Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19-12-1946, thể hiện ý chí quyết tâm và hiệu triệu sức mạnh toàn dân giữ gìn nền độc lập dân tộc; là bước tiếp nối truyền thống quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Đó không chỉ là văn kiện có giá trị nhất thời, mà luôn là lời hịch non sông cổ vũ toàn dân ra sức “kháng chiến, kiến quốc” trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Truyền thống quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được hình thành và phát triển ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa và hàng chục cuộc kháng chiến lớn nhỏ, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta đã để lại một di sản quý báu, đó là truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất, bảo vệ độc lập dân tộc.
Truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của mọi người dân, là nguồn động viên tinh thần lớn lao, có tác dụng duy trì tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của nhân dân ta. Cũng chính lịch sử đấu tranh giữ nước đã tạo ra và hun đúc ý thức tự cường dân tộc của người Việt Nam. Nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng: Nước mất thì nhà tan, do đó muốn mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc, trước hết phải đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” - khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã thể hiện ý chí, tinh thần chống xâm lăng của toàn dân tộc Việt Nam. Dù tương quan so sánh nghiêng hẳn về phía Pháp, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, vào sức mạnh quật cường của dân tộc, thay mặt cho quốc dân, đồng bào, Người kêu gọi các giới đồng bào cả nước bằng vũ khí và mọi loại dụng cụ có thể dùng làm vũ khí, nhất tề đứng lên đánh giặc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Mục đích cuộc kháng chiến là “Việt Nam độc lập và thống nhất…”. Kết thúc Lời kêu gọi, Người truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân, toàn quân ta: “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta”, “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Với tinh thần quật khởi, quân dân Thủ đô mở đầu Toàn quốc kháng chiến bằng những thắng lợi quan trọng, giam chân quân địch hai tháng, để cả nước thêm điều kiện chuyển vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện nghệ thuật quân sự khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng độc đáo, quả cảm và sáng tạo. Cùng với Hà Nội, quân dân cả nước vùng lên chiến đấu, các mặt trận Nam Định, Huế, Đà Nẵng… giành được nhiều chiến công, đẩy quân địch lâm vào thế lúng túng, bị động.
Tinh thần quật cường của dân tộc được khơi dậy, cả nước tiến công, toàn dân là chiến sĩ đã tạo nên thế trận rộng khắp. Đó chính là sức mạnh bảo đảm để dân quân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 đã chứng tỏ sức mạnh phi thường của lòng yêu nước của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
Cả dân tộc gian khổ chiến đấu và hy sinh giành lại một nửa Việt Nam hòa bình làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất. Tiếp đến 21 năm sau trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, năm 1975 đội quân bách chiến, bách thắng của Bác Hồ đã cắm lá cờ Tổ quốc lên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đem lại hòa bình - độc lập - tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Ngày nay, những thành tựu, kinh nghiệm 30 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nước ta vẫn là nước đang phát triển; khoảng cách tụt hậu về kinh tế, khoa học và công nghệ vẫn còn cách xa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới…
Cuộc chiến chống nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước vừa anh hùng vừa giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thách thức hết sức to lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực vượt bậc với tinh thần quật khởi mới.
Tinh thần yêu nước, đấu tranh quật cường chống ngoại xâm của dân tộc, trước đây “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, ngày nay cần được toàn quân, toàn dân hun đúc, phát huy trong công cuộc chống nghèo nàn lạc hậu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đó phải là những hành động cụ thể thể hiện trong lao động hằng ngày, thể hiện ở nghị lực vượt mọi khó khăn, ở quyết tâm thực hiện và làm tròn chức trách, nghĩa vụ của các tầng lớp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, tinh thần hăng say suy nghĩ kiến tạo và cống hiến của mọi người dân Việt Nam./.
(Còn nữa)
ThS. Nguyễn Thị Ánh
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương
Huyền Trang (st)