Muốn làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng có hiệu quả, trước hết, hằng ngày, thường xuyên và suốt đời phải học quan điểm Hồ Chí Minh về dân. Không được xem nhẹ, coi thường việc học tập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những việc làm sai hiện nay, trong đó không loại trừ nguyên nhân nhận thức vai trò, vị trí của dân không đến nơi đến chốn, lệch lạc, méo mó, phiến diện.

Điều căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh là tư tưởng về dân. Người đánh giá cao vai trò, vị trí của dân và cả cuộc đời Người vì dân. Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên và duy nhất thấu hiểu và đưa được tư tưởng của thánh hiền về vai trò của dân vào cuộc sống. Nguyễn Trãi dạy: “Chở thuyền là dân. Lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”. Hồ Chí Minh làm mới quan điểm của người xưa trên lập trường của giai cấp công nhân, dưới ánh sáng khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Trên cương vị một người cộng sản, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh là người viết, nói nhiều nhất, hay nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất, chân thực nhất về dân. Hồ Chí Minh là lãnh tụ từ nhân dân mà ra, sống trong lòng dân và cuối đời lại muốn về với dân mang theo suy nghĩ “làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biết để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Hồ Chí Minh không chọn cách sống trong tháp ngà, đứng trên, đứng ngoài đội ngũ nhân dân, mà chọn cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Học nữa, học mãi, học suốt đời những lời dạy của Người về sức mạnh của dân là một trong những cách tốt nhất, có hiệu quả nhất để làm cơ sở cho việc làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng. Người dạy rằng “tiếng dân chính là truyền lại ý trời”. “Ý dân là ý trời. làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Văn hóa phương Đông nói đến ba ngôi lớn (tam hoàng) trong vũ trụ là Thiên - Địa - Nhân. Hồ Chí Minh coi ý dân là ý trời là một trong ba sức mạnh to lớn đó của vũ trụ.

Trên cơ sở coi trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận; tai mắt quần chúng nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy; dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng, rất tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Là người từng trải, hơn ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, có mặt khắp các châu lục, thâm nhập cuộc sống của những người cùng khổ; khi về nước Người đi khắp đó đây, đến với mọi tầng lớp nhân dân, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc về dân. Người nói Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân làm chủ, bởi Người thấy ở dân sức mạnh của lực lượng, trí tuệ, quyền hành và niềm tin. Dạy cán bộ sửa đổi lối làm việc, bỏ cách quan liêu, theo phong cách quần chúng. Người viết: “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại. Chúng ta phải biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Từ nhận thức mọi việc đều do người dân làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả; “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”; có dân là có tất cả, Hồ Chí Minh dạy rằng phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. “Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng… Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.

Cuộc sống cho thấy đôi khi ở các cấp khác nhau, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn, khoa học về dân. Chúng ta nói chịu trách nhiệm trước Đảng, theo sự phân công của Đảng là đúng nhưng chưa đủ. Nói như vậy, nghĩ như vậy là mới thấy Đảng mà chưa thấy dân, mà không thấy dân là một thiếu sót, sai lầm lớn. Theo Hồ Chí Minh, “có người nói rằng: Mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”.

Không phải là định mệnh mà là quy luật: Không nhận thức đúng về dân, không giữ chặt chẽ mối liên hệ với dân chúng, không lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Cũng như vậy, không làm theo cách quần chúng, tức là việc gì cũng hỏi ý kiến của dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì lợi ích của dân mà làm, mà lại làm theo cách quan liêu, nghĩa là cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm, đóng cửa mà đặt kế hoạch, viết chương trình, rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, thì “dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Chính trị mà Hồ Chí Minh nói đến ở đây là lòng dân. Giảm lòng tin, mất lòng tin của Dân vào Đảng là mất tất cả./.

_____________

Theo: Hồ Chí Minh Sáng tạo, đổi mới của PGS.TS Bùi Đình Phong, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc Dũng

http://tuyengiaoangiang.vn/

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: