu sống còn. Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa nhân cách, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh hệ thống quan hệ xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình
Khúc Thị Lan Hương (st)