Là một người yêu nước, một người cộng sản, thông minh trác việt, uyên bác tinh hoa trí tuệ cổ kim đông tây, hơn ai hết, Bác Hồ hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Tư tưởng bạo lực của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Người vận dụng sáng tạo trong cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa ở thời đại mới.
Đó là tư tưởng bạo lực cách mạng của một dân tộc bị nô dịch, áp bức đến cùng kiệt, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với hai lực lượng chính trị và vũ trang trong suốt tiến trình chiến tranh cách mạng của Việt Nam. Tham khảo những kinh nghiệm của cách mạng Nga, cách mạng Trung Quốc, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc và tài thao lược của tổ tiên, Người đã xây dựng cho đất nước một hệ thống tư tưởng khá hoàn chỉnh về chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người ra đi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa hoàn thành, nhưng những tư tưởng đó được Đảng, nhân dân, Quân đội ta bảo vệ và phát triển trong những năm tháng tiếp sau, giành thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hệ thống tư tưởng đó hiện nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ mới.
Trong nhiệm vụ quân sự, xây dựng Quân đội cũng như vậy.
Từ chỉ thị đầu tiên thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến các bài viết, bài nói của Người sau này tập hợp lại, chúng ta có một hệ thống tư duy Hồ Chí Minh về một đội quân kiểu mới với những nét rất riêng của Việt Nam.
I- KHỞI NGUYÊN
Lịch sử đã ghi nhận sau khi tổ chức Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh ra đời, phong trào chính trị của quần chúng nhân dân do Đảng lãnh đạo phát triển rộng khắp. Trên nền phong trào đó hình thành những đơn vị tự vệ chiến đấu, tự trang bị bằng đủ loại vũ khí gậy gộc, giáo mác, súng đạn tự tạo hay cướp được của địch.
Tại Chiến khu Cao - Bắc - Lạng, từ cuối năm 1941 đã hình thành tổ chức vũ trang, tiếp đó Đội quân Cứu quốc ra đời ở châu Bắc Sơn - Lạng Sơn.
Cho đến ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của Người, đội vũ trang tập trung mới thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Ba mươi tư đội viên do đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác giao quyền chỉ huy khi đó đều là những thanh niên ưu tú, giác ngộ cách mạng rút từ các đội vũ trang địa phương lên.
Hình ảnh này gợi cho ta cảnh hợp nghĩa và tụ nghĩa của người xưa khi quốc gia lâm nạn mà các hội thề của Lê Lợi ở Lũng Nhai, của anh em Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn, chiếu Cần Vương của Hàm Nghi còn được ghi trong sử sách.
Theo Chỉ thị của Người, ngay từ đầu đội quân đó đã là một đội quân kiểu mới: Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đội quân vừa đánh giặc vừa công tác giúp đỡ phong trào đấu tranh ở các địa phương (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - chữ “tuyên truyền” được Người bổ sung ngày hôm sau).
Người khẳng định: Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân; nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự phát triển của đội quân kiểu mới đó - đội chủ lực đầu tiên của Quân đội ta từ nhỏ bé thành đội quân giải phóng của cả nước trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đội Vệ quốc quân trong kháng chiến chống thực dân Pháp rồi Quân đội quốc gia, Quân đội nhân dân ngày nay với ba chức năng: Chiến đấu, công tác và sản xuất**.
Dường như trong một hoàn cảnh tương tự, trước lực lượng bạo lực phản cách mạng của kẻ thống trị được trang bị đầy đủ, phong trào cách mạng của quần chúng không thể không có tổ chức quân sự để chống lại, tự bảo vệ. Tổ chức quân sự đó là bất hợp pháp trước chính quyền đương thời, phải tự tạo cho mình một chỗ đứng trong quần chúng và tự nuôi sống mình.
Tổ chức quân sự của Việt Nam hình thành trên cái nền của phong trào chính trị quần chúng. Nhiệm vụ đội quân công tác của nó theo tư tưởng của Bác Hồ là góp phần xây dựng, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu cho phong trào chính trị đó dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng ở địa phương.
Suốt quá trình chiến tranh cách mạng trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện cả ba chức năng, làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về một đội quân kiểu mới:
- Đội quân của nhân dân bị áp bức bóc lột, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đội quân con em của nhân dân các dân tộc Việt Nam.
- Đội quân đó đồng thời thực hiện ba chức năng: Chiến đấu công tác và sản xuất dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản.
Và nay khi đã giành được chính quyền, là đội quân của nhà nước xã hội chủ nghĩa, công cụ chủ yếu của nền chuyên chính vô sản trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
II- ĐẠO QUÂN TRUNG HIẾU
Trung với vua, với nước, hiếu với cha mẹ là hai đạo lý lớn của con người Việt Nam từ ngàn xưa, có cội nguồn từ học thuyết Khổng giáo được “bản địa hóa”. Từ đạo lý làm người ấy, Bác Hồ đặt nền đạo lý cho Quân đội ở tầm cao hơn, sâu sắc hơn.
Tháng 5-1948, nhân ngày lễ khai giảng khóa học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (Trường Lục quân I ngày nay), trong thư gửi cán bộ, học viên, Người đề tặng thưởng sáu chữ: Trung với nước – hiếu với dân.
Ngày 22-12-1964, kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội, Người chỉ thị rõ hơn: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là bản chất chính trị, tư tưởng của Quân đội.
Được Bác và Đảng tổ chức, lãnh đạo, được vũ trang bằng hệ tư tưởng Mác - Lênin, đội quân đó mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, bản chất nhân dân của một Quân đội cách mạng. Theo tư tưởng của Người, bản chất giai cấp, bản chất nhân dân, dân tộc là thống nhất, cũng như tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xã hội, con người là thống nhất.
Theo bản chất chính trị đó, Quân đội lấy mục tiêu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu chiến đấu nhất quán của mình. Như vậy, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội là thống nhất. Bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ chế độ. Đi chệch mục tiêu này, bất kể vì lý do gì đều là hủy hoại bản chất chính trị, tư tưởng của Quân đội.
Và để thực hiện mục tiêu trên, như Người dạy thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó là:
- Nhiệm vụ chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong suốt những năm dài của chiến tranh cách mạng chống những kẻ thù lớn hơn gấp bội, và nay trong thời bình vẫn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ.
- Tham gia công tác vận động quần chúng của Đảng, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân keo sơn gắn bó, quân dân một ý chí cùng nhau dựng nước và giữ nước.
- Thực hành sản xuất, tiết kiệm, cải thiện đời sống, tự lực một phần, giảm gánh cho dân, tham gia xây dựng kinh tế, góp phần đưa đến dân giàu, nước mạnh. Đặt trong bối cảnh đất nước trong mấy chục năm qua, đất mình giặc chiếm, Bắc Nam chia cắt, kẻ thù xảo độc, tiềm lực đồ sộ, cục diện thế giới phức tạp, cái giá của quá trình thực hiện nhiệm vụ quả thật khôn lường.
Nửa thế kỷ nhìn lại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến đấu, chiến thắng cả thù ngoại xâm lẫn thù nội sinh, cho dù không tránh khỏi những vấp váp, nhược điểm trên bước đường trưởng thành, trên cả ba chức năng và giờ đây vẫn tiếp bước theo mục tiêu nhất quán ấy trong bối cảnh mới cùng những thuận lợi, khó khăn mới. Đảng ta, nhân dân ta có quyền tự hào về Quân đội trung hiếu của mình - Quân đội có quyền tự hào về Đảng, về lãnh tụ anh minh, về dân tộc anh hùng của mình.
III- QUAN HỆ NỘI BỘ
Đối với Quân đội, quân lệnh như sơn. Bác Hồ thường dạy: Kỷ luật tạo sức mạnh. Nhưng Quân đội ta còn một nguồn sức mạnh khác, khá độc đáo, đó là cái tình.
Có lẽ hiếm có một Quân đội nào trên thế giới mà “quân lính” hoàn toàn tự giác gọi người tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện mình là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, coi người chỉ huy cao nhất, là anh cả, gọi các đại tướng, thượng tướng... là anh, là bác rất tự nhiên mà cũng rất thân tình.
Do cuộc chiến tranh cách mạng của ta quá dài, trong Quân đội hiện nay đồng thời tồn tại cả ba thế hệ: Ông, cha, con. Trong chiến đấu hai cha con cùng một chiến hào là chuyện thường tình. Cho nên trong giao tiếp, cách xưng hô, bên cạnh những cách gọi nhau theo cấp bậc, chức vụ, vẫn song hành cách gọi theo gia đình, tuổi tác.
Phải chăng ở đây, truyền thống xa xưa vẫn còn in đậm dấu ấn: Phụ tử chi binh thời Trần, huynh đệ chi binh thời Lê, thời Tây Sơn.
Dù cho thời cách mạng, ta đề xướng mối quan hệ đồng chí chi binh, cái tình phụ tử, huynh đệ ấy vẫn cứ đồng thời tồn tại.
Chắc rằng tính cách gia đình ấy trong các mối quan hệ cũng đã tạo nên những tiêu cực này khác, song điều đó cũng không hề cản trở đến chất lượng, hiệu quả công việc. Phong cách dân chủ trong Quân đội ta, bên cạnh cơ sở nhận thức là ý thức chính trị về bản chất của một Quân đội cách mạng dường như cũng thấm đượm cái “chủ nghĩa duy tình”, và phải chăng nó cũng góp phần tạo nên chất keo dính mọi quan hệ đồng đội, đồng chí, trên dưới trong chặng đường dài gian khổ, hy sinh. Và nên chăng tình cảm đó cần được trân trọng, vun trồng, định hướng cho tốt, vừa khắc phục bệnh gia trưởng vừa phòng ngừa thói tự do tùy tiện, dân chủ quá trớn.
Ở đây không thể không kể đến công lao dạy dỗ của Bác Hồ đối với đội ngũ sĩ quan Quân đội. Từ kinh nghiệm xưa của dân tộc vận dụng vào hoàn cảnh lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam trong thời cách mạng mới, Người đã chỉ ra cái đạo làm tướng: Trí - Dũng - Nhân -Tín - Liêm - Trung. Thật là hợp với quy luật lịch sử Việt Nam.
Cầm quân là việc tối hệ trọng, quan hệ tới sinh linh của bao con người, mà càng cao thì sinh linh càng lớn. Người làm tướng phải bằng trí tuệ anh minh, bằng dũng khí kiên định cũng như lòng nhân ái đối với con người mà tạo được niềm tin trước ba quân, và giữ cho bản thân cuộc sống chính trực, trong sạch để quản quân, luyện quân, nuôi quân, dụng quân thắng lợi, để qua đấy thể hiện trong thực tiễn lòng trung của mình đối với Đảng, với dân.
Người thường dạy: Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.
Và đối với cán bộ chính trị - đội ngũ thể hiện tinh thần của Đảng, Người dạy: Phải thân thiết như người chị, công bình như người anh, hiểu biết như người bạn. Ấy là hãy đem cái tâm, cái trí của mình, tạo ra lối giao hòa trong quan hệ xã hội để mà hành nghiệp.
Chính nhờ những lời giáo huấn đầy lòng ưu ái đó và sự chấp hành nghiêm chỉnh của tuyệt đại đa số cán bộ, chúng ta mới có được một quan hệ nội bộ tốt đẹp như vậy.
Một Quân đội quân lệnh như sơn, đồng thời là một gia đình lớn.
IV- QUAN HỆ QUÂN DÂN
Trong lịch sử đất nước, lần đầu tiên dân tộc ta có một đội quân của chính mình - từ con em nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới sự lãnh đạo của một đảng tiên phong.
Mục tiêu chiến đấu của Quân đội cũng là mục tiêu đấu tranh của nhân dân: Vì độc lập, tự do của đất nước, vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.
Cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ theo tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã gắn kết Quân đội với nhân dân và nhân dân với Quân đội. Vận dụng kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc, Bác Hồ đã dạy Quân đội về mối tình quân dân cá nước (ngư thủy chi tình).
Ở ta do hoàn cảnh thực tiễn gay gắt của cuộc chiến tranh, do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mối quan hệ đó đã phát triển tới đỉnh điểm. Quân đội lấy dân làm nguồn gốc cho sự tồn tại, phát triển và trưởng thành của mình, coi dân như cha mẹ. Nhân dân coi Quân đội là đạo quân con em, vì mình mà chiến đấu, hy sinh.
Một đất nước với tầm quan trọng về địa kinh tế và chính trị như Việt Nam, dựng nước đi đôi với giữ nước đã thành quy luật trường tồn của dân tộc. Hơn nữa lại là một nước nhỏ - “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước hãy thương nhau cùng”, quan hệ Quân đội với nhân dân và nhân dân với Quân đội đã thành một tiềm thức sâu lắng, tích tầm từ ngàn đời.
Quân dựa vào dân và dân cũng dựa vào quân trong mối quan hệ quân dân một ý chí.
Cố nhiên không phải trong quá trình xây dựng và chiến đấu không xảy ra những sự này, chuyện khác, vi phạm mối đoàn kết quân dân nhưng chính nhờ tiềm thức ấy mà những vấp váp, sai lầm đều vượt qua.
Trong thời gian chiến tranh, Quân đội sống, chiến đấu trong lòng dân - nhất là vùng hậu địch. Những cảnh tiễn con ra trận, che giấu, nuôi nấng thương bệnh binh, chăm nom hương khói cho những liệt sĩ đã hy sinh, phá dỡ cả nhà mình lấy gỗ làm hầm hào chiến đấu, chống lầy... Cho đến giờ dù có ngàn lời ca, muôn tiếng hát, vạn trang sách cũng nói không hết. Ngay cả trong thời bình, dù con người có những nhu cầu mới nảy sinh, tình cảm quân dân ấy vẫn trước sau như một.
V- QUAN HỆ QUỐC TẾ - BẠN BÈ
Phong trào cộng sản thế giới đã từng có những đội quân tình nguyện của một hay nhiều nước hợp thành, đem trí tuệ và cả máu xương chi viện cho cách mạng nước bạn. Năm 1936, cách mạng vô sản Tây Ban Nha đã đón nhận sự chi viện của đội quân quốc tế gồm các chiến sĩ cộng sản các nước sang cùng chiến đấu với đội quân vô sản của đất nước này.
Những năm 1941-1945, Hồng quân Liên Xô đã chi viện cho cách mạng các nước Đông Âu, đập tan ách phát xít chiếm đóng, giải phóng hàng loạt nước, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Rồi đến ta, từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đội quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở hai nước bạn Campuchia và Lào.
(…) Chúng ta trân trọng ghi nhận tấm lòng thủy chung của quân dân nước bạn qua lời phát biểu đầy tâm huyết của đồng chí cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào: trong suốt quá trình chiến tranh cách mạng Lào, có cánh rừng nào, đầu sông ngọn suối nào không ghi dấu chân anh lính tình nguyện Việt Nam - anh lính Bác Hồ. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội giải phóng Lào đời đời ghi nhận công lao của quân tình nguyện Việt Nam”.
Được như vậy vì Quân đội ta đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: Giúp bạn là mình tự giúp mình.
Anh em chúng ta trong nghĩa vụ quốc tế cao cả, khắc ghi lời Bác dạy đã chiến đấu, công tác với tinh thần “cơm nhà việc nhà” suốt mấy chục năm, các thế hệ kế tiếp nhau. Lịch sử đã sang trang, nhưng có một tình tiết nhỏ nên gợi nhớ. Một thời chiến tranh, một thời gia đình nào cũng có người thân ra đi chiến đấu. Đi B hay cả đi C cũng là chuyện tự nhiên. Dân mình chính trị cao là vậy.
Đó là cái nền ý thức, tâm hồn chắp cánh cho những anh em đi làm nghĩa vụ quốc tế.
Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Đó là tình cảm thực sự của dân tộc ta. Góp phần cùng toàn dân củng cố, phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè theo đường lối của Đảng, Quân đội ta đã và đang thực hiện nghĩa vụ ấy trong tình hình mới.
Song song với nhận thức tư tưởng đúng đắn về chủ nghĩa quốc tế có lẽ ở đây cũng còn thấm đượm cái tình trong hai câu thơ bất hủ của Bác Hồ về nghĩa tình quốc tế.
“Quan sơn muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em!”1.
VI- NGHỆ THUẬT ĐÁNH GIẶC
Từ ngàn xưa, nước ta vốn là nước nhỏ. Việc giữ nước hay cứu nước thường gặp một nghịch cảnh: đối sánh lực lượng giữa ta với địch quá chênh lệch.
Nhưng ta vẫn thắng. Có thắng mới có ngày nay.
Nhỏ, nghèo mà không yếu.
Vào thời hiện đại, ta vẫn gặp nghịch cảnh ấy.
Ta rất muốn hòa bình, ta đã có những nhân nhượng nhưng kẻ thù càng lấn tới. Ta buộc phải làm cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp kéo dài trong chín năm.
Ta rất muốn sau hai năm, Bắc - Nam hiệp thương để hòa bình thống nhất đất nước, để Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhưng nào có được. Vừa ra khỏi cuộc chiến chín năm, ta lại vào cuộc chiến kéo dài 30 năm.
Ta vẫn ở thế nhỏ, nghèo mà vẫn không yếu. Mà chiến tranh thì có quy luật thép: Mạnh được yếu thua.
Ta nghèo mà lại thắng. Có nghĩa là ta có cái mạnh, ấy là bởi bề dày của truyền thống đánh giặc cứu nước, giữ nước mấy ngàn năm, dân tộc ta anh hùng, bất khuất với tài thao lược tuyệt diệu qua các thời kỳ đã xây dựng nên nghệ thuật quân sự độc đáo trên cái nền của “chúng chí thành thành”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển tư tưởng quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh, điều kiện một nước, một dân tộc như ta - Người đã đem tư tưởng thời đại gieo mầm vào mảnh đất truyền thống.
Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân do một Đảng vì dân lãnh đạo, cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mạnh của cả nước một lòng đồng thời tranh thủ tối đa sự chi viện của thế giới, theo một chiến lược tổng hợp quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao tạo thế, tạo lực cho chiến tranh, càng đánh càng tập hợp được rộng rãi lực lượng trong nước và thế giới, càng cô lập, phân hóa được lực lượng của đối phương.
Đó là cách đánh phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm, thôn là một pháo đài, lực lượng vũ trang lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt trong thế trận của chiến tranh nhân dân. Kết hợp các hình thức và quy mô của chiến thuật, chiến đấu: Du kích, chính quy, phòng thủ, tiến công, phản công, đánh đêm, đánh ngày, tác chiến trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn (đồng bằng), đô thị, ba mũi giáp công: Đánh địch, giành dân, binh vận; khôn ngoan, tài giỏi, tránh mạnh đánh yếu, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đoản binh thắng trường trận, bí mật, bất ngờ, vừa đánh vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh.
Trên sự kiên trì, bền bỉ, dũng cảm, sáng tạo ấy ta đã giành thắng lợi trong tiêu diệt sinh lực địch ở chiến trường, đồng thời phân hóa nội tâm chính quốc, kêu gọi sự ủng hộ đồng tình của chính nhân dân nước đi xâm lược để rồi cuối cùng kẻ địch phải chấp nhận cuộc thua: Thua ở chiến trường và thua cả ở hậu phương.
Lịch sử giữ nước của dân ta đã như vậy.
Hai cuộc chiến trong thời hiện đại cũng như vậy.
Chiến thắng rồi lo tính chuyện đại nghĩa, xây dựng lại đất nước xóa bỏ hận thù, sẵn sàng mở bang giao hòa hiếu.
Nghệ thuật quân sự ấy là vô giá đối với sự nghiệp giữ nước không chỉ cho hiện tại mà còn mãi cho mai sau.
Trung tướng, PGS.VĂN CƯƠNG*
Nguồn: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân,
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.264-278.
Huyền Anh (St)