Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Người đã xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.
Chính vì thế, lúc sinh thời, Bác luôn quan tâm đến cách viết. Bác đã nhắc nhở cán bộ tuyên truyền rằng: “Trước khi viết phải đặt câu hỏi và trả lời: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Sau đó mới xem xét việc viết như thế nào?”.
Tất cả sáng tác văn học của Bác đều trở thành một bộ phận trong sự nghiệp đấu tranh cho từng giai đoạn cách mạng ở nước ta. Đó là một di sản văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, sâu sắc về nội dung tư tưởng, sáng tạo độc đáo về phương diện nghệ thuật, được nhiều người trong nước và trên thế giới yêu thích.
Hát múa ca ngợi về Bác Hồ - Ảnh: M.NGUYỆT
NHỮNG ÁNG VĂN BẤT HỦ
Trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, văn xuôi chiếm số lượng lớn nhất, trong đó nổi bật là các tác phẩm chính luận. Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp; bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lý luận với thực tiễn. Giọng văn của Bác cũng đa dạng: “Khi ôn tồn, thấu tình, đạt lý, khi đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn”. Người sáng tác văn chính luận với mục đích đấu tranh chính trị, tấn công trực diện vào kẻ thù, giác ngộ quần chúng, thể hiện nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Những tác phẩm chính luận tiêu biểu của Người có thể kể đến: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Di chúc... Đó là những áng văn bất hủ đã đi vào lịch sử và sẽ trường tồn cùng dân tộc ta.
Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa. Tác phẩm đã lên án chính sách tàn bạo, tội ác tày trời, âm mưu thâm độc, bản tính xấu xa của bọn thực dân, kêu gọi những người bị áp bức đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Tác phẩm không những là văn kiện quý giá về lịch sử, về lý luận mà còn có giá trị lớn về văn học, mang tính thời sự sâu sắc nên dễ đi sâu vào lòng người đọc.
Tuyên ngôn Độc lập (1945) là văn kiện lịch sử công bố với toàn dân tộc và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, giàu tính biểu cảm đã thể hiện những tình cảm cao đẹp của Bác với dân tộc, nhân dân, nhân loại...
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) là bài hịch cứu nước, đã cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966) là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được đúc kết qua hàng nghìn năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Đó là một chân lý bất hủ, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc; là nguồn sức mạnh tạo nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đồng thời, đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc.
Di chúc (1969) là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là lời căn dặn và tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau. Di chúc của Bác đã trở thành cương lĩnh hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Ảnh: M.NGUYỆT
TRUYỆN VÀ KÝ - TÍNH CHIẾN ĐẤU VÀ NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG
Trong toàn bộ sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, truyện và ký có vai trò to lớn miêu tả hiện thực cuộc sống và thể hiện chúng thành những nội dung xã hội quan trọng, có liên quan đến vận mệnh của dân tộc và số phận của mỗi con người Việt Nam trong từng thời điểm lịch sử cụ thể. Các tác phẩm thuộc thể loại truyện và ký của Người thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, được viết bằng lối văn sắc sảo, cô đọng, vừa truyền thống vừa hiện đại; ý tưởng thâm thúy, kín đáo, trí tuệ sâu sắc, thể hiện tình cảm nhân đạo chủ nghĩa và tầm vóc vĩ đại của nhà cách mạng.
Truyện và ký của Người có tính chiến đấu và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Tiếng cười trào phúng của Bác tuy nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay. Đó là những truyện, ký viết bằng tiếng Pháp như: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925)... Tất cả các tác phẩm này nhằm vạch trần bộ mặt tàn ác, xảo trá, bịp bợm của chính quyền thực dân, châm biếm vua quan phong kiến hèn nhát trước bọn xâm lược, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào về truyền thống anh dũng, bất khuất, đề cao những tấm gương yêu nước của nhân dân Việt Nam. Với bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên những tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động, sắc sảo, có sức lay động lòng người.
Các tác phẩm truyện và ký của Hồ Chí Minh có giá trị về văn học và chính trị, đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa và nhận thức lớn lao với một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa.
THƠ CA PHỤC VỤ CHO CÔNG CUỘC CÁCH MẠNG
Ngoài văn xuôi, Bác còn để lại một di sản thơ ca phong phú bao gồm: Thơ ca tuyên truyền cách mạng và thơ ca cảm hứng trữ tình với phong cách đa dạng, vừa cổ điển vừa hiện đại, phục vụ hiệu quả cho công cuộc cách mạng.
Loại thơ ca tuyên truyền cách mạng được người sáng tác từ rất sớm, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, thể loại, lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, mang màu sắc vừa dân gian, vừa hiện đại. Trong mảng thơ ca này, những bài thơ chúc tết hàng năm của Bác Hồ có sức truyền cảm vô cùng lớn lao và mang ý nghĩa cổ vũ cho công cuộc cách mạng của dân tộc.
Thơ ca của Hồ Chí Minh đặc sắc nhất là tập Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) được sáng tác năm 1942-1943, gồm 134 bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc) hơn một năm trời. Tập thơ thể hiện một tâm hồn cao đẹp tuyệt vời, được viết bằng phong cách thơ độc đáo với mục đích phơi bày bộ mặt xấu xa, tàn bạo trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Đây là bức chân dung tự họa về một con người có tâm hồn, dũng khí, có trí tuệ lớn lao.
Ngoài ra, Bác còn viết nhiều bài thơ trữ tình trong thời gian ở Pắc Pó (1941-1945) và trong thời kỳ Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, dễ thuộc, dễ nhớ, được sáng tác theo hình thức cổ thi hàm súc, có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại, chất thép và chất tình...
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần của dân tộc. Đó là di sản vô giá./.
Minh Nguyệt
Thu Hiền (st)