Để có được tình cảm in đậm trong trái tim đồng bào Việt Bắc, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới vùng đất và đồng bào các dân tộc nơi đây.

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Những câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Nhà thơ Tố Hữu đã nói lên tình cảm của đồng bào Việt Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Để có được tình cảm in đậm trong trái tim đồng bào Việt Bắc, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới vùng đất và đồng bào các dân tộc nơi đây.

bac-voi-dong-bao-viet-bac
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng bào các dân tộc Việt Bắc.
(Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục tài liệu ảnh Khu tự trị Việt Bắc, Hồ sơ 1940)

Việt Bắc trước đây gồm có các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Việt Bắc có địa danh Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dấu chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Chính tại đây người đã xây dựng căn cứ cách mạng, lãnh đạo cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Bắc cũng là Chiến khu Cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Chính phủ ở và lãnh đạo cả nước kháng chiến chống Thực dân Pháp sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946 đến năm 1954.

Trong suốt thời gian ở Việt Bắc, Người đã gắn bó thân thiết với cảnh vật và con người nơi đây. Người luôn gần gũi, quan tâm tới các cụ già, vui đùa và tặng quà cho các cháu nhỏ, nói tiếng của đồng bào địa phương nơi Người ở. Người đã thể hiện tình cảm của mình qua những câu thơ:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay,

Non xanh nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.”(1)

Năm 1947, khi biết có ba cụ lão du kích ở Cao Bằng hăng hái xung phong cùng nhân dân giết giặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và tặng các cụ bài thơ:

Tuổi cao chí khí càng cao,

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.(2)

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, là Người đứng đầu một chính quyền còn non trẻ với biết bao công việc nhưng Người vẫn luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tính từ năm 1945 đến năm 1968, Bác đã gửi hàng chục bức thư, viết nhiều bài báo và đến thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở khắp các tỉnh thuộc Việt Bắc. Đặc biệt, Người luôn ghi nhớ công lao và biết ơn đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã giúp đỡ cách mạng. Người quan tâm, thăm hỏi, động viên, biểu dương đồng bào kịp thời mỗi khi đồng bào gặp khó khăn hoặc lập được thành tích. Với tư cách là Lãnh tụ cao nhất, Người luôn đề ra những chính sách, tạo điều kiện để phát triển vùng núi, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc nói chung và Việt Bắc nói riêng. Người luôn căn dặn đồng bào các dân tộc phải đoàn kết, cán bộ phải cần, kiệm, liêm chính, gần gũi, giúp đỡ đồng bào về các công tác sản xuất, văn hóa, vệ sinh, phòng bệnh để đồng bào vùng cao cải thiện đời sống.

 Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trở về Hà Nội, tháng 11 năm 1945, trong bài nói chuyện với Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, Người cảm ơn đồng bào các dân tộc đã “nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, đã gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng dân tộc” …(3) và Người đã thay mặt Chính phủ hứa không quên công sức của đồng bào, sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán, cũng như các dân tộc nhỏ khác có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày ruộng. Những điều này được Người tiếp tục nói tới trong thư gửi đồng bào thượng du tháng 2 năm 1947.

Sau khi ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh quay trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1947, Người đã có hai thư gửi đồng bào Việt Bắc. Người đã ca ngợi: “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử rất vẻ vang… Tên Việt Bắc đã lừng lẫy khắp cả nước, khắp thế giới. Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v, ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”(4). Người xúc động ghi nhớ tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào dân tộc giúp đỡ cán bộ làm cách mạng: “Tôi không bao giờ quên được, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng ai cũng hăng hái giúp đỡ… Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp đỡ chúng tôi làm cách mệnh” (5). Và Người động viên đồng bào tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp vì chúng có dã tâm quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa. Người viết: “Việt Bắc trước kia là căn cứ của cách mệnh, đã nổi tiếng khắp cả nước, khắp thế giới. Thì ngày nay, Việt Bắc phải thành căn cứ của kháng chiến, để giữ lấy cái địa vị và cái danh giá vẻ vang của mình. Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi. Mong đồng bào đều gắng sức.”(6) Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc tháng 5 năm 1950, Người đã khen: “Việt Bắc ta là nơi có truyền thống cách mạng anh dũng. Việt Bắc đã đánh tan cuộc tiến công Thu Đông của giặc năm 1947. Việt Bắc đã góp một phần lớn vào cuộc thành công Cách mạng Tháng Tám và đang góp một phần vào công cuộc kháng chiến ngày nay”(7). Và Người cũng căn dặn, để kháng chiến mau thắng lợi thì “Ai ai cũng phải cố gắng góp của, góp công, người phụ trách việc này, kẻ phụ trách việc khác. Bộ đội thì xông pha tên đạn, cực khổ gian nan, xung phong giết giặc. Nhân dân, cán bộ, công chức cũng phải chịu khó nhọc, chịu thiếu thốn mà thi đua công tác ở hậu phương. Tôi tin rằng đồng bào Việt Bắc sẽ thi đua làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”(8). Vâng lời dạy của Người, toàn thể quân, dân cùng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc đã đóng góp sức người, sức của cùng với cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội nhưng vẫn luôn quan tâm, thường xuyên gửi thư và đi thăm các địa phương thuộc Việt Bắc. Người luôn động viên đồng bào dân tộc thiểu số phải đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống. Ngày 01 tháng 7 năm 1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 268-SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 10 tháng 8 năm 1956 nhân dịp Khu tự trị Việt Bắc được thành lập, Người đã gửi thư và căn dặn đồng bào: “Đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau như ruột thịt. Đoàn kết chặt chẽ với đồng bào cả nước. Mọi người ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, làm cho ai cũng có cơm no áo ấm và được học hành, làm cho Khu tự trị Việt Bắc phát đạt giàu có… ”(9).


Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi đồng bào thượng du (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy và có bút tích của Người)

Trong khí thế cả miền Bắc tập trung vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ xâm lược, ngày 01 tháng 1 năm 1964, Chủ tịch Hồ chí Minh đã về thăm, nói chuyện với đồng bào Thái Nguyên và công nhân Khu Gang thép, nơi đặt nền móng của ngành công nghiệp luyện kim. Tại đây, Người đã khen ngợi những điều mà toàn Khu đã làm được đồng thời cũng chỉ ra tất cả những việc mà cán bộ, quân, dân và đồng bào các dân tộc Khu Tự trị Việt Bắc phải tiếp tục thực hiện trong việc phát triển sản xuất và xây dựng đời sống mới:

“Nhân đây, Bác có vài ý kiến về Khu tự trị Việt Bắc. Toàn Khu đã có nhiều thành tích, các dân tộc có nhiều tiến bộ: Đoàn kết khá, sản xuất và tiết kiệm khá hơn trước, văn hoá giáo dục, y tế vệ sinh đều có tiến bộ.

Để xứng đáng với truyền thống của căn cứ địa cách mạng vẻ vang, Khu tự trị Việt Bắc phải cố gắng thực hiện những điều sau đây:

1. Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

2. Phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm hơn nữa.

3. Phải thanh toán xong nạn mù chữ. Phải xây dựng nếp sống mới từ bản làng đến thành phố.

4. Phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn tốt trật tự trị an.

5. Cán bộ phải gần gũi nhân dân, nắm vững chính sách, cùng với nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho.

6. Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”. (10)

Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tính đến đầu năm 1968, quân và dân Quân khu Việt Bắc đã bắn rơi 300 máy bay Mỹ, nhân dịp này Người đã gửi thư khen: “Quân và dân Quân khu Việt Bắc đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu giỏi, sản xuất tốt, giữ vững trật tự trị an, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, dốc lòng, dốc sức vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(11) và căn dặn quân dân Việt Bắc đoàn kết, sản xuất và chiến đấu giỏi hơn nữa để cùng đồng bào cả nước quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

 Bằng những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm chăm lo đến đời sống của đồng bào, cùng những câu nói, lời văn đơn giản, gần gũi dễ hiểu, cũng như đạo đức, nhân cách trong sáng của Người đã gắn kết Người với đồng bào các dân tộc Việt Bắc và đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã có tình cảm kính trọng sâu đậm đối với Người. Hình ảnh của Người luôn được khắc sâu trong tâm tưởng, như người cha già của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Những lời dạy và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực để toàn thể cán bộ, quân, dân các dân tộc Việt Bắc vươn lên, khắc phục những khó khăn, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, làm thỏa lòng mong ước của Người là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và hòa mình cùng với sự lớn mạnh của đất nước trong thời kì đổi mới và hội nhập hiện nay.

 (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Khối tài liệu sưu tầm, hồ sơ 84)

Phạm Thị Yến – TTLTQG III

Khúc Thị Lan Hương (st)

Chú thích:

(1)  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.5, tr.334

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.335

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.117

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.190

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.206

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.207

(7),(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr.43

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.8, tr.230

(10) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.188

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.12, tr.336

Bài viết khác: