Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hai bằng cử nhân và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa bộ môn sử - địa tại Đại học Tổng hợp Sorbone (Pháp) năm 26 tuổi. Sự kiện này khiến vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo của nhà trường đã phải thốt lên: “Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Sorbone!”. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông Huyên nghĩ ngay tới việc trở về nước và: “Nhất định không làm quan, chỉ dạy và nghiên cứu khoa học”.

Thoạt đầu, ông dạy ở trường Bưởi rồi làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ và tham gia Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, đồng thời bắt đầu xây dựng bộ môn lịch sử văn minh Việt Nam. Với nhiệt tình và lòng say mê đối với nền văn hoá dân tộc, trong 10 năm liên tục, ông đã hoàn thành 45 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, đặc biệt là cuốn Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944. Trước cảnh đổ nát, hoang phế của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyên đã viết bài kêu gọi trên báo Tri Tân số tháng 10/1944: “…Văn Miếu không phải của riêng tỉnh Hà Đông, không phải của Hà Nội mà là của toàn quốc, không phải của riêng phái cựu học hay tân học mà là của hết thảy người Việt Nam vì đó là di tích của các bậc tiền bối có quan hệ đến cuộc sống văn hoá nước nhà”. Tên tuổi và uy tín của ông rất được vị nể trong giới trí thức và con đường quan lộc của ông cũng vì thế mà có nhiều thay đổi bất ngờ.

Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên đã tham gia Ban Trị sự Hội truyền bá quốc ngữ, một cuộc vận động do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương. Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra, chiều 22/8/1945, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã cùng ba nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường đứng tên dưới một bức điện gửi Hoàng đế Bảo Đại nêu rõ: “Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập của nước nhà”. Sau ngày độc lập, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao giữ chức Tổng Giám đốc Vụ Đại học Bộ quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Đúng 9h sáng ngày 15/11/1945, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai giảng khoá đầu tiên của trường Đại học Việt Nam gồm 5 ban: Y khoa, khoa học, văn khoa, chính trị - xã hội và mỹ thuật tại 19 Lê Thánh Tông. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ lâm thời đã đến dự. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đọc diễn văn khai mạc nêu rõ: “Buổi lễ hôm nay anh em Giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết, trong giờ phút nghiêm trọng này của tiền đồ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa, còn nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại…”. Ngày 9/2/1946, cũng tại Hà Nội, Bảo tàng Quốc gia mở cửa triển lãm lịch sử- văn hoá dân tộc do Giám đốc Nguyễn Văn Huyên và các cán bộ Viện Bác Cổ tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ đã đến dự và chụp ảnh kỷ niệm với anh em cán bộ của Viện.

Tuy không nhận mình là một nhân tài nhưng GS.TS Nguyễn Văn Huyên rất vui sướng nhận thấy rằng ông và các trí thức thời thuộc Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, dìu dắt với “một sự quan tâm liên tục, cụ thể và hết sức đặc biệt”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên tiếp tục được Hội đồng Chính phủ (HĐCP) cử tham dự hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước: Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và thành viên trong phái đoàn ta dự Hội nghị Fontainebleu tại Pháp. Cũng đúng hôm rời Hà Nội sang thăm chính thức Pháp, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp một cháu nhỏ chừng 4 tuổi trong những người đi tiễn, Người vui vẻ bế cháu một lúc khi biết đó là con gái bố Huyên, tên là Hiếu. (Trong những năm đầu cuộc kháng chiến, cháu Hiếu bị ốm liệt giường vì bệnh lao xương. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin đó cho người tìm thuốc và cao uống giao cho GS.TS Nguyễn Văn Huyên đem về chạy chữa cho bé Hiếu. Mỗi lần họp HĐCP, người lại hỏi thăm sức khoẻ cháu Hiếu.

 Đến năm 1953, biết tin cháu Hiếu khỏi bệnh và được cử sang nước bạn học tập cùng một số thiếu nhi khác, Bác Hồ đã gửi GS.TS Nguyễn Văn Huyên một hộp sữa và một miếng vải làm quà cho cháu, Người cũng dặn: “Chú bảo cụ may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé!”. Sau khi về lại Thủ đô, một lần các cháu ngoan Bác Hồ được vào Phủ Chủ tịch gặp Người. Khi hỏi chuyện, thấy một cháu thưa: “Cháu là con bố Huyên”, Người đã ôm hôn và âu yếm hỏi: “Có phải cháu là Hiếu không?”). Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11/1946, GS.TS Nguyễn Văn Huyên bất ngờ nhận được danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Phủ Chủ tịch bàn công việc. Trước đó, Hồ Chủ tịch đã cho mời GS Nguỵ Như Kon Tum - Giám đốc Trung học Vụ đến gặp và ngỏ ý muốn giao cho ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng GS Kon Tum xin từ chối nhiệm vụ vì: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”. Nghe vậy, Hồ Chủ tịch đề nghị GS tiến cử người khác, ông trả lời ngay rằng: “Người làm Bộ trưởng Giáo dục tốt nhất là GS-TS Nguyễn Văn Huyên”.

Sau đó, Hồ Chủ tịch tham khảo ý kiến đồng chí Võ Nguyên Giáp và cũng nhận được sự ủng hộ như vậy, Người mời GS.TS Nguyễn Văn Huyên đến để thuyết phục ông nhận chức Bộ trưởng Bộ quốc gia Giáo dục, Người nói: “Tôi thấy chú chăm chỉ, có đạo đức nên đã giới thiệu với đoàn thể và được chấp nhận”. Thế là GS.TS Nguyễn Văn Huyên bắt đầu nhận chức Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ kháng chiến từ ngày 3/11/1946, vào năm 38 tuổi. Ngày 28/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 225 cử ông Hồ Đắc Di giữ chức Tổng Giám đốc Đại học Vụ thay ông Nguyễn Văn Huyên và ông Nguỵ Như Kon Tum giữ chức Đổng lý sự vụ Bộ quốc gia Giáo dục. Chỉ một tháng sau khi nhận chức, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã cùng Chính phủ bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục vẫn tiếp tục cùng với cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Ngày 6/10/1947, tại làng Ải bên con ngòi Quẫng, Trường Y tổ chức khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chủ toạ buổi lễ này, nhưng đúng một ngày sau, quân Pháp đã ồ ạt tấn công lên Việt Bắc, các cơ quan được lệnh lên bè nứa, rời đến làng Bình ở gần rừng, chờ đến khi quân địch rút đi mới quay về địa điểm cũ. Hình ảnh của vị Bộ trưởng Giáo dục được ghi lại trên những nẻo đường Việt Bắc: “Với chiếc balô gọn nhỏ, một chiếc xe đạp cà tàng, một trí tuệ uyên bác ẩn trong một sức vóc không mấy cường tráng, vị Bộ trưởng ấy đã ngang dọc trên nhiều làng bản xa xôi, hẻo lánh cùng các cộng sự đem mầm tri thức và ánh sáng văn hoá đến cho đồng bào…”.

Trong suốt những năm kháng chiến, hệ thống giáo dục của ta vẫn phát triển trong muôn vàn khó khăn, vất vả. Từ các lớp bình dân học vụ đến giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học đều mở rộng, năm 1950 đã có 10 triệu người được xoá mù chữ, học sinh phổ thông tăng lên 44 vạn. Tính đến 1954, nền giáo dục trong vùng giải phóng có nhiều tiến bộ hơn từ khi có chính sách cải cách, số học sinh phổ thông tăng 1 triệu, hàng nghìn cán bộ kỹ thuật được đào tạo, một số lớn sinh viên, cán bộ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài..
Tuy vậy, trong những năm làm Bộ trưởng, mọi khó khăn về vật chất đều được khắc phục, nhưng một số khó khăn về tinh thần không ít lần làm Nguyễn Văn Huyên nản chí. Trong công tác, vì là trí thức không phải đảng viên cộng sản nên ông gặp nhiều trở ngại trên cương vị quản lý, một số người có chức trách còn tỏ thái độ phân biệt đối xử. Đã có lần ông Dương Xuân Nghiêm - khi đó là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ - đã lặng cả người khi nghe ông chất vấn dồn dập: “Thế nào là Đảng đoàn? Đã có Bộ trưởng, Thứ trưởng tại sao lại cần có Đảng đoàn? Đảng đoàn bao gồm tất cả các Thứ trưởng là Đảng viên, thêm 1 hay 2 thành viên khác phụ trách các Vụ quan trọng. Thế thì Đảng đoàn bàn những việc gì? Tại sao tôi là Bộ trưởng mà lại không được biết những gì Đảng đoàn bàn và quyết định...?”. Dẫu vậy, cái tiếng chưa phải là đảng viên của ông Bộ trưởng cũng không tránh khỏi lời “ì xèo” rằng: Phải là đảng viên mới có thể lãnh đạo được quần chúng. Nghe được những điều này, ông đã rất trăn trở và đi đến quyết định... xin thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lý do của ông là vì... chưa phải là đảng viên nên có thể gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành, nên xin để người khác giữ chức vụ quan trọng này!

Và ông gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục để làm công tác chuyên môn. Nhận được lá đơn ấy, ngay lập tức, Hồ Chủ tịch đã gặp ông, ân cần giải thích và khuyên ông cứ tiếp tục công việc: “Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân vì nước”, Người nhấn mạnh: “Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”. Nghe lời Hồ Chủ tịch, ông vẫn tiếp tục đảm trách chức vụ Bộ trưởng. Sau đó, Hồ Chủ tịch đã cho gọi một số đảng viên lãnh đạo của ngành giáo dục đến gặp Người để nhắc nhở, phê bình họ về một bài học vỡ lòng mà Mác đã dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít, người ngoài Đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu, đoàn kết với nhau mới đưa cách mạng đến thắng lợi”.

Năm 1960, chi bộ văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí đề nghị kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ Giáo dục và Đảng uỷ Dân chính văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư, Hồ Chủ tịch góp ý rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Biết tin này, ông Huyên rất xúc động, bởi không ai hiểu rõ tấm lòng ông hơn Hồ Chủ tịch: Dù ở cương vị nào, tổ chức nào cũng suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước. Suốt 30 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến khi qua đời vào tháng 10/1975, ông liên tục là Đại biểu Quốc hội các khoá II- III- IV- V, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông cũng là một vị Bộ trưởng giữ chức vụ lâu nhất, đi cùng hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến ngày thắng lợi./

Đỗ Hoàng Linh
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: