Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp đã được nhiều đại biểu đánh giá cao tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội. Hầu hết các đại biểu đều ghi nhận quyết tâm và nỗ lực tự đổi mới chính mình của Chính phủ để thực sự biến những thông điệp được lòng dân nói trên thành hiện thực, khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin.

liem-chinh-chu-tin
Nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên tỏ ra bất ngờ
khi trò chuyện trực tiếp với Thủ tướng.

Hàng vạn lời nói suông không bằng một lần làm gương sáng. Người lãnh đạo quốc gia càng phải là những tấm gương sáng để hàng ngày nhân dân soi vào và củng cố niềm tin. Mahatma Gandhi khi đi diễn thuyết ở miền Nam Ấn Độ, phải hẹn lại tới 10 ngày sau mới có thể đưa ra lời khuyên một cháu bé bỏ thói quen ăn kẹo. Vì ông cần thời gian để tự mình dứt bỏ thói quen xấu mà trước khi nhận thỉnh cầu đưa ra lời khuyên đó, chính ông cũng đang… ăn kẹo. Câu chuyện là một bài học sinh động về nhân cách, về tinh thần nêu gương sáng của các bậc vĩ nhân. Nói được thì làm được từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ.

Trở lại với các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ trong những tháng qua rất được người dân đồng tình, ủng hộ. Sự sát dân, gần dân đã được Thủ tướng Chính phủ nói riêng và bộ máy Chính phủ mới nói chung thể hiện trong rất nhiều hoạt động liên quan đến quyền lợi của người dân. Điều này bước đầu cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giữ lời hứa của mình.

Đặc biệt, trong chuyến công cán Thái Lan mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã sử dụng chuyến bay thương mại của Vietnam Airlines. Các bản tin trên truyền thông Việt Nam đều cho hay, đây là lần đầu tiên Thủ tướng đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại.

Đằng sau thông tin ngắn gọn về chuyến bay thương mại của Thủ tướng Việt Nam chứa đựng một điều mới lạ. Nó có ý nghĩa vượt ra khỏi câu chuyện một chuyến công cán thông thường của người đứng đầu Chính phủ. Bởi trong khi việc sử dụng chuyến bay thương mại đi công cán nước ngoài của các lãnh đạo quốc gia trên thế giới đã trở thành câu chuyện bình thường, kể cả với các nước giàu có phát triển, thì Việt Nam đang chỉ mới khởi đầu trong tư thế là một đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đó là một khởi đầu đáng ghi nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy của người đứng đầu Chính phủ, nỗ lực thay đổi để thu hẹp khoảng cách giữa nói và làm, xây dựng lòng tin của nhân dân.

Một Chính phủ liêm chính là điểm khởi đầu cho một Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ dân. Đó là một lôgic không thể cưỡng lại, hay bỏ qua. Ngay trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời sau khi tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ rằng, Chính phủ này là một chính phủ hành động vì quyền lợi của dân chúng. Người đặc biệt nhấn mạnh 4 đức tính mà mỗi cán bộ công chức nhà nước phải có là cần, kiệm, liêm, chính.

Có cần kiệm thì mới có liêm chính. Có liêm, có chính thì mới có được lòng dân. Vì vậy, có thể nói Chính phủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kiến tạo là một chính phủ liêm chính, những người trong bộ máy công quyền phải là những người phục vụ cho lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Có liêm chính thì chính phủ mới loại trừ được nguy cơ tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa sự ổn định xã hội và tồn vong của chế độ.

Kế thừa tư tưởng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc đầu tiên của Chính phủ là tự mình thay đổi để trở thành một Chính phủ liêm chính. Để có sự liêm chính đòi hỏi mỗi cán bộ công chức và toàn bộ máy cũng phải thay đổi. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp lý đủ mạnh để thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, trừng trị thích đáng những kẻ tham nhũng, cũng cần phải xem xét, tái cấu trúc bộ máy theo hướng loại trừ tham nhũng, lợi ích nhóm, phải trọng dụng người tài, có tâm, có đức, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.

Ngay sau khi nhậm chức, đồng thời với thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không quên đưa ra thông điệp thực hành tiết kiệm. Ngày 29/7/2016, tại phiên làm việc cuối của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV, người đứng đầu Chính phủ đích thân hứa trước quốc dân đồng bào việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, xe công, đi công tác nước ngoài. Ông cũng làm gương không mua xe mới. Ngày 1-8-2016, chủ trì phiên họp Chính phủ, Thủ tướng khẳng định từng thành viên chính phủ phải gương mẫu đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Cuối tháng 8, cũng trong phiên họp Chính phủ, ông nhắc lại rõ ràng thông điệp: “Phải sử dụng tiết kiệm mồ hôi công sức của dân”. Ông nhấn mạnh, ngân sách chính là mồ hôi công sức của nhân dân.

Để thay đổi và xây dựng được bộ máy đáp ứng các đòi hỏi của Chính phủ mới, vấn đề con người luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia hiến kế, Chính phủ nên kế thừa, phát triển kế sách lập quốc của cha ông ta. Đó là “lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi công”, tức là xây dựng đất nước phải coi giáo dục làm đầu, coi nhân tài làm trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy ông đã không quên bài học này. Ông khẳng định dùng người tài, chọn người tài cho đất nước chứ không phải để chọn người nhà. Người hiền tài dù ở trong núi thẳm, rừng sâu cũng phải tìm cho được. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu liêm chính, hành động vì dân là phải tạo ra được môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước. Chính phủ phải ngăn chặn được lợi ích nhóm, cục bộ chính sách ngay từ khi khởi xướng.

Những tư tưởng tâm huyết ấy rất đáng quý. Nhưng giờ đây cần phải chứng minh bằng hành động và đo được hiệu quả bằng biến chuyển tích cực không chỉ của từng cá nhân người lãnh đạo mà phải là của cả hệ thống. Tuy nhiên, sự khởi đầu bao giờ cũng xuất phát từ việc nêu gương sáng của chính bản thân người lãnh đạo. Nói và thực hành liêm chính, là sự khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Một tấm gương sống còn quý hơn 100 bài diễn văn suông. Dân nhìn vào cán bộ đảng viên công chức, họ đánh giá Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, mất niềm tin của dân là mất mát lớn nhất. Tăng trưởng kinh tế đã khó, thế nhưng tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp nhiều lần. Có niềm tin thì mới có được sức mạnh vật chất lẫn tinh thần. Dân là tất cả, dân mất lòng tin coi như mất tất cả./.

Hữu Nguyên

                                                                            Theo Báo Đại Đoàn kết

                                                                               Thanh Huống (st)

Bài viết khác: