Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội này trở thành tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta sau này. Về tổ chức, dù chưa phải là Đảng Cộng sản nhưng Hội có hạt nhân là Cộng sản đoàn và đặc biệt hơn, từng bước Bác Hồ lựa chọn những đồng chí xuất sắc nhất để giới thiệu họ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc… Cùng với Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong là một trong số những người đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo theo chiến lược cán bộ ấy.
Thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An) dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản
Cuộc đời Lê Hồng Phong được các nhà sử học cách mạng nhắc đến khá nhiều, nhất là khi Bác Hồ xuất hiện ở Quảng Châu (11-1924). Đó là thời điểm tổ chức Tâm Tâm xã do Phan Bội Châu lập ra đang khủng hoảng, thì cũng là lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với tư cách đại biểu của Quốc tế Cộng sản.
Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý nhóm các nhà cách mạng trẻ tuổi, trong đó có Lê Hồng Phong. Chính những người này là những nhân vật nòng cốt cho khóa huấn luyện cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Tham gia lớp huấn luyện chính trị đầu tiên này có 9 người, nổi bật là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hồ Tùng Mậu. Học xong khóa huấn luyện đầu tiên, các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và một vài người khác được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn vào nhóm bí mật, kết nạp thành những người cộng sản dự bị. Các anh được giao nhiệm vụ tham gia vào bộ phận tổ chức, hướng dẫn các khóa huấn luyện tiếp theo.
Dựa trên cơ sở nhóm bí mật này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội này trở thành tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta sau này. Về tổ chức, dù chưa phải là Đảng Cộng sản nhưng Hội có hạt nhân là Cộng sản đoàn và đặc biệt hơn, từng bước Bác Hồ lựa chọn những đồng chí xuất sắc nhất để giới thiệu họ vào Đảng Cộng sản Trung Quốc… Cùng với Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong là một trong số những người đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo theo chiến lược cán bộ ấy, trong đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Đảng ta.
Nguyễn Ái Quốc nghĩ ngay đến việc đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân sự cho cách mạng nước ta sau này. Một thuận lợi rất lớn là Bác làm việc ngay trong Văn phòng của Trưởng phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu là Bô-rô-đin, với tư cách là người phiên dịch. Bác đã giới thiệu một số hội viên vào học ở các trường quân sự của Trung Quốc. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh và một số người khác được giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố và tốt nghiệp vào cuối năm 1925. Theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lê Hồng Phong được chuyển sang học tiếp Trường Không quân ở Quảng Châu. Tại trường này, ngày 10-2-1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Với Nguyễn Ái Quốc, giai đoạn 1924-1927 là những năm tháng bề bộn những tính toán có ý nghĩa chiến lược. Việc đào tạo cán bộ cách mạng nhiều khóa học tiếp theo đã dần thu hút được những người con ưu tú ở trong nước vượt biên giới đến với Quảng Châu như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng…
Năm 1926, từ Quảng Châu, Bác đã giới thiệu một loạt cán bộ đầu tiên của nước ta vào học Trường Đại học Phương Đông như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai... Riêng với cán bộ quân sự, cho đến nay, với nguồn tư liệu công bố, chúng ta mới biết chắc có hai nhân vật nổi tiếng được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và gửi tới đất nước Xô-viết tiếp tục đào tạo là Lê Hồng Phong và Phùng Chí Kiên. Lê Hồng Phong trở thành người phi công cách mạng Việt Nam đầu tiên trong Quân đội Liên bang Xô-viết.
Năm 1985, nhà sử học trẻ Xô-viết Côbêlép, tác giả cuốn Đồng chí Hồ Chí Minh đã công bố một số tư liệu mới về Lê Hồng Phong: Khi vào học Trường Hàng không Bôrítxgơlépxcơ ở Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua), Lê Hồng Phong được hướng dẫn làm lại lý lịch. Anh mang tên Lítvinốp, gốc người Trung Á, con một gia đình nông dân nghèo và anh tốt nghiệp Trường Hàng không với cái tên ấy.
Lê Hồng Phong trở thành sĩ quan phi công Việt Nam đầu tiên. Tháng 12-1928, Lê Hồng Phong được cấp trên gọi về Mát-xcơ-va nhận một nhiệm vụ quan trọng khác. Tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, thuộc lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những tư liệu rất quý về quãng đời này của ông. Trong tập Hồ sơ mang ký hiệu 495-201-46 nói trên của lưu trữ Quốc tế Cộng sản, tài liệu cá nhân về Lê Hồng Phong có nhiều điểm cụ thể hơn. Trong văn bản này, bản tự thuật lại quá trình cách mạng từ khi rời thành phố Vinh sang Liên Xô học tập, Lê Hồng Phong đã không thể nói rõ vai trò phát hiện, đào tạo và gửi mình đi học của Nguyễn Ái Quốc trong bản tự khai. Nhưng những tài liệu khác sau này của chính anh đã nói rõ điều ấy.
Trong tài liệu mà chúng tôi thu thập được của Lê Hồng Phong viết bằng tiếng Nga, 6 trang (ký hiệu 495-154-685) có tên là Diễn văn kỷ niệm 6 năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trường Phương Đông, Mátxcơva, có những chi tiết rất quý báu về mối quan hệ và lòng biết ơn sâu sắc của Lê Hồng Phong với Nguyễn Ái Quốc. Chúng ta biết rằng đây là thời điểm khá gay gắt trong nội bộ Quốc tế Cộng sản, khi mà “bước ngoặt tả khuynh” vẫn thắng thế và những nhà cách mạng lớn như Nguyễn Ái Quốc cũng không tránh khỏi những thử thách nội bộ quyết liệt. Đây là thời kỳ “thất sủng” của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong con mắt những người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản. Mặc dù vậy, bài diễn văn của Lê Hồng Phong trong nguyên bản (đã phải tẩy xóa, cắt dán, thay thế nhiều lần) khi nói đến vai trò của Nguyễn Ái Quốc với Đảng Cộng sản Đông Dương. Lê Hồng Phong với vị trí Tổng Bí thư của Đảng vẫn khẳng định vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán của cách mạng Việt Nam thời kỳ dựng Đảng.
Lê Hồng Phong không chỉ là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của Đảng ta, cuộc đời ông còn có những trang hào hùng, pha chất huyền thoại. Một chiến sĩ quốc tế nổi tiếng, nhà cách mạng vững vàng, uyển chuyển như thế lại đồng thời là người Việt Nam đầu tiên góp những giờ bay của mình trong đội ngũ những phi công Xôviết. Và tất nhiên đằng sau câu chuyện đào luyện nên người cộng sản, người phi công đầu tiên ấy, luôn có hình ảnh của Bác Hồ, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam/.
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Huyền Trang (st)