Từ năm 1930 đến năm 1969, Đảng ta với các tên gọi khác nhau, đã tổ chức ba kỳ Đại hội. Bác tham dự và chỉ đạo hai Đại hội của Đảng là Đại hội II (tháng 2-1951) và Đại hội III (tháng 9-1960). Trong tất cả các Đại hội, Hồ Chí Minh đã định hình một phong cách thật sự chuẩn mực rõ nét: Tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nền nếp khoa học và dân chủ.

dai hoi dang a
Hội nghị Trung ương lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI hoàn tất công tác chuẩn bị, bảo đảm cho sự thành công Đại hội XII của Đảng. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)

1. Theo đồng chí Hoàng Tùng, Hồ Chí Minh nhận định, chuẩn bị chu đáo việc thiết kế chính sách, bởi nó quyết định một phần quan trọng những nhiệm vụ vạch ra. Đề ra chính sách phải có biện pháp và con người thực hiện. Khi bàn về chính trị, phải bàn đồng thời với bộ máy, tổ chức. Người không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí Trung ương cùng làm. Trong các cuộc họp, sau khi tuyên bố lý do, nêu ra những định hướng chính, Hồ Chí Minh chăm chú lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, Người đề nghị mọi người tập trung bàn thảo để đi tới thống nhất, không bao giờ Người áp đặt ý kiến cá nhân. Cách làm việc này được Người duy trì trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

dai hoi dang b
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu

Để tiến tới tổ chức thành công Đại hội, Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp hoàn thiện Báo cáo Chính trị và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng. Trước ngày 18-1-1951, Hồ Chí Minh viết thư gửi Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ II của Đảng. Người yêu cầu các đại biểu nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính. Người nêu rõ: Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tập trung vào các vấn đề: - Nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng; - Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với các vấn đề khác; - Nên đưa các vấn đề hiện tại và tương lai hơn quá khứ; - Chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức chính.(1) Ngày 18-1-1951, Người dự phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau khi nghe báo cáo của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Người nói: Báo cáo cần tập trung phân tích sự cần thiết thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt làm một.

Ngày 7-2-1951, kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người căn dặn phải đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện phê bình và tự phê bình thẳng thắn, đúng mức để cùng tiến bộ. Phải vận động nhân dân phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, như vậy là thực hiện dân chủ thiết thực và sâu sắc. “Trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình” (2)… Sau 21 năm thành lập, Ðại hội đại biểu lần thứ II là Đại hội Ðảng toàn quốc lần đầu được tổ chức ở trong nước với quy mô lớn chưa từng thấy trước đó. Mặc dầu khi ấy, chiến tranh cứu nước đang diễn ra ác liệt, thế mà có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho toàn Ðảng đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại về dự Ðại hội.

Tại các phiên họp Ðại hội, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Ðảng chủ trì trong không khí trang nghiêm, biểu thị quyết tâm cao của những người cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Hồ Chí Minh còn tham gia dự thảo luận ở các đoàn. Ở đâu, Người cũng nhấn mạnh với các đại biểu về hai nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải quyết tâm kháng chiến thành công và Ðảng ra công khai lấy tên là Ðảng Lao động Việt Nam.

Người nhấn mạnh Ðảng đổi tên nhưng bản chất không thay đổi, phải tiếp tục phát huy truyền thống Ðảng Cộng sản trong điều kiện mới. Báo cáo Chính trị do Hồ Chủ tịch trình bày trước Ðại hội có đoạn như sau: “Chúng ta phải có một Ðảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Ðảng đó lấy tên Ðảng Lao động Việt Nam” (3).

“Về mục đích trước mắt, Ðảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội” (4). Đảng đó không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của dân tộc và toàn thể nhân dân lao động.

Kết thúc Báo cáo Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng là: “Xây dựng một Đảng Lao động Việt Nam rất mạnh mẽ. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Xây dựng Việt Nam dân chủ mới. Góp sức vào việc giữ gìn dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài” (5). Như vậy, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Người dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Ngày 18-2-1951, Người tham gia bầu cử BCH Trung ương mới của Đảng. Người trúng cử vào BCH Trung ương và được bầu là Chủ tịch BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Ngoài giờ họp chính thức, Hồ Chí Minh có chương trình thăm hỏi động viên từng đoàn đại biểu, đặc biệt là đoàn đại biểu Nam Bộ, Lào, Cam-pu-chia. Người như có sức hấp dẫn kỳ diệu, đi đến đâu là ở đó có tiếng cười rộn ràng, giữa Người và các đại biểu không có sự ngăn cách tình cảm, không phân biệt tuổi tác.

Qua lời kể của một số đại biểu tham dự Đại hội, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hoạt động văn nghệ phục vụ Ðại hội. Người đã nhiều lần tham gia múa tập thể “Son lá son” rất sôi nổi hào hứng cùng các đại biểu. Các nhà quay phim, nhiếp ảnh chớp thời cơ hiếm có để ghi hình các hoạt động quan trọng của Ðại hội từ khai mạc đến bế mạc, đặc biệt là các hình ảnh về Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chỉ đạo Đại hội lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên những vấn đề rất quan trọng: Xác định những biến chuyển của tình hình thế giới; các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; mạnh dạn nêu lên các hạn chế, sai lầm của Đảng; khẳng định vai trò, bản chất của Đảng; các nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực của dân tộc. Những luận điểm đó của Người, cho đến nay, vẫn còn giữ nguyên giá trị, tính thời sự nóng hổi, nhất là trong thời kỳ chúng ta đang chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

2. Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội. Tình hình trong nước và quốc tế lúc đó cực kỳ phức tạp. Bộ Chính trị phải làm việc chu đáo, cặn kẽ khi thảo luận nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong bối cảnh các Đảng Cộng sản, nhất là giữa hai Đảng lớn là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tồn tại những bất đồng sâu sắc. Công tác Đảng và việc chọn người vào Ban lãnh đạo ở tầm chiến lược cũng phải thảo luận nhiều ngày.

Tuy không soạn thảo văn kiện chính, nhưng Hồ Chí Minh chỉ đạo tất cả các cuộc thảo luận và chỉ phát biểu ngắn gọn những điều cần thiết. Điều khiển và kết luận những cuộc thảo luận về nhiều vấn đề sống còn, trong đó có những vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ là việc không hề giản đơn nhưng Người không bao giờ để lọt những ý tưởng lớn, hóa giải để đi đến nhận thức và quyết tâm thống nhất. Tuy không trực tiếp chuẩn bị văn kiện quan trọng của Đảng lần này, nhưng bằng uy tín, nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh kiên định và phương pháp khoa học, Hồ Chí Minh đã thổi vào các quyết định của Đại hội sinh khí và hơi thở của cuộc sống dân tộc, thời đại.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng thông qua quyết định lớn là thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền nam. Hai miền có nhiệm vụ chung, bao trùm là đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Chiến lược cách mạng miền nam đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 15 bàn thảo, nhưng Đại hội tiếp tục tập trung nghiên cứu làm rõ thêm theo nhiều chiều cạnh khác nhau.

Tại Đại hội này, Hồ Chí Minh được bầu lại là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp, thành công của Đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng, tinh thần hồ hởi, phấn khởi của toàn dân, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới, vĩ đại hơn.

Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám quyết, những Đại hội Đảng do Hồ Chí Minh chỉ đạo đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập, kết tinh thành giá trị văn hóa chính trị, văn hóa Đảng bền vững./.

PGS, TS. Phạm Ngọc Anh

Theo http://www.nhandan.com.vn

Thu Hiền (st)

 

------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tr 14

2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 5, NXB CTQG, Hà Nội 2007, Tr 12

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tr 40

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tr 41

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tr 42

Bài viết khác: