Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, từ nhỏ, Lý Phương Thuận đã sớm giác ngộ cách mạng, rồi trở thành một trong những học trò đầu tiên của Bác Hồ và ghi những chiến công thầm lặng, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
12 tuổi thoát ly đi cứu nước
Lý Phương Thuận, tên thật là Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1916, tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mẹ đẻ của bà mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi bà mới 3 tháng tuổi. Ông Nguyễn Trọng Quyến, thân sinh bà là một trong những người sớm được giác ngộ cách mạng. Ông từng tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp theo gương cụ Tú Xước, sau được giác ngộ cách mạng, hoạt động tích cực trong Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Gia đình ông là nơi liên lạc hoạt động bí mật của nhiều chiến sĩ cách mạng. Ông trở thành người cộng sản ngay từ năm 1929. Dòng họ Nguyễn Trọng có một cụ tổ là Nguyễn Trọng Xước (Nguyễn Huy Chước) - cụ Tú làng Phan, đậu 7 khoa tú tài - là một vị quan huyện yêu nước, liệt sĩ chống Pháp, bị thực dân Pháp phơi nắng cho đến chết trên cầu.
Năm 1924, một người bạn chiến đấu tên là Cố Khôn đến nhà đưa thư của ông Quyến gửi cho gia đình và đón Nguyễn Thị Tích đi. Ông Khôn đặt cho chị tên mới: Hoàng Lệ Minh. Lệ Minh được đoàn thể đưa sang Xiêm (Thái Lan) học tại trường Hoa Anh học hiệu, ngay tại Băng Cốc. Đây là lớp học do Bác Hồ sáng lập. Cả lớp gồm: Lý Hữu Trọng (Lý Tự Trọng), Ngô Hậu Đức (Lý Phương Đức), Lê Quang Đạt, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hoàng Lệ Minh với cái tên mới-Lý Tiểu Muội. Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Hội đã lo đến việc tổ chức và lãnh đạo đoàn thể riêng của thanh niên cách mạng. Hội đã chọn 8 thiếu niên đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bồi dưỡng thành hạt nhân của tổ chức đoàn sau này. 8 thiếu niên đó là: Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Nguyễn Thị Tích (Lý Phương Thuận), Ngô Trí Thông (Lý Trí Thông), Nguyễn Sinh Thản (Lý Nam Thanh), Vương Thúc Thoại (Lý Thúc Chất), Hoàng Tự (Lý Anh Tợ) và Đinh Chương Long (Lý Văn Minh). Các em có mặt tại Quảng Châu vào khoảng tháng 7-1925, trong số đó có 6 người (4 nam, 2 nữ) là: Trọng, Đức, Thuận, Chất, Tợ, Thông, được đưa từ Xiêm sang, còn Thanh và Minh được đưa từ trong nước sang. Tất cả những thiếu niên này đều là con em của những gia đình giàu lòng yêu nước. Tới Quảng Châu, bài học đầu tiên của các em là về nguyên tắc giữ bí mật, do đó trước hết phải lấy họ tên mới theo họ của Nguyễn Ái Quốc lúc đó gọi là Lý Thụy, với danh nghĩa công khai là những họ hàng trong gia tộc họ Lý ở miền Nam Quảng Đông để giới thiệu các em vào Trường Trung Sơn tiểu học. Nguyễn Ái Quốc yêu cầu tổng bộ soạn riêng một chương trình học tập chính trị và văn hóa cho các em, Bác dạy cho các em về địa lý, lịch sử nước Việt Nam, tại sao lại phải đánh bọn thực dân Pháp? Muốn đánh chúng nhân dân ta phải làm gì? Thanh niên Việt Nam phải làm gì để góp phần đánh đổ thực dân, đế quốc. Ngày 27-7-1926, với tầm nhìn chiến lược, nhằm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tương lai có trình độ cơ bản và toàn diện, đặc biệt là được tiếp thu “Một nền giáo dục Cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp'”, Bác Hồ đã gửi thư cho Ủy ban Trung ương Đoàn Thiếu niên tiền phong trực thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin và đề nghị tạo điều kiện cho các em được sang học tập tại Liên Xô. Tuy nhiên, do sự phản bội của Quốc dân đảng (Trung Quốc) nên kế hoạch gửi các em đi học ở Liên Xô không thực hiện được.
Lý Phương Thuận - một trong 8 đoàn viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ảnh tư liệu
Tốt nghiệp Trường Trung Sơn tiểu học, Lý Phương Thuận được phân công nhiệm vụ tại cơ quan bí mật của Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Nhiệm vụ cụ thể của Lý Phương Thuận là công tác trinh sát, thông tin, vận động của Chi bộ Hải ngoại, chuyển tài liệu bí mật, giao liên kiêm phiên dịch, dạy tiếng và đưa đón các nhà cách mạng từ Việt Nam mới sang hoặc những người đã được huấn luyện xong trở lại Việt Nam. Với bộ đồng phục nữ sinh trung học, tóc cắt ngắn, nói thạo tiếng Quảng Đông, một ít tiếng Anh, thường lui vào hiệu báo này, quán sách kia nên người dân vẫn tưởng rằng Lý Phương Thuận là “một cô gái nhà giàu lười học”. Không ai biết rằng, đó là một nữ chiến sĩ giao liên. Thời gian sau, Lý Phương Thuận nhận được chỉ thị của Bác Hồ xin vào làm công nhân ở Nhà máy Điện Kỳ (sản xuất pin đèn). Vừa làm thợ vừa hoạt động cách mạng, Lý Phương Thuận được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân, phổ biến truyền đơn khẩu hiệu, kêu gọi công nhân chống áp bức bóc lột, đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đuổi… Làm việc ở Nhà máy Điện Kỳ một năm, lúc đó Lý Phương Thuận đã tròn 18 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khoảng năm 1927, phong trào công nhân lên cao, khẩu hiệu kêu gọi Công xã Quảng Châu rầm rộ. Bọn thống trị đàn áp. Mật thám theo dõi. Một lần đi công tác, Lý Phương Thuận bị cảnh sát bắt. Bà khai chưa đủ tuổi thành niên, lại không đủ chứng cớ, bọn chúng phải thả.
"Bể dâu" cùng cách mạng
Tháng 4-1931, Lý Phương Thuận được điều sang Hồng Kông, nhượng địa của Anh, với bản lý lịch: Lý Sâm, quê quán Nam Kinh, Trung Quốc. Bà nhận nhiệm vụ mới ở cơ quan bí mật của ta. Tại đây bà lại làm việc với các đồng chí Lý Thụy (lúc này có tên là Tống Văn Sơ), Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai. Bà lại phụ trách phiên dịch tài liệu, làm giao liên, chuyển tài liệu bí mật. Lúc này đồng chí Tống Văn Sơ tiếp xúc với nhiều người cách mạng Châu Á, Châu Âu, Liên Xô, Pháp … Cơ quan bí mật ở ngôi nhà 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Kông. Thời gian chưa được bao lâu, ngày 6-6-1931, hai bác cháu Tống Văn Sơ và Lý Sâm vừa thu dọn tài liệu xong thì bị cảnh sát Anh ập vào bắt và bị đưa vào giam ở Nhà tù Vích-to-ri-a, âm mưu trao cho Pháp.
Khi bị bắt, Lý Phương Thuận tuy đã 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh, tự khai mới 15 tuổi và là cháu gái Tống Văn Sơ. Vì không có đủ chứng cứ buộc tội nên tại phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ lần thứ nhất (diễn ra ngày 31-7-1931), Lý Phương Thuận đã được tha bổng. Tuy nhiên, biết Lý Phương Thuận sẽ không thoát khỏi sự bủa vây của mật thám Tưởng, Anh, Pháp, vì bà đã hai lần bị bắt trong Phong trào Công xã Quảng Châu, nên Tống Văn Sơ đã bí mật viết một lá thư cho Cường Để, cháu đích tôn của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (con vua Gia Long), người được Phan Bội Châu tác động, đưa lên làm Hội trưởng Hội Duy Tân chống Pháp, sau bị truy đuổi sống lánh nạn ở Nhật. Lý Phương Thuận đã thực hiện đúng chỉ đạo của Tống Văn Sơ nhưng chỉ ở nhà Cường Để tại Nhật được một thời gian thì Nhật - Pháp thỏa hiệp trục xuất Cường Để, bà phải trở lại Quảng Châu, tiếp tục làm việc tại Nhà máy Điện Kỳ vừa để kiếm sống, vừa tìm thời cơ bắt liên lạc với đoàn thể. Làm việc tại đây vẫn không an toàn, Lý Phương Thuận lại quay về Thượng Hải xin vào làm công nhân ở một nhà máy đóng giày. Tại đây, Lý Phương Thuận gặp đồng chí Đỗ Đăng Trình và biết tình hình Thượng Hải sắp có biến, nên lại về Quế Châu và mất liên lạc hoàn toàn với đoàn thể, làm nghề bán báo để tự nuôi sống.
Cuối tháng 8-1945, đang ở Quế Châu, Lý Phương Thuận được tin trong nước đã tổng khởi nghĩa, bà lập tức tìm đường trở về Tổ quốc.
Về đến Hà Nội, Lý Phương Thuận gặp bà Tống Minh Phương. Bà Phương tin Lý Phương Thuận là người Hoa nên sẵn lòng cưu mang. Vào nhà bà Phương ở phố Hàng Buồm, Lý Phương Thuận thấy trên bàn thờ Tổ quốc treo lá cờ đỏ sao vàng, bên dưới là tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý Phương Thuận thầm bàng hoàng bởi người trong ảnh chính là ông Tống Văn Sơ - đồng chí Lý Thụy ngày nào. Tuy nhiên, với đức tính thận trọng của cán bộ hoạt động bí mật, bà kiên nhẫn tìm người kín đáo liên lạc với Bác Hồ. Được tin, Bác cho bố trí đưa Lý Phương Thuận tới ngay. Không bút mực nào tả xiết sự phấn khởi của chị khi được gặp lại Bác kính yêu sau 14 năm gián đoạn liên lạc. Ngay sau đó, Bác Hồ gọi đồng chí Lê Giản - Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương lên và trực tiếp giới thiệu: “Đây là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận, người đã từng trải qua hoạt động bí mật, có nhiều kinh nghiệm. Cô ấy thạo tiếng Trung, Pháp và Anh. Chú đang rất cần những cán bộ như thế này tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng”.
Ngay chiều hôm đó, Lý Phương Thuận được giao công việc trinh sát với vai bồi bàn ở Khách sạn Thăng Long (trước ga Hàng Cỏ). Khách sạn này đang bị quân Tưởng trưng dụng làm nơi ở cho bọn sĩ quan, lại là nơi có nhiều cuộc họp quan trọng của chúng. Chỗ này cũng là nơi các sĩ quan Pháp hay lui tới đến gặp quân Tưởng. Những ngày Lý Phương Thuận làm việc tại Khách sạn Thăng Long, công việc nắm tình hình quân Tưởng thuận lợi hơn, hiệu quả hơn rất nhiều. Nhiều âm mưu kế hoạch của quân Tưởng và Quốc dân đảng bị ta phát hiện. Đặc biệt, Lý Phương Thuận đã phát hiện được tin bọn chúng âm mưu bắt cóc Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12-1945. Cũng chính bà là người cung cấp nhiều tin bí mật quan trọng, phục vụ kết quả cho công tác đánh địch trong vụ án Ôn Như Hầu mà bọn Quốc dân đảng phản động định thực hiện âm mưu phá hoại lật đổ ta vào tháng 7-1946. Đây là chiến tích rất quan trọng mà Lý Phương Thuận đóng góp trong thời kỳ trứng nước của chính quyền cách mạng. Lực lượng Công an nhân dân coi bà là nữ chiến sĩ trinh sát đầu tiên có đóng góp công tích lớn cho Tổ quốc, cho ngành Công an.
Lý Phương Thuận phục vụ trong ngành Công an đến năm 1970 mới nghỉ hưu. Bà qua đời năm 1995 lúc vừa bước sang tuổi 80./.
NGUYỄN QUANG NGỌC (tổng hợp)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Lâm (st)