Phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật là quy định cụ thể trong Sắc lệnh 51 về thể lệ bầu cử. Đây là nguyên tắc cơ bản được quy định ngay trong Hiến pháp đầu tiên và xuyên suốt pháp luật về bầu cử của nước ta cho đến ngày nay. Có quyền và thực hiện quyền chính trị cơ bản của công dân là thành quả của quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh của cả dân tộc không chịu áp bức, bóc lột và lệ thuộc đứng lên giành lấy quyền tự quyết cho nhân dân mình.

“Toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”

Từ thực tiễn cách mạng sống động đến quy định của Sắc lệnh 51, chúng ta càng thấy giá trị của mỗi lá phiếu thấm đượm tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, đồng tâm, hiệp lực chiến thắng gian nan, thực hiện quyền công dân xây dựng nhà nước còn non trẻ. Kẻ thù lúc bấy giờ cho rằng, nhân dân đa số còn mù chữ không thể thực hiện quyền cơ bản. Khi ấy “Các báo phản động như Việt Nam, Thiết thực, Đông Tâm vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay tổng tuyển cử vì rằng trình độ dân trí của ta còn thấp kém (!), trên 90% dân số mù chữ nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, rằng cần tập trung chống Pháp xâm lược không nên mất thì giờ vào bầu cử… Thực chất là chúng phá hoại tổng tuyển cử”.

Thực hiện quyền chính trị cơ bản vào thời điểm năm 1946 với mỗi công dân là niềm tin vào chính quyền cách mạng, niềm tự hào là công dân của một nước độc lập; đồng thời là một thách thức trong bối cảnh “giặc ngoài, thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết các nhiệm vụ cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời vừa đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng”.

Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập dân tộc, một lòng theo Đảng, theo Bác và nhận thức rõ vận mệnh của đất nước, dũng cảm đấu tranh cho nền độc lập non trẻ của nước nhà… đã tập hợp, đoàn kết toàn dân trong muôn vàn khó khăn để lần đầu tiên thực hiện quyền chính trị cơ bản, thiêng liêng của người dân Việt Nam.

Quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam đã được ghi trong Khoản thứ hai, Sắc lệnh 14 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký ngày 8.9.1945 “tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Trong lúc này, ai có thể ra ứng cử lo việc nước là lời kêu gọi tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân. Quyền ứng cử là không giới hạn đối với tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên. Việc mở rộng khối đoàn kết toàn dân để sáng suốt lựa chọn những người lo việc nước là chủ trương sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử lúc bấy giờ.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân đều có quyền bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Vào thời điểm đó, chưa quyết định tiêu chuẩn kỹ lưỡng của đại biểu như bây giờ. Chỉ đơn giản “hễ là những người muốn lo việc nước” đều được hướng dẫn về đăng ký ứng cử ở nơi cư trú và đơn vị bầu cử. Nhưng niềm tin vào nhân dân, vào lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng chính là sức mạnh chính trị đoàn kết toàn dân là cơ sở cho sự lựa chọn để “phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai là đại biểu chân chính của mình”.

QH khoa I
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I - Ảnh: TL

Cuộc bầu cử mẫu mực của chế độ dân chủ cộng hòa

Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho biết, “cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc cũng là cuộc bầu cử mẫu mực của chế độ dân chủ cộng hòa. Trong bối cảnh có nhiều đảng phái tranh cử, người dân được bầu cử tự do, nhưng phần lớn đại biểu được bầu là người của Việt Minh. Điều này cũng thể hiện uy tín của lực lượng Việt Minh trong lòng nhân dân. Tỷ lệ người dân đi bầu rất cao; người dân hồ hởi bởi lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Mặc dù dân trí chưa được cao, nhưng vượt qua mọi khó khăn và sự chống phá của kẻ thù, từ miền xuôi đến miền ngược, người dân hồ hởi đi bầu cử. Đồng bào rất tin tưởng, đủ bản lĩnh để lựa chọn bầu cho ai, và chọn ra thành phần xứng đáng để lập ra Chính phủ”.

Tổng tuyển cử trong cả nước là cuộc vận động chính trị hết sức rộng lớn của toàn dân. Và trong muôn vàn khó khăn, đe dọa, ngăn cản của thù trong, giặc ngoài, nhân dân vững niềm tin theo Đảng, theo Bác, đón nhận tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng: “Toàn dân, ai nấy đều có quyền ra ứng cử, bầu cử. Qua đó, dân tự chọn, nhưng tự chọn đấy cũng đã có sự vận động tuyên truyền hoặc nhiều đại biểu ra ứng cử cũng phải phát biểu trước dân, tất nhiên số đó không nhiều, nhưng trong tài liệu cũng đã có một số địa phương làm điều đó. Lúc đó, Cụ Hồ cũng đi bỏ phiếu như mọi người dân khác. Cho nên việc vận động là cần thiết nhưng thực tế cần phải có tuyên truyền”.

Kết quả bầu cử phản ánh niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng và quyết tâm bảo vệ nền độc lập non trẻ. “Tại Hà nội, trung tâm của cả nước, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng tới vận mệnh của dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã hăng hái tham gia tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Kết quả 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử ĐBQH, người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%; người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%”.

Những con số về người tham gia bầu cử, người tham gia ứng cử và kết quả bầu cử ở ngay Thủ đô cho chúng ta thấy những bài học lớn từ tư tưởng đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự lãnh đạo tài tình của Bác trong buổi đầu gian nguy, đấu tranh khốc liệt của Nhà nước non trẻ lúc bấy giờ. Niềm tin mãnh liệt vào nhân dân cũng chính là yếu tố quyết định thắng lợi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử trước hết là thắng lợi của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, đấu tranh giành độc lập; là thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị, pháp lý ngay trong những ngày đầu cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.

Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 là sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, xác định tính hợp pháp, hợp lòng dân của Chính quyền cách mạng; đồng thời là cơ sở để chính quyền xây dựng đất nước. Trải qua một chặng đường dài phát triển đất nước nhìn lại, vô cùng khâm phục quyết sách sáng suốt của cụ Hồ.

Tổng tuyển cử thành công là dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, mở ra bước đi tiếp của cách mạng, của cuộc đấu tranh chính trị pháp lý đến hồi cao trào, khôn khéo, quyết liệt. Đó là tổ chức kỳ họp QH đầu tiên để thông qua Chính phủ chính thức của toàn dân và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên.

Lệ Thủy

Theo http://daibieunhandan.vn

Thu Hiền (st)

____________

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960.

- Hồ Chí Minh toàn tập T4.

- 60 năm Quốc hội Việt Nam.

Bài viết khác: