Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao rất rộng lớn và sâu sắc, có thể khai thác từ nhiều góc độ khác nhau. Những tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam nói chung và nền ngoại giao nói riêng phát triển, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

pham-chat-ban-linh-1
Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước ta (Nguồn: Internet)

Suốt cuộc đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do của nhân dân, Hồ Chí Minh đã giao thiệp với rất nhiều bạn bè trên thế giới, có những người bạn cùng chí hướng, có cả những kẻ thù, trong nhiều hoàn cảnh và trên nhiều vị thế khác nhau. Phong cách ứng xử tài tình của Người trong hoạt động đối ngoại đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như phong trào đấu tranh cho nền hòa bình chung của nhân loại.

Trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, Hồ Chí Minh luôn xác định mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền của nước ta. Người chỉ rõ: “Độc lập nghĩa là chúng tôi tự điều hành lấy công việc nội bộ của mình không để ai can thiệp” và độc lập về chủ quyền phải gắn liền với thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Người cũng khẳng định: “Miền Nam là máu Việt Nam, là thịt của Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Kiên định về nguyên tắc, cơ động, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đây là phương châm Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Người sang Pháp đàm phán năm 1946. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải cùng lúc đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nhằm giữ vững chính quyền, phương châm của Người là: Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm. Trong giai đoạn này, nắm bắt mâu thuẫn Pháp – Tưởng, với bản lĩnh của mình, Hồ Chí Minh đã có những ứng xử ngoại giao khôn khéo nhưng vô cùng quyết đoán. Trong chủ trương ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quân Tàu Tưởng, Người khôn khéo dùng phương pháp “ngoại giao Câu Tiễn”, đây là chính sách mà Bác luôn nhấn mạnh với các cán bộ làm công tác đối ngoại.

pham-chat-ban-linh-2
Một buổi làm việc với khách quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ đối đẳng chức vụ trong giao tiếp với các tầng lớp nhân dân trên thế giới ở những cương khác nhau, khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh sẵn sàng hòa bình vào cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ ở các dân tộc trên thế giới, kiếm sống bằng những nghề lao động rất bình dị như đầu bếp, chép tranh, cào tuyết… Mỗi cử chỉ hành động của Người đều rất khéo léo, cẩn trọng, có thái độ và cách ứng xử phù hợp để tránh những nghi thức ngoại giao khi cần mà vẫn giữ được tình cảm chân thành đối với những người bạn, đồng chí, anh em đã từng kề vai sát cánh, giúp đỡ Người trên con đường hoạt động cách mạng.

Cách ứng xử linh hoạt, bản lĩnh, trí tuệ và tự tin trong đối ngoại của Hồ Chí Minh. Dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao.

Kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của quân sự, chính trị, kinh tế vào công tác ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”. Có lúc Người ví: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng, chiêng có to tiếng mới lớn”. Như vậy là thắng lợi ngoại giao lớn hay nhỏ, hoạt động ngoại giao thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc ở nhiều nhân tố, trong đó quyết định chủ yếu là ở thực lực. Tuy nhiên, chúng ta hiểu thực lực quốc gia được hun đúc bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chứ không phải chỉ có sức mạnh vật chất, dù rằng sức mạnh vật chất là cực kỳ quan trọng.

pham-chat-ban-linh-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Ngoại ngữ là vũ khí quan trọng
của người làm công tác đối ngoại ( Nguồn: Internet)

Theo ông Vũ Khoan: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dạy ngành Ngoại giao Việt Nam ngay từ đầu. Theo đúng nghĩa đen. Thí dụ có lần Bác đến nói chuyện với ngành ngoại giao, từ chuyện ăn, Bác dạy phải ăn như thế nào. Bác dạy rất đơn giản thôi. Các chú tốt nhất là ăn sau, chứ đừng ăn trước, để xem người ta ăn như thế nào, để mình theo, các chú đừng “xông lên” ăn trước”.

Trong quá trình đấu tranh ngoại giao, ngoại ngữ được người sử dụng như một vũ khí quan trọng của công tác đối ngoại. Hồ Chí Minh biết nhiều thứ tiếng nước ngoài, trong đó Người sử dụng thành thạo 6 ngoại ngữ: Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Đức và Thái Lan. Người cho rằng, không biết hoặc không thông thạo tiếng nước sở tại thì khả năng nghiên cứu và giao tiếp sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, trong những tiếp xúc riêng bên lề hội nghị, nếu không có ngoại ngữ vững, người cán bộ sẽ thiếu tự tin, dẫn đến mặc cảm, hạn chế trong hoạt động đối ngoại.Và trong nhiều cuộc phỏng vấn với phóng viên nước ngoài, Người đã trực tiếp trả lời bằng tiếng nước ngoài, từ đó, mọi ý nghĩa về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc được truyền tải đầy đủ đến nhân dân thế giới mà không cần phải qua bất cứ một phương tiện chuyển ngữ nào.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình hội nhập, hoạt động đối ngoại của chúng ta cũng ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Tình hình đó đòi hỏi sự gắn kết và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban, ngành, các cấp; các tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế; trung ương và địa phương; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá và cả ngoại giao quốc phòng, an ninh; giữa quan hệ song phương với sự hoạt động tại các diễn đàn đa phương với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng, nhất quán về đối tác cũng như về địa bàn, diễn đàn và lĩnh vực, tạo ra cho Việt Nam một vị thế ngoại giao to lớn, mặc dù kinh tế nước ta còn nghèo, lực vật chất của chúng ta còn có hạn.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, đội ngũ cán bộ đối ngoại cần phải có đầy đủ phẩm chất và bản lĩnh và được từng bước tiêu chuẩn hoá, phải có phẩm chất chính trị tốt, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn đường lối đối ngoại của Đảng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi, góp phần xứng đáng với những công tích ngoại giao của nước nhà cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong thời kỳ hội nhập nhiện nay./.                                                                                                                          

Nguyễn Văn Nguyên

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Nguồn: http://songoaivu.bacgiang.gov.vn/

Kim Chi (st)

Bài viết khác: