Đêm 19-12-1946, đáp lại Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1), cả dân tộc Việt Nam triệu người như một đã nhất tề đứng lên, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Đây là cuộc tổng giao chiến đầu tiên của chiến tranh cách mạng Việt Nam, diễn ra đồng loạt trên các đô thị, với sự tham gia phối hợp, hưởng ứng của quân và dân cả nước.

Bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: Chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, nâng cao. Thành quả đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ toàn quốc kháng chiến là nhân tố đặc biệt quan trọng, hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, quý báu đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Những bài học đó là:

Thứ nhất, sớm hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo

Trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, vấn đề xác định chủ trương, đường lối đúng đắn cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu quyết định đến thắng lợi của cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, do sớm hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc, tranh thủ khai thác được sự ủng hộ và giúp đỡ bè bạn quốc tế đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam. Không phải đến thời điểm mở đầu toàn quốc kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới xác định đường lối kháng chiến mà điều đó đã được từng bước hình thành ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn để mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai (23-9-1945). Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25-11-1945), Đảng ta đã xác định “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”(2), “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(3). Trên cơ sở đó, chủ trương của Đảng ta là: “Động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp pháp triệt để”(4).

Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”(5). Tiếp đó, để có quyết định kháng chiến toàn quốc kịp thời, từ ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, nêu rõ chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc và đường lối trường kỳ kháng chiến. Chủ trương này được cụ thể hóa trong Chỉ thị toàn dân kháng chiến (12-12-1946), trong đó nhấn mạnh mục đích của cuộc kháng chiến là nhằm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và phát triển chế độ dân chủ nhân dân; tính chất của cuộc kháng chiến là dân tộc độc lập, dân chủ tự do; nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho nước nhà.

Vận dụng bài học này vào quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay, chúng ta cần sớm chủ động hoạch định đường lối đúng đắn, sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kịp thời chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Với vai trò là chủ thể lãnh đạo, mặt khác xuất phát từ tính đặc thù của lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Đảng phải tiếp tục thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, trực tiếp quyết định chủ trương, đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong mọi hoạt động. Những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải được quán triệt sâu sắc đến mọi cấp, mọi ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc quản lý, điều hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung, đối với quản lý Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói riêng là vấn đề có tính nguyên tắc, cần được củng cố và tăng cường.

Bài học về sớm hoạch định chủ trương đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo trong những ngày mở đầu toàn quốc kháng chiến là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn hiện nay. Bởi chỉ có như vậy chúng ta mới tạo ra tiềm lực mọi mặt của nền quốc phòng toàn dân, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(6). Truyền thống đoàn kết, yêu nước đó tiếp tục được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy thông qua “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” và Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”; trong đó, nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(7). Nhờ vậy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ được lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân, toàn quân, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù xâm lược. Bằng sức mạnh tổng hợp đó, chúng ta đã kìm được chân địch ở lại trong các đô thị một thời gian khá dài, tạo điều kiện cho các cơ quan của Trung ương, Chính phủ và các tổ chức di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân; trong đó, tập trung xây dựng và phát huy mọi tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội và khoa học - công nghệ của nền quốc phòng toàn dân.

Để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, trước hết, cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, vấn đề cốt lõi là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng, nơi trực tiếp lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đặc biệt, trong công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, cần tập trung quán triệt, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Thông qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận của toàn dân đối với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng tiềm lực quân sự là khả năng về vật chất và tinh thần có thể huy động để tạo thành sức mạnh phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong cả thời bình và thời chiến. Tiềm lực quân sự là nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học và công nghệ. Tiềm lực quân sự không chỉ thể hiện ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang mà còn biểu hiện ở nguồn dự trữ về sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Tiềm lực quân sự còn thể hiện ở khả năng động viên công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ công cộng khác để đáp ứng yêu cầu quốc phòng. Xây dựng tiềm lực quân sự được gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa tư tưởng... là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nhà nước Việt Nam chủ trương gắn việc xây dựng tiềm lực quân sự với việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ, coi đó là yêu cầu tất yếu trong xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm khả năng huy động tạo thành sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đối với tiềm lực kinh tế, chúng ta phải xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Đây là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong tăng cường sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là, xây dựng kinh tế không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế của từng vùng, khu vực, địa phương mà còn cần được gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn, nhất là ở địa bàn chiến lược trọng yếu. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững tạo điều kiện vật chất cho nền quốc phòng.

Cùng với đó, cần coi trọng xây dựng tiềm lực văn hóa, khoa học - công nghệ, trong đó tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc. Cần coi trọng giáo dục các thế hệ con người Việt Nam biết trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Mặt khác, cần tập trung xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ theo hướng tự chủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật - công nghệ quân sự theo hướng phục vụ kịp thời, hiệu quả những yêu cầu về bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng để có thể sản xuất, chế tạo nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu tác chiến đánh bại kẻ thù tiến hành chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Thứ ba, tạo lập và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc

Trước những hành động mới của kẻ thù, ngày 13-12-1946, Hội nghị các khu trưởng họp tại thị xã Hà Đông đã quyết định: “Phải chuẩn bị cấp tốc để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ”, vạch kế hoạch tác chiến chung và phương án phá hoại, làm “vườn không nhà trống”. Trong hội nghị này, Bộ Tổng chỉ huy giao nhiệm vụ tác chiến cho Khu 11 tiêu diệt một bộ phận quân Pháp ở Hà Nội, tích cực bám đánh, giam chân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến; Khu 2 tiến công địch ở Nam Định, đánh quân tăng viện cho Nam Định bằng đường bộ và đường thủy; Khu 3 tiến công địch đóng ở thị xã Hải Dương và cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, bao vây địch ở Hải Phòng, cắt đường bộ Hải Phòng - Hà Nội; Khu 12 đánh địch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, bao vây địch ở Lạng Sơn, cắt đường bộ Lạng Sơn - Hà Nội; Khu 4 đánh địch ở Vinh, Huế, đánh địch tăng viện từ Đà Nẵng ra, cắt đường bộ Đà Nẵng - Huế; Khu 5 tiến công và giam chân địch ở Đà Nẵng, cắt đứt đường bộ Huế - Đà Nẵng; các chiến trường cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích, tích cực tiến công địch, giam chân, gây khó khăn cho chúng trong việc tăng viện ra Bắc.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, bộ chỉ huy các khu, các thành phố, thị xã đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến và tiến hành chuẩn bị về mọi mặt. Nhờ đó, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, mặc dù điều kiện chiến đấu không cân sức song bằng thế trận được tạo lập và xây dựng vững chắc, chúng ta vẫn tổ chức thành công những đợt tác chiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là tác chiến trong các đô thị. Tại Thủ đô Hà Nội, không gian và thời gian của các đợt tác chiến đã vượt ra ngoài phạm vi của từng trận cụ thể; nhiều trận đánh ác liệt, diễn ra đồng thời và kế tiếp có tác dụng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu chung của các cấp chiến lược. Kết quả trong chiến đấu, chúng ta đã giam chân địch ở thành phố Đà Nẵng và vùng ngoại ô kéo dài 1 tháng; ở Huế kéo dài 50 ngày; ở Nam Định kéo dài gần 3 tháng; ở Hà Nội kéo dài trong 60 ngày đêm...

Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay, bài học về tạo lập và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc để chống lại kẻ thù xâm lược trong toàn quốc kháng chiến vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi thế trận là một trong những nội dung cốt yếu của nền quốc phòng toàn dân. Hơn nữa, thế trận chiến tranh chính là thế trận quốc phòng thời bình, khi đất nước có chiến tranh chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta phải coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, trước hết là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, từng địa phương và trên phạm vi cả nước.

Các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc” và Nghị định số 152/2007/NĐ/CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ”; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Trong đó, chú trọng bổ sung quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ; đầu tư kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng thế trận quân sự, mà trọng tâm là nâng cấp, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần kỹ thuật. Quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải đặc biệt coi trọng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở bằng các chủ trương, chính sách hợp lòng dân và các chương trình, dự án; góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”(8). Sự kết hợp đó phải được thể hiện ngay từ quy hoạch tổng thể, trong kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, từng ngành, nhằm bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh. Các địa phương, đơn vị quân đội cần tăng cường chỉ đạo, phát huy hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Thứ tư, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến

Sau khi ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt để bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay từ Hội nghị quân sự toàn quốc (10-1946), Đảng ta đã xác định, xây dựng lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang hóa toàn dân của Đảng, hàng triệu nam, nữ thanh niên đã hăng hái tham gia dân quân tự vệ, trong đó có hơn 8 vạn người tình nguyện xung phong gia nhập Vệ Quốc đoàn. Nhờ đó, lực lượng vũ trang từ chỗ chỉ có khoảng 5.000 người (8-1945), đến tháng 12-1946 đã có hơn 85.000 cán bộ, chiến sĩ, được tổ chức thành 27 trung đoàn ở miền Bắc và 30 đơn vị vũ trang tập trung cấp chi đội và tiểu đoàn ở Nam Bộ, tăng gấp 70% so với cuối năm 1945(9). Ngay tại Hà Nội, chưa đầy một tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trung đoàn đầu tiên mang tên Trung đoàn Thủ Đô đã ra đời, sau đó là Trung đoàn 52 và Trung đoàn 48 được thành lập. Các đơn vị lực lượng vũ trang cùng với khoảng 2 triệu dân quân du kích và tự vệ là lực lượng nòng cốt, quan trọng, quyết định đến thắng lợi của toàn quốc kháng chiến và cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến càng có ý nghĩa sâu sắc. Trên tinh thần đó, chúng ta cần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ (2015 - 2020), toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án tổ chức lực lượng, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, phù hợp với nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị; phát triển cân đối giữa các lực lượng, phù hợp với thế trận phòng thủ trên các vùng, miền của đất nước. Trong đó, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đóng quân ở vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nơi biên giới, biển đảo. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, nhất là các lực lượng đã được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Củng cố tổ chức các đoàn kinh tế, quốc phòng trực thuộc bộ và các quân khu cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng cường quốc phòng, an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn đứng chân.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng về chính trị, khả năng tác chiến chiến thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý con người và phương tiện, trang bị; thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm; có kế hoạch động viên công nghiệp phù hợp, bảo đảm tận dụng được thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm vững mạnh, rộng khắp; có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; trang bị, vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực, từng bước nâng cao khả năng chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở.

Có thể khẳng định rằng, Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20. Thời gian đã lùi xa, nhưng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là những kinh nghiệm về việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, thì việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến để xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hết sức cần thiết; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Trung tướng LÊ CHIÊM, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.480.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.26.

(3) Sđd, tr.26.

(4) Sđd, tr.27.

(5) Sđd, tr.133.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.171.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.480.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.

(9) Báo cáo tổ chức xây dựng lực lượng năm 1946, lưu Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 54.

Bài viết khác: