Ngẫm về công việc của người làm báo - Học Bác, ngẫm về nghề báo, tự thấy mỗi người làm báo chúng ta phải thực sự dấn mình vào cuộc sống xã hội, hòa đồng với người lao động để thấu hiểu về họ hơn nữa.

nguoi lam bao
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh: TL

Chỉ như thế nhà báo mới tự mình phát hiện ra những điều hay lẽ phải, cái tích cực và cái tiêu cực; những vấn đề đang nảy sinh để làm nên sự sinh động, hấp dẫn của tác phẩm báo chí.

Kinh nghiệm viết báo của Bác là bài học quý giá cho chúng ta ghi lòng, tạc dạ: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Trả lời những điều tự vấn ấy sẽ giúp cho bài viết của nhà báo rõ đích; thông tin đến đúng đối tượng; diễn đạt hấp dẫn, văn phong phù hợp với bạn đọc.

Bình dị, chân tình, hết lòng vì nhân dân

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào nên Người sớm ra đi tìm đường cứu nước. Gắn bó mật thiết với Tổ quốc, với nhân dân nên Người chân tình nói với các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (Tập 4, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb ST 1984, tr.100). Giàu lòng tin vào nhân dân, nên Người rất dày công vun đắp mối liên hệ bền chặt giữa Đảng với dân, Người coi đó là cội rễ thắng lợi của cách mạng.

Người phê phán mạnh mẽ thói quan liêu, cậy thế cậy quyền, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, dân chủ “giả vờ” của một bộ phận cán bộ. Nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Nam Định (Ngày 25/5/1963), Người chỉ rõ: “Cán bộ từ Trung ương đến xã đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đồng bào cần phải luôn luôn giúp đỡ và phê bình cán bộ để họ làm tròn nhiệm vụ”.

Sinh thời, Người rất năng xuống các địa phương, các HTX nông nghiệp, công trường, xí nghiệp, các đơn vị vũ trang... xem xét, kiểm tra công việc; thăm hỏi người già, trẻ nhỏ, chiến sĩ. Đến với vùng úng, vùng hạn, lội đồng, thăm ruộng... rất đỗi bình dị như người trong cuộc cùng đồng hành, chia sẻ, ân cần chỉ bảo; và để xem xét định ra chủ trương, chính sách sát hợp...

Phong cách quần chúng ấy là tấm gương ngời sáng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cho lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhà báo chúng ta noi theo. Bổn phận công dân của nhà báo không chỉ thượng tôn pháp luật, mà phải gánh vác trách nhiệm xã hội trên mặt trận thông tin tuyên truyền, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.

Học theo Bác, mỗi nhà báo chúng ta phải ý thức rất cao lời dạy của Người: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chỉ như thế, các nhà báo mới năng nổ dấn mình vào thực tế, hăm hở tìm tòi, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương “người tốt việc tốt”, những điển hình tiên tiến; những mô hình và những nhân tố nảy sinh trong cuộc sống, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu của chúng ta.

Chỉ như thế, chúng ta mới quyết liệt đấu tranh với những thói hư, tật xấu; những cá nhân, tổ chức cố ý làm trái pháp luật; những cán bộ, đảng viên (suy thoái tư tưởng chính trị; suy thoái đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 12). Chỉ như thế, thông tin của nhà báo mới có chất lượng cao, đúng bản chất, không sai lạc, để tiếng xấu cho những nhà báo tốt.

Khoa học, cụ thể với công việc

Hơn ai hết, nhà báo phải hết sức coi trọng chất lượng thông tin. Chất lượng thông tin làm nên bởi nội dung thông tin (đúng, trúng, hay) ở đó trung thực là thước đo quan trọng nhất. Phong cách làm việc khoa học, thiết thực, sát thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp các nhà báo chúng ta suy ngẫm mỗi khi sáng tạo ra tác phẩm.

Người dạy: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử lý vấn đề này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” (X.Y.Z -Sửa đổi lối làm việc).

Người đòi hỏi gắt gao, đảng viên phải rèn luyện tính đảng: “Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn. Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”...

Về mặt Đảng “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những Nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói “Nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật” (Sửa đổi lối làm việc). Người nhắc nhở những người làm báo, phải có trách nhiệm thông tin: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”!

Tác phong làm việc khoa học của Người có được là nhờ văn hóa uyên thâm, tư duy sắc sảo, bản lĩnh chính trị vững vàng. Theo Bác, học Bác, trước hết nhà báo phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu: “Độc lập, tự do và CNXH”. Người dạy: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong” (Tập 2 - Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb ST 1981, tr.177).

Người khuyên các nhà báo: “Những người viết báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”! (Đại hội II, HNBVN ngày 16/4/1959).

Người làm báo, có ba công việc thường nhật, ấy là: Tiếp nhận thông tin - Xử lý thông tin - Quyết định loan tin. Nói thì đơn giản, nhưng đó là cả núi công việc. Việc nào cũng cần đến thái độ khoa học, tư duy sắc sảo khi tiếp nhận thông tin; mới mẻ trong phân tích, lý giải, thực, hư, phải, trái, lợi hại, khi xử lý thông tin; bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc chắn khi quyết định loan tin.

Với lĩnh vực quản lý Nhà nước, Người khuyên: Muốn quyết định vấn đề gì thì phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Có nắm chắc thì mới đề ra chính sách đúng. Có đúc kết kinh nghiệm thì mới đề ra khuôn mẫu cho những công việc khác (Sửa đổi lối làm việc). Phong cách làm việc, nhìn nhận khoa học ở Người còn thể hiện rất rõ trong công tác cán bộ.

Nói với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm (9/12/1961), Người nhắc nhở: “Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lui, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm v.v..” (Tập 9 - Hồ Chí Minh toàn tập Nxb ST, tr 240).

Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ. Dùng nhân như dụng mộc. Phải chí công vô tư trong tuyển chọn, xem xét và bố trí cán bộ... Giao việc cho cán bộ thì phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ trên xuống, từ dưới lên một cách có hệ thống”. Cán bộ phải tránh nói nhiều, làm ít; thích đăng đàn “khai mạc”, “diễn văn”; quan liêu, xa rời nhân dân... Thật sống động và ý nghĩa biết bao!

Nguyễn Uyển

Theo http://nguoilambao.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: