Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi lần kể lại kỷ niệm lúc được gặp và biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ và đoàn Bộ Chính trị xem, mắt ông Hải lại sáng lên đầy tự hào. 61 năm đã trôi qua, nhưng với ông được gặp Bác Hồ, được diễn cho Bác xem đó là kỷ niệm đáng nhớ và đáng tự hào nhất.

Nhớ lại những năm tháng công tác trong Đoàn văn công Đại đoàn 316, ông Vũ Thanh Hải (SN 1935), xóm 12, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, vẫn không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về lần gặp Bác Hồ 61 năm trước.

Năm nay, ông Hải đã bước sang tuổi 81, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các công tác đoàn thể tại địa phương mình cư trú. Và đặc biệt, ông luôn nhớ về lần biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem.

ky-uc-dep
Người văn công Vũ Thanh Hải kể lại việc gặp và biểu diễn cho Bác Hồ

Khi hỏi về kỷ niệm gặp Bác Hồ, chúng tôi thấy ánh mắt ông Hải bỗng trở nên vui tươi hơn và ông bắt đầu kể về cuộc gặp lịch sử ấy, cặn kẽ đến từng chi tiết. Vào đầu năm 1955, Đoàn Văn công Đại đoàn 316 và Đoàn tình nguyện quân Pa-Thet (Lào) là hai đoàn vinh dự được chọn để biểu diễn phục vụ Bác Hồ và Bộ Chính trị tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lúc ấy, ông Hải được giao nhiệm vụ đóng vai anh hùng Bế Văn Đàn trong vở diễn “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng”.

Ông Hải bồi hồi kể lại: “Chúng tôi ai cũng chuẩn bị tâm lý là sẽ được nhìn thấy Bác Hồ, nhưng vẫn rất hồi hộp vì chưa ai trong chúng tôi được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, lâu nay chỉ ngắm nhìn Bác qua tấm ảnh của Liên Xô. Sau khi hóa trang xong chúng tôi đứng sẵn bên cánh gà. Nhìn qua khe hở tại hàng ghế thứ 3 chúng tôi thấy có một chiếc ghế khác biệt với tất cả những chiếc ghế còn lại.

Trên ghế có một người già đang ngồi, vẻ mặt hiền từ đang chăm chú nhìn về sân khấu nên mọi người đều phỏng đoán đó chính là Bác Hồ, rồi cùng nhau reo lên và ló đầu ra khỏi cánh gà để nhìn Bác kỹ hơn.Thấy vậy, Bác đã cho người đến và căn dặn chúng tôi cứ biểu diễn tốt rồi Bác sẽ vào thăm. Đừng làm như vậy người ta cười cho”.

Trong lúc biểu diễn ông Hải cũng lặng lẽ đưa mắt về phía Bác thì thấy Bác lấy khăn tay lau nước mắt, có lẽ Bác xúc động vì thương bộ đội, thương những người anh hùng như Bế Văn Đàn đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước.

ky-uc-dep-2
Chiếc áo trấn thủ mà ông Hải mặc trong lúc biểu diễn nhập vai người anh hùng Bế Văn Đàn được lưu giữ cẩn thận

Khi Đoàn Văn công biểu diễn xong thì Bác Hồ cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng đã ra sau cánh gà để thăm hỏi anh em trong Đoàn.

Thấy Bác tất cả anh em trong đoàn văn công đều hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác giơ tay vẫy chào và nở nụ cười hiền từ. Lúc này, mọi người chưa kịp thay trang phục mà vẫn đang mặc trang phục trong vỡ diễn Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Bác tiến lại gần và vỗ vai ông Hải.

Bác hỏi: "Các chú mặc thế này có lạnh không?". Chúng tôi đồng thanh đáp: "Thưa Bác, không ạ!" Bác nói tiếp: "Bác biết các chú lạnh đấy! Nhưng vì các chú phải nhường áo ấm cho Bộ đội miền Nam đang chiến đấu gian khổ nữa.".

Lúc sau Bác quay ra hỏi ông Phạm Văn Đồng rằng: “Đã có gì cho các cô, các chú chưa?”, ông Phạm Văn Đồng đáp: “Dạ, có rồi, mỗi anh em một chiếc bánh mì pa-tê ạ!”.

Trước khi đi Bác căn dặn:“Ở đây, Nam có, Bắc có, già có, trẻ có, các cô chú phải luôn đoàn kết, thương yêu nhau để xứng đáng là những nghệ nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ông Hải xúc động: “Chúng tôi trước giờ mới chỉ được biết tên người, ngắm chân dung người qua ảnh, đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp Bác, được trò chuyện và ngắm nhìn Bác bằng xương, bằng thịt gần đến thế dù chỉ vỏn vẹn 15 phút đồng hồ. Khi ấy, anh em chúng tôi người thì cười vì hạnh phúc, người lại khóc vì xúc động, cảm xúc ấy thực sự rất khó tả”.

ky-uc-dep-3
Với ông Hải, được gặp Bác Hồ và biểu diễn, trò chuyện cùng với Bác Hồ là cả một vinh dự và niềm tự hào vô cùng lớn lao

Ngoài việc ghi nhớ những lời căn dặn của Bác, coi đó là việc nên làm trong cuộc sống thường ngày. Ông Hải còn lưu giữ chiếc áo trấn thủ mà ông đã mặc khi ông đóng vai người anh hùng Bế Văn Đàn để làm kỷ niệm, với ông nó là kỷ vật vô giá không thứ gì có thể so sánh được.

Chiếc áo trấn thủ ấy dù đã qua hơn 60 năm nhưng vẫn được ông Hải gìn giữ nguyên vẹn, ông Hải còn cẩn thận gắn những chiếc Huân Huy chương lên tấm áo và gìn giữ như báu vật vô giá.

Ông Hải còn luôn căn dặn con cháu và những người xung quanh phải biết tiết kiệm, đoàn kết noi gương Bác Hồ. Chỉ cần có dịp ông Hải lại tự hào kể lại cho con cháu mình và những người xung quanh về lần gặp lịch sử ấy . Với ông, được gặp Bác Hồ và biểu diễn, trò chuyện cùng với Bác Hồ là cả một vinh dự và niềm tự hào vô cùng lớn lao./.

Đức Văn

Theo Dân trí

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: