Sau 15 năm hình thành và phát triển, năm 1945 dựa vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại chỉ trong một thời gian ngắn cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên của Độc lập tự do.
Ngày 28/8/1945, Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn thành công, nhân dân đã giành được chính quyền trên cả nước. Vua Bảo Đại thoái vị để trở thành dân của một nước tự do hơn là vua của một nước nô lệ. Việt Nam thực sự trở thành một nước Độc lập - Tự Do, một nước Việt Nam của người Việt Nam, một đất nước của dân, do dân và vì dân đầu tiên của Đông Nam Á. Trong thời gian này, tại căn gác số 2 nhà 48 Hàng Ngang - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đại diện cho đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và nhân nhân dân thế giới Bản Tuyên ngôn độc lập - Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập Người đã viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Đó là một cách chọn chữ rất hay của Hồ Chủ tịch. “Đồng bào” có nghĩa là tất cả nhân dân Việt Nam, không phân biệt già trẻ, trai gái, sang hèn... Trong Bản Tuyên ngôn độc lập còn có rất nhiều từ mang tính tập hợp toàn dân như: “Dân tộc”, “nhân dân”, “dân”. Ở đây ta không thấy một sự phân biệt nào giữa các giống nòi của Việt Nam, mà chỉ có chung một từ đồng bào, người Việt Nam ai cũng như ai, người Kinh cũng như người Thượng. Từ đó cho thấy một sự đồng lòng nhất trí của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (năm 1791) để khẳng định những quyền thiêng liêng cơ bản của con người mà không ai có thể xâm phạm được. Đó là:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Từ đó, Người khẳng định nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Điều đó không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cuộc đấu tranh quật cường của dân tộc ta, kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta, nhân dân ta đã nhiều lần anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập. Đó là“…Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
Bản Tuyên ngôn cũng đã khẳng định: Khi phát-xít Nhật tiến đánh Đông Dương, thực dân Pháp đã đầu hàng và dâng nước ta cho phát-xít Nhật; nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được chính quyền từ tay phát-xít Nhật, vua Bảo Đại đã thoái vị và trao lại ấn kiếm cho Việt Minh để trở thành một công dân tự do….sự việc đó đã chấm dứt mọi quan hệ của triều đình thực dân phong kiến với Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp đối với Việt Nam và những Hiệp ước mà Pháp đã ký với triều đình phong kiến hoàn toàn không còn hiệu lực. Vì vậy, Người thay mặt cho dân tộc Việt Nam kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam vừa giành được từ tay phát-xít Nhật: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Sau những dẫn chứng cụ thể để khẳng định rằng nước Việt Nam là của người Việt Nam và dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng độc lập tự do như bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới. Toàn thể dân tộc Việt Nam cũng không hề quản ngại bất kỳ sự khó khăn, hy sinh gian khổ nào để bảo vệ quyền tự do và độc lập ấy. Trong Bản Tuyên ngôn nêu lên tinh thần đó một cách vô cùng xúc tích, lắng đọng nhưng thể hiện được toàn bộ quyết tâm, ý chí của dân tộc Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng và tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.”
Bản Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm chính luận xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một văn kiện lịch sử có giá trị và ý nghĩa lịch sử sâu sắc; nó là kết quả của một hành trình dài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau bao nhiêu năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể để tìm ra chân lý của sự Tự do - Độc lập để về giúp Tổ quốc, giúp đồng bào. Từ Bản Tuyên ngôn độc lập của Người mà cả thế giới đã biết một đất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, biết đến một dân tộc anh hùng đã tự dùng sức mình giải phóng cho mình khỏi ách thống trị của phát-xít và đã giúp đỡ Đồng minh vào giải giáp quân Nhật… một dân tộc như thế phải xứng đáng được hưởng độc lập và tự do.
Đã 67 năm trôi qua nhưng những giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn trong Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đọc trước quốc dân ngày 2/9/1945, vẫn còn vẹn nguyên như thủa nào. Đó là một chân lý, một ngọn đuốc dẫn đường để cả dân tộc Việt Nam đi vào kỷ nguyên của độc lập, tự do.
Kim Yến