Năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá khốc liệt miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Cầu Long Biên, Nhà ga Hàng Cỏ, một số ngôi nhà giữa phố Lý Quốc Sư, phố Huế (Hoàn Kiếm), phố Hàng Bún, Châu Long (Ba Đình), cơ quan Sở Thể dục thể thao Hà Nội ở 10 Trịnh Hoài Đức, Cát Linh (Đống Đa) và hàng chục đường phố, nhà máy… bị bom đạn, tên lửa Mỹ tàn phá. Máy bay phản lực Mỹ điên cuồng rải bom bi quanh Hồ Gươm và ga tàu điện Bờ Hồ. Hà Nội những ngày tháng này vắng tanh chỉ còn lực lượng thường trực chiến đấu. Nêu đôi nét xảy ra trong năm 1966 ấy, càng hiểu sâu sắc hơn trước việc Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã quan tâm đến thể dục, thể thao như thế nào, dù trong bối cảnh thời chiến cực kỳ quyết liệt cam go hồi bấy giờ. Chiều thứ Hai ngày 19/12/1966, một ngày tạm thưa tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú trên bầu trời Hà Nội. Đoàn Thể thao Việt Nam có hơn 100 cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên được vào Phủ Chủ tịch báo cáo với Bác kết quả thi đấu ở Đại hội Thể thao các nước mới trỗi dậy (GANEFO) Châu Á lần thứ nhất diễn ra ở Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia.

Sau lễ bế mạc Đại hội ngày 7-12-1966, ngay hôm sau Đoàn Thể thao Việt Nam về nước. Do tình hình đánh phá của máy bay Mỹ dữ dội suốt ngày đêm, nên Ủy ban Thể dục Thể thao cho mọi người nghỉ về gia đình, cũng là dịp sơ tán không tập trung quân đông ở tại Trường Huấn luyện Thể thao Trung ương (Nhổn, Hà Nội) như các lần đi thi đấu về trước đó. Một số vận động viên quê ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh… không thể về thì ở lại Trường tham gia lực lượng tự vệ trực chiến.

Vì vậy, mà đến sáng ngày 19 mới có chuyện khi điểm danh vẫn chưa thấy xạ thủ Trần Oanh về quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa); danh thủ bơi lội Vũ Thị Sen về Nghĩa Phú, Nam Định; nữ xạ thủ Đặng Kim Thanh về Can Lộc, Hà Tĩnh; Trần Hữu Chỉ lên gia đình đang sơ tán trên Tuyên Quang… cùng một số anh chị em quê Thái Bình, Hải Phòng…chưa kịp lên tập trung. Mãi hơn 14 giờ, trước lúc xe chuyển bánh…mới thấy các vận động viên tiến vào sân trường, họ đã đạp xe suốt đêm cho kịp giờ tập trung. Mọi người vội vã lên ô tô. Đoàn xe chở vận động viên phải chạy cách quãng nhau vài trăm mét phòng máy bay Mỹ ập đến ném bom. Mọi người thắc mắc, hỏi nhau không biết đi đâu, làm gì mà lệnh tập trung gấp thế. Không một ai biết rằng chỉ hơn tiếng đồng hồ nữa sẽ được vào Phủ Chủ tịch. Niềm vinh dự lớn lao này tuy đã tròn nửa thế kỷ nhưng trong lòng cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tham dự Đại hội GANEFO Châu Á lần thứ nhất nói riêng, ngành thể dục thể thao nói chung đã ghi dấu ấn đặc biệt trong tim trước tình cảm đặc biệt của Bác Hồ trong buổi cuối chiều ngày lịch sử 19 tháng 12 đầy đạn bom ấy.

“Chú Trần Oanh đâu?”

Trưởng đoàn Ngô Luân đang báo cáo chi tiết diễn tiến các cuộc thi đấu căng thẳng với thành tích giành được của các vận động viên các môn…Khi nói đến môn thi bắn súng của các xạ thủ Việt Nam trên xạ trường Pô-chen-tông thì đột ngột Bác Hồ xuất hiện tiến vào phòng. Mọi người rào rào “Bác, Bác Hồ”. “Chúng cháu chào Bác ạ!” tíu tít, sôi động vô cùng ấm áp tại phòng khách lớn trong Phủ Chủ tịch.

Bác Hồ vẫy tay cho mọi người cùng ngồi xuống dãy ghế dọc dãy bàn lớn. Bác ngồi xuống một cái ghế để sẵn. Cái ghế bên trái Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng vừa ngồi xuống sau vài phút. Bên tay trái Thủ tướng có mấy anh chị em cứ muốn đến quây quần bên Bác gần hơn nữa. Phút mừng vui qua nhanh, Trưởng đoàn Ngô Luân vừa cất lời xin phép Bác để báo cáo tình hình thi đấu của các vận động viên mời Bác cùng nghe. Bỗng Bác đưa mắt khắp một lượt rồi hỏi:

- Cháu Chỉ chạy nhanh đâu, cháu Sen bơi giỏi đâu?

- Thưa Bác chúng cháu đây ạ! Cả hai người cùng lên tiếng và đã ngồi ngay ngắn

- Ở dãy ghế cạnh bàn đầu phía bên tay phải chỉ cách Bác một mét.

Bác gật đầu vẻ vừa lòng, rồi Người lại hỏi tiếp:

- Chú Trần Oanh đâu?

Thưa Bác cháu đây ạ! Trần Oanh đang đứng bên tốp đầu cạnh bàn phía bên trái. Lúc này Bác lại nói tiếp:

- Ơ Chú Đồng, ta là chủ, khách đến nhà mời ngồi xuống ghế chứ để khách đứng thế sao tiện. Chú Oanh vào đây ngồi. Trần Oanh rụt rè lúng túng, trong lúc Thủ tướng từ từ đứng lên nhường cái ghế kê sát ngay cạnh Bác. Tất cả mọi người đều cười rất vui trước không khí đầm ấm tuyệt vời ấy. Các vận động viên thể thao tập trung từ mọi vùng quê lên, có cả con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước đấy 12 năm, giờ cũng là vận động viên xuất sắc của làng thể thao miền Bắc càng cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào khi được ở bên Bác…

Một bức ảnh được chụp trong khoảnh khắc ấy, Bác trong bộ quần áo nâu giản dị, ngoài khoác áo ka-ki màu sáng. Bác hỏi chuyện thân mật xạ thủ Trần Oanh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng sát sau ghế anh Oanh ngồi, hai tay đặt lên vai ghế cười rất vui khi nghe anh Oanh nói đạt được số điểm phá kỷ lục của tay súng Trung Quốc người nêu kỷ lục và chức vô địch GANEFO thế giới trước đó 4 năm ở đấu trường Zakarta Indonesia năm 1963... 1 điểm. Người đứng cạnh bên tay phải Bác là Trưởng đoàn Ngô Luân. Đây cũng là hình ảnh “độc nhất vô nhị” đã được ghi lại ở Phủ Chủ tịch.Trần Oanh kể rành rọt với Bác về quyết tâm bắn giành điểm cao nhất vào bia cách xa chỗ đứng bắn 50 mét. Với tài năng bẩm sinh ở môn súng ngắn 60 viên, anh đã mang về cho Đoàn Việt Nam 2 tấm Huy chương Vàng (1 tấm vô địch cá nhân, một tấm giải đồng đội cùng với xạ thủ Nguyễn Mạnh Hùng). Nghe đến đây, Bác càng vui và ngợi khen không chỉ cá nhân anh Oanh mà Bác còn biểu dương tinh thần phấn đấu của toàn đoàn với kết quả giành trên 20 tấm huy chương, trong đó có 4 tấm Huy chương Vàng quý giá. Kết quả này đã đưa Việt Nam lên vị trí mới trên bản đồ thể thao Châu Á.

Đây là thành tích đầu tiên của thể thao nước nhà trong lần đầu tiên hội nhập với nhiều quốc gia ngoài phe xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh cả nước, đặc biệt miền Bắc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại độc ác nhất do đế quốc Mỹ gây ra. Bác ân cần căn dặn anh chị em trong đoàn không tự mãn, chủ quan, phải luôn tăng cường phấn đấu trong tập luyện tốt hơn nữa. Bác mong muốn thể thao nước nhà chóng bằng các nước. Muốn vậy, ngành thể dục thể thao phải chăm lo phát triển phong trào mạnh mẽ, rộng khắp ra toàn dân để ngày có thêm nhiều tài năng thực thụ như cháu Chỉ, cháu Sen, như chú Trần Oanh đây, tiếp tục giành nhiều thắng lợi lớn hơn ở các cuộc thi đấu tranh tài lần sau.
Rồi Bác và Thủ tướng mời cả Đoàn ra trước thềm Phủ Chủ tịch chụp ảnh kỷ niệm. Kiểu ảnh toàn đoàn được thực hiện xong, Bác nhắc đồng chí nhiếp ảnh chụp cho Bác và Thủ tướng một kiểu ảnh nữa với riêng bốn cá nhân đoạt Huy chương Vàng: Xạ thủ Trần Oanh, xạ thủ Nguyễn Mạnh Hùng, đấu thủ điền kinh Trần Hữu Chỉ và danh thủ bơi Vũ Thị Sen. Chụp ảnh xong, Bác Hồ còn ân cần nhắc: “Các cháu lưu lại, Bác có phần thưởng, thưởng bốn cháu giành thành tích xuất sắc!”. Bác rút từ trong túi áo ra 4 tấm “Huy hiệu Bác Hồ” và trao tận tay cho từng người. Đó là tấm ảnh ghi lại phút thiêng liêng bốn người đã cài “Huy hiệu Bác Hồ” trên ngực áo bên trái cùng với tấm huy chương vàng GANEFO óng ánh.

Khúc vĩ thanh vui

Xạ thủ Trần Oanh sinh năm 1927 tại làng biển Ngọc Đường, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1946 khi 19 tuổi. Năm 31 tuổi (1958) ông được gọi tập trung lên Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (gọi tắt là Thể Công) đi tham dự giải Bắn súng của Tổ chức Thể thao Quân đội Hữu nghị các nước (SKDA) ra đời sau Thế chiến thứ II tổ chức thường niên hàng năm. Cũng từ năm 1958, xạ trường Bắn súng Thể thao Việt Nam đã chắp cánh cho tài năng siêu việt của người thanh niên đồng biển Thanh Hóa Việt Nam hiên ngang bước tới các đấu trường thi bắn lớn của thế giới ở nhiều nước Đông Âu, châu Á, châu Mỹ La tinh...

Chặng đường khoác áo vận động viên “Việt Nam” của xạ thủ Trần Oanh kéo dài 25 năm (1958-1983). Ông về phục viên năm 1971 cũng tròn 25 năm quân ngũ (1946- 1971). Ngành thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa đã không bỏ lỡ một tài năng thiên bẩm chỉ suốt ngày cặm cụi vác te ra biển kiếm sống bằng con côm con tép, đã về tận nhà mời ông lên làm “Huấn luyện viên” môn súng ngắn cho đội tuyển bắn súng của tỉnh. Từ đây, ông dốc lòng truyền dậy kinh nghiệm cho lớp vận động viên trẻ của Thanh Hóa liên tục thêm 15 năm nữa. Đồng thời, ông vẫn là xạ thủ thi bắn môn sở trường của mình là súng ngắn bắn chậm. Cuộc thi bắn giải vô địch bắn súng toàn quốc năm 1984 tại Hải Dương, ông lại một lần nữa đứng trên bục danh dự nhận tấm Huy chương Vàng thứ 40, mặc dù ở cuộc thi bắn lần này, Trần Oanh đã phải đeo kính lão mỗi khi giương súng nhắm vào bia.

Bộ sưu tập huy chương của Trần Oanh nhiều không thể nhớ hết. Từ các cuộc thi bắn cấp Đại đoàn (nay là Sư đoàn) trong các năm 1954-1958 Trần Oanh luôn giành chức vô địch. Từ năm 1958 đi thi bắn đầu tiên ở CHDC Đức, xạ thủ Thiếu úy Trần Oanh đã có huy chương và Huy hiệu của Quân đội Quốc gia Đức trao thưởng cho xạ thủ “Xuất sắc” của giải. Có một chuyện vui về đời tư của xạ thủ Trần Oanh để thấy ông cũng là một “Nhà Thể thao Việt Nam” không giống ai. Từng đứa con của ông mang tên một quốc gia khi ông đến thi tài: Đức (CHDC Đức 1958), Tiệp (Tiệp Khắc 1962), Hoa (Trung Quốc 1964), Ba (Cu-ba 1966) và…cô con gái út tên Yến, để kỷ niệm ngày ông về quê Hải Yến phục viên sau cuộc đời binh nghiệp gian nan.

Với xạ thủ Trần Oanh, có thể nói mỗi lần đi thi đấu ở một nước nào đó về, tôi gần như đều được gặp để hỏi chuyện “thành tích bắn súng” của ông: 3 lần ở Trường Sĩ quan Lục Quân (Sơn Tây), 6 lần ở Câu lạc bộ Bắn súng Trung ương (Xuân Mai), nơi tập trung Đội tuyển Bắn súng quốc gia, dăm bảy lần ở quê tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) quê hương ông. Lần ấy, sau giải thi bắn tại Hải Dương về vài tháng, Đại tá Hồ Xuân Kỷ - Huấn luyện viên trực tiếp của Trần Oanh viết thư cho tôi báo anh Oanh ốm nặng ở nhà. Tôi vội đạp xe về Hải Yến thăm ông. Ông ốm thật nhưng vẫn đùa “Tau còn khỏe chán, vẫn đủ sức giương súng trăm lần một buổi”. Tôi chăm chăm nhìn “ngư dân” Trần Oanh. Rồi ông nặng nề lê bước vào căn buồng nhỏ thấp tè bên trái căn nhà dân đồng biển mang cái rổ đựng đầy huân chương, huy chương, huy hiệu. Nhiều nhất là huy chương thể thao vàng, bạc, đồng có dây vải đỏ, vàng, xanh mắc vào nhau như một mớ bòng bong.
Ái ngại chia tay anh Oanh và vợ anh - chị Sang, tôi cầm theo về Hà Nội mấy thứ gọi là “quà lưu niệm của xạ thủ Trần Oanh cho”: Tấm Huy hiệu Bác Hồ, tấm Huy chương Vàng GANEFO Châu Á đã bị cắt mất dây đeo, huy hiệu Đại hội toàn quân năm 1959, Huy hiệu kỷ niệm Đại hội Thể thao Quân đội Quốc gia Đức… Với 59 tuổi đời, 25 năm “Bộ đội Cụ Hồ”, cũng 25 năm là vận động viên bắn súng tuyển quốc gia, nhiều lần lập thành tích vang dội trong nước và quốc tế. Ủy ban Olympic thế giới đã suy tôn Trần Oanh là một trong 2 “Vận động viên xuất sắc nhất Việt Nam” thế kỷ XX.

Hai trong mấy kỷ vật của xạ thủ Trần Oanh may mắn tôi được ông tin cậy trao giữ từ năm mà 1985 đến nay đã 31 năm, tấm “Huy hiệu Bác Hồ” Trần Oanh vinh dự được nhận từ bàn tay ấm áp của Bác trao thưởng chiều ngày 19-12-1966, đến hôm nay tròn 50 năm, xin trân trọng chuyển kỷ vật đặc biệt này của Nhà Thể thao tiêu biểu Việt Nam thế kỷ XX Trần Oanh về Khu Di tích Chủ tịch hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Bên cạnh tấm Huy hiệu Bác Hồ, tôi cũng xin chuyển tặng tấm Huy chương Vàng GANEFO Châu Á - một trong 4 tấm vàng duy nhất có ở Việt Nam, hiện đã bị thất lạc mất 3 tấm, tới Khu Di tích Bác Hồ, để ghi nhận về thành tích, chân dung của một vận động viên tiêu biểu của thời đại Bác Hồ đạt được trên một chặng đường muôn vàn khó khăn nhưng cũng rất đỗi vinh quang và tự hào của ngành thể thao Việt Nam./.

Trương Xuân Hùng

Nguyên PV Báo Thể thao Việt Nam

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: