Những năm qua, phong trào lưu giữ và học tập theo thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tại Plây Cu năm 1946 đã trở thành thói quen của người dân. Việc làm bình thường nhưng lại có ý nghĩa hết sức lớn lao, thể hiện tình cảm tri ân của đồng bào Tây Nguyên dành cho Bác Hồ.

tay nguyen
Các đại biểu dân tộc thiểu số Tây Nguyên bên bức phù điêu khắc thư Bác Hồ gửi  Đại hội DTTS miền Nam Việt Nam, năm 1946 tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP Plây Cu, Gia Lai).

Ngày 19-4-1946, tại Plây Cu (Gia Lai) diễn ra Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam. Tại Đại hội, các đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước rất vinh dự và xúc động được đón nhận thư Bác Hồ gửi. Bức thư rất ngắn gọn, súc tích, được xem như lời hiệu triệu kêu gọi cộng đồng các DTTS đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm. Trong thư Bác viết có đoạn: “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Từ năm 2006, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai phát động phong trào học và làm theo lời Bác dạy, tổ chức in và cấp phát đến tận các gia đình nội dung thư Bác Hồ gửi được in bằng ba thứ tiếng: Phổ thông, Gia Rai, Ba Na. Bằng cách đó, sau 10 năm triển khai, đã có 106.201 thư được gửi đi, trong đó có 80.011 bản bằng tiếng Gia Rai; 26.240 bản tiếng Ba Na; 1.375 gửi đến các nhà rông văn hóa các thôn làng; ngoài ra, còn tổ chức 5.500 buổi học tập với 500 nghìn lượt người tham gia.

So với các nhà của bà con khác, nhà bà Đinh Thị Chút, dân tộc Ba Na ở làng Tờ Mật, xã Đông, huyện K'Bang (Gia Lai) rộng rãi hơn, vì vậy là nơi tập trung bà con đến mỗi khi làng có việc. Hôm chúng tôi đến, nhà bà cũng đang có đông người, hỏi ra mới biết, bà con đang tập trung nghe già làng Đinh Quech đọc thư của Bác Hồ gửi Đại hội DTTS miền nam Việt Nam năm 1946, giải thích ý nghĩa từng nội dung của bức thư bằng tiếng phổ thông và tiếng Ba Na. Cuối buổi, già làng kêu gọi cộng đồng cùng nhau đoàn kết thực hiện theo lời dặn dò của Bác để ổn định và nâng cao cuộc sống. Bí thư Chi bộ làng Tờ Mật Đinh Thị Hoan cho biết: "Làng có 126 hộ với gần 700 nhân khẩu, đều là người dân tộc Ba Na, đã định canh, định cư từ sau ngày giải phóng. Nhà nào cũng được cấp phát ảnh chân dung và thư của Bác được dịch ra song ngữ Việt - Ba Na và Việt - Gia Rai với khổ lớn, chữ to và rõ ràng để bà con dễ đọc, dễ nhớ. Ảnh và thư của Bác được bà con trân trọng treo ngay giữa nhà, nơi trang trọng nhất. Từ ngày học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, làng Tờ Mật đã có những đổi thay trong cuộc sống. Bà con trong làng không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động để làm những điều trái pháp luật mà tập trung cho sản xuất, nuôi dạy con cháu trưởng thành để mai sau giúp ích cho xã hội. Từ chỗ cả làng chỉ biết trồng cây lúa, cây ngô truyền thống trên nương rẫy với sản lượng hằng năm không đủ trang trải cho cái ăn, cái mặc, đến nay đã có phần dôi dư tích lũy. Hơn 300 ha mía và sắn cao sản được chuyển đổi từ quỹ đất bỏ hoang hóa và đất bạc màu trước đây đã mang lại nguồn lợi lớn về sản phẩm hàng hoá cho làng, nhà nào cũng có mức thu bình quân từ 30 đến 50 triệu đồng/năm từ hai loại cây trồng này, có những hộ nuôi thêm bò lai, heo lai và có mức thu hơn 100 triệu đồng/năm như gia đình ông Đinh Em, gia đình ông Đinh H'Lược... Cả làng hiện chỉ còn dưới 20% số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) là một trong số ít buôn làng dân tộc Ba Na có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của huyện K'Bang. Già làng Đinh Quech bộc bạch: "Cuộc sống của bà con ở làng Tờ Mật đang ngày càng được no ấm và sung túc hơn, bà con đau ốm thì đến Trạm y tế xã được điều trị miễn phí, có hệ thống nước sinh hoạt đưa đến tận nhà để sử dụng, không còn tình trạng đi xa lấy nước sông, nước suối mất vệ sinh nữa. Đó là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Thư của Bác Hồ đã đến được với dân làng Ba Na ở vùng sâu, vùng xa này, bà con ai cũng được đọc và hiểu sâu sắc những lời Bác căn dặn. Việc làm theo Bác của dân làng đều phát huy hiệu quả rõ rệt trong cuộc sống...".

Làng Bi thuộc xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) có 195 hộ dân là người dân tộc Gia Rai đã được định canh, định cư từ sau ngày giải phóng, bà con một lòng theo Đảng và cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Diện tích cây trồng ở làng Bi ngày càng được mở rộng với hàng trăm ha đất canh tác các loại cây chủ lực như: Ngô lai, mỳ cao sản, lúa lai và điều. Hiện nay, cả làng chỉ còn bốn hộ thiếu ăn vào vụ giáp hạt (chiếm 2%), số hộ còn lại đều có mức sống ổn định và đang tiến tới làm giàu bằng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Ông K'Sor Bơng, già làng Bi cho biết: "Sự chuyển biến tích cực của dân làng Bi là ai cũng được học tập và làm theo lời dạy trong thư của Bác Hồ, càng đọc càng hiểu và thêm niềm tin đối với Đảng, với cách mạng. Bà con yên tâm tập trung chăm lo sản xuất để được no cơm ấm áo, chăm lo việc học hành cho con cháu để mai sau giúp ích cho gia đình và xã hội...".

Không chỉ riêng làng Tờ Mật, làng Bi, mà hàng nghìn buôn làng dân tộc Gia Rai, Ba Na khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đang học tập và làm theo những lời dạy trong thư của Bác Hồ, buôn làng nào cũng có sự đổi thay rõ nét. Ý thức của bà con trong lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và cuộc sống được nâng cao, tình đoàn kết thêm gắn bó, bền vững./.

Bài và ảnh: Phan Hòa

Theo http://www.nhandan.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: