Vĩnh Linh, nơi có nhịp cầu Hiền Lương bên thương bên nhớ chính là nơi đọng lại trong niềm thao thức sâu thẳm, những thổn thức canh cánh trong lòng của Bác Hồ kính yêu.
Bác Hồ với Vĩnh Linh
Sinh thời, Bác luôn quan tâm tới đồng bào, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình. Điều này được thể hiện rõ qua những bức thư Bác gửi tặng tới đồng bào, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh sau mỗi trận đánh. Mỗi câu từ trong mỗi bức thư là tình cảm bao la của Bác dành cho Vĩnh Linh.
Ngày 16 tháng 6 năm 1967, khi vào thăm Quảng Bình nhưng chưa thể vào Vĩnh Linh được, Bác nhắc lại với cán bộ Vĩnh Linh có mặt ở cuộc gặp gỡ đó: “Vì xe không đến được, mà Bác chưa có điều kiện vào thăm…”. Trước gần 3 vạn đồng bào Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh có mặt tại thị xã Đồng Hới, Bác chỉ rõ: “Quảng Bình, Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến Cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết.”.
Kể chuyện lại thời gian được gặp Bác Hồ, đồng chí Hồ Ray, người dân tộc Vân Kiều ở Vĩnh Linh vẫn luôn nhớ lời căn dặn của Bác. Người bảo: “Muốn khôn phải học văn hóa, muốn đỡ khổ phải định canh định cư” . Đồng bào Vân Kiều mang họ Bác, gọi Bác là Cha và đã làm đúng lời Bác dạy. Bác không đến được với đồng bào Vân Kiều nhưng tình Bác vẫn tỏa đến tận từng bản, làng, từng nếp nhà sàn giữa núi rừng đèo cao heo hút. Năm 1960, đồng chí Nguyễn Thanh Bình (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị) được Bác ủy nhiệm đưa quà của Bác đến tặng cho đồng bào Vân Kiều, Vĩnh Linh. Các già làng đã triệu tập dân bản mình đứng trước ảnh Bác Hồ và nói lời trang nghiêm: “Cụ Hồ là vị Thánh. Đồng bào ta phải mang ơn Cụ dài lâu như con suối, cây rừng của chúng ta”. Đến nay, đồng bào Vân Kiều vẫn luôn nhớ về Bác, nhớ về tình cảm đặc biệt mà Bác đã dành cho mình, từ đó có được sự kiên định, cùng đoàn kết với các dân tộc chống lại các thế lực thù địch.
Ngày ấy, mỗi chiến công, mỗi khó khăn ở Vĩnh Linh, Bác đều trăn trở. Đọc báo Thống Nhất Vĩnh Linh, thấy có gương người tốt, việc tốt, Bác gửi thư khen và tặng Huy hiệu của Người. Đồng chí Dương Tốn, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu vực Vĩnh Linh kể lại: Năm 1966 được ra Hà Nội gặp Bác, Bác hỏi ngay:
- Ở Vĩnh Linh có phải đồng bào đủ ăn và thừa khoai sắn không?
- Dạ, thưa Bác, đúng ạ.
Bác tươi cười nhưng vẫn dặn:
- Các cô, các chú làm cách mạng phải lo cho cái dạ dày của đồng bào, vì dạ dày của mọi người mà lỏng lẻo thì không thể đánh giặc được và không làm được việc gì cả…
Ngày 01/01/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng
danh hiệu Anh hùng cho Khu vực Vĩnh Linh.
Rồi khi Anh hùng Lao động Đinh Như Gia được vinh dự gặp Bác, câu đầu tiên Bác hỏi ngay: “Vụ Vĩnh Quang ra sao rồi?” và Bác khóc. Đồng chí Đinh Như Gia nức nở khóc theo nghẹn ngào. Địa đạo Vĩnh Quang bị bom Mỹ đánh sập, trên sáu mươi người vùi sâu trong lòng đất nhức nhối mãi trái tim Người!
Dù ở xa nhưng lòng Bác vẫn hướng về Vĩnh Linh, nơi niềm tin của cả nước và bạn bè Quốc tế. Một chiến thắng dù lớn nhỏ Bác đều gửi thư thăm hỏi, chúc mừng. Những cử chỉ ấy đã làm rưng rưng tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của nhân dân vùng giới tuyến.
Vĩnh Linh với Bác
Trong Đại hội Công - Nông - Binh ở Khu vực Vĩnh Linh năm 1968, Bác cử đồng chí Lê Thanh Nghị vào dự và mang theo bức ảnh Bác tặng, phía dưới bức ảnh có dòng chữ chính tay Người viết: “Khuyên cán bộ một lòng một dạ phục vụ nhân dân, chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, quân, dân Vĩnh Linh đã ra sức chiến đấu, giành những thắng lợi quan trọng.
Gặp người Vĩnh Linh dù chỉ một lần, Bác nhớ mãi. Người Vĩnh Linh cũng vậy, gặp Bác dù chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng cũng là một kỷ niệm, niềm tự hào đến cuối đời.
Lúc sinh thời, mảnh đất này 3 lần lặng lẽ nâng bước Người qua. Đó là những lần Người cùng gia đình vào Huế ở tuổi mười tám, đôi mươi mà sử sách ghi nhận. Những năm chống Mỹ ác liệt, mỗi tên đất, tên làng, tên người Vĩnh Linh, Bác đều nhớ rành rọt. Một địa đạo ở xã Vĩnh Quang bị bom Mỹ đánh sập, trên 60 người chết thảm, Bác lau nước mắt. Các em nhỏ Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh miền Bắc bị bom Mỹ giết hại dọc đường đi, Bác khóc. Bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ Vĩnh Linh ra Hà Nội gặp Bác, nghe Bác hỏi thăm từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống đời thường mà cứ ngỡ như Bác đang sống giữa Vĩnh Linh.
Bác Hồ ơi!
Chúng cháu hằng mong ước
Đến bao giờ được đón Bác
Đường vào Nam, Bác dừng lại Vĩnh Linh
Giữa cầu Bảy nhịp sông Hiền…
Những câu thơ trên là của tác giả Hải Hiền, một người con của mảnh đất Vĩnh Linh. Đây là những câu thơ được viết trong những ngày trời đất tuôn mưa khóc tiễn Bác vào tháng 9 năm 1969. Đó là tình cảm với Bác của tác giả Hải Hiền và cũng là tiếng lòng của đông đảo quân, dân Vinh Linh.
Bác chưa một lần dừng chân ở Vĩnh Linh nhưng lòng Bác lúc nào cũng nghĩ tới miền quê đầy máu lửa đang hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió. Thương nhớ về Bác thật nhiều, quân và dân Vĩnh Linh luôn khắc ghi những lời dạy thiêng liêng của Bác. Hiện nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những người con Vĩnh Linh đã và đang ra sức, tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, góp phần hiệu quả vào mục tiêu phát triển đất nước./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)