Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện phong phú trên tất cả các lĩnh vực trong suốt chặng đường hoạt động, công tác của Người. Phong cách tự phê bình và phê bình là một trong hệ thống chỉnh thể đó, đến nay còn nguyên giá trị để chúng ta suy ngẫm, học tập noi theo, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc tự phê bình và phê bình. Bởi, đó chính là phương tiện để xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất, là quy luật phát triển của Đảng. Theo Người, trong sinh hoạt và trong hoạt động thực tiễn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, cái hay và cái dở, cái thiện và cái ác, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Vì vậy, phải biết động viên, khuyến khích làm cho phần tốt có điều kiện phát huy, nảy nở và làm cho những thói hư, tật xấu mất dần, không có đất sinh sôi. Muốn làm được điều đó, thang thuốc hay nhất là tự phê bình và phê bình. Chỉ có thực hiện tốt tự phê bình và phê bình thì mỗi cán bộ, đảng viên mới nhận rõ: Ta và địch, cái ưu và cái khuyết, cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái tiên tiến và cái lạc hậu, cái nên làm và không nên làm, v.v. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”1.

Để làm tốt công việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, Hồ Chí Minh nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên trước tiên phải có thái độ thành khẩn, phải trung thực và kiên quyết, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của mỗi người, phải thật thà, dũng cảm không thêm bớt, không che giấu khuyết điểm của mình. Có như vậy tổ chức đảng mới mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên mới tốt hơn. Cách phê bình phải thành thật, giàu lòng nhân ái, khách quan. Thái độ phê bình phải có văn hóa, mang tính xây dựng chứ không phải chì chiết, nói xấu nhau hoặc trù dập, “đao to, búa lớn”. Điều hết sức nguy hiểm là, một số người lợi dụng nguyên tắc này để thực hiện những mưu đồ vụ lợi cho cá nhân, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, hạ thấp uy tín của người khác,… Người chỉ rõ: Đây chính là “kẻ địch bên trong”, là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ bên trong ra. Vì vậy ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những thứ bệnh đó. Người căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người khác ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét”2.

Đặc biệt, trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Người căn dặn  “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu nhau”3. Như vậy, chỉ có tình đồng chí thương yêu nhau mới có thể nhìn nhận trong sáng và chỉ rõ cho nhau khuyết điểm một cách chân tình và thẳng thắn; chỉ có tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình thì Đảng mới giữ được sự trong sạch, vững mạnh, mới hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách của một đảng chân chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói, viết để giáo dục cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình mà Người còn thể hiện tinh thần đó một cách mẫu mực - phong cách Hồ Chí Minh. Nét đặc sắc nhất trong phong cách tự phê bình và phê bình của Bác là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, đúng nguyên tắc và nêu gương trước cấp dưới, trước quần chúng. Tại buổi Lễ bế mạc lớp Bổ túc trung cấp tháng 10-1947, Bác nói: “Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa... Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người...Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển”. Lời của Người mộc mạc mà chí lý, giản dị mà sâu sắc, thẳng thắn mà có tính thuyết phục cao. Phong cách tự phê bình của Người không chỉ thể hiện vai trò gương mẫu của vị Chủ tịch Đảng, mà còn chỉ cho mọi cán bộ, đảng viên thấy tác hại của việc không phê bình; đồng thời, khuyến khích mọi người mạnh dạn phê bình, không nên vì “nể” mà phá vỡ nguyên tắc trong phê bình dẫn đến sự nguy hại lớn cho Đảng.

Đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giản dị, trong sáng, dễ hiểu, diễn đạt ngắn gọn, chân thật, dân chủ, tôn trọng quần chúng. Điều này giúp cho mọi người rất dễ nhớ để học tập và làm theo Bác. Ngày 30-5-1957, khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên Hải Phòng, Người ân cần nói: “Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô, các chú có thể phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình. Các cô, các chú yêu Bác, muốn Bác tiến bộ thì phải phê bình”4. Phong cách đó của Người thể hiện sự gần gũi, yêu thương nhau giữa các thành viên trong một đại gia đình lớn; vừa mềm dẻo, vừa cương quyết để đạt được mục đích của tự phê bình và phê bình mà không “cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc” dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí phản tác dụng. Phong cách trên của Bác còn thôi thúc mọi người tích cực, tự giác tự phê bình và phê bình, coi việc làm này như cơm ăn, nước uống hằng ngày để giúp nhau cùng tiến bộ.

Có thể nói, phong cách, phương pháp trong tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, rất dân chủ, hết sức tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu thương đồng chí, yêu thương con người, trọng dân, vì dân. Chính vì thế mà có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu, lan tỏa rộng không chỉ trong Đảng mà còn trong cả mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện  nguyên tắc tự phê bình và phê bình - vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Những nét đặc sắc về tư tưởng, phong cách của Người được đồng chí Phạm Văn Đồng khái quát: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”5.

Thực hiện tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản, vũ khí sắc bén, là động lực, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đặt việc tự phê bình và phê bình lên vị trí hàng đầu, là khâu có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong triển khai để thực hiện mục tiêu: Tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Quan điểm, chủ trương đó lần nữa được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đòi hỏi từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình cần phát huy hơn nữa tinh thần: Tự giác, trung thực, xây dựng; biến tư tưởng thành ý chí hành động cách mạng, việc làm cụ thể; lấy việc thực hiện nghị quyết làm động lực thúc đẩy trong thực thi nhiệm vụ, trong công tác và cuộc sống hằng ngày; không nên hô hào, chỉ nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít. Gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, để chỉ rõ và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, phải đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện gắn chặt với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay theo pháp luật, không được lợi dụng phê bình để trù dập hoặc bảo vệ “lợi ích nhóm”.

Đó cũng chính là hành động thiết thực trong học tập và làm theo phong cách tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nguyên tắc. Và đó cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định nhất đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng hiện nay./.

PHIẾM ĐÌNH

_________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 307.

2- Sđd, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.

3- Sđd, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.

4 - Sđd, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 584.

5- Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb ST, H.1990, tr. 64-65.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Lâm (st)

Bài viết khác: