Đêm 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Với tinh thần “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân - dân Thủ đô đã giam chân địch trong thành phố suốt 60 ngày đêm, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt và vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

“60 ngày đêm khói lửa”, quân dân Thủ đô viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

60 ngay dem khoi lua

19-12-1946 Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến đấu không cân sức

Cuộc chiến đấu giam chân địch trong thành phố suốt 60 ngày đêm của quân, dân thủ đô Hà Nội là cuộc chiến đấu không cân sức. Theo Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp được đưa 15.000 quân ra Bắc vĩ tuyến 16 (trong đó có 5.000 quân đóng ở Hà Nội) để làm nhiệm vụ tiếp phòng(1), cùng với lực lượng vũ trang của ta thay cho gần 20 vạn quân Tưởng rút về nước. Nhưng với dã tâm tái chiếm toàn bộ nước ta, chúng đã không ngừng đưa thêm quân ra Hà Nội và các địa phương trên miền Bắc. Tới cuối tháng 10-1946, số quân Pháp ở Bắc vĩ tuyến 16 đã lên đến 30.000 tên và riêng ở Hà Nội là 6.500 tên. Vũ khí của chúng có 5.000 súng trường, 600 tiểu liên, 150 trung liên và đại liên, 42 khẩu pháo các loại, 22 xe tăng, 40 thiết giáp, 30 máy bay và một số tàu chiến trên sông. Đây là những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn ta nhiều lần. Ngoài ra, nhiều gia đình trong số 7.000 Pháp kiều cũng được trang bị vũ khí và tổ chức thành hàng trăm ổ chiến đấu độc lập rải ra các khu phố. Quân Pháp bố trí xen kẽ với ta, trong đó chúng chiếm giữ một số vị trí hiểm yếu, như: Phủ Toàn quyền, Trường Bưởi, Đồn Thủy, Sân bay Gia Lâm... Sĩ quan, binh lính địch được huấn luyện chính quy, bài bản, được bảo đảm phương tiện thông tin hiện đại. Nhiều đơn vị của Pháp đã có kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Về phía ta, đối phó với hành động của thực Pháp, ngày 19-10-1946, Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng họp đã nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”(2). Đồng thời quyết định chia lại cả nước thành 12 chiến khu. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên là Chiến khu 11. Cơ quan Bộ chỉ huy Chiến khu 11 được kiện toàn. Lực lượng có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo ở các pháo đài: Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo, với tổng quân số là 2.516 người, được trang bị 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, 1 ba-dô-ka 60mm, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng cơ-rếp, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75mm, 1 khẩu pháo 25mm, 2 khẩu cối 60mm.

Như vậy, quân số của Pháp hơn gấp 2,6 lần quân ta, vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại và lớn hơn nhiều lần lực lượng của ta.

Kế thừa truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân địch trong thành phố của quân- dân Thủ đô là sự kế thừa truyền thống “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới.

Tuy bất lợi về lực lượng, nhưng quân-dân Thủ đô vẫn không nao núng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng mọi mặt cho cuộc chiến được dự báo trước đầy cam go, quyết liệt. Các liên khu phố và khu phố đều thành lập các đội làm công tác cứu thương, tiếp tế, phá hoại, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, trừ gian, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ. Các đơn vị tự vệ có sự giúp sức của thanh niên các địa phương, đã bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo vật chướng ngại, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu. Nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ tiện nghi quý trong nhà như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ, thậm chí cả vật dụng, đồ thờ của gia đình, dòng họ để xây dựng chiến lũy.

Ngày 14-12-1946, kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến khu 11 được Bộ Tổng chỉ huy thông qua lần cuối cùng. Căn cứ vào ý định tác chiến đó, Bộ chỉ huy Chiến khu 11 ra mệnh lệnh tác chiến cho các liên khu và các đơn vị. Vào trung tuần tháng 12-1946, quân - dân Thủ đô về cơ bản đã hoàn thành mọi mặt chuẩn bị và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.

Ngày 16-12-1946, tại trụ sở của Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đã báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị tác chiến của LLVT Thủ đô Hà Nội với các đồng chí trong cơ quan Tổng Chỉ huy là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái.

Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu 11 và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu cho toàn thể LLVT Thủ đô, nêu rõ: Vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ, công an xung phong toàn thành phố từ giờ phút này phải chuẩn bị gấp. Bất kỳ lúc nào có lệnh, “toàn thể bộ đội, dân quân, tự vệ, công an phải triệt để tấn công vào các vị trí địch theo như nhiệm vụ của đơn vị đã định trong kế hoạch".

Sau khi nhận được mệnh lệnh, tại nhiều địa điểm trong thành phố, các chiến sĩ Vệ quốc quân, Quyết tử quân, dân quân, tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề: “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quân - dân Thủ đô sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu quyết tử với quân thù. Cuộc chiến đấu của quân - dân Thủ đô trở thành biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và truyền thống đoàn kết “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”.

Chiều 19-12-1946, Bộ chỉ huy Chiến khu 11 ra Mệnh lệnh tấn công địch cho LLVT toàn thành phố.

Quyết giành quyền chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo phương án đã được Bộ Tổng chỉ huy phê duyệt, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, khi đèn điện thành phố vụt tắt, quân - dân Hà Nội đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân và hoàn toàn làm chủ tình thế, dựa vào công sự, chiến lũy và thế liên hoàn của các căn nhà, dãy phố, kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất. Các chiến sĩ “cảm tử quân” ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp. Hình ảnh dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ cảm tử trở thành biểu tượng của ý chí “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trên toàn thành phố, các cuộc tập kích địch liên tiếp nổ ra, ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi căn nhà, góc phố, mỗi xóm làng nội, ngoại thành Hà Nội thực sự là một pháo đài chiến đấu kiên cường, vững chắc.

Trong 60 ngày đêm chiến đấu, với phương thức “không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch, không rõ địch không đánh”, quân - dân Thủ đô luôn giành thế chủ động tiến công, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đầy mưu trí sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tiến công, giữa đánh du kích và đánh vận động, giữa đánh ở bên trong và đánh từ bên ngoài, dùng những phân đội nhỏ có tính cơ động nhanh, dựa vào chiến lũy, những căn nhà, ngõ phố, ban ngày chặn đánh không cho địch cơ động, phát triển chiến đấu, ban đêm luồn lách, tập kích quân địch khắp mọi nơi đẩy chúng lâm sâu vào thế bị động đối phó. Với hơn 100 trận đánh trong nội thành, quân Pháp chỉ chủ động tiến công ta khoảng 30 trận, còn lại là ta chủ động tiến công địch. Qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Thủ đô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô(3). Vừa đánh vừa phát triển lực lượng, ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu 1 (Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 ngày nay) được thành lập ngay trong lòng địch, tạo thêm niềm phấn khởi, tin tưởng không chỉ quân - dân trên Mặt trận Hà Nội mà cho quân-dân cả nước.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ Đô đã thực hiện cuộc lui quân “thần kỳ”, rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu an toàn.

“60 ngày đêm chiến đấu” mở đầu Toàn quốc kháng chiến của quân - dân Hà Nội kết thúc thắng lợi, góp phần quan trọng bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của thành phố rút lên Chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí của quân-dân thủ đô Hà Nội là bức tranh hoành tráng khắc họa đậm nét cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của thủ đô Hà Nội. Đồng thời, để lại kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật tác chiến trong thành phố và ý chí, tinh thần quyết đánh, quyết thắng và biết thắng. Chiến công của quân - dân Thủ đô trong 60 ngày đêm đã phát huy tác dụng cổ vũ tinh thần, khí thế và trí tuệ của quân - dân cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào cuộc kháng chiến một cách chủ động, vững vàng, tự tin, tạo tiền đề cho quân - dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phát huy, vận dụng sáng tạo ở tầm cao mới

Kinh nghiệm, truyền thống “60 ngày đêm khói lửa” được quân - dân Thủ đô giữ gìn, phát huy, vận dụng sáng tạo và nâng lên tầm cao mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là 12 ngày đêm Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972, đế quốc Mỹ đã điên cuồng huy động tối đa sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại đánh phá Hà Nội. Không khuất phục, quân - dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không quốc gia kiên cường, dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc máy bay B5-2, 2 chiếc F-111 và 5 máy bay chiến thuật. Chiến thắng của quân-dân Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, làm tiêu tan huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ. Hà Nội không trở về “thời kỳ đồ đá” mà trở thành “Thủ đô lương tri phẩm giá con người”, buộc đế quốc Mỹ ký kết Hiệp định Pa-ri về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh và quân các quốc gia đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên thời cơ chiến lược cho cách mạng Việt Nam tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tháng 2-1979, đáp ứng yêu cầu tăng cường lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới, 4 huyện ngoại thành Hà Nội (Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đã kịp thời thành lập tiểu đoàn bộ đội địa phương, tăng cường lực lượng cho các mặt trận. Trong đó, Tiểu đoàn bộ đội địa ph­ương huyện Đông Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến đấu phòng ngự đồi Pò Pó (Cao điểm 282) xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, trong ngày 4-3-1979, đã đánh lui 20 đợt tiến công liên tục của 2 trung đoàn địch, làm thất bại âm mưu thọc sâu, vu hồi của địch, góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quân dân Thủ đô quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc; xây dựng LLVT Thủ đô theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, noi gương tinh thần “quyết tử” trong “60 ngày đêm khói lửa”, LLVT Thủ đô nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. LLVT Thủ đô đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng “nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô”; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc, an toàn các mục tiêu quan trọng, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của quốc tế, quốc gia và thành phố; tích cực, chủ động tham gia phòng, chống thảm họa thiên tai, sự cố môi trường và dịch bệnh, xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.

Thiếu tướng NGUYỄN THẾ KẾT

Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

(1) Là nhiệm vụ cùng với ta canh gác, bảo vệ các vị trí quan trọng trong thành phố như các nhà máy điện, nước, xăng dầu, nhà in, ngân hàng, các nhà ga xe lửa, cầu Long Biên…

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.133.

(3) Thành ủy Hà Nội, Quân khu Thủ Đô, Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân thủ đô Hà Nội, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.168.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: