Đến giờ ông Nguyễn Đình Bin vẫn nhớ như in cảm giác rưng rưng xúc động khi dịch câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình” của vị lãnh tụ Fidel Castro 50 năm trước. Câu nói từ trái tim ấy đã khiến hàng chục vạn người vỗ tay reo hò như sấm.
Ít ai biết, Đại sứ Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài được mệnh danh là “con nuôi của Fidel”. Ông vinh dự là người phiên dịch cho vị lãnh tụ Cuba trong nhiều lần làm việc với Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về những kỷ niệm của ông với “người cha” đặc biệt ấy.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Fidel Castro
Từng được phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro ngay khi còn là lưu học sinh ở Cuba và sau đó là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Havana và ở Bộ Ngoại giao, ông Bin vô cùng đau buồn khi nghe tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời.
Ông Nguyễn Đình Bin (giữa) trong vai trò phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro
(Ảnh: NVCC)
Năm 1965, khi ông Bin còn học năm thứ nhất Trường Đại học Havana, Đại sứ Việt Nam tại Cuba đương nhiệm lúc ấy đã có ý tin dùng và mời ông làm phiên dịch cho sứ quán. Trong quá trình vừa học, vừa làm, ông vinh hạnh được tiếp xúc với Chủ tịch Fidel Castro nhiều lần.
Năm 1967, khi công việc tại sứ quán nhiều hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh quyết định điều ông Bin chuyên trách công tác phiên dịch cho sứ quán. Từ khi chính thức trở thành cán bộ ngoại giao và được tiếp xúc với lãnh tụ Fidel Castro nhiều hơn, ông Bin càng có nhiều ấn tượng tốt đẹp với vị Chủ tịch Cuba.
“Ông là vị lãnh tụ vĩ đại, uyên bác nhưng vô cùng nhân hậu và thân thiện. Lần nào gặp tôi, ông cũng gọi tôi bằng cái tên Cuba, bằng đại từ thân thiết nhất để gọi người thân trong gia đình. Có thể dịch là “con” và vì thế tôi được gắn với cái tên “con nuôi của Fidel” từ đó”, ông Bin kể lại.
Làm phiên dịch cho Fidel nhiều lần, ông Bin ấn tượng nhất là chuyến thăm đầu tiên của Fidel tới Việt Nam vào tháng 9/1973 sau khi Việt Nam và Mỹ vừa ký kết Hiệp định Paris. Ông Fidel là lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới Việt Nam mà yêu cầu đến Cam lộ, Quảng Trị, vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Người phiên dịch Nguyễn Đình Bin nhớ lại rằng: “Khi đó, lãnh đạo của ta khá cân nhắc vì lý do an toàn khi đạn bom, mìn ở khu vực đó còn rất nhiều. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của ông Fidel, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng ông đi thăm các chiến sĩ. Fidel nói các chiến sĩ hãy mang lá cờ của quân giải phóng cắm vào Sài Gòn và 2 năm sau, ngọn cờ ấy đã tung bay tại Dinh Độc Lập”.
Khi về tới Vĩnh Linh, Quảng Trị, thấy cảnh người dân địa phương bị thương bởi bom Mỹ gài ở ruộng, Chủ tịch Fidel Castro đã dừng xe, ân cần thăm hỏi và còn gửi thuốc để bà con điều trị vết thương.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel công bố hỗ trợ Việt Nam một số công trình lớn như khách sạn Thắng Lợi ở Hồ Tây, trại bò giống ở Ba Vì, trại gà giống ở Tam Đảo, đường Xuân Mai và bệnh viện đa khoa ở Đồng Hới (Quảng Bình). Ngoài ra, Chủ tịch Fidel còn tặng Việt Nam một khoản ngoại tệ quý để mua thiết bị hiện đại của nước ngoài nâng cấp đường Hồ Chí Minh, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975.
Sau này, Chủ tịch Fidel Castro thăm Việt Nam thêm 2 lần nữa vào các năm 1995 và 2003.
Câu nói từ trái tim
Ông Bin dịch câu nói "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình" của Chủ tịch Fidel Castro tại cuộc Mít tinh khổng lồ của 33 vạn quần chúng Cuba ở Quảng trường Cách mạng Havana để chào mừng kỷ niệm Quốc khánh Cuba và Hội nghị lần thứ nhất đoàn kết ba Châu Á, Phi, Mỹ La tinh năm 1966.
Ông Nguyễn Đình Bin (bên phải hàng thứ 2) phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro
trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973 (Ảnh: NVCC)
“Khi đó, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc Mít tinh là ông Trần Văn Tuyên, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tôi dịch câu nói này trong bài phát biểu của Fidel mà trong lòng rưng rưng xúc động. Tất cả mọi người vỗ tay hò reo như sấm vì đây chính là lời nói từ trái tim, chứ không phải lời nói ngoại giao”, ông Bin nhớ lại với sự xúc động dâng trào.
Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới. Câu nói chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Fidel cách đây 50 năm đã trở thành bất hủ, đi vào lịch sử mối quan hệ đặc biệt của nhân dân hai nước dù cách nhau nửa vòng trái đất.
Theo ông Bin, Chủ tịch Fidel Castro rất yêu quý lãnh đạo Việt Nam, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ mất, ông Fidel không trực tiếp sang viếng được nhưng cử một đoàn cấp cao đến viếng tại Hà Nội. Ông đứng tưởng niệm Bác với niềm xúc động vô bờ và nhắc lại những kỷ niệm về Bác. Lãnh tụ Cuba chia sẻ rằng, điều tiếc nuối với ông là không được gặp Bác Hồ trước ngày Bác ra đi.
Lãnh tụ Fidel tiếp đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… sang thăm một cách hết sức trân trọng và thân thiết. Khi Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm Cuba năm 1967, Chủ tịch Fidel đã đích thân lái xe đưa ông đi thăm nông trường nuôi bò Picadura cạnh Havana. Sau đó, Cuba tặng giống bò, giống gà… cho Việt Nam, qua đó thể hiện tâm huyết giúp Việt Nam xây dựng đất nước, phát triển kinh tế.
Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Việt Nam và Ủy ban đoàn kết Việt Nam - Cuba hoạt động rất mạnh mẽ, phong trào quần chúng diễn ra hết sức sôi nổi.
Trong tâm trí của nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin, Chủ tịch Fidel Castro còn là một người rất tài ba, thông minh và có tài hùng biện đáng nể phục. Ông thường có các bài diễn văn kéo liên tục 3-4 giờ đồng hồ mà không cần tài liệu chuẩn bị sẵn. Trong quá trình dịch các diễn văn của Chủ tịch Fidel Castro nhân những chuyến thăm Việt Nam, ông Bin đều phải dịch đuổi.
“Cũng may mắn rằng sau khi dịch xong, đội ngũ chuyên gia nghe lại băng ghi âm đều đánh giá tôi dịch chuẩn, không phải sửa chữa thêm gì. Ông Fidel Castro có một trí nhớ siêu việt, tất cả các số liệu ông nói ra mọi người đều kinh ngạc về độ chuẩn xác của nó, nhiều người ví ông còn hơn cả một chiếc máy tính điện tử”, ông Bin kể lại./.
Nam Hằng
Thu Hiền (st)