Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng vừa nêu ra mới đây là: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”.
Để phòng chống nguy cơ này, việc cần thiết hiện nay là phải khẳng định rõ tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, từ đó củng cố, tăng cường niềm tin vào thể chế tiến bộ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng.
Ảnh minh họa: TTXVN.
Trong lịch sử xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản lý của các nhà nước XHCN trước đây nói chung, nhà nước ta nói riêng, khái niệm “Nhà nước pháp quyền” chưa được đề cập và thực tế có lúc chưa được nhận thức đầy đủ. Sau sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta đã nhìn nhận những nguyên nhân làm tan rã Liên Xô và các nước Đông Âu, trong đó có một trong những nguyên nhân cơ bản là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước yếu kém, buông lỏng pháp luật, vi phạm nguyên tắc pháp chế XHCN (tức là nguyên tắc yêu cầu nhà nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân phải triệt để chấp hành pháp luật, tôn trọng tính tối cao của hiến pháp); đồng thời chúng ta cũng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ về pháp quyền của các nước phát triển trên thế giới, trong đó có những tiến bộ về sử dụng công cụ của pháp luật trong tổ chức các thiết chế nhà nước, quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Sau khi giành chính quyền năm 1945, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đề cao pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật - một công cụ quản lý xã hội văn minh, hiệu quả. Điều đó đã được chứng minh khi ngày 3-9-1945, chỉ sau đúng một ngày tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của Chính phủ là phải xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ. Trong phiên họp đó, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I họp tại Hà Nội đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, 240/242 đại biểu dự họp. Những tinh thần pháp quyền cơ bản đã thể hiện ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên với những chế định rất tiến bộ như: Tư tưởng về quyền con người, quyền công dân (tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài...); sự phân công quyền lực nhà nước, các nhánh quyền lực nhà nước; nhân dân bầu ra các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước, đồng thời có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra...
Trên cơ sở kế thừa tinh thần pháp quyền của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước XHCN. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng (khóa VII, năm 1994) đã mở ra mốc dấu quan trọng khi lần đầu tiên, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” được ghi nhận, cho dù tinh thần pháp quyền đã hiện thực hóa ngay từ những ngày đầu lập quốc.
Quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình, Nhà nước ta đã mang những yếu tố của một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm phát huy dân chủ XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN. Thực tiễn của 30 năm đổi mới đã khẳng định, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế khách quan tất yếu mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong quá trình đổi mới, những nhận thức lý luận của Đảng ta trong vấn đề Nhà nước pháp quyền ngày càng đầy đủ, sâu sắc.
Chủ trương của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã trở thành nguyên tắc hiến định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Các quan điểm chủ đạo của Đảng ta về xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã phản ánh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và các giá trị dân chủ và nhân đạo chung trên thế giới, được vận dụng một cách sáng tạo và có chọn lọc những kinh nghiệm của các quốc gia về cách thức tổ chức nhà nước pháp quyền, ưu tiên những giá trị có tính phổ biến, kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống, đặc điểm và lịch sử phát triển của đất nước.
Trong những bước đi đầu tiên xây dựng nhà nước pháp quyền, bên cạnh những thành tựu lớn đã được nhân dân, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, chúng ta không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm và điều đó Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện pháp luật và pháp chế XHCN chưa nghiêm”. Tuy nhiên, sự chưa hoàn thiện đó không đồng nghĩa với việc phải tìm kiếm bản sao mô hình nhà nước pháp quyền ở một nước nào đó và trên thực tế cũng chứng minh, chưa khi nào và không bao giờ có “bản sao nhà nước pháp quyền” của chung hai quốc gia. Trong tác phẩm “Tinh thần của pháp luật”, nhà tư tưởng người Pháp Mông-te-xki-ơ từng viết: “Khi tôi nghiên cứu về con người, tôi đã đi đến kết luận rằng, những sự khác biệt của pháp luật và của đạo lý loài người không phải do họ tự vẽ ra một cách tùy tiện. Các đạo luật phải nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các đặc điểm của dân tộc mà vì dân tộc đó mới cần làm ra những đạo luật này”. Nhà triết học người Đức G.Hê-ghen cũng đã từng có quan điểm tương tự khi ông viết: “Mỗi dân tộc có chế độ nhà nước của mình... Mỗi một chế độ nhà nước chỉ là sản phẩm, là sự thể hiện tinh thần riêng của một dân tộc và của trình độ phát triển của ý thức dân tộc của họ mà thôi”.
Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới cũng cho thấy, mọi sự “bắt chước, sao chép” mô hình nhà nước pháp quyền mà không dựa trên điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa, đặc điểm dân tộc, chế độ chính trị của mỗi quốc gia, thì mô hình nhà nước đó khó có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả. Thế nên, nếu ai đó lên tiếng đòi hỏi nước ta phải từ bỏ Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, để sao chép mô hình thể chế “tam quyền phân lập” một cách máy móc, là thiếu tính khoa học, không có cơ sở thực tiễn. Hay ai đó còn xuyên tạc con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta là “đảng trị thay pháp trị”, cũng là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và vô hình trung tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, nên cần phải cảnh tỉnh, phê phán./.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)