Ngày 27-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban Dân tộc giải phóng.

Trong bối cảnh Cách mạng Tháng Tám thành công, để củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng, ngày 27-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Người đưa ra đề nghị cụ thể về chính sách đại đoàn kết dân tộc để thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, bao gồm cả những đại diện các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, những nhân vật có danh vọng trong xã hội.

Tuân theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời không phải là chính phủ riêng của Mặt trận Độc lập Đồng minh... Nó là một chính phủ thống nhất quốc gia giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ cộng hòa chính thức. Hồ Chí Minh đã được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đánh giá toàn bộ sự kiện trọng đại này, Bác Hồ viết: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”.

Có thể nói, trong nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không có nhiều nước trên thế giới làm được việc thành lập Chính phủ trước khi giành được chính quyền. Nước ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ đã làm được điều đó. Đình Tân Trào là nơi Đại hội đại biểu Quốc dân tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh về Tổng khởi nghĩa và quyết định lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ít ai có thể hình dung, chỉ mấy ngày sau đó, ngày 19-8-1945, Chính phủ non trẻ ấy đã lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Chính phủ được kiện toàn sau Cách mạng Tháng Tám là một Chính phủ gọn nhẹ và hiệu quả, một Chính phủ mang bản chất giai cấp công nhân, có tính dân tộc và nhân dân. Cùng với những người cộng sản, Bác Hồ đã chú ý mời các nhân sĩ, trí thức, những người yêu nước, thực sự có tài, có đức tiêu biểu cho nhân dân vào tham gia Chính phủ. Cái tài của Bác là tập hợp được tất cả những người dù không thích nhau về tình cảm, về tư tưởng, về chính kiến... nhưng thống nhất ở chỗ đặt lợi ích của nhân dân, của độc lập dân tộc lên trên hết, cùng đoàn kết xây dựng một chính quyền mạnh.

Sự ra đời và từng bước cải tổ cho phù hợp với điều kiện thực tế của Chính phủ Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và khát vọng tự do của một dân tộc anh hùng.

Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: