1. Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày ngày 24/11/2015

Bộ luật Dân sự 2015 có bố cục 6 phần, 27 chương, 689 điều, trong đó đã thể hiện rất nhiều nội dung mới và sự đột phá trong tư duy pháp lý, tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự; ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của người dân.

Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Luật nêu rõ việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác liên quan (Điều 36: Quyền xác định lại giới tính; điều 37: Chuyển đổi giới tính).

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định những quyền riêng tư như quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng, quyền bảo vệ bí mật gia đình hay được yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin tiêu cực về mình là không đúng sự thật...

Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều quy định góp phần hoàn thiện chế định tài sản và quyền sở hữu để bảo đảm tính bao quát, minh bạch trong quy định của pháp luật, huy động và khai thác các nguồn lực vật chất trong xã hội.

Riêng về lãi suất vay thỏa thuận, Bộ luật Dân sự 2015 quy định không được vượt quá 20%/năm.Cụ thể:

- Khi thỏa thuận lãi suất, các bên không được thỏa thuận lãi suất vượt quá 20% khoản tiền vay/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

+ Nếu các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

+ Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định điều chỉnh mức lãi suất trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

- Nếu các bên có thỏa thuận về trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.

2. Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015

Từ ngày 01/01/2017, các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm:

- Trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.

- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, quy định rõ thẩm quyền miễn, giảm phí và lệ phí như sau:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án.

- Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Nghiêm cấm các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, phải niêm yết công khai tại địa điểm thu và trên trang thông tin điện tử về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm phí, lệ phí…

Ngoài ra, Luật cũng quy định 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá tại Phụ lục 02 như: Phí thủy lợi; phí chợ; phí qua đò, qua phà; phí trông giữ xe…

3. Luật Báo chí số 103/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016

Cấm báo chí quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án là một trong những hành vi bị cấm theo Luật Báo chí 2016. Ngoài hành vi này, Luật mới đã bổ sung nhiều hành vi cấm khác bên cạnh những hành vi đã bị cấm tại Luật Báo chí 1989, nổi bật như:

- Cấm thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

- Cấm thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

- Cấm thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

- Cấm cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.

- Cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Báo điện tử phải thực hiện chế độ lưu trữ nguyên vẹn nội dung thông tin đăng, phát trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đăng, phát để phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Khoản 4 Điều 80 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14, được Quốc hộithông qua ngày 17/11/2016

Luật Đấu giá tài sảncó hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Riêng Khoản 4 Điều 80 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Cụ thể: “Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí dịch vụ đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản, chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản cho đến ngày 01 tháng 7 năm 2017”.

5.Luật Kế toán số 88/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015

Luật có một số điểm mới sau:

- Quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán (DVKT) như: đăng ký hành nghề DVKT; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; doanh nghiệp kinh doanh DVKT…

- Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày 01/01/2017, các doanh nghiệp kinh doanh DVKT thành lập trước đó phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật kế toán 2015 để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT.

Sau thời hạn trên, nếu không đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải chấm dứt hoạt động kinh doanh DVKT.

- Cụ thể hóa một số hành vi bị nghiêm cấm trong kế toán, đơn cử:

+ Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT dưới mọi hình thức.

+ Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.

6. Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13, được Quốc hộithông qua ngày 25/6/2015

Luật quy định ngân sách nhà nước được giám sát bởi cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng. Nội dung giám sát bao gồm: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước theo quy định.

Mức dư nợ vay của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không được vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đối với các địa phương còn lại, mức dư nợ vay tối đa bằng 30% hoặc 20%.

Để hạn chế việc chi chuyển nguồn, Luật giới hạn 06 loại chi nêu sau mới được chuyển nguồn sang năm sau:

- Chi đầu tư phát triển, việc chuyển nguồn được thực hiện theo Luật đầu tư công.

- Chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31 tháng 12 năm thực hiện dự toán;

- Nguồn thực hiện chính sách tiền lương;

- Kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước;

- Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán;

- Kinh phí nghiên cứu khoa học.

Ngoài 06 loại chi trên, các khoản tăng thu, tiết kiệm chi theo Khoản 2 Điều 59 của Luật này, nếu được cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng vào năm sau thì được chuyển nguồn sang ngân sách năm sau để thực hiện.

7. Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016.

Từ 01/01/2017, số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là 243 ngành, nghề (thay vì 267 ngành, nghề như quy định cũ). Như vậy, quy định mới đã bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đơn cử:

- Kinh doanh dịch vụ của đại lý đấu thầu;

- Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm;

- Kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc;

- Kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh;

- Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

- Dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm.

Đồng thời, bổ sung “kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị” và “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ ngày 01/7/2017.

Ngoài ra, “kinh doanh pháo nổ” sẽ được thêm vào Danh sách các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

8. Luật Dược số 105/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016

Luật quy định mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề dược.Trên Chứng chỉ hành nghề dược ghi đầy đủ phạm vi hành nghề mà người có Chứng chỉ hành nghề dược đáp ứng Điều kiện và được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề dược không quy định thời hạn hiệu lực và có giá trị trong phạm vi cả nước.

Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án hoặc không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: