Trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của dân tộc luôn là tấm gương tỏa sáng muôn đời về lòng yêu nước, đức hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc và phong trào hòa bình của nhân dân thế giới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” luôn là niềm vinh dự, tự hào và là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước… Đối với chúng tôi - những người làm báo, viết về Người vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của những người cầm bút đối với Bác Hồ kính yêu.
Phú Thọ rất tự hào được 9 lần đón Bác về thăm. Mỗi địa danh trên quê hương đất Tổ, nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, những minh chứng lịch sử trực quan sinh động được nhân dân Phú Thọ qua các thế hệ trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Những kỷ niệm của Bác Hồ kính yêu đối với mảnh đất này đã thôi thúc chúng tôi lên đường thực hiện ký sự “Hành trình theo dấu chân Bác”.
Kỳ I
Nơi Bác dừng chân những ngày đầu kháng chiến
Trong hành trình Người từ Hà Nội lên Việt Bắc năm 1947 cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến, Bác Hồ đã dừng chân tại 3 điểm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao - nay thuộc thành phố Việt Trì) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Trong thời gian làm việc tại đây (từ ngày 4/3 - 1/4/1947), Bác đã dành thời gian đọc “Việt Nam sử lược”; nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; đặt tên cho các đồng chí trong đội cận vệ của Người là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi để nhắc nhở mọi người nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo, công bố nhiều tài liệu, văn kiện quan trọng.
Ngược dòng thời gian, chúng tôi trở về xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng - một trong những địa điểm đầu tiên mà Bác dừng chân tại Phú Thọ. Gần 70 năm đã trôi qua, những người được gặp Bác, được nhìn thấy Bác năm xưa giờ đã vắng dần, cảnh vật cũng đã đổi thay. Trước đây ngôi nhà Bác ở là nhà gỗ 5 gian lợp lá cọ, nằm giữa khu vườn rợp mát cây xanh vắng người qua lại. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi nhà đó được chuyển nhượng cho hộ gia đình khác và những dấu tích xưa giờ cũng không còn nguyên vẹn. Khu di tích chỉ còn tấm bia tưởng niệm ghi lại sự kiện khi Bác về dừng chân tại Yên Kiện.
Rất may mắn cho chúng tôi khi được gặp ông Nguyễn Hữu Vạn (con trai cụ Nguyễn Ngọc Đa), chủ nhân ngôi nhà khi xưa Bác đã ở tại xã Yên Kiện và cũng là nhân chứng sống được nhìn thấy Bác. Ông Vạn nay đã ngoài 80 tuổi, tóc trắng như cước, nước da hồng nhuận, giọng nói trầm ấm. Bên ấm trà nóng, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện năm xưa một cách rõ ràng, mạch lạc gần như không thiếu chi tiết nào: “Ngày 28/3/1947, có một anh bộ đội và một chị dân quân đến xin đẻ tôi mượn nhà để ở, nhưng lần này các anh chị mong muốn là gia đình tôi chuyển đi chỗ khác nhường cả ngôi nhà cho đoàn ở để đảm bảo bí mật. Hai hôm sau, khoảng 9 giờ tối, tôi đang ngủ thì thấy đẻ tôi gọi cả dậy, bảo chuyển sang nhà ông nội ở tạm. Mẹ tôi dặn, trong những ngày đoàn cán bộ ở đây, anh chị em tôi không được tự nhiên chạy về nhà. Một chiều, có con trâu chạy vào vườn nhà ăn mấy khóm lạc, tôi chạy về đuổi thì thấy một người mặc bộ quần áo nâu ngồi trên chiếc phản gần cửa sổ đang chăm chú làm việc. Đến ngày thứ ba, khi đi chăn trâu về, tôi thấy anh bộ đội đi trước, phía sau là một cụ già đội mũ cáp mặc áo bạt. Tối ấy, ngồi ăn cơm, đẻ tôi mới nói Bác Hồ vừa ở nhà mình”. Kể đến đây, giọng ông Vạn chùng xuống đầy nuối tiếc vì không được biết sớm hơn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc để được gần Người hơn dù chỉ là qua những ánh nhìn.
Ông Nguyễn Hữu Vạn kể chuyện tại Bia tưởng niệm Bác ở xã Yên Kiện
Hiện nay, 3 địa danh in bóng hình Bác đều được UBND Tỉnh cấp Bằng Di tích lưu niệm. Trong đó, Chu Hóa và Cổ Tiết đã quy hoạch và xây dựng lại khang trang xứng tầm Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch, chỉ còn Khu Di tích tại Yên Kiện chưa được xây dựng. Đây cũng là niềm mong mỏi khôn nguôi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Yên Kiện và đặc biệt là với gia đình cụ Vạn - những nhân chứng sống được gặp Bác một thời cách mạng hào hùng. Bởi việc xây dựng Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch là việc làm quan trọng không những ghi lại dấu tích của một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn có vai trò lớn trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Thời gian đã lùi xa, dấu ấn về Bác là di sản vật chất và tinh thần vô giá mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Kiện, Cổ Tiết và Chu Hóa có trách nhiệm gìn giữ, phát huy nhằm tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo lời Bác dạy, nhiều năm qua, các xã đã cố gắng phấn đấu không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người để xứng đáng với tình cảm mà Bác đã dành cho nơi đây.
Từ “Thủ đô gió ngàn” Bác về thăm Đền Hùng
Sáng ngày 18, 19/8/1954, Bác từ “Thủ đô gió ngàn” (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Thấm thoắt đã hơn 60 năm nhưng những lời căn dặn của Bác “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” vẫn luôn là “mệnh lệnh thiêng liêng” đối với nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng cũng như nhân dân cả nước Việt Nam nói chung. Ðến hôm nay, mặc cho thời gian vần vũ, mặc cho cảnh cũ người xưa có nhiều thay đổi, hình ảnh của Bác, lời dạy của Bác càng ăn sâu, bén rễ trong cốt tủy của những nhân chứng từng được gặp Bác năm nào. Theo con ngõ nhỏ trên đường Hòa Phong (thành phố Việt Trì), chúng tôi đến nhà gặp Thiếu tướng Nguyễn Hiền - người đã gặp Bác tại Đền Giếng năm xưa. Ông đã không nén được xúc động khi có người khơi gợi lại kỷ niệm thiêng liêng năm nào.
Thiếu tướng Nguyễn Hiền tâm sự: “Tôi đã được gặp Bác 6 lần và lần nào cũng rất ấn tượng. Nhưng sâu sắc nhất vẫn là lần thứ tư được gặp Bác tại Đền Hùng, trên quê hương Đất Tổ”. Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác, từ dáng điệu nhanh nhẹn mà hiền từ, lời nói ấm áp thân tình như cha dặn con. Bác đã nhắc nhở những điều cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội không những đã giúp cán bộ, chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ lúc ấy mà đến tận bây giờ ông vẫn còn thấy nguyên giá trị.
Thiếu tướng Nguyễn Hiền bên những kỷ vật viết về Đảng, về Bác Hồ mà mấy chục năm qua
ông đã nâng niu giữ gìn
Ông nhớ nhất lời Bác đã dặn: “Các chú phải thận trọng với viên đạn bọc đường”, muốn vậy phải “tránh thiếu ý thức kỉ luật trong ăn, ở, đi lại, mua bán, tránh xa xỉ, ăn diện, bắt chước lối sống không tốt, dễ sinh ra tham ô, hư hỏng”. Rồi Người nói với chúng tôi: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy. Lời nói ấy Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Cho chúng tôi xem các bài báo viết về Đảng, về Bác Hồ, về những sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh Phú Thọ, những bức thiệp chúc tết Bác gửi cho chiến sỹ động viên anh em chiến đấu mà mấy chục năm qua luôn được giữ gìn cẩn thận, ông nói: “Những kỷ niệm này không chỉ là niềm tự hào mà còn là những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời, giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ, người cán bộ trong các cuộc chiến đấu ác liệt, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc”.
Ngày 19/8/1962, một lần nữa, Đền Hùng lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Lên đến Đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi, Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”. Khi lên đến Đền Thượng là khoảng 11 giờ, Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm ở cửa ngách phía Đông Nam Đền Thượng. Trước khi về, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm quan”. Lời căn dạy của Bác vừa mang tính tổng kết, vừa có tính định hướng cho việc phát triển, tôn tạo Đền Hùng trong tương lai; đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với vị tướng già thăm lại khu vực Đền Giếng năm xưa, giữa bạt ngàn cây rừng và gió núi, chúng tôi vẫn vẳng nghe đâu đây lời dạy giản dị mà vô cùng sâu sắc của Người. Để ghi dấu nơi Bác ngồi nói chuyện với với Đại đoàn 308, ngày 22/12/2001, Bộ Quốc phòng đã xây dựng bức phù điêu được ghép từ 81 khối đá xanh, nặng 253 tấn, cao 7m, rộng 12m, đặt trong khuôn viên rộng 4.000m2, phía trên có ghi câu nói bất hủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xây dựng, tôn tạo khang trang thể hiện tấm lòng tri ân,
biết ơn của cháu con với những người đã có công dựng nước
“Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày nay được xây dựng, tôn tạo khang trang đã thể hiện tấm lòng tri ân, biết ơn của lớp lớp cháu con với người đã có công dựng nước. Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thêm một lần nữa khẳng định truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và những lời dạy của Bác sẽ còn truyền lại cho muôn đời sau. Các cháu thấy đấy, cứ mỗi mùa giỗ Tổ, người dân cả nước lại tìm về Đất Tổ thắp hương viếng Mộ Tổ để tri ân Tổ tiên, thể hiện tình cảm cộng đồng dân tộc và khẳng định tinh thần làm chủ đất nước, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng ấy như một lời thề, một lời hứa với Bác Hồ, với Tổ quốc, để từ đây có thể tự hào “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước” và thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Người năm xưa” - Thiếu tướng Nguyễn Hiền xúc động nói.
Từ đỉnh Nghĩa Lĩnh, đứng bên Ðền Thượng, chúng tôi thả tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Khu Di tích. Sau 12 năm triển khai thực hiện dự án Ðền Hùng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - một dự án trọng điểm về lĩnh vực văn hóa của Nhà nước, đặc biệt là những năm gần đây, Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng đã thay đổi rõ rệt từng ngày. Lời căn dặn của Bác, những giá trị thiêng liêng của tổ tiên và những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mãi là nền tảng, động lực để thế hệ người Việt tự hào tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển./.
Hương Giang - Khánh Trang
Theo Báo Phú Thọ
Huyền Anh (st)