Là một lãnh tụ vĩ đại, một nhà yêu nước nồng nàn, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu một cách sâu sắc tầm quan trọng của những vấn đề như dân sinh, dân chủ, dân quyền. Trong đó có thể xem dân sinh là cái gốc, dân chủ là cành lá, dân quyền là hoa trái. Gốc có vững mạnh thì cành lá mới sum suê, hoa trái mới ngọt ngào. Sinh thời, chính C.Mác cũng đã từng nhấn mạnh: “Trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học v.v..”
Có thể hiểu một cách giản dị dân sinh chính là đời sống của nhân dân mà những biểu hiện cụ thể của nó là mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống, là cái ăn ở, cái đi lại, là cuộc sống đời thường của đại đa số người dân trong xã hội. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đời sống vật chất có được no đủ dồi dào thì mới có điều kiện để bàn về những việc hệ trọng và lớn lao khác. Chân lý này dường như ai cũng hiểu, nhưng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân lý đó không dừng lại như một câu khẩu hiệu thông thường, không chỉ là một lý thuyết chung chung trừu tượng mà nó đã trở thành một mối quan tâm trăn trở, một nỗi niềm day dứt trong tâm trí của một vị lãnh tụ. Để rồi từ đó nó trở thành những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực và sâu xa hơn nữa là trở thành những chủ trương, chính sách, những đường lối sáng suốt, đúng đắn có sức mạnh và tác dụng thần kỳ đưa sự nghiệp cách mạng cùng toàn thể đất nước vượt qua những thử thách cam go trong những thời điểm hiểm nghèo, vững bước tiến vào kỷ nguyên tươi sáng.
Thật vậy, trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy khó khăn gian khổ của mình, Bác không lúc nào nguôi nỗi mong ước thiết tha về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn thể đồng bào. Trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, Hồ Chủ tịch đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…” . Ham muốn vô bờ đó của Người thực sự đã chứng minh cho những quan tâm hết sức lớn lao của Hồ Chủ tịch đối với vấn đề quốc kế dân sinh.
Từ một đất nước thuộc địa, phong kiến lạc hậu, Hồ Chí Minh đã chứng kiến cuộc sống nghèo đói lầm than đầy tối tăm tủi nhục của đồng bào, của dân tộc. Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước và mục tiêu cuối cùng không chỉ là độc lập tự do mà còn là cuộc sống ấm no hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội phồn vinh. Lý tưởng dân sinh của Hồ Chí Minh được nhất thể hóa với CNXH. Theo Người, mục tiêu của “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh” , “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”. Về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng” . Một đặc trưng cơ bản của CNXH là sự tăng trưởng kinh tế phải “gắn liền với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với sự phát triển văn hóa của nhân dân” . Trong đó người dân được phát triển hài hòa cả về trí lực, thể lực, đạo đức và tinh thần. Như vậy, vấn đề dân sinh trước hết phải gắn liền với CNXH, đồng nhất với CNXH. Người khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”.
Có thể nói kể từ sau ngày 2/9/1945, trên cương vị là Chủ tịch Nước, vấn đề quốc kế dân sinh đã trở thành một nỗi niềm canh cánh trong lòng Bác. Xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hơn 90% dân số là nông dân, đất nước bị thiếu đói triền miên, Bác đã đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp. Người viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải trồng trọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp” . Bên cạnh đó, với hoàn cảnh chiến tranh gay go ác liệt, đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền, Hồ Chủ tịch đã đề ra chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc trên cơ sở tự lực cánh sinh có sự kết hợp giúp đỡ của các nước anh em bè bạn và nhân dân tiến bộ khắp năm châu. Có thể xem đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và sáng suốt. Chủ trương này đã tạo ra nguồn sức mạnh lớn lao giúp cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lần lượt đi đến những thắng lợi cuối cùng.
Ngay sau khi tuyên bố nước nhà hoàn toàn độc lập, tự do, Bác đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là diệt giặc đói: “Cuộc chống nạn đói cũng như chống giặc ngoại xâm” . Là một người lãnh đạo ở cương vị cao nhất, Bác luôn gương mẫu đi đầu trong việc chăm lo quan tâm đến đời sống của nhân dân. Có thể nói ngày nào người dân trong cả nước còn phải ăn đói mặc rét, ngày nào đồng bào còn phải chịu đựng những đắng cay khổ cực, ngày đó Bác còn chưa được thảnh thơi, hạnh phúc. Những hành động thiết thực của Người đã chứng minh điều đó một cách rõ ràng và thuyết phục hơn bao giờ hết. Từ việc nhường cơm sẻ áo, nhịn ăn ngày một bữa cho đến phong trào thực hành tiết kiệm, góp “hũ gạo nuôi quân…”, tất cả những điều đó nói lên rằng vấn đề dân sinh luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong tâm thức của vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc.
Sức mạnh và tính nhân văn cao cả trong mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề dân sinh không chỉ thể hiện ở tầm nhìn xa trông rộng với những đường lối chủ trương, những quyết sách đúng đắn có sức tác động và tầm ảnh hưởng lâu dài tới cả vận mệnh của quốc gia dân tộc mà còn được biểu hiện một cách cụ thể trong những hành động thiết thực hàng ngày. Không những thế, cho đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Người vẫn không ngừng quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của đông đảo nhân dân lao động. Trong Di chúc thiêng liêng, Người chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” .
Là một vị lãnh tụ suốt đời thân dân, vì dân nên trong những lời căn dặn trước lúc đi xa Hồ Chí Minh đã không quên những công việc cần phải làm để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đầu tiên đó là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh ngay sau khi đạt được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo Người, đây là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Do đó, Người đề nghị Đảng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm.
Với mối quan tâm to lớn đối với vấn đề dân sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm tới mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai. Sự quan tâm thể hiện tình thương yêu bao la của Người, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, vào quần chúng. Trước hết, với những cán bộ, binh sĩ dân quân, du kích, thanh niên xung phong…thì Đảng và Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các anh hùng liệt sĩ, Người dặn dò: “Mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ có đời sống khó khăn, túng thiếu do thiếu sức lao động thì chính quyền địa phương và các hợp tác xã phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Đối với những người trẻ tuổi tham gia bộ đội, thanh niên xung phong là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có lòng dũng cảm và tương lai của họ còn dài, Bác căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cử họ đi học thêm các ngành, các nghề, đào tạo họ thành những người có chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt và lập trường vững chắc. Người cho rằng họ sẽ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi CNXH ở Việt Nam.
Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn Đảng ta phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đánh giá cao công lao của phụ nữ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đất nước hòa bình, theo Người cần thực hiện hai điều để giải phóng phụ nữ.
Một là, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ có thể phụ trách nhiều công việc, kể cả công việc lãnh đạo.
Hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Với nông dân, lực lượng cách mạng đông đảo nhất, Hồ Chí Minh khẳng định nông dân nước ta luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ. Trong cách mạng cũng như trong kháng chiến, nông dân ta ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Người đề nghị Chính phủ, khi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi hãy “miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào được hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”
Ngoài ra, ngay cả đối với những con người lầm đường, lạc lối, với những kẻ trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu cũng có chỗ đứng trong sự quan tâm và tình thương sâu sắc của Người.…Hồ Chí Minh coi đó chỉ là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Do đó, Nhà nước vừa phải giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những vấn đề trên đây là những công việc rất to lớn, nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Theo Người, đây là một cuộc chiến đấu hết sức gian nan vất vả nhằm chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tiến bộ. Để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh này cần phải biết tổ chức, sắp xếp, động viên sức mạnh của toàn thể nhân dân.
Trên đây là một số nét nói về sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề quốc kế dân sinh. Những gì mà chúng tôi trình bày ở đây còn đơn giản, chưa đủ sức khái quát tầm vóc vĩ đại của một lãnh tụ có tinh thần nhân văn cao cả, có tấm lòng bác ái bao dung, luôn trọn đời yêu nước, thương dân sâu sắc. Tuy nhiên qua những nội dung trên đây, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trong suốt những tháng năm lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách nhằm giành lấy độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, luôn luôn chú ý tới việc nâng cao đời sống cho mọi người dân. Có thể nói, cuộc sống đời thường, hạnh phúc của mỗi một người dân luôn là một nỗi niềm trăn trở, luôn là nỗi day dứt không nguôi trong trái tim bao la của Người./.
Ts Nguyễn Thái Sơn - Đại học Vinh
http://truongchinhtrina.gov.vn/
Khúc Thị Lan Hương (st)