Dành không ít thời gian, công sức để thăm dò, tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng gặp được Chuẩn úy, cựu chiến binh (CCB) Lường Phúc Thoại, dân tộc Tày, năm nay tròn 70 tuổi, hiện đang sống ở xóm Nà Lài, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông nguyên là Khẩu đội trưởng Khẩu đội 6, Đại đội 1, Trung đoàn 234, Sư đoàn Phòng không 367. Chuyện diễn ra đã nửa thế kỷ nhưng ký ức về lần vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm trận địa vẫn còn vẹn nguyên trong ông.
Khẩu đội trưởng Lường Phúc Thoại (ngoài cùng, bên trái) và đồng đội được Bác Hồ đến thăm tại trận địa Sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp.
…Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ dùng không quân đánh phá nhiều nơi trên miền Bắc. Khi Hà Nội bắt đầu giáp mặt với nấc leo thang mới, ác liệt của địch, đơn vị tôi được lệnh rời khu vực Hàm Rồng (Thanh Hóa) trở ra lập trận địa ở bãi Nghĩa Dũng, được sáp nhập vào “Đội phòng không cận vệ” bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ và Nhà máy Điện Yên Phụ. Cũng vào thời điểm nóng bỏng này, bộ đội tên lửa cũng sẵn sàng vào trận, nhiệm vụ bảo vệ “Rồng lửa” đồng thời được đặt ra cho pháo cao xạ. Tối 18-7-1965, chúng tôi cơ động về Sân bay Bạch Mai. Đoạn đường di chuyển không dài nhưng để “đánh lừa địch”, Đại đội phải đi cả đêm, gần sáng mới lập xong trận địa, ai nấy đều mệt nhoài, mắt muốn díu cả lại. Khoảng 6 giờ, đột nhiên có lệnh báo động, các khẩu đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Bỗng từ đài chỉ huy vang lên một thông báo: “Các đồng chí, đơn vị chúng ta sắp có lãnh đạo cấp trên đến thăm”. Chưa rõ là ai, cấp nào, nhưng anh em đều quên hết mệt nhọc, chờ đợi. Không lâu sau, có mấy chiếc xe con đi vào, dẫn đầu là chiếc xe sơn màu sáng. Chỉ một loáng, cửa chiếc xe ấy mở ra, Bác Hồ bước xuống, đi thẳng đến Khẩu đội 6 mà tôi là khẩu đội trưởng. Vừa ngỡ ngàng và quá vui sướng, ai cũng muốn chạy ra đón Bác, nhưng vì đang trong giờ “nghiêm” nên không ai dám rời vị trí.
Bác vào. Người tươi cười thăm hỏi các pháo thủ và nói: “Bác biết các chú vừa hành quân đến, chắc còn mệt lắm. Bác có phần thưởng cho các chú đây”. Dứt lời, Bác lấy bao thuốc lá, rút ra từng điếu đưa tận tay các chiến sĩ. Tôi là người cuối cùng được Bác đưa cho thuốc. Tôi ngây người nhìn Bác, giây phút ấy tưởng chỉ có trong mơ, tim tôi đập rộn lên. Sau mấy giây suy nghĩ, tôi mạnh dạn thưa: “Thưa Bác, cháu không biết hút thuốc lá ạ, cháu cảm ơn Bác”. Bác dừng tay, cho điếu thuốc vào bao, nói: “Cháu không biết hút là tốt. Bác già rồi, lại trót nghiện nên chưa bỏ được”. Bác và chúng tôi cùng cười vui.
Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong đại đội và các đơn vị bạn đã tề chỉnh đội ngũ ở bãi cỏ giữa trận địa để nghe Bác nói chuyện. Bác đi qua chỗ tôi, nhưng rất nhanh, Người quay trở lại, chỉ vào chiếc mũ sắt trên đầu tôi, hỏi: “Mũ này của nước nào sản xuất? Có nặng lắm không?”. Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đứng gần đó, thưa: “Thưa Bác, mũ do Liên Xô viện trợ, nặng khoảng 1,5kg ạ”. Bác ra hiệu đưa mũ cho Bác xem. Bác nâng chiếc mũ trên tay như thể xem mũ nặng đến đâu. Bỗng Bác nhìn vào lòng mũ, hỏi tôi: “Mũ của Liên Xô mà sao lại có chữ Trung Quốc viết ở vành mũ thế này?”. Tôi chột dạ vì câu hỏi bất ngờ của Bác, lấy lại bình tĩnh, tôi trả lời: “Thưa Bác, hồi học ở trường cháu có học chữ Trung Quốc, cháu viết tên mình là Lường Phúc Thoại vào đó ạ”. Bác gật đầu, đưa trả mũ cho tôi.
Bác nhìn trời, lúc này mặt trời đã lên cao, hắt nắng xuống trận địa. Bác nói: “Nắng nóng mà phải đội mũ sắt thì cũng khó chịu lắm đây. Nhưng cũng phải khắc phục để chiến đấu cho tốt!”. Chúng tôi đồng thanh đáp lại: “Thưa Bác. Rõ!”.
Tại buổi nói chuyện hôm ấy, Bác đã động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, tích cực luyện tập để dù Mỹ có đưa B-52, B-57 hay B gì đi nữa ra đánh phá miền Bắc thì chúng ta cũng đánh thắng.
Sau khi Bác rời khẩu đội, các pháo thủ đều bảo tôi là “khờ”. Rằng không hút thì cũng cứ nhận để làm quà cho người thân hay giữ làm kỷ niệm. Nghe anh em nói, tôi cũng thấy hơi… tiếc, nhưng nghĩ mình không hút thì nhận làm gì, để Bác dùng hay cho người khác có tốt hơn không.
Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất là Bác bận trăm công nghìn việc, lại trong thời chiến mà Người vẫn quan tâm đến chiếc mũ sắt nặng, nhẹ thế nào, trời nắng mà đội mũ sắt thì khổ đến đâu. Và không quên động viên chúng tôi: Dù nặng thế nào, khó chịu đến đâu, cũng phải chịu đựng để chiến đấu giỏi.
Vâng lời Bác, trong chiến đấu và cả khi trở về hậu phương, tôi luôn nhớ lời Bác dạy, làm việc hết mình để phục vụ nhân dân, làm một CCB gương mẫu của đồng đội và xóm bản thân yêu của mình./.
NGUYỄN HỒNG KỲ (ghi)
(Theo lời kể của CCB Lường Phúc Thoại, nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội 6, Đại đội 1, Trung đoàn 234, Sư đoàn Phòng không 367)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)