Mở đầu và kết thúc chiến tranh là một vấn đề mang tính nghệ thuật, đó là nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ trong quá trình điều hành của lực lượng lãnh đạo. Các nhà kinh điển Mác và Lê-nin đã chỉ ra rằng: “Thời cơ là lực lượng”. Quy luật của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”, ngoài sức mạnh vốn có, muốn tạo thêm sức mạnh thì phải biết “tạo lực, lập thế, tranh thời”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, vận dụng vào thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định mục tiêu chiến lược, linh hoạt trong sách lược để có thời gian chuẩn bị mọi mặt và nắm vững thời cơ phát động toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến. Đây là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến giành được thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một thành tựu vĩ đại của chặng đường đấu tranh đầy hy sinh và anh dũng của dân tộc. Tuy nhiên, thực dân Pháp không dễ từ bỏ miền thuộc địa màu mỡ, rắp tâm quay trở lại tiếp tục bóc lột, khai thác phục vụ cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Ngày 23-9-1945, Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Trong khi đó, Nhà nước cách mạng non trẻ đang đứng trước vô vàn thử thách, chính quyền chưa được củng cố vững chắc; hơn 20 vạn quân Tưởng và bọn phản động tay sai ráo riết thực hiện âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ” lật đổ chính quyền cách mạng; hơn 2 vạn quân Anh đang hỗ trợ cho Pháp xâm lược miền Nam; nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; nhân dân chưa thoát hẳn nạn đói thì lũ lụt đe dọa, lực lượng vũ trang còn non trẻ, vũ khí trang bị và kinh nghiệm chiến đấu còn rất hạn chế; Đảng ta chưa có kinh nghiệm lãnh đạo tiến hành chiến tranh cách mạng… Đó lại là những điều kiện khá “thuận lợi” cho đội quân đế quốc Pháp, với vũ khí trang bị hiện đại, đã từng chinh chiến khắp các chiến trường, lại được sự hỗ trợ của quân Anh. Và hơn nữa, gần 100 năm đô hộ, Pháp hiểu khá rõ về Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giặc Pháp, so với ta, là một kẻ địch khá mạnh”(1). Tuy vậy, Đảng cũng nhận định, thực dân Pháp cũng có những điểm yếu cơ bản không thể khắc phục, mà cái yếu nhất đó là thực dân Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa trong thời đại mới.

Về phía ta, có những thuận lợi cơ bản như nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, lại chiến đấu ngay trên quê hương, đất nước mình. Tuy nhiên, những nhân tố đó chưa thể phát huy ngay được. Trước mắt, còn hàng loạt khó khăn của một Nhà nước non trẻ, phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chế độ thực dân, phong kiến, của chiến tranh và đe dọa của giặc xâm lăng.

Trước tình thế đó, bằng con đường ngoại giao, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tìm kiếm giải pháp nhằm giữ độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Chúng ta đã nhân nhượng ký Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946) với Pháp.

Tuy vậy, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước những vấn đề đã ký kết, ngông cuồng lấn tới, tuyên bố: Thi hành mọi biện pháp quân sự nhằm khôi phục quyền thống trị. Ngày 20-11-1946, lấy cớ bảo vệ Hoa kiều và thực hiện quan thuế liên bang, chúng phong tỏa cảng Hải Phòng. Cùng ngày, viện cớ đi tìm hài cốt binh lính Pháp bị Nhật giết hại trước đây, thực dân Pháp cho xe tăng thị uy rồi nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn. Tại Hà Nội, chúng phân phát vũ khí cho khoảng 7.000 Pháp kiều, lập thêm nhiều ổ tác chiến quanh khu vực đóng quân; cho xe tăng, xe bọc thép tràn ra các đường phố, cho binh lính xé cờ đỏ sao vàng, tấn công vào công an ta, bắn vào tàu điện… Hành động leo thang của Pháp làm cho tình hình hết sức căng thẳng.

Sớm nhận biết “không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp”(2), cho nên Đảng ta không ảo tưởng vào các văn bản mà Pháp đã ký kết, mà khẳng định: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, vẫn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc ấy và nhất định không để đàm phán với Pháp làm nhụt ý tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”(3). Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đàm phán với Pháp nhằm để kéo dài thời gian chuẩn bị, tạo thế, tạo lực cho cuộc kháng chiến. Do vậy, Trung ương Đảng ta không phát động cuộc kháng chiến ngay từ tháng 9-1945, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ, Đảng ta vừa chỉ đạo kháng chiến ở miền Nam, vừa củng cố thực lực. Bởi lẽ lúc này, kẻ thù bao vây tứ phía, âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ, phát động toàn quốc kháng chiến sẽ rơi vào tình thế cực kỳ bất lợi, nếu không muốn nói là “tự sát”, sẽ khó khăn cho ta trong việc giữ vững chính quyền-“vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng”. Mặt khác, Cách mạng Tháng Tám mới thành công, khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta chưa có điều kiện chuẩn bị thực lực mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp xâm lược. Thực tế, Việt Nam muốn chiến thắng thực dân Pháp cần phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng từ yếu thành mạnh và mạnh hơn hẳn đội quân viễn chinh xâm lược.

Để có thực lực cho cuộc kháng chiến của cả nước, vấn đề đặt lên hàng đầu là củng cố chính quyền từ Trung ương tới địa phương, tổ chức Tổng tuyển cử, lập Quốc hội, vừa tạo cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền dân tộc trước thế giới; phát huy hiệu lực của chính quyền trong chuẩn bị chiến tranh, bài trừ nội phản, chống giặc đói, giặc dốt, cải thiện sức dân...

Song song với việc chỉ đạo Nam Bộ kháng chiến và tổ chức phong trào cả nước hướng về Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra sức chuẩn bị về tư tưởng, đường lối, tổ chức, lực lượng, cũng như xây dựng quyết tâm kháng chiến cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Những quan điểm cơ bản của Đảng về đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp từng bước hình thành thể hiện ở Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (5-11-1945), văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” (5-11-1946), Toàn dân kháng chiến (12-12-1946)... và đã được xác định tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại Vạn  Phúc (ngày 18 và 19-12-1946). Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài. Vừa xây dựng quyết tâm kháng chiến cho toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng vừa nêu rõ tư tưởng chỉ đạo kháng chiến, tuyên truyền, phổ biến cách đánh giặc cho nhân dân và các lực lượng vũ trang.

Cuối tháng 12-1946, Đảng chủ trương phát động Toàn quốc kháng chiến, khi đã tạo nên những thuận lợi cơ bản: Sau gần 16 tháng lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị mọi mặt cả về vật chất và tinh thần, Đảng đã trưởng thành một bước trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng; đội ngũ đảng viên được tăng cường, chính quyền cách mạng ngày càng được củng cố vững mạnh; lực lượng vũ trang có bước phát triển mới, có thêm kinh nghiệm chiến đấu từ Nam Bộ kháng chiến. Đặc biệt là chúng ta đã xây dựng quyết tâm chiến đấu và niềm tin tất thắng trong nhân dân. Đây là động lực to lớn để thúc đẩy cách mạng phát triển; là nhân tố tiên quyết bảo đảm cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(4).

Trong khi ta ráo riết chuẩn bị thế và lực, thì thực dân Pháp ngày càng lấn tới, lộ rõ âm mưu dùng sức mạnh quân sự tái chiếm nước ta. Dân tộc Việt Nam bị đặt trước hai con đường: Một là, chịu khoanh tay cúi đầu làm nô lệ cho thực dân Pháp. Hai là, đoàn kết đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được. Lịch sử đòi hỏi Đảng ta đã phát động Toàn quốc kháng chiến vào đêm 19-12-1946 - một quyết định đúng thời cơ. Đảng không phát động sớm hơn, bởi như thế chúng ta tự rút ngắn thời gian chuẩn bị, trong khi chưa chuẩn bị được là bao. Cũng không thể muộn hơn, bởi khi đó Pháp đã có quân tăng viện, cuộc chiến đấu sẽ có nhiều khó khăn hơn. Đồng thời, trong tình thế quân địch đã có lực lượng ở Thủ đô, có ưu thế tuyệt đối về lực lượng và phương tiện, lại đóng xen kẽ với ta, nếu để cho kẻ thù đánh trước, lực lượng ta sẽ bị tổn thất, thậm chí chúng có thể vây bắt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến. Trên thực tế, Pháp đã gửi tối hậu thư, đòi tước khí giới của ta, đòi quyền giữ trật tự trị an, nếu không sẽ hành động. Và hơn nữa, “nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành sức mạnh xung thiên”(5) cho toàn dân bước vào cuộc kháng chến với niềm tin tất thắng, với tinh thần “cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trước một đối phương chỉ có một mục đích duy nhất là áp đặt sự thống trị thực dân và phương thức duy nhất là chiến tranh, dân tộc ta không có con đường nào khác là buộc phải cầm vũ khí kháng chiến. Trong những tình huống và vào những thời điểm ngặt nghèo như năm 1946, không kháng chiến là đầu hàng, mất nước; là một lần nữa đưa dân tộc quay lại kiếp nô lệ cho ngoại bang. Rõ ràng, vào thời điểm cụ thể của tình hình thế giới và trong nước năm 1945-1946, không thể tránh khỏi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp cho dù ta đã tìm mọi cách-kể cả phải nhân nhượng, để tránh. Quyết định phát động kháng chiến của Đảng, chính phủ và nhân dân ta lúc đó là đúng đắn, vì quyền lợi tối cao và con đường phát triển của dân tộc.

Trên cơ sở sớm phát hiện kẻ thù chủ yếu và nguy cơ chiến tranh, chủ động chuẩn bị, lại nhạy bén phát hiện tình hình, nhận định đúng thời cơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến, chủ động nổ súng đánh trước vào đêm 19-12-1946 ở thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã khác. Đó là cả một vấn đề mang tính nghệ thuật. Đảng đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện và chủ động để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, tạo nên tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha để tìm ra lời giải chính xác cho câu hỏi bức thiết của lịch sử. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Đường lối đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, nhờ vậy mà ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đó là “một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”(6).

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến ngày Người ra "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" là khoảng thời gian vô cùng quan trọng của lịch sử nước nhà. Trong thời gian ngắn đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đơn độc giữa vòng vây của kẻ thù, hằng ngày, hằng giờ chúng ta phải đối phó với biết bao nguy cơ, thách thức đe dọa đến sự tồn vong của chế độ dân chủ nhân dân mới giành được. Trước tình thế đầy khó khăn đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững mục tiêu bất biến là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; linh hoạt trong sách lược nhằm phân hóa, cô lập và loại bớt kẻ thù, tạo thêm thời gian và điều kiện để củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Những đối sách linh hoạt, những chủ trương, biện pháp sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đối phó với kẻ thù, xây dựng chế độ mới và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện bản lĩnh, trí tuệ thiên tài, nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; mãi là những bài học vô giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO

Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

(1) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.25.

(2) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.133.

(3) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.46.

(4) - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.89.

(5) - Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập 2, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.22.

(6) - Xã luận Báo Chiến đấu, nước Cộng hòa Nhân dân Công-gô, số ra ngày 12-9-1969.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: