Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản lớn. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người luôn soi sáng sự nghiệp cách mạng của nước ta. Sinh thời, Người quan tâm toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội, và luôn mong muốn thực hiện nó một cách hiệu quả, thực chất. Điều đó phần nào được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng từ “phải” hoặc “thật sự” hay “thật”, “thực sự”.
Qua các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thống kê nhưng chưa đầy đủ, Người đã dùng từ “phải”, “thật sự”... ở 3.931 lượt tài liệu. Xét về nội dung đều là những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị làm đúng bản chất của sự việc, chứ không phải là nói suông, qua loa, đối phó, mang tính hình thức, có như thế mới là cán bộ, đảng viên của nhân dân, mới là con người mới của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cầm kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Với một đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ mà đã có 7 từ “phải” hoặc “thật”, “thật sự”, chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc cần phải làm và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nó một cách nghiêm túc, thực chất của vấn đề, chứ không phải làm cho có, nói cho hay, làm không đến nơi đến chốn. Xét trong thực tiễn ngày nay, đối chiếu với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là không có những ví dụ về những trường hợp cán bộ, đảng viên thay vì là “đày tớ thật trung thành của nhân dân” lại hống hách, chuyên quyền, xem khinh quần chúng, những tệ nạn xã hội có không ít bóng dáng của cán bộ, công chức. Đó là vì chúng ta chưa thật sự quan tâm một cách thấu đáo, giáo dục hiệu quả mà còn nặng hình thức, chung chung, đại khái, chạy theo thành tích, không thực hiện nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Hay trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Có thể hiểu ngay rằng, đó chính là những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà trong một bài viết, một đoạn văn ngắn Người lặp lại rất nhiều từ có tính chất yêu cầu, bắt buộc, kiên quyết như thế. Bởi vì Người hiểu, nếu không nhấn mạnh thì điều đó là chưa đủ, mà Người muốn mọi người cần phải quan tâm hơn, coi trọng những điều đó để thực hiện cho tốt, triệt để, có như vậy mới thực sự vì dân, vì nước.
Tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18-1-1967, nói đến việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng xuống cơ sở cho đúng, kịp thời, Người nhắc nhở “các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở ở sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí huyện ủy chưa thật sự lăn lộn ở cơ sở... Hiện nay, mỗi huyện ủy có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình tình...”. Đối chiếu với thực tế tại tỉnh Gia Lai, thiết nghĩ đây là một bài học bổ ích mà trong thời gian vừa qua, chúng ta đang thực hiện tăng cường cán bộ về cơ sở. Không những thế, Bác Hồ còn nêu cụ thể: “Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ăn, ở, học tập, sức khỏe... của các gia đình”.
Bài viết nhỏ này không thể nêu hết được những từ “phải”, “thật sự” mà Bác Hồ đã dùng, nhưng qua đấy phần nào mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần những lời dạy của Người, ra sức nỗ lực, phấn đấu “thật sự”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như lòng Bác Hồ mong ước.
Nguyễn Xuân Phước
Tap chi cong san.org.vn
Tâm Trang(st)