Cách đây 11 năm, bộ phim “Một đời bên Bác” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2005) đã làm xúc động nhiều người xem trước hình ảnh một nhà báo suốt đời lưu giữ những kỷ niệm được đi theo Bác, viết về những hoạt động của Bác. Đó là nhà báo lão thành cách mạng Đinh Chương. Đến khi Hội Nhà báo TP tổ chức kỷ niệm 80 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, sau bài phát biểu khó nhọc nhưng đầy ấn tượng của nhà báo Đinh Chương (ông đang đau yếu phải gắng gượng), chúng tôi đã đến ngôi nhà số 12 Lê Thánh Tôn, TP Đà Nẵng, nơi ở của gia đình ông để xin cho bằng được những tư liệu ông đang lưu giữ.

Trong căn phòng nhỏ, đơn sơ của vợ chồng nhà báo đầy ắp những hình ảnh, sách báo, tư liệu về Bác. Khi nghe ý định của chúng tôi muốn ghi lại những tư liệu quý giá đó, đôi mắt ông như sáng hẳn lên. Ông chậm rãi đi vào bên trong lấy ra một cuốn sách tựa đề : “Bác Hồ nói chúng cháu ghi”, ký tặng và trao cho chúng tôi: “Các cháu thuộc thế hệ hôm nay, chú hy vọng sẽ tìm được trong cuốn sách này những điều bổ ích ”.

bac-noi-chau-ghi
Nhà báo lão thành cách mạng Đinh Chương trong căn phòng đầy ắp những kỷ niệm về Bác.

Cho đến khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai trong cả nước, lật giở lại tập sách nhà báo Đinh Chương tặng, tôi mới thấy đầy đủ giá trị của nó. Những hồi ký về Bác của nhà báo Đinh Chương và các đồng nghiệp được tập hợp trong cuốn “Bác Hồ nói, chúng cháu ghi” không chỉ làm xúc động người đọc bởi nhân cách cao đẹp, tình yêu thương bao la của lãnh tụ mà còn chứa đựng những bài học giản dị mà thấm thía đối với người làm báo. Nói như nhà báo Đoàn Bá Từ, nguyên Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam Quảng Nam Đà Nẵng ngày ấy, thì đây là một tập kỷ niệm “không người làm báo nào trong cả nước có được”!. Chính chúng tôi, khi đọc “Bác Hồ nói chúng cháu ghi” của nhà báo Đinh Chương cũng đã bị lôi cuốn theo mạch cảm xúc ngồn ngộn của ông, để mãi đến hôm nay mới chắt lọc được mảng tư liệu về nhân cách, bản lĩnh nhà báo Hồ Chí Minh, không chỉ do ông mà nhiều nhà báo lão thành khác ghi lại.

Trong đó, nhà báo Lê Việt Thảo kể lại kỷ niệm vô cùng thấm thía đối với nghề phóng viên của mình trong “Hạnh phúc phóng viên”. Năm 1959, Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) do Thủ tướng Ôt-tô Giơ -vốt- tơ-vôn dẫn đầu, sang thăm hữu nghị nước ta. Lê Việt Thảo được phân công đi viết tin. “Lúc bấy giờ, bút bi rất hiếm, PV thường dùng bút máy. Do bút và mực ta làm chất lượng còn kém nên viết thường bị tắc. Bút của tôi bị tắc đột ngột, phải vẩy mạnh cho mực xuống ngòi.

Ý chừng Bác nhìn thấy cảnh này nên khi vị Thủ tướng nước bạn đang nói chuyện vui vẻ với một vị tướng quân đội ta, Bác đứng dậy đi về phía Bộ trưởng Ngoại giao ta và ghé ngang chỗ tôi đứng, nói khẽ : “Bút tắc mực, khổ quá ấy nhỉ”. Rồi Bác nhìn những cán bộ ta đứng gần đó: “Chú nào chi viện khẩn cấp cho nhà báo?”. Tôi luống cuống, chỉ đứng ngây người, im lặng nhìn. Người vẫn dịu hiền, đôi mắt nhìn tôi và ôn tồn: “Ra trận, vũ khí phải sẵn sàng chứ! Ít ra phải có hai cái bút và cái bút chì vót sẵn hai đầu với con dao nhíp dùng khi cần”. Mỗi khi kể lại câu chuyện này, ông đã không nén được xúc động như ngày nào được nghe Bác căn dặn.

Còn nhà báo lão thành cách mạng Châu Quỳ trong hồi ký “Vinh dự được viết tin về Bác Hồ” nhớ lại một lần cùng phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, điện ảnh trung ương và Hà Nội đi lấy tài liệu làm tin về các hoạt động của đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có hoạt động của Bác Hồ. Hồi ấy, việc đi theo các vị nguyên thủ quốc gia nước bạn để quan sát, ghi chép không phải là điều dễ dàng như những năm sau này. Có lẽ không có một PV nào không bị bảo vệ lôi áo kéo ra. Ông kể lại: “Cũng như những PV khác, ai cũng muốn lấy được những chi tiết đắt để làm tin và ảnh, tôi cũng cố chen lấn để được đứng sát bên cạnh Bác và đã bị kéo áo, làm đứt cả khuy áo sơ mi. Bác nhìn thấy ngay và nói với đồng chí bảo vệ: “Để chú đó làm nhiệm vụ”.

Trên năm mươi phần trăm trang viết ở tập hồi ký “Bác Hồ nói, chúng cháu ghi” là của nhà báo Đinh Chương, người phóng viên gần như trọn cuộc đời làm báo được ở bên Bác. Không chỉ kể lại những điều mắt thấy tai nghe về nhà báo Hồ Chí Minh, ông còn luôn tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho bản thân và đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Điển hình như mẩu chuyện “Chỉ sót một dấu phẩy, Bác Hồ xin lỗi bạn đọc”: Ngày 14-3-1962, Bác viết bài đăng trên báo Nhân Dân: “Làm thế nào cho lạc thêm vui” ký tên T.L. Trong bài có chi tiết: “Mỗi lần lạc bán ra nước ngoài thì được 1,5 tấn gang”, nhưng Bác viết nhầm là 15 tấn gang.

Ba ngày sau đó, Bác viết một bài, cũng ký tên là T.L, phía dưới bài này, Bác đề chữ “xin lỗi” (mà thông thường chúng ta hay viết “sửa lại” hoặc “ đính chính”). Nội dung Bác viết là: “Trong báo Nhân Dân 14-3-1962, dưới đầu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui”, đúng một tấn lạc đổi được 1,5 tấn gang, nhưng vì sót một dấu phảy mà viết sai, thành 15 tấn. Đó là một thái độ không nghiêm túc, không cẩn thận. T.L xin thật thà tự phê bình và xin lỗi bạn đọc”. Kể xong mẩu chuyện, nhà báo Đinh Chương liên hệ ngay: “Những người làm báo chúng ta ở mỗi cơ quan, tòa soạn, mỗi khi người này có một lỗi thường thường, thì cứ tìm ở người khác, người viết đổ tại đánh máy, người đánh máy đổ tại người viết không rõ, phóng viên đổ cho biên tập, ông này đổ tại ông kia, rồi cuối cùng cứ đổ vấy cho nhau... Ở đây, ta thấy cái mẫu mực, thái độ, trách nhiệm rất cao của Bác đối với bạn đọc, trong khi Bác là lãnh tụ của Đảng, dân tộc, một ngày giải quyết hàng trăm nghìn việc, đâu có phải làm báo chuyên nghiệp”.

Sự  ảnh  hưởng  từ  Bác đối  với  nhà  báo  Đinh Chương sâu đậm đến  mức, không chỉ  trong quãng  đời  làm báo  của  mình  mà cả những  khi có dịp nói chuyện  với  lớp sau, ông luôn nhắc lại  lời  Bác  dạy “Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí”.  Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”./.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: