Vấn đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tại Lễ truy điệu Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thề: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”. Những năm sau đó, khẩu hiệu “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TƯ về “đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Như vậy, mục đích, yêu cầu được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với các Chỉ thị số 06-CT/TƯ và Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Trong đó, có chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị, nhấn mạnh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Việc ban hành chỉ thị mới, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.
Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Việc ban hành một Chỉ thị mới với tên gọi “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với một trong những trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm... là mong muốn tạo ra động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
Mở đầu của Chỉ thị số 05-CT/TƯ, Bộ Chính trị khóa XII đã đánh giá một cách khái quát về kết quả, hạn chế của việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI trong 5 năm qua. Trong đó, khẳng định: Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nói ngắn gọn như vậy, cũng có nghĩa là khẳng định những đóng góp đáng khích lệ của Chỉ thị số 03-CT/TƯ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ liên tục được đánh giá là một trong ba hoạt động được quan tâm và đánh giá cao (1). Rất nhiều ý kiến các ban, ngành, địa phương khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã triển khai khá bài bản, thực hiện khá nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI và kết quả đạt được là đáng khích lệ. Chúng ta đã ban hành một hệ thống đồ sộ các văn bản, bao gồm chỉ thị, kế hoạch, quy định, quy chế, hướng dẫn...(2)
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn những hạn chế, nhất là: việc học tập và làm theo chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phải chăng, chúng ta đã thực hiện quá nhiều biện pháp hành chính, mà còn ít những cách tiếp cận thông qua văn hóa, thông qua xây dựng yếu tố con người, để xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức cho xã hội và toàn Đảng, toàn dân là lý do khiến việc học tập và làm theo Bác chưa đi được vào cuộc sống, đạt kết quả như chúng ta mong đợi.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm căn bản đó, trong Chỉ thị số 05-CT/TƯ, Bộ Chính trị đã đề ra mục đích cần đạt được trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể là: Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Ở đây có hai ý: Thứ nhất, việc thực hiện Chỉ thị phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Thứ hai, việc thực hiện Chỉ thị phải trở thành công việc tự giác, thường xuyên của mọi tổ chức, mọi cá nhân.
Xác định mục đích nêu trên, chính là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đồng thời, xác định yêu cầu: Để tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị, các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, phải coi trọng hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là: Học Bác để nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh hành động làm theo trong thực tiễn; yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng là: Phải tìm những phương pháp thực hiện xuất phát từ những việc làm thường xuyên của mỗi tập thể và trở thành thói quen, trở thành ý thức tự giác, hay có thể nói là: Trở thành các kỹ năng hành động thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Có như vậy Chỉ thị mới sớm đi vào cuộc sống, có kết quả cụ thể, tránh bệnh hình thức, nói không đi đôi với làm.
Có thể nói, lần này Bộ Chính trị đề ra mục đích mang tính thực tiễn rất cao. Đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong việc thực hiện. Chúng ta học Bác là xuất phát từ chính tình cảm, nhu cầu tự hoàn thiện, tự vươn lên, vượt qua chính mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”. Cho nên, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời, phải tự rèn luyện bền bỉ, thường xuyên, hằng ngày. Đã là người thì ai cũng có chỗ tốt và chưa tốt trong lòng, ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Cũng như trong xã hội, luôn có những mặt tích cực và tiêu cực, có những cái tốt đẹp nhưng vẫn còn những cái chưa hoàn thiện, có trung thực và có cả thói hư tật xấu... Việc phát huy cái đẹp, cái tích cực, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực là việc làm hằng ngày, hằng giờ, thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ, thường xuyên và liên tục.
Về nội dung học tập và làm theo Bác, Bộ Chính trị nêu rõ những nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng ta đã từng học trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa IX, khóa X và khóa XI. Ngoài ra, có bổ sung những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có liên quan mật thiết với những đòi hỏi của tình hình phát triển đất nước trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày nay. Đó là: Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị...
Những nội dung chủ yếu nêu trên đều được để mở, để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có thể bổ sung những nội dung phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ, đặc thù của mình, nhằm tổ chức việc học tập và làm theo Bác sát với thực tiễn, có hiệu quả thiết thực và tránh bệnh hình thức, làm qua loa, chiếu lệ.
Về phương pháp thực hiện, Bộ Chính trị yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.
Về những phương châm học tập và làm theo Bác được xác định là: “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”; “học đi đôi với làm theo”, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Để thực hiện những phương châm nêu trên, Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu: Xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp giữa “xây” với “chống”. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.
Trong Chỉ thị số 05-CT/Tư, Bộ Chính trị có một nội dung để yêu cầu về công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp. Đó là: Tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.
Về công tác tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị khóa XII xác định: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hướng dẫn việc thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Tạo phong trào sâu rộng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
PGS, TS PHẠM VĂN LINH
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo http://www.nhandan.com.vn
Thu Hiền (st)
-------------
(1) Năm 2012, kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW xếp thứ 3 với 60% người được hỏi đánh giá cao; năm 2013 không tổ chức đánh giá; năm 2014, xếp thứ 2 với 63% người được hỏi đánh giá cao; năm 2015, xếp thứ 3 với 53% người được hỏi đánh giá cao.
(2) Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 20 văn bản để bảo đảm việc tổ chức thực hiện Chỉ thị thống nhất, đồng bộ trong cả nước và trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân.